Khi kinh nghiệm đủ về bản chất vô thường, vô ngã và bất toại nguyện ở mình và thế giới sống, con người tự nhiên sẽ thích đời sống ẩn dật và không làm hại.
Đối với tự thân, người ấy hạnh phúc trong không định vị. Núi rừng là nơi an trú hỷ lạc của người ấy. Không còn khao khát thể hiện; không còn say đắm thanh danh. Người ấy biết rõ vị ngọt ở đâu, cay đắng ở đâu và nguy hiểm ở đâu. Người ấy tan biến trong bao la sinh động và vô hại với tất cả. Vô hại hay không làm hại là biểu hiện sống của người ấy.
Người ấy sống có hạnh phúc nhưng không làm mất đi hay giảm thiểu hạnh phúc của bất cứ loài nào. Hình ảnh của người ấy sẽ như hình ảnh của ong hút mật hoa. Hoa được thụ phấn và ong được mật. Người ấy thụ hưởng hạnh phúc của một con người sống với đầy đủ thương yêu và hiểu biết, nhưng không có không gian nào, sinh thể nào thiệt hại và khổ đau.
Đức Phật Gotama, Bậc Giác ngộ, rất hạnh phúc với ẩn dật và không làm hại. Ngài nói: “Như Lai ưa thích ẩn dật. Như Lai ưa thích không làm hại. Với ẩn dật, bất thiện được đoạn tận. Với không làm hại, không một ai bị khổ đau, dù là loài động vật hay không động vật”.[1]
Ẩn dật, không làm hại là biểu hiện của một trái tim yêu thương và tâm thức hiểu biết. Yêu mình yêu người. Biết mình biết người.
Đời sống ẩn dật sẽ mở lối thênh thang cho tâm thức. Đời sống không làm hại sẽ chấp cánh bao la cho tình yêu. Không có cái đẹp nào kỳ vĩ hơn cái đẹp của tình yêu vô hại. Không có minh triết nào sáng chói hơn minh triết của ẩn dật không tên. Bất thiện sẽ đoạn tận trong cuộc đời ẩn dật. Tình yêu và hạnh phúc sẽ nở hoa trong trái tim không làm hại tha nhân.
Nhuận Đạt
———-
[1] Tiểu Bộ I, Kinh Phật Thuyết Như Vậy (It.31).