Phật giáo không phải là một con đường siêu hình, cũng không phải là một con đường nghi thức. Phật giáo không phải là một chủ nghĩa hoài nghi, cũng không độc đoán.
Phật giáo không chủ trương rằng đời sống là trường tồn vĩnh cửu, vô thủy vô chung, (thường kiến), cũng không chủ trương rằng sau kiếp sống này không còn gì nữa, chết là hết (đoạn kiến).
Phật giáo không dạy lối sống khổ hạnh, cũng không giáo truyền lối sống lợi dưỡng.
Phật giáo không bi quan, không lạc quan, nhưng thực tiễn.
Phật giáo không tuyệt đối tại thế, cũng không hoàn toàn siêu thế.
Phật giáo là con đường giác ngộ duy nhất.
Danh từ Phạn Ngữ gọi Phật pháp là Dhamma. Đúng căn nguyên, Dhamma có nghĩa là nâng đỡ, hay giữ lại (nâng đỡ người hành động đúng theo quy tắc, hay giữ lại, không để cho người hành động đúng theo quy tắc phải rơi vào những trạng thái đau khổ).
Dhamma, Giáo pháp, là cái gì thật sự là vậy, là thực tướng, Dhamma là giáo lý của thực tế. Dhamma là phương tiện để giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau. Dhamma chính là sự giải thoát.
Dầu chư Phật có ra đời hay không, Dhamma (Giáo Pháp) vẫn tồn tại vĩnh cửu. Dhamma (Giáo pháp) luôn luôn bị che lấp trước cặp mắt vô minh của con người, cho đến lúc có một vị Phật ra đời, chứng ngộ và truyền bá lại cho thế gian.
“Dầu chư Phật có thị hiện trên thế gian hay không, này các Tỳ Kheo, có một sự kiện, một nguyên tắc nhất định, một định luật thiên nhiên, là tất cả các vật cấu tạo đều Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha) và tất cả đều không có linh hồn trường cửu (Vô ngã, Anatta). Như Lai đã chứng ngộ và thấu triệt điều ấy. Như Lai quảng bá, truyền dạy, tuyên bố, xác định, phân tách và chỉ dẫn rành mạch rằng tất cả các vật cấu tạo (hữu lậu) đều vô thường, khổ và vô ngã [1]”.
Trong bộ Majjhima Nikaya (Trung A Hàm), Đức Phật dạy:
“Như Lai chỉ dạy một điều: đau khổ và sự chấm dứt mọi đau khổ [2] “.
Đó là giáo lý của thực tế.
Kinh Udana dạy:
“Này hỡi Tỳ Kheo, cũng như nước của đại dương hùng dũng chỉ có một vị là vị mặn của muối, Giáo pháp chỉ có một vị là Giải Thoát (Vimutti) [3]”.
Đó là phương tiện giải thoát.
Giáo pháp cao thượng không phải là cái gì ở ngoài ta, mà hoàn toàn tùy thuộc nơi ta và chỉ do ta chứng ngộ. Do đó Đức Phật dạy:
“Attadipa viharatha attapatisarana”.
“Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, xem chính ta là chỗ nương tựa”. [4]
Chú thích:
1. Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, phần 1, trang 286.
2. Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, tập I, trang 140, số 22.
3. Trang 67.
4. Maha Parinibbana Sutta, Kinh Đại Niết Bàn, Trường A-hàm, Kinh 16.