19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Tầm quan trọng của chánh định

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Sau Đức Phật Gotama Niết-bàn một thế kỷ, những lời dạy của Phật đã được hiểu và thực hành có rất nhiều khác biệt giữa những người Phật tử.

Đặc biệt trong tương tác với truyền thống Upanisads[1] của Vedas[2], lời Phật đã được giải thích theo kinh nghiệm tu tập riêng của rất nhiều vị Thầy. Từ đó, các nhóm tu ít cùng quan điểm hình thành. Sự phân phái bắt đầu ra đời.

Dị Bộ Tông Luân Luận[3] cho biết có tới hai mươi bộ phái trong giai đoạn từ 100 đến 300 năm sau Phật Niết-bàn. Ngoài ra, khi lời Phật được hấp thụ vào trong các nền văn hoá và tâm linh nơi truyền đến, quan điểm không cùng nhau của những Phật tử cũng tăng lên. Trung hoa có thêm mười tông phái. Thái lan, Miến Điện (Myanmar) và Tích Lan (Sri Lanka) có thêm nhiều khuynh hướng pháp hành.

Đứng giữa rừng tông phái và khuynh hướng pháp hành đó, một người nghiêm túc trong tu học không thể không suy tư.

“Trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri”

“Trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri”

1. Đi quá xa

Gần đây, nhiều người Phật tử rất cảm thấy hấp dẫn bởi những khuynh hướng tu học không cần có Chánh định [4]. Người ta phủ nhận điều kiện đủ và tính quyết định của Chánh định. Nhiều người còn quả quyết Chánh định là có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chỉ cần Minh sát tuệ (Vipassana). Chỉ cần thấy thực tính của các pháp. Chỉ cần an trú tánh biết sáng ngời. Lời kinh tuyệt vời mà người ta hay sử dụng để minh chứng cho những khuynh hướng đó là:

“Trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri”. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”[5]

Thật ra, khi mình ngồi yên, thành thật và có trách nhiệm, cũng như tự hỏi sao mình đọc được lời kinh tuyệt vời này mà mình vẫn chưa đoạn tận khổ đau, thì mình liền thấy lời Phật đó là dành cho Bàhiya, cho tri kiến và nghiệp thức trong khoảnh khắc chín mùi của những người như Bàhiya.

2. Sự thật như thật

“Trong cái thấy, chỉ là cái thấy…”. Thật vậy.  Ai có thể trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri, người ấy có thể đoạn tận khổ đau. Nhưng mình có biết người chia sẻ lời dạy là Đức Phật và người tiếp nhận lời dạy là Bàhiya, làm sao và khi nào cả hai giác ngộ như thật được tri kiến này và đoạn tận khổ đau không?

Đức Phật cho Saccaka biết Ngài từ ly dục và ly bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Rồi diệt tầm và tứ, Ngài chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tiếp tục, Ngài ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Kế đến, Ngài xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Và với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy (không còn 5 Triền cái [6] chi phối), Ngài dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh, đến Thiên nhãn minh và đến Lậu tận minh. Ngài nhớ lại được túc mệnh của mình, thấy rõ hành nghiệp của người và như thật biết về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Ngài hoàn toàn liễu tri: “Ðây là những lậu hoặc”; “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”; “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc” và “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân, Ngài đã giải thoát, một hiểu biết khởi lên trong Ngài: “Ta đã giải thoát”. Ngài thấy rõ: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”[7].

Về Bàhiya, Thánh Nhân Ký Sự [8] cho biết Ngài là một trong 7 vị Tỷ-kheo vào thời Đức Phật Kassapa đã leo lên đỉnh núi, vứt bỏ thang, và quyết tâm ở lại đó cho đến khi giác ngộ hay là chết. Một vị trở thành A-la-hán, một vị khác trở thành Bất Lai, năm người còn lại chết trên đỉnh núi. Bāhiya là một trong năm người chết trên đỉnh núi đó.

Kiếp hiện tại, thời Đức Phật Gotama, Bahiya là một du sỹ từ chối quần áo, chỉ dùng vỏ cây che thân. Ngài được dân chúng thành phố Supparaka kính trọng, cúng dường và xem như một A-la-hán. Bản thân Ngài cũng nghĩ mình là một A-la-hán. Nhưng rồi có một Thiên nhân (vị Tỷ-kheo thành tựu Bất lai cùng tu trên núi thời Đức Phật Kassapa) thấy được suy nghĩ sai lầm của Bāhiya và bi mẫn cho biết cũng như khích lệ Bāhiya đến gặp Đức Phật Gotama ở Savatthi. Ngay lập tức Bāhiya rời Supparaka và đến Savatthi chỉ trong một đêm. Bahiya gặp Đức Phật khi Ngài đang đi khất thực và xin Ngài một bài pháp. Lần đầu Đức Phật từ chối vì không đúng thời.

Nhưng sau lần thứ ba, Đức Phật dừng lại và cho những lời dạy nổi tiếng như trên. Chỉ vài giây sau khi nghe pháp, Bāhiya đã hoàn toàn giác ngộ. Bāhiya có thể nghe tiếng thiên nhân, có thể một đêm bộ hành qua khoảng 1.300 km, nếu không có một lai lịch như thế trong tiền kiếp và không có thần thông (sinh ra từ thiền định) trong kiếp này, có lẽ Ngài không bao giờ giác ngộ và đoạn tận khổ đau đơn giản chỉ nghe lời giáo huấn vắn tắt của Đức Phật.

Ngoài ra, cùng một nội dung dạy cho Bāhiya, Đức Phật cũng đã dạy cho vị Tỷ-kheo lớn tuổi Malunkyaputta:

“Này Malunkyaputta, khi nào những gì được ngươi thấy, nghe, cảm thọ, và thức tri: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri, rồi thì, hỡi Malunkyaputta, ngươi sẽ không hiện hữu ‘trong liên hệ với cái đó.

“Này Malunkyaputta, khi ngươi không hiện hữu ‘trong liên hệ với cái đó,’ rồi thì ngươi sẽ không hiện hữu ‘ở nơi đây’”.

“Này Malunkyaputta, khi ngươi không hiện hữu ‘ở nơi đây’, rồi thì ngươi sẽ không ở trong đời này, không ở trong đời sau, và cũng không ở giữa hai đời ấy. Thế này, tự thân là kết thúc khổ đau.”[9]

Tỷ-kheo Malunkyaputta là một vị Tỷ-kheo được Đức Phật từ ái giáo giới rất nhiều lần. Đặc biệt, Đức Phật trực tiếp giáo giới Malunkyaputta nên từ bỏ tà kiến và phải đạt được những tầng thiền để đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử [10], thành tựu quả Bất Lai [11]. Đức Phật khẳng định với Ananda và Malunkyaputta là không thể nào đạt được quả thánh Bất Lai (nói gì đến hoàn toàn giác ngộ) nếu không có các tầng thiền, cũng giống như không thể nào cắt vào lõi cây mà trước đó không cắt qua phần vỏ cây và gỗ giác.[12]

Lời dạy “Trong cái thấy chỉ là cái thấy…” là lời dạy nhìn đúng bản chất của cái thấy, nghe, cảm, tưởng và biết. Không có tôi hay của tôi nào ở đó cả. Chỉ là một dòng chảy sinh diệt sống động của tâm và vật. Không có đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối nào, dù thời gian hay không gian, có ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Vô ngã và vắng lặng trong tất cả. Người nhiếp phục được 5 triền cái mới có thể làm được việc này. Và 5 triền cái sẽ không bao giờ được nhiếp phục khi không có các tầng thiền. Thế giới qua tâm của người chưa nhiếp phục 5 triền cái luôn luôn bị biến dạng. Tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi ngờ đã bóp méo thực tại. Tiến trình bóp méo này xảy ra trước khi có nhận thức (ở trong tiềm thức). Những ưa thích và tham muốn đã tô điểm dữ liệu và chỉ đưa vào nhận thức những gì ưa thích, tham muốn và có liên hệ với ưa thích và tham muốn.

Ngược lại, những không ưa thích và không tham muốn sẽ bị từ chối ở tiềm thức, làm cho nhận thức sẽ không nhận thức đúng những gì đang diễn ra như nó là. Cái thấy, nghe, cảm, tưởng và biết hiếm khi chỉ là cái thấy, nghe, cảm, tưởng và biết. Ngay cả khi có chú tâm tỉnh giác đơn thuần trên thấy, nghe, cảm, tưởng và biết vẫn không thể đảm bảo thấy, nghe, cảm, tưởng và biết như thật. Thấy, nghe, cảm, tưởng và biết dường như thật, chứ chưa hẳn là như thật, ngoại trừ 5 triền cái hoàn toàn vắng mặt. Đức Phật đã nhận biết và gọi tiến trình bóp méo nhận thức này là Vipallāsa [13]. Chính quan điểm đã bẻ công nhận thức. Nhận thức tạo bằng chứng cho tư tưởng, rồi tư tưởng lại biện hộ cho quan điểm. Tiến trình của ảo tưởng và lẩn quẩn tự biện từ đó sinh ra và lại sinh ra.

3. Trở về

Bàhiya đoạn tận khổ đau từ thấy sự thật như thật qua lời dạy ngắn gọn của Đức Phật: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy…”.  Malunkyaputta cũng vậy với sự nhiệt tâm và tinh cần. Chánh định (Sammāsamādhi) hay các tầng thiền (Jhāna) là cần có để loại bỏ 5 triền cái và nhìn được sự thật như thật.

Bằng kinh nghiệm của mình, Đức Phật hướng dẫn lộ trình thành tựu Chánh định như sau:

“Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, và thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận, từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá, từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Vị ấy từ bỏ 5 triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc, do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”.[14]

Khi Mahànàma hỏi Đức Phật tại sao con cứ bị tham pháp, sân pháp và si pháp chiếm cứ tâm và chi phối, trong khi con thấy và hiểu rất rõ lời của Phật: Tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm. Đức Phật còn từ ái trả lời:

“Này Mahànàma, nếu một vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ, nhưng nếu vị này chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục chi phối. Này Mahànàma, khi nào vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”, và vị này chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy không bị các dục chi phối.”[15]

Hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh chỉ có mặt khi Thiền thứ nhất (Sơ thiền) có mặt. Pháp cao thượng hơn hỷ lạc do ly dục và ly bất thiện sanh chỉ có mặt khi Thiền thứ hai, Thiền thứ ba và Thiền thứ tư có mặt.

Một Phật tử nghiêm túc trong tu học cần phải trở về với những lời dạy đúng đắn và thiết thực của Đức Phật. Trên nền tảng lời khuyên cho những người Kalama [16], hãy học hỏi, suy tư và tự chứng. Không có Chánh định, trí tuệ đưa đến giải thoát không bao giờ có. Thánh quả Bất lai và A la hán cũng vắng mặt khi Chánh định vắng mặt. Con đường Bát Chánh Đạo sẽ không còn là con đường giải thoát nữa khi Chánh định không có. Minh chứng đẹp nhất cho tầm quan trọng của Chánh định là lời khẳng định của Đức Phật: “Tu tập Ðịnh đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Tuệ”[17], cũng như lời giáo huấn sau cùng của Ngài cho người học trò mê muội Cunda: “Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống. Này Cunda, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau.”[18]

Nhuận Đạt

—————

[1] Áo nghĩa thư (奧義書), “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải trong Ấn Độ giáo.

[2] Kinh Vệ-đà, hay Phệ-đà (吠陀), là gốc rễ của giới Bà La Môn và là suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ.

[3] 異 部 宗 輪 論.

[4] Trường bộ kinh,  Kinh Ðại Niệm xứ: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh định (Sammāsamādhi) ? 1. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất (Pathama-jhana), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. 2. Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai (Dutiya-jhana), một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. 3. Tỷ-kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba (Tatiya-jhana). 4. Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư (Catuttha-jhana), không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh định (Sammāsamādhi).”

[5] Tiểu Bộ Kinh, Cảm Hứng Ngữ (Udana), Kinh Bàhiya.

[6] Triền là trói, cái là che. Năm triền cái gồm: Tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi ngờ.

[7] Trung Bộ kinh, Đại Kinh Saccaka 36.

[8] Tiểu Bộ Kinh, Thánh Nhân Ký Sự (Apadānapāḷi).

[9] Tương Ưng Bộ (SN. 35.95).

[10] Năm sự trói buộc và điều hướng (căn bản), làm con người bị động trong si mê và khổ đau: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục và sân.

[11] Quả Bất lai còn gọi quả A-na-hàm hay quả thánh thứ ba, là quả vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục và Sân). Bậc Bất lai không bị tái sanh vào cõi Dục nữa, các vị ấy sẽ tu tập và chứng đạt Niết-bàn từ Tịnh cư thiên. 

[12] Trung Bộ kinh, Đại Kinh Malunkya 64.

[13] Tăng Chi Bộ (An. 4.49).

[14] Trung Bộ kinh, Tiểu kinh dụ dấu chân voi, 27.

[15] Trung Bộ kinh, Tiểu kinh khổ uẩn, 14.

[16] Tăng chi Bộ: “Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú.”

[17] Trường Bộ kinh, Kinh Đại bát-Niết-bàn, 16.

[18] Trung Bộ kinh, Kinh đoạn giảm, 8.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo