Bát-nhã tâm kinh nói: “Tướng không của các pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không mắt, tai, mũi…”. Thứ gì là chân thì không tướng, cũng không có chỗ nơi. Nếu có tướng thì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.
Với người đã sống được với Tự tánh Di Đà thì không nói chân cũng không nói vọng. Nói chân nói vọng là do đối với tâm chúng sinh mà nói.
Đứng ở góc độ tâm chúng sinh mà nói thì…
– Những ai đã sống được với Tự tánh Di Đà của mình thì thế giới Di Đà thật báo. Nói thật vì đã nhận ra thực chất của thế giới ấy. Đó là phương tiện độ sinh của Phật A Di Đà dùng tiếp độ kẻ hậu sinh.
– Những ai vãng sinh về thế giới Di Đà mà chưa sống được với Tự tánh Di Đà thì thế giới Di Đà cũng là thật có với họ, như mình thấy cảnh giới như huyễn hiện nay là thật. Nhưng thật ra nó chỉ là hóa thành như hóa thành của hàng La-hán, chưa thể gọi đó là chân. Chính vì cái thấy thật đó mà kinh Pháp hội Vô lượng thọ Như Lai nói:
“Đầy đủ các diệu nguyện
Thành tựu cõi như thế
Biết pháp như điện ảnh
Trọn vẹn đạo Bồ-tát
Đủ các cội công đức
Thọ ký sẽ thành Phật
Thông đạt tánh các pháp
Tất cả không vô ngã”.
Phải đầy đủ diệu nguyện mới có thể thành tựu được thế giới Di Đà, nhưng chỉ khi thể nhập được Tự tánh Di Đà, tức biết tất cả pháp chỉ như bóng ảnh điện chớp, tánh của chúng là không, là vô ngã, thì biết vãng sinh thế giới Di Đà chỉ mới là phương tiện của chư Phật dùng tiếp độ kẻ hậu sinh. Biết vậy rồi mới trọn vẹn đạo Bồ-tát, không phải chỉ vãng sinh về đó mà đủ.
Phân tích thành nhiều cái nhìn như thế là vì pháp thế gian là pháp Duyên khởi, mọi thứ đều lệ thuộc vào duyên. Duyên thay đổi thì pháp thay đổi. Duyên ở đây chính là tâm thức của chúng hữu tình. Mọi cảnh giới không ra ngoài tâm thức ấy. Tùy nghiệp thức của từng loài, từng người mà cảnh giới dù là một, có khi thành khác nhau.
Nói theo Trung luận thì cảnh giới Di Đà “không có cũng không không” tùy duyên mà thành có, thành không.
“Không có không không” là nói về thực chất của cảnh giới ấy. Chỉ cho Tự tánh Di Đà sẵn đủ trong mỗi chúng sinh, là tâm chân như trong luận Đại thừa khởi tín, là Phật tánh trong kinh Đại bát-Niết-bàn. Bát-nhã gọi nó là tướng không, chính là tánh không. Tánh không của tất cả pháp thì không rơi vào nhị biên phân biệt, không thể nói có hay không. Song không phải không ngơ, nên tùy duyên mà hiện tướng. Ứng với hành giả niệm Phật mà tín-nguyện-hạnh đầy đủ thì cảnh Di Đà là có. Nếu không niệm Phật cầu vãng sinh hay niệm Phật cầu vãng sinh mà tín-hạnh-nguyện thiếu thì cảnh giới Di Đà là không. Song cảnh giới Di Đà dù có hay không thì Tự tánh Di Đà ai cũng sẵn đủ, chỉ do vô minh che đậy mà dạt theo sinh tử khổ đau.
Luận về cảnh giới của chúng sinh, Tổ Hiền Thủ nói: “Nếu cảnh này chẳng phải do vọng làm ra thì quyết định là thật có. Là thật có, mà thánh nhân không thấy thì nên là mê đảo, phàm phu đã thấy thì nên là giác ngộ, như chẳng thấy hoa đốm trong hư không thì nên là mắt bệnh. Nhưng không phải vậy…”. Đó là phần lý luận mà Tổ đã dùng để biện về cảnh giới không thật của chúng sinh. Nếu là thật thì phàm phu và thánh nhân phải luôn đồng sở hữu. Nhưng phàm phu và thánh nhân chỉ đồng sở hữu về tánh không, không đồng sở hữu về cảnh giới do tâm niệm mình biến ra. Cảnh giới Ngạ quỷ thì chỉ những ai có tâm niệm Ngạ quỷ mới sở hữu. Cảnh giới Cực lạc thì chỉ ai cầu vãng sinh và tâm được bất loạn mới sở hữu. Có niệm Phật mà tín-nguyện-hạnh không đủ thì cảnh giới Di Đà cũng không hiện, nói là không tín-nguyện-hạnh. Vì thế mà biết, Tự tánh Di Đà thì chân mà cảnh giới Di Đà thì như bóng ảnh, do tín-nguyện-hạnh mà có, không tín-nguyện-hạnh thì không.