19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Học theo gương hạnh Đức Phật

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Có lần Đức Phật đi khất thực vào xóm của Bà-la-môn. Các đệ tử Bà-la-môn thấy Thế Tôn, họ đem cơm cúng dường. Ngài đến dưới cội cây ngồi ăn, sau đó thuyết pháp cho họ nghe, kết quả họ xin quy y theo Phật rất đông.

Audio

Qua đôi ba lần, xóm đó từ từ chuyển thành Phật tử hết. Các thầy Bà-la-môn tức quá, chờ Đức Phật vào làng khất thực, họ theo sau chửi Phật rất thậm tệ. Chửi thì chửi Phật cũng cứ đi từ từ, không trả lời chi hết. Chịu hết nổi, vị thầy Bà-la-môn kia chặn đầu Ngài hỏi:

– Cồ-đàm, có nghe tôi nói không?

Phật nói:

– Nghe.

– Nghe sao không trả lời?

Phật đáp:

– Như nhà ông có đám giỗ mời thân quyến tới dự. Khi cúng kính xong, quà còn nhiều nên ông phân chia để tặng họ. Những thân quyến không nhận, vậy những món quà đó thuộc về ai?

– Tôi tặng mà người ta không nhận thì nó thuộc về tôi, chớ về ai?

Phật nói:

– Cũng vậy, ông chửi mà Ta không nhận thì những lời ấy thuộc về ai?

Ngày nay, quý Phật tử nghe người ta chửi có nhận không? Nhận, nên tức tối phiền não hoài. Đức Phật không nhận nên Ngài chẳng dính dáng gì. Người chửi tự nhớ, tự chịu, tự khổ. Chúng ta quý trọng Đức Phật ở chỗ Ngài cũng bị người ta chửi, nhưng bình thản không dao động, chớ đâu phải Ngài không bị chửi. Chẳng những Đức Thế Tôn không giận, không buồn mà còn thương người chửi nữa, vì biết họ nói bậy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đối với quý Phật tử, đừng nói tới chửi mà vừa thấy ai nói lén nhỏ nhỏ sau lưng đã lắng nghe rồi. Lắng nghe để nhận. Đức Phật bị kêu tên chửi còn không màng, nên bây giờ chúng ta mới lạy Ngài. Nếu Thế Tôn cũng như mình thì ngày nay làm gì có đạo Phật. Chính vì Phật không nhận nên Ngài không buồn không giận. Vì vậy Ngài trả lời một cách tự nhiên “Ông chửi, ta không nhận thì lời đó thuộc về ông”. Ngoại đạo nghe thế tự xấu hổ bỏ đi.

Lần khác, Phật đi khất thực cũng một thầy Bà-la-môn kêu tên Ngài chửi, Phật vẫn ung dung đi. Cuối cùng Bà-la-môn kia chạy lên chặn đường Đức Phật:

– Cồ-đàm, ông thua tôi chưa?

Phật liền nói bài kệ:

Người hơn thì thêm oán,

Kẻ thua ngủ không yên.

Hơn, thua hai đều xả,

Ấy được yên ổn ngủ.

Người nào không nghĩ hơn thua mới ngủ yên. Nếu thấy mình thua thì oán hờn người hơn, tức quá ngủ không yên. Nếu hơn người thì bị người oán. Vì vậy Đức Phật dạy: “Hơn thua hai đều xả, ấy được yên ổn ngủ”. Sở dĩ chúng ta cung kính quý trọng Đức Phật, vì đứng trước ngang trái Ngài luôn nhẫn nhịn được.

Ngày nay chúng ta tu muốn người quý trọng mình, mà động tới sân si đủ thứ thì ai kính phục được? Người thật tu không giành hơn, không cho thắng người là thành công. Hơn thắng như thế là mê. Chúng ta tỉnh sáng phải giữ thái độ an bình, hòa nhã, không giận hờn.

Tôi thường ví dụ, như chúng ta vào bệnh viện tâm thần thăm người thân. Khi vào mình không chọc ghẹo ai hết, nhưng họ xúm quanh chửi mình, lúc đó chúng ta nghĩ sao? Nên giận hay nên thương? Người bệnh tâm thần không biết phải quấy nên chửi mình, ta biết họ bệnh nên thương, chớ không giận.

Cũng thế, chúng ta sống với mọi người chung quanh, có khi mình không làm việc xấu quấy mà họ cứ đổ cho ta xấu quấy, như vậy người đó tỉnh sáng hay bệnh? Việc không mà nói có, đó là bệnh. Họ cũng giống người bệnh tâm thần, ta nên thương chớ đừng có giận. Nếu gặp người bệnh tâm thần chửi, ta chửi lại, kẻ bàng quan sẽ nói sao? Ông kia điên gặp chị nọ khùng, phải không?

Người biết tu, gặp kẻ mê ta phải tỉnh, gặp người điên ta phải sáng, chớ không ai ăn thua với người điên. Đó là điều quan trọng mà thế gian không biết. Nhiều khi nghe một lời nói hết sức vô nghĩa mà ta lại nổi nóng, cãi nhau thành việc lớn. Từ đó làm khổ nhau, từ cái khổ này kéo đến cái khổ nọ, đi mãi trong trầm luân sanh tử, không có ngày dừng.

Chúng ta tu không chỉ tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền là đủ, mà phải sống đúng với tâm của người hiểu đạo. Mọi việc hơn thua, phải quấy của các huynh đệ đều là chuyện nhỏ, không có gì quan trọng hết. Việc lớn của mình là làm sao thoát ly sanh tử, đó mới là mục đích chúng ta nhắm đến. Muốn thoát ly sanh tử trước hết sống với huynh đệ, chúng ta phải hòa nhã, thuận thảo, vui tươi. Nhờ sự hòa vui đó lòng ta yên ổn, việc tu hành được nhẹ nhàng, thanh thản.

Nếu tới giờ niệm Phật, ngồi thiền, mà cứ nhớ việc cãi vã hồi chiều, nhớ câu người ta chửi mình hoài, thì niệm Phật ngồi thiền có yên không? Dĩ nhiên là không. Nhớ lời qua tiếng lại hoài, rốt cuộc mình chịu thiệt thòi. Nên người biết tu phải sống đúng tinh thần lục hòa. Dù chưa giải thoát nhưng giữ được lục hòa thì trên đường tu chúng ta sẽ an ổn. Niệm Phật được nhất tâm, tọa thiền dễ định. Đó là thành công rồi. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ bị nhiều khổ lụy, tu mà không giải thoát, ngược lại còn trầm luân!

Hôm nay đủ duyên tôi đem hết tâm tư của mình, khuyến nhủ Tăng Ni, Phật tử sống đúng theo tinh thần Lục hòa của Phật dạy, để đời tu của chúng ta xứng đáng. Quý vị nên nhớ chùa to, Phật lớn, đệ tử bao nhiêu cũng là trò chơi thôi, quan trọng là tâm mình an ổn thanh tịnh, không còn vướng bận những trói buộc của thế tục nữa. Đó là nhân giải thoát. Chúng ta đã gieo nhân giải thoát, phải ráng nuôi trồng nó cho tới ngày đạt được quả giải thoát, đừng nản chí bỏ nửa chừng.

Đó là lời tha thiết của chúng tôi, mong tất cả Tăng Ni cố gắng thực hiện tu hành cho tới ngày viên mãn.

5/5 - (1 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo