back to top
28.9 C
Chư Sê
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Lời Phật dạy về bốn hạng người ở đời

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau.

Vì có nhân-quả, ta cố gắng thay đổi thì sẽ thành tựu ước nguyện

Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả.

Cố gắng sẽ có quyền quyết định số phận của bản thân

Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?”

Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”

Cậu bé ấy, nghe câu trả lời của bố có chút suy luận như sau:

1. Bố của mình rất giàu có, nhưng tiền của bố là của bố, vì công khó nhọc do bố làm ra.

2. Nếu như mình muốn có tiền và giàu có như bố, cũng phải thông qua lao động và cố gắng để có được.

Nghe xong câu trả lời của bố, cậu bé sẽ rất cố gắng để trở nên giàu có như bố mình. Quan trọng hơn hết là một loại giàu có về đạo đức tinh thần, sau sẽ giúp cậu bé hưởng lợi ích cả đời mà không sợ ai cướp mất.

Buông thả thì số phận ta sẽ theo nghiệp lực định đoạt

Cũng câu hỏi này, ở một gia đình khác? Ông bố trả lời một cách tự hào và rất kiêu hãnh: “Nhà chúng ta có rất nhiều tiền con ạ và lớn lên tất cả những gì bố có sẽ thuộc về con, con khỏi phải lo?”.

Đứa bé sau nghe được câu trả lời đó của bố, sẽ đưa ra một nhận định như sau:

  1. Bố mình là người giàu có, nhà mình có rất nhiều tiền.Tiền của bố mình chính là tiền của mình.
  2. Như vậy, mình không cần cố gắng học hỏi và làm việc vì đã có rất nhiều tiền rồi.

Người có đạo đức luôn tin nhân quả và sống không ỷ lại, nhờ vả van xin hay dựa dẫm bất kỳ một thế lực nào. Nên đã dạy cho con cái, cách sống tự lập và dấn thân bằng mồ hôi nướt mắt của chính mình.

Không gì vượt ngoài luật nhân quả

Bốn hạng người theo lời dạy của Đức Thế Tôn

Một hôm, đức Phật đang chuẩn bị buổi tham vấn đạo lý cho tất cả quan quân thành Xá Vệ tại tịnh xá Kỳ Viên, vua Ba Tư Nặc cùng đoàn tùy tùng sau khi đảnh lễ đức Thế tôn bèn ngồi sang một bên và thưa hỏi:

– Thế nào, Thế Tôn! Tất cả Bà La Môn sau khi chết sanh trở lại làm Bà La Môn chăng? Giai cấp Sát Đế Lợi, Tỳ Xá, Thủ  Đà La cũng lại như thế chăng?

– Này đại vương, đâu được như vậy! Trên đời có 4 hạng người: Hạng người từ tối vào tối; Hạng người từ tối vào sáng; Hạng người từ sáng vào tối; Hạng người từ sáng vào sáng.

– Thưa đại vương, thế nào là hạng người từ tối vào tối? Ở đây có một số người được sanh ra trong gia đình hạ tiện, thấp kém, ở đợ, làm mướn, gia đình Chiên đà la, làm nghề đồ tể, lưới cá, giăng bẫy, đổ rác, đương lát và làm các nghề nghiệp thấp kém khác. Cơm không đủ no, áo không đủ mặc, ăn uống thiếu thốn, nghèo cùng, bệnh tật chết yểu, thân thể xấu xí, luôn làm các việc hạ tiện và cũng bị người sai làm các việc hạ tiện, ấy gọi là tối. Trong chỗ tối đó người ấy thân hay làm việc ác, miệng nói ác, ý suy nghĩ ác, do nhân đó sau khi chết người ấy sanh vào cõi dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu nhiều khổ báo; giống như người từ tối vào tối, luôn sống trong tối tăm, hắc ám, vô minh, mê muội, đời này làm ác, đời sau làm ác, không biết lối đi; người từ tối vào tối cũng lại như thế.

– Đại vương! Thế nào là người từ tối vào sáng? Như đã nói ở trên, tuy đang ở trong chỗ tối nhưng người này ý luôn suy nghĩ điều tốt lành, miệng nói lời lành, thân hay làm việc tốt, luôn tôn kính người tu hành chân chánh, biết giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người hoạn nạn. Do nhân ấy sau khi chết được tái sanh vào các cõi trời, hoặc trở lại làm người cao sang, quyền quý; giống như có người từ đất bước lên kiệu, từ kiệu bước lên ngựa, từ ngựa lên voi hay từ voi lên lầu; người từ tối vào sáng cũng lại như thế.

– Thế nào là người từ sáng vào tối? Ở đây có người sanh ra trong nhà cao quý, có địa vị, danh vọng trong xã hội, gia đình Bà La Môn giàu có, gia đình Sát Đế Lợi giàu có, nhiều tiền của, nhiều tôi tớ, thân tướng tốt đẹp, trang nghiêm, thông minh, trí tuệ, ấy gọi là sáng. Nhưng hiện tại người ấy thân hay làm các việc ác, miệng nói lời ác, ý suy nghĩ ác, hại người hại vật, do nhân duyên đó sau khi chết bị đọa vào ba đường dữ chịu nhiều khổ báo; giống như có người từ lầu cao bước xuống voi, từ voi bước xuống ngựa, từ ngựa bước xuống kiệu, từ kiệu bước xuống đất, từ đất rơi xuống hầm và lọt xuống hố sâu; người từ sáng vào tối cũng lại như thế.

– Thế nào là người từ sáng vào sáng? Có những người sanh ra trong gia đình giàu sang, cao quý, có địa vị và danh vọng cao trong xã hội, có nhiều tiền của, nhiều kiến thức, sống vương giả, nhiều tôi tớ, muốn gì được nấy. Hiện tại ý luôn suy nghĩ tốt lành, miệng nói lời lành, thân hay làm những việc phước đức và hay khuyên nhủ mọi người cùng làm theo. Người như vậy sau khi chết do nhân tốt lành đó nên được sanh lên các cõi trời để hưởng phước báu thù thắng; giống như người từ đất đi thẳng lên các lầu cao và thoải mái dạo chơi trên ấy; người từ sáng vào sáng cũng lại như thế.

Phật nói kinh này xong, vua và các quan được nghe điều chưa từng nghe và biết được điều chưa từng biết, bao nhiêu thấy biết sai lầm từ xưa đến nay đều được sáng tỏ hết.

Người có đạo đức luôn tin nhân quả và sống không ỷ lại, nhờ vả van xin hay dựa dẫm bất kỳ một thế lực nào.
Người có đạo đức luôn tin nhân quả và sống không ỷ lại, nhờ vả van xin hay dựa dẫm bất kỳ một thế lực nào.

Các hạng người theo tư tưởng người Ấn Độ xưa

Theo lịch sử Ấn Độ cổ xưa, người Ba Tư cổ đại nay là Iran thuộc giống dân da trắng xâm lăng toàn thắng dân gốc Ấn Độ da đen. Để nắm quyền cai trị phân biệt chủng tộc giai cấp, một số người có quyền thế chế tác ra luật Manu, cho rằng trời Phạm thiên sanh ra vạn vật. Theo tập cấp phong kiến cổ xưa, ai sanh ra thuộc giai cấp nào thì trước sau phải chịu như vậy, không thể nào thay đổi được, giống như tổ chức của loài ong, loài kiến. Các giai cấp này được sắp đặt và hình thành theo hệ thống pháp lý hẳn hòi, dựa theo truyền thống xa xưa có một đấng tối cao ban phước giáng họa trên thế gian này.

Vậy phong kiến là gì? Phong kiến là phong chức, cấp đất và phong kiến còn mang ẩn nghĩa là một tổ chức được sắp đặt theo loài ong, loài kiến. Trong tổ của loài ong cấp nào việc đó, ong thợ chỉ một việc xây tổ, ong nước chuyên đi lấy nước, ong mật chuyên đi hút mật, ong thầy thuốc chuyên lo pha chế mật hợp với từng loài, ong bảo vệ có trách nhiệm giám sát tuần tiểu cẩn thận, ong đực lo truyền giống, ong cái lo đẻ trứng. Chỉ một con ong cái nhưng có cả hàng trăm con ong đực nên ong cái được tôn vinh là ong chúa. Ong chúa được ăn một loại thức ăn đặc biệt gọi là mật ong chúa. Khi ong chúa đến chỗ mật để ăn thì tất cả ong dân đều quỳ mọp tỏ vẻ cung kính, khép nép và sợ sệt. Một con ong chúa có khả năng sinh hàng trăm ngàn con ong con. Trong tổ thiếu ong gì thì ong thầy thuốc chế thức ăn để ong chúa ăn và đẻ ra thứ ong đó; như tổ thiếu ong hút mật thì ong chúa đẻ nhiều ong hút mật. Đặc biệt là đẻ ong chúa con, lâu lắm mới đẻ một lần, mỗi lần chỉ ba trứng; nhưng thật dã man thay, ong chúa mẹ biết được giờ ong chúa con nở nên đã đến nằm chờ sẵn, trứng thứ nhất vừa nở ra, ong chúa mẹ liền cắn chết ong chúa con; kế đến, ong chúa con thứ hai tiếp tục được sinh ra và vẫn bình yên vô sự. Đây là điều kỳ lạ của loài ong, nhưng chị ong chúa con thứ hai này lại nằm chờ sẵn, đợi đến cô em ong chúa thứ ba vừa chào đời liền cắn chết. Dã man thay, gia đình loài ong là như thế.

Tuy nhiên, con người khôn hơn nên lợi dụng quyền thế sắp đặt chẳng khác nào loài ong dưới danh nghĩa một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng họa để áp đặt và cai trị. Con người ngày xưa với thiên hình vạn trạng, so với bầu vũ trụ bao la này thật là nhỏ bé nên không đủ sáng suốt biết rõ sự thật trước những hiện tượng như sấm sét, sóng thần, động đất, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng của con người. Không ai tìm ra được nguyên nhân nên đành chấp nhận xuôi tay phó mặc cho số phận thượng đế đã an bài.

Ngày xưa, người có quyền hành thế lực lợi dụng con người thiếu hiểu biết nên đã đặt ra đấng quyền năng và tự xưng mình là Thiên tử, tức con trời, được đấng tối cao sai xuống trần gian để trị vì thiên hạ.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, con người ngày càng văn minh hơn nên đã phát hiện mọi hiện tượng sự vật trên thế gian đều do nhiều nguyên nhân hợp lại, không có cái gì do một nhân mà hình thành. Chính khoa học đã làm sáng tỏ học thuyết nhân quả nhà Phật, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”, không có gì là cố định cả, không ai có quyền ban phước giáng họa; giả sử nếu có thượng đế thì chỉ là thượng đế tối cao của chính mình, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa thì tại sao không ban phước lành hết cho tất cả chúng sanh để cùng nhau chung hưởng cảnh thái bình?

Thế cho nên, vua Ba Tư Nặc hỏi Phật như vậy có đúng không. Phật liền trả lời, “đại vương nên biết có 4 hạng người: Có người từ tối vào tối, có người từ tối vào sáng, có người từ sáng vào tối, có người từ sáng vào sáng. Đây là bài kinh nhân quả Phật đã chỉ chúng ta một cách rõ ràng và thiết thực, mọi việc đều có thể thay đổi được tùy theo khả năng tu tập của mỗi người.

Đức Phật dạy về bốn hạng người (Ảnh minh họa)
Đức Phật dạy về bốn hạng người (Ảnh minh họa)

Hạng người thứ nhất 

Hạng người thứ nhất là hạng người kém phước đức do không biết làm các việc thiện lành tốt đẹp, lại không gặp được thầy hiền bạn tốt nên suốt đời sống trong đau khổ lầm mê. Do đời trước làm các việc bất thiện hại người, hại vật nên đời này sanh chỗ xấu ác, lại không được học hỏi, trau dồi kiến thức, không biết nhận định đúng sai nên đành chấp nhận cuộc đời giống như bèo dạt mây trôi, sống trong phiền muộn, khổ đau, cuối cùng rơi vào chỗ tối tăm, mờ mịt, lại tiếp tục gây tạo nghiệp nhân xấu ác, do đó đành phải chịu mãi mãi ở chỗ tối tăm. Hạng người này đáng thương hơn đáng trách, vì họ không đủ phước duyên thân cận thầy lành bạn tốt nên chúng ta cần phải quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kết duyên lành với họ, làm sao để gần gũi họ mà có cơ hội sẻ chia từ vật chất đến phương tiện tinh thần, hướng dẫn cho họ biết tin sâu nhân quả để khắc phục bớt việc làm có hại cho người và vật.

Hạng người thứ hai 

Hạng người thứ hai là hạng người biết cầu tiến, tuy trong hoàn cảnh xấu ác nhưng họ may mắn gặp được thiện hữu tri thức hướng dẫn, chỉ dạy nên nhận ra sai lầm quá khứ do mình tạo ra. Họ cố gắng siêng năng tinh cần, chịu đựng, quyết tâm khắc phục, làm mới lại chính mình bằng cách sám hối hứa chừa bỏ nghiệp nhân xấu ác và tùy theo khả năng, hoàn cảnh cuộc sống để làm việc phước thiện nên chuyển được quả xấu thành nhân tốt lành, do đó họ được từ tối vào sáng.

Hạng người thứ ba 

Hạng người thứ ba tuy có phước trong hiện tại nhưng vì nhận định sai lầm theo quan điểm cố định mà đời này mặc tình gây tạo tội lỗi, đến khi phước hết họa đến đành chấp nhận chịu quả khổ đau như người từ sáng vào tối.

Hạng người thứ tư 

Hạng người thứ tư là hạng người luôn tỏa sáng khắp mọi nơi vì đã tin sâu Tam bảo, tin sâu nhân quả, hiểu được giá trị của cuộc sống nên lúc nào cũng làm lợi cho chúng sinh, luôn chia sẻ phúc lộc bình an đến với mọi người trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

xem thêm: Lời Phật dạy – Những lời vàng ngọc của Đức Phật

https://www.youtube.com/watch?v=efH2rw_NKjQ
https://www.youtube.com/watch?v=C-u1iSgir78
https://www.youtube.com/watch?v=fDb1n2zDz8A

Thuyết pháp chủ đề nhân quả: Tầm nhìn 200 năm – Thượng tọa Thích Chân Quang

5/5 - (3 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo