Kinh Pháp Hoa, còn gọi là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” (có tên đầy đủ là “Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm Diệu pháp Liên hoa kinh”) ra đời vào thời Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ, được xem là tinh hoa, đỉnh cao của triết lý Đại Thừa.
Bộ kinh được ngài Cưu Ma La Thập dịch ra chữ Hán, ở Việt Nam, bản dịch của Cố Hòa thượng Trí Tịnh hiện được dùng phổ biến nhất.
Tổng thể bộ kinh có 28 phẩm, gồm “hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn”, xoay quanh mục tiêu duy nhất: “Chỉ dẫn con đường thành Phật cho tất cả chúng sanh”. Ngoài triết lý giải thoát, đây còn được xem là một tác phẩm văn học vì nó sử dụng các thủ pháp nghệ thuật văn chương, đặc biệt là thí dụ và ẩn dụ. Điều này được thể hiện ngay trong tựa đề bộ kinh. “Diệu Pháp” – Pháp môn vi diệu của “Liên Hoa”. Đức Phật dùng hình ảnh hoa sen, loài hoa vươn lên từ bùn mà tỏa hương thơm ngát để ví dụ cho chánh pháp, cũng là Phật tính. Tổng thể tựa đề ý chỉ về những phương pháp vi diệu giúp chúng sanh hàng phục, chuyển hóa các loại phiền não để đạt đến cảnh giới giải thoát an vui mà bộ kinh chuyển tải.
Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình
I. Triết lý giác ngộ
Nếu như hệ thống giáo lý đạo Phật xoay quanh chủ đề “sự khổ và con đường diệt khổ” thì kinh Diệu Pháp Liên Hoa thể hiện rất rõ mục tiêu đó. Ở phẩm “Phương tiện” thứ hai, đức Thế tôn nói rõ mục đích duy nhất mà chư Phật ra đời, là “chỉ bày tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ”, “khiến cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Vì “muốn cho tất cả chúng, bằng như ta không khác” nên “tất cả các Như Lai, dùng vô lượng phương tiện, độ thoát các chúng sanh, vào trí vô lậu Phật”. “Nếu có người trí nhỏ, quá mê nơi ái dục, Phật bèn vì bọn này, mà nói lý khổ đế”. “Nếu lại có chúng sanh, không rõ biết gốc khổ, quá say nơi khổ nhơn, chẳng tạm rời bỏ được, Phật vì hạng người này, dùng phương tiện nói dạy, nguyên nhân có các khổ, nếu dứt được tham dục, khổ không chổ nương đỗ.” Đây chính là nội dung giáo lý “Tứ Diệu Đế” vĩ đại, và còn nhiều triết lý và phương pháp hóa độ khác lần lượt được đề cập trong kinh.
Kinh Pháp Hoa quan niệm Phật tính vốn sẵn có trong mỗi người, chỉ cần vén bức màn vô minh, cởi bỏ lớp áo tham sân si đi thì sự thanh tịnh tĩnh lặng sẽ hiện bày. Từ “những người lòng lành diệu, ngay thiệt ý diệu hòa”, cho đến “hoặc có đồng tử giỡn, hoặc cỏ cây và bút, hoặc lấy móng tay mình, mà vẽ làm tượng Phật, những hạng người như thế, lần lần chứa công đức, đầy đủ tâm đại bi, đều đã thành Phật đạo”.
Từ những người có nhân duyên sâu dày, cho đến người chỉ mới có tâm niệm, hoa giải thoát rồi cũng sẽ trổ bông. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là cả quá trình, từ kết duyên đến vun bồi thiện căn, khi hội đủ công đức và tâm lượng đại bi thì tính Phật trong mỗi người sẽ được biểu hiện. Đây cũng là một trong những lý do khiến Phật giáo đề cao tình thương vị tha (không vị kỷ) trong quá trình tu tập.
Trong kinh Pháp Hoa có câu: “Nếu người lòng tán loạn, vào nơi trong tháp miếu, một xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo”. Dù cho trước đó có tán loạn thế nào, nhưng có thể “một xưng” (một lòng đọc lên) khi niệm Phật thì sự thanh tịnh của tính Phật đã được thể hiện trong giây phút này. (còn việc duy trì trạng thái đó được bao lâu là tùy mỗi người).
Quan niệm “mọi người đều có thể thành Phật” được kinh Pháp Hoa đẩy lên đỉnh cao tột cùng, tạo sự bức phá mạnh mẽ về tính bình đẳng được thể hiện trong phẩm “Bồ Đề Đạt Đa” thứ 12 của kinh. Trước đó, đức Phật thọ ký* cho rất nhiều người sẽ thành Phật, từ các vị đệ tử lớn như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, đến các Tỳ kheo đang tu học, chư vị Tỳ kheo ni cũng được thọ ký thành Phật ở những kiếp tương lai. Đến ngài Bồ Đề Đạt Đa – nhân vật đối nghịch với Phật từ lúc còn làm Thái tử cho đến khi xuất gia thành đạo và giáo hóa chúng sanh, tương truyền còn bắt nguồn từ nhiều kiếp về trước, trở thành biểu tượng của sự đối nghịch trong Phật giáo. Có kinh xem đó là hóa thân của “nghịch hạnh Bồ Tát”, nhiều bộ kinh khác thì đề cập ông Đề Bà Đạt Đa bị đọa địa ngục từ khi còn sống vì hai tội lỗi lớn nhất, là làm thân Phật chảy máu và phá sự hòa hợp, gây chia rẽ trong Tăng chúng (đời nay dễ phạm 2 tội tương tự là: Phá chùa hủy tượng và gây xích mích giữa những người xuất gia với nhau) Phật giáo xếp chúng vào “Ngũ nghịch trọng tội”).
Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật ngược lại xem ông Đề Bà Đạt Đa là thiện hữu tri thức, là người thầy giúp ngài tu luyện thành công nhiều pháp lành, như bốn món ba la mật từ bi hỷ xả, mười trí lực, bốn món vô sở úy,… Rồi còn thọ ký cho vị “thiện tri thức” kia sẽ thành Phật trong nhiều kiếp về sau. Cách hành xử và tâm niệm của ngài cho chúng ta một bài học lớn về cung cách đối xử với các oan gia trái chủ với mình. Nếu bản thân đủ vững vàng, có tâm lượng đủ lớn, thì những người thường gây chướng duyên chính là một vị thầy lớn, cho mình cơ hội tôi luyện, tu dưỡng nhiều pháp lành vậy.
Cũng trong phẩm thứ mười hai này, đức Phật còn thọ ký cho một đối tượng mà không ai nghĩ sẽ được thành Phật, đó chính là Long nữ. Chỉ riêng việc người nữ có thể thành Phật ngay trong hiện đời đã là một điều khó tin, vì nhiều bộ kinh đề cập thân người nữ có những nghiệp duyên gây chướng ngại và hạn chế nhất định đến quả vị tu hành, vậy mà trong Kinh Pháp Hoa có một vị súc sanh nữ được thọ ký thành Phật. Tất nhiên “lời chư Phật nói chưa từng hư vọng, chổ Phật biết đều thông suốt”. Để thành quả vị Phật như thế thì dù là ai, xuất thân từ đâu cũng đều phải hội đủ các yếu tố. Thông thường, nghiệp duyên lớn nhất của người nữ là sự bám chấp, còn nghiệp chính của loài súc sanh là sự ngu si. May mắn thay, Long Nữ không hề vướng vào hai nghiệp cảm đó. Đó có thể nhờ công đức tu hành, mà cũng có thể hiểu thân thể rồng cái này chỉ là hiện tượng, còn bản chất nhân vật đó vốn đã hội đủ các đức tính của một vị đại trượng phu. Bằng chứng là trong khoảng tích tắt không do dự, cô dâng hiến hạt châu báu giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên cho đức Phật, còn nhắc vị “trí tuệ đệ nhất” Xá Lợi Phất “lấy sức thần của các ông xem tôi thành Phật”. Hành động này thể hiện tinh thần xả ly và trí tuệ của cô có thể xếp vào bậc thượng thượng thừa. Nhờ đó, cô lập tức chuyển thành thân nam, ngồi tòa sen báu và chứng thành làm Phật. Hình ảnh và câu chuyện trên trở thành niềm cổ vũ to lớn cho những người có tâm hướng về quả vị giác ngộ giải thoát, đặc biệt là người nữ, khuyến khích họ thoát ra và vượt lên những hạn chế thông thường của định nghiệp để vun bồi phẩm hạnh từ bi và trí tuệ giải thoát.
Ai từng đọc qua kinh Pháp Hoa, ắt sẽ thấy dù đức Phật thọ ký cho rất nhiều người và tuyên bố “ai cũng có thể thành Phật”, nhưng ngài không chút tùy tiện, mà luôn chỉ nói con đường thành Phật với những người phát tâm Bồ Đề, thật sự hướng đến quả vị, theo đúng tinh thần của người chỉ đường – một vị đạo sư, còn việc đi hay không, nhanh hay chậm là tùy ở mỗi người.
Trong các lời thọ ký đó, hầu hết những vị chứng thành Phật quả đều trải qua quá trình tu bồi, “thành tựu các công đức, gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật”, rất hợp với câu nói “kính thầy mới được làm thầy” mà chúng ta thường nghe. Như vậy, việc thờ phụng chư Phật và Bồ tát để học theo công hạnh của quý ngài được xem là bước đầu của quá trình kết duyên và gieo trồng ruộng phước. Đơn giản vì chúng ta thường sẽ thích làm theo (hoặc bị ảnh hưởng trong vô thức) từ những người (hoặc việc) mà chúng ta yêu quý, thường xuyên tiếp xúc và quan tâm.
Cũng từ quan niệm “tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”, kinh Pháp Hoa có phẩm “Thường Bất Khinh Bồ Tát” rất thú vị. Đúng như tên gọi không khinh bất kỳ ai, vị Bồ Tát này đi đến đâu cũng đảnh lễ mọi người, và nói: “Tôi rất kính quý ngài chẳng dám khinh mạn, vì sao? Vì quý ngài đều tu hành đạo Bồ Tát, đều sẽ đặng làm Phật”. Dù bị chửi mắng đánh ném, ngài chạy tránh đứng xa mà vẫn giữ vững tâm niệm cũng kính đó. Ngài xem tất cả là Bồ Tát, người giúp đỡ là Bồ Tát thuận hạnh, người gây chướng ngại là Bồ Tát nghịch hạnh. Hay nữa là, vị Bồ Tát Thường Bất Khinh này nhiều đời về sau sanh ra làm thầy dạy bảo những người từng đánh ném mình ngày xưa, nhưng vẫn không rời bỏ tâm cung kính, vì đều xem họ là những vị Phật tương lai.
Nhìn chung, khi bàn về quả vị Phật, kinh Pháp Hoa không phân biệt bất kỳ đối tượng nào, nên được xem là đỉnh cao của tinh thần Bồ Tát hạnh trong Phật giáo Đại Thừa. Đây được xem là một pháp tu, cũng là niềm cổ vũ to lớn cho những người đã, đang và sẽ lựa chọn cảnh giới giác ngộ giải thoát làm mục tiêu cứu cánh cho hành trình tu tập của mình.
Còn tiếp.