19.8 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Đức Phật, nhà Đại Giáo dục

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Chúng ta hãy tìm hiểu Đức Phật dạy cho nhân loại những gì, hay gần ta hơn, Đức Phật dạy chúng ta những gì khi Ngài đứng trên bình diện một nhà Đại Giáo dục hoán cải con người theo hướng Ngài muốn cho chúng sinh đi. Sau đây là ba bài học mà qua giáo lý của Ngài, chúng ta nên tiếp nhận và thực hành.

Can đảm tìm hiểu và đối diện với sự thật

Lời dạy đầu tiên của Ngài là muốn giáo dục con người, muốn cải thiện xã hội, phải có can đảm và sáng suốt tìm hiểu sự thật, sự thật tâm linh, sự thật trí thức và đạo đức, sự thật xã hội, dầu sự thật ấy có xấu xa không tốt đẹp, nhất định không che đậy tuyên truyền nịnh bợ, không dối mình gạt người. Vị lương y cần phải hiểu thực trạng của bệnh nhân mới mong chữa triệt gốc bệnh. Sự giáo dục con người chỉ hữu hiệu khi chúng ta thấy rõ thực trạng con người và xã hội, khi chúng ta biết tôn trọng sự thật. Đó là lý do Ngài dạy bốn sự thật trong bài thuyết pháp đầu tiên.

Ngài khuyên Đại đức La Hầu La chớ có nói dối dầu chỉ nói mà chơi. Nói một cách khác, đạo Phật không phải là đạo của người nói dối, của những người sợ sự thật. Hòa bình giả hiệu, đạo đức giả hiệu, bất bạo động giả hiệu, tự do công bằng giả hiệu, không có chân đứng trong đạo Phật.

Tất cả những nét chính yếu về hướng đi và phương pháp giáo dục của đạo Phật vừa đề cập cho chúng ta thấy rõ lời dạy của đạo Phật nhằm một mục đích duy nhất là làm phát triển những khả năng tốt đẹp của con người.
Tất cả những nét chính yếu về hướng đi và phương pháp giáo dục của đạo Phật vừa đề cập cho chúng ta thấy rõ lời dạy của đạo Phật nhằm một mục đích duy nhất là làm phát triển những khả năng tốt đẹp của con người.

Con người cần quan tâm phát triển cả về mặt vật chất lẫn tâm linh

Lời dạy thứ hai của Ngài là con người là nơi tập trung của hai năng lực: Vật chất và tâm linh, Rùpa và Nàma, sắc pháp và tâm pháp. Nói con người là duy vật, tất phủ nhận năng lực tâm linh. Nói con người là duy tâm, tất bỏ quên sức mạnh vật chất. Một nền giáo dục hữu hiệu, phải là một nền giáo dục toàn diện, cả thân lẫn tâm, cả sắc pháp lẫn tâm pháp. Giáo dục theo đạo Phật gồm có Giới học, Định học và Tuệ học. Giới học là huấn luyện sắc thân con người, thúc liễm hành động con người để khỏi phải bị hoàn cảnh chi phối, khỏi bị ngoại duyên làm dao động. Định học là huấn luyện tâm linh con người, tập trung sức mạnh tâm linh trên đối tượng để sử dụng và phát huy định lực con người. Tuệ học là trực giác về bản chất của sự vật đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của tâm linh, đến sự thực chứng chân lý tối hậu.

Theo tinh thần kinh Dhammacetiya trong bộMajjhima Nikàya, chúng ta thấy rõ những người đầu bù tóc rối, áo quần xốc xếch, xanh xao đau yếu, gắt gỏng ồn ào, những người ấy theo ngoại đạo tà giáo hơn là theo Phật giáo. Vì Đức Phật dạy chúng ta đối trị cả hai – tâm bệnh và thân bệnh – và người Phật tử đúng theo nghĩa chân chính của nó phải là người lành mạnh về thể xác cũng như về tinh thần. Những tâm hồn bệnh hoạn, những tư tưởng hắc ám, những người lập dị, những quái thai của thời đại, không có chân đứng trong Phật giáo.

Điều chỉnh thái độ của bản thân trước những đối tượng hoàn cảnh

Lời dạy thứ ba của đạo Phật là vấn đề giáo dục con người không phải là vấn đề thuần đạo đức hay thiện ác như thường bị hiểu lầm. Đức Phật tìm hiểu sự phản ứng của con người trước những đối tượng ngoại cảnh như sắc, thanh, hương, vị, xúc… Một sinh viên đứng trước sắc đẹp của một nữ sinh mà tâm hồn như mê dại, chứng tỏ sinh viên ấy bị chi phối, bị nô lệ bởi sắc đẹp. Một nữ sinh chỉ nghe nói me chua mà chảy nước miếng phải bỏ học đi mua ô mai ngậm cho đỡ thèm, nữ sinh ấy bị chi phối bởi vị chua, còn bị nô lệ bởi ngoại cảnh.

Dưới con mắt của đạo Phật, giá trị hay mức độ giải thoát của con người tùy thuộc phản ứng con người trước ngoại cảnh. Và giáo dục đạo Phật ở nơi đây nhằm huấn luyện con người ra khỏi sự chi phối hay đúng hơn khỏi sự nô lệ của sự vật. Đạo Phật không bao giờ chủ trương dùng sắc đẹp, tiền bạc, danh lợi và dọa nạt để chi phối và nô lệ hóa con người, dụ người vào đạo Phật. Đạo Phật chống lại mọi hình thức nô lệ, dầu là nô lệ tâm inh hay thần quyền. Chỉ những người, những chủ nghĩa ưa bị nô lệ hay ưa nô lệ hóa con người mới không ưa đạo Phật.

“Các ngươi hãy cố gắng tự mình tinh tấn lên, Đức Như Lai chỉ là một người chỉ đường”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Sự chiến thắng vĩ đại nhất là sự chiến thắng tự thân”, là những lời dạy nói lên sự tin tưởng của Đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng thượng của con người.
“Các ngươi hãy cố gắng tự mình tinh tấn lên, Đức Như Lai chỉ là một người chỉ đường”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Sự chiến thắng vĩ đại nhất là sự chiến thắng tự thân”, là những lời dạy nói lên sự tin tưởng của Đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng thượng của con người.

Đứng trước vấn đề thiện ác, Đức Phật không xem là một vấn đề thuần luân lý mà phải là vấn đề hiểu biết, nhận thức, một vấn đề lý tính. Theo đạo Phật, tham không nên hiểu theo nghĩa luân lý mà phải hiểu như một phản ứng của thân tâm trước sự vật mình ham thích. Phản ứng ấy tức là ôm vào cho mình những vật gì mình ưa thích. Sân cũng vậy, sân là phản ứng vứt xa tự thân những vật gì mình không ưa thích. Và sở dĩ có tham, có sân, vì hiểu lầm rằng có một cái ngã, cái Ta. Cái gì cái ta ưa thích thì tìm mọi cách đem về cho mình, cái gì cái ta ghét bỏ thì tìm mọi cách vứt xa chúng ra. Vì vậy vấn đề thiện ác ở đây không còn là một vấn đề luân lý mà chỉ là một vấn đề hiểu lầm, một vấn đề si mê. Nói một cách khác, chỉ người ngu mới tham và có sân. Theo A Tỳ Đàm học, si (moha) bao giờ cũng đi với tham (lobha), si (moha) bao giờ cũng đi với sân (dosa)…

Và sự giáo dục theo quan niệm đạo Phật chính là một vấn đề trí thức, hay nói cho đúng hơn, một thái độ trí thức, không chấp nhận có cái ngã, cái Ta đến nỗi hoàn toàn bị nô lệ bởi cái ngã, cái Ta ấy. Trong kinh Brahmajàla, có một câu khiến chúng ta phải giật mình. Đức Phật dạy: “Người ngu tán thán giới đức của Ta, chỉ có người trí mới tán thán trí đức của Ta”. Cho nên đạo Phật thường được gọi là đạo trí thức và những người không ưa đạo Phật phần lớn là người ngu, hay ưa ngu, hay các chánh sách, chủ nghĩa ngu dân và cuồng tín.

Thái độ trí thức ấy khiến Đức Phật giới thiệu một khía cạnh giáo dục thật rất đặc biệt, đó là sự hướng dẫn cá nhân tự mình có một thái độ do tự mình suy tư kinh nghiệm và quyết định, hơn là nhắm mắt theo Đức Phật hay lời Phật dạy.

Khi các người Kàlàma đến hỏi Đức Phật nên tin lời dạy của các vị ẩn sĩ Bà-la-môn nào khi những vị này tán thán giáo lý của mình và bài xích giáo lý của kẻ khác, Đức Phật  khuyên không nên vội vã, thụ động hay cảm tình tin theo giáo lý nào. Đức Phật dạy các người Kàlàma hãy tự mình suy tư chín chắn, sáng suốt và trầm tĩnh, dựa trên kinh nghiệm bản thân để đánh giá những lời dạy của các ẩn sĩ Bà-la-môn.

Đức Phật, nhà Đại Giáo dục - Phật Giáo Chư Sê
Hãy tự mình suy tư chín chắn, sáng suốt và trầm tĩnh, dựa trên kinh nghiệm bản thân để đánh giá những lời dạy của Đức Phật

Cũng với thái độ trên, Đức Phật  từ chối không tự xem mình là vị lãnh đạo tối cao của giáo đoàn Tăng già và không muốn dùng địa vị, oai lực và trí đức của mình để biến các đệ tử thành những bầy cừu non dễ dạy dễ bảo. Nói một cách khác, đạo Phật chống lại đường hướng giáo dục đào tạo con người thành những con vật máy móc bảo sao nghe vậy, những con người điện tử. Đạo Phật cũng không tán thành một lối giáo dục nô dịch quần chúng, biến con người thành những máy móc của quần chúng bị giựt dây. Cho nên, những Phật tử thật sự độc tài, muốn làm mưa làm gió trong Giáo hội, thật chưa hiểu đến a, b, c của đạo Phật, chớ đừng nói hiểu đạo Phật.

Lời kết

Tất cả những nét chính yếu về hướng đi và phương pháp giáo dục của đạo Phật vừa đề cập cho chúng ta thấy rõ lời dạy của đạo Phật nhằm một mục đích duy nhất là làm phát triển những khả năng tốt đẹp của con người. Giáo dục của đạo Phật tôn trọng sự thật, chữa trị thân bệnh và tâm bệnh, chống đối mọi hình thức nô lệ, phát huy thái độ trí thức với chủ đích nâng cao giá trị của con người. Và thái độ nâng cao giá trị con người ấy được thể hiện một cách hùng hồn nhất khi Đức Phật dạy chỉ có con người mới giáo dục cho chính mình, chỉ có con người mới giải thoát cho mình, Đức Phật chỉ đóng vai trò một người chỉ đường. “Các ngươi hãy cố gắng tự mình tinh tấn lên, Đức Như Lai chỉ là một người chỉ đường”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Sự chiến thắng vĩ đại nhất là sự chiến thắng tự thân”, là những lời dạy nói lên sự tin tưởng của Đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng thượng của con người.

Trích Sách “Đức Phật nhà đại giáo dục”

5/5 - (1 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo