Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương.
Vì vậy sau một giờ đồng hồ lắng nghe, người kia cảm thấy nhẹ nhàng và bớt khổ nhiều lắm. Dù rằng người kia trong khi nói, có thể nói ra những điều sai với sự thật, có thể nói những điều đầy dẫy tri giác sai lầm, có thể nói bằng giọng chua chát, lên án buộc tội nhưng người này vẫn có đủ từ bi, vẫn có đủ kiên nhẫn để lắng nghe.
Hiểu và thực hành hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm
Trong chúng ta người nào cũng có khả năng đó nhưng có một số trong chúng ta đã đánh mất khả năng đó. Khi nghe người kia nói với giọng trách móc, lên án, buộc tội chúng ta không còn kiên nhẫn để ngồi lắng nghe nữa, cho nên chúng ta không thể giúp người đó tháo gỡ những khổ đau, những khó khăn, những bế tắc trong con người của họ.
Theo giáo lý của đạo Bụt, tất cả chúng ta người nào cũng có hạt giống của sự lắng nghe, nhưng nếu chúng ta có thực tập, hạt giống đó sẽ lớn lên mỗi ngày, khả năng lắng nghe mỗi ngày một thêm sâu. Chỉ cần lắng nghe thôi ta đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác. Chồng lắng nghe vợ, vợ lắng nghe chồng, cha lắng nghe con, một phép thực tập rất là hay.
Trong truyền thống đạo Phật có một người tên là Avalokiteśvara, chúng ta thường gọi là Quan Thế Âm, người có khả năng lắng nghe hết sức sâu sắc. Chúng ta thường niệm danh hiệu của người đó, Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm.
Chúng ta biết rằng người đó không hẳn ở ngoài ta vì chính chúng ta người nào cũng có hạt giống, có khả năng lắng nghe đó. Khi chúng ta lắng nghe Nam mô Avalokiteśvara thì chúng ta tiếp xúc được với khả năng hiểu, khả năng chấp nhận, khả năng thương yêu trong mỗi chúng ta.