back to top
23.1 C
Chư Sê
Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 3

Thiện tri thức – Gần đèn thì sáng

Ai cũng biết câu “Gần đèn thì sáng”. Trong đạo cho đến ngoài đời, nếu gặp thầy hay và bạn tốt, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ thăng tiến, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều tốt lành.

Thầy hay và bạn tốt chính là thiện tri thức. Nhưng với thực tế đời sống hiện nay, thiện ác lẫn lộn, thật giả khó phân, cũng không phải dễ biết ai là thiện tri thức để tựa nương.

Trong nhà đạo, theo kinh nghiệm của Thế Tôn, thân cận những ai mà “niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm” thì đó là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi chư vị này đến suốt đời. Ngược lại, thân cận những ai mà niềm tin, giới, văn, thí, trí tuệ không tăng thêm, thậm chí suy giảm đi, thì chắc chắn đó không phải là thiện tri thức, cần phải tránh xa.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này! Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.321)

Thiện tri thức, người đưa ta vượt qua gió bụi cuộc đời

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lời bàn: 

Thật rõ ràng, thiện tri thức là người có khả năng giúp mình phát triển năm thiện pháp tín, giới, văn, thí, tuệ.

Tín ở đây là tin sâu Tam bảo, Phật-Pháp-Tăng. Người Phật tử chúng ta tin Phật là bậc Giác ngộ. Tin lời Phật dạy là con đường sáng để đi đến an vui, giải thoát. Tin bản thể của Tăng-già luôn thanh tịnh và hòa hợp. Tam bảo là ngọn đèn sáng soi thế gian. Tin sâu Tam bảo là đặt bước chân đầu tiên lên lộ trình giải thoát.

Giới chính là những nền tảng đạo đức, có công năng giúp người giữ giới thiết lập hạnh phúc, an vui. Người Phật tử tại gia và xuất gia có giới luật khác nhau, họ tự nguyện giữ giới vì hạnh phúc và an vui cho chính mình và mọi người. Một người sống đạo đức mới có khả năng khuyến khích người khác giữ gìn và phát huy đạo đức.

Văn chính là học tập giáo pháp. Đức Phật vì thương chúng sinh mà nói pháp đến tận cuối đời. Lời Phật dạy chính là bậc thầy hiện hữu giữa thế gian. Giáo pháp có công năng trị liệu và chuyển hóa khổ đau rất nhiệm mầu. Ai có tâm học giáo pháp thì tự thân đã hướng thiện. Ai giúp người hiểu đúng giáo pháp chính là thiện tri thức.

Thí chính là sự chia sẻ tài sản, sức lực, tri thức…, là nguồn phước đức ở thế gian. Tự mình biết chia sẻ, khuyến khích người khác lập hạnh chia sẻ để cuộc sống thêm ấm áp, tươi vui. Bản chất cuộc đời là khổ đau, hạnh thí xả như dòng nước mát tưới tẩm những bất hạnh ở đời.

Tuệ chính là sự thấy biết đúng như thật về thân, tâm và thế giới. Nghiệp lực của con người luôn ngăn cản, che lấp sự thấy biết này. Thấy rõ quy luật nhân quả, hiểu rõ về Bốn sự thật cao thượng, nhận rõ bản chất duyên sinh của vạn pháp…là những tuệ giác lớn. Tuệ giác này sẽ giúp chúng ta chuyển hóa và đoạn tận khổ đau.

Trong đời sống hàng ngày, những ai có khả năng giúp chúng ta phát triển tín, giới, văn, thí, tuệ thì họ chính là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi. Người học Phật cần tỉnh táo, không choáng ngợp, không chạy theo số đông trước bằng cấp, địa vị hay mọi thành đạt về hình thức nói chung của bất cứ ai, quyết không nương tựa nếu thực sự họ không phải là thiện tri thức.

Phép cầu an đích thực

Đức Phật không thể ban phát cho chúng sanh sự an lành, hạnh phúc, nếu Ngài có thể ”ban cho” thì chúng sanh trong cõi đời này không một ai khổ cả. Vì thế, là Phật tử hãy biết tự cầu an bằng cách sinh hoạt điều độ, có khoa học.

Hãy cầu an cho mình bằng cách giữ gìn giới luật Phật dạy thật nghiêm túc

Cầu an cho mình bằng cách đừng rượu bia, cà phê thuốc lá quá mức cho phép;

Cầu an cho mình bằng cách giữ đúng luật giao thông mỗi khi ra đường;

Cầu an bằng cách cẩn trọng mỗi khi nói năng, hành động;

Cầu an bằng cách đừng ham hố danh lợi, vừa lòng với cuộc sống đạm bạc về vật chất nhưng phong phú về tinh thần;

Cầu an bằng cách luôn luôn để trong lòng thanh thản, không phải ăn năn về những lầm lỗi, cũng không phải bị kích động vì những ước muốn viễn vông,…

Thực hành cầu an đúng chánh Pháp

28471799_1687271128004037_3477041810172677490_n

Còn một khi đã cẩn thận giữ gìn và ”cầu an” như những điều trên nhưng cứ gặp “tai bay vạ gió” thì âu cũng nên coi đó là một trong những quả của nghiệp bất thiện ta đã gieo, mỗi lần trả nghiệp cũng là một lần bớt “nợ” vì sớm muộn cũng phải trả. Trả xong một nghiệp như bỏ xuống một tảng đá đã mang nặng từ lâu, lộ trình phía trước càng thong dong, thanh thản… 

– Phải chăng tha thứ người phạm tội là khuyến khích tội lỗi?

Thưa, người Phật tử có quyền ngăn cản nếu trông thấy người khác phạm tội, nhưng không nên có lòng sân hận đối với người phạm tội mà phải có lòng từ ái và bi mẫn. Nên hiểu rằng người này là một người đau khổ, một người vô minh nên tự hại bản thân và hại người khác.

Khi hiểu thế ta dùng hành động và lời nói ngăn không cho người này phạm tội, nhưng trong lòng vẫn không đánh mất sự từ ái và bi mẫn đối với họ.

Có nhiều trường hợp phạm tội vì không biết đúng, biết sai, tha thứ và dạy họ những điều hay lẽ phải, những đạo lý hướng thượng, chứ không phải tha thứ suông để họ trở lại con đường tội lỗi, thì không thể nói tha thứ là khuyến khích tội lỗi được? 

Đạo Phật, đạo của mọi người

Gặp nhau trong một nét cười Từ Bi,

An bình trong mỗi bước đi

Sống theo lời Phật đời ni Niết Bàn.

Phiền não giống như cỏ dại

Có một người đàn ông nọ sống ở thành phố đông đúc, trong môi trường luôn phải đua tranh, thị phi, chẳng được yên ổn nên trong lòng lúc nào cũng phiền não, chán chường và mệt mỏi.

Một ngày người đàn ông bỏ thành phố, bỏ việc đi ngao du sông núi một thời gian cho khuây khỏa, mong tìm lại được niềm vui, trút bỏ hết phiền não trong cuộc sống.

Đến một thiền viện nọ trên núi cao, người đàn ông đứng giữa núi non trùng điệp, trời mây bao la thì thấy tâm hồn vô cùng thư thái, nhìn thấy một thiền sư đang tưới hoa liền đến chào và xin thỉnh cầu câu chuyện. Người đàn ông kể với thiền sư những bức bối phiền não của mình, xin với ông được ở lại thiền viện mấy hôm cho lòng thư thái và xin thiền sư giúp mình vứt bỏ đi những nỗi khổ trong lòng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vị thiền sư đồng ý và nhờ người đàn ông giúp cắt tỉa cỏ dại trong khuôn viên thiền viện vì ở đây neo người. Người đàn ông vui vẻ cầm kéo đi làm ngay. Khuôn viên thiền viện rộng mênh mông, người đàn ông ngày nào cũng cắt từ sáng sớm tới chiều muộn mà một tuần sau mới cắt xong cỏ dại. Nhưng khi nhìn lại, anh ta hốt hoảng khi thấy những chỗ vừa cắt xong cỏ lại mọc lên tiếp.

Người đàn ông cảm thấy chán nản, thấy như công sức của mình một tuần qua vứt đi, liền đến than thở với thiền sư, hỏi xem phải làm thế nào, thiền sư cười bảo: “lại cắt tiếp”.

Thế là lại thêm một tuần nữa, người đàn ông lặn lội cắt cỏ dại từ sáng tới tối nhưng cũng như lần trước, cỏ dại vẫn mọc lại ầm ầm khiến anh ta cảm thấy bất lực, nhưng thiền sư vẫn bảo: “cứ cắt tiếp”.

Đến một ngày, người đàn ông không chịu nổi nữa vì hai tay sưng phồng, người thì cháy đen vì phơi nắng. Anh ta tức tối đến gặp thiền sư kêu rằng: anh ta đến đây để xin thiền sư chỉ bảo cho cách vứt bỏ phiền não vậy mà ngày nào cũng phải đi cắt cỏ dại, chẳng khác nào bị đày ải.

Vị thiền sư vẫn ung dung hỏi: “Ta chẳng đang dạy anh cách vứt bỏ phiền não đấy thôi, sao anh không tiếp tục cắt cỏ dại nữa?”. Người đàn ông bực bội gắt lên: “Con không có cách nào để cắt tỉa được hết lũ cỏ dại này”. Thiền sư gật đầu, cười đáp: “Phiền não của con người cũng vậy thôi. Là những chuyện bình thường của cuộc sống. Phiền não lúc nào cũng có, người nghèo khổ thì phiền não vì miếng cơm manh áo, người giàu có thì phiền não vì phú quý, tiền bạc. Con người chỉ có một cách là không ngừng cắt tỉa chúng, liên tục không ngừng nghỉ. Đừng bao giờ ngồi một chỗ mà mong phiền não sẽ tự tan biến và không bao giờ quay trở lại”.

Người đàn ông tỉnh ra, quay trở về nhà.

Đoàn hành hương Hệ phái Khất sĩ viếng Đức Hòa thượng Tep Vong

Đoàn hành hương Hệ phái Khất sĩ do Hòa thượng Minh Tuyên chứng minh, Thượng tọa Giác Hoàng làm trưởng đoàn đã đến chùa Ounalom (thủ đô Phnom Penh, Campuchia) thành kính đảnh lễ giác linh Đại Tăng thống Tep Vong, vị lãnh đạo tinh thần tối cao, Vua sư Vươn quốc Campuchia, tân viên tịch.

Audio

Chia sẻ với Phatgiao.org.vn, Thượng tọa Giác Hoàng, UV Hội đồng Trị sự, Phó ban Văn hoá Trung ương, Chánh Thư ký Hệ phái Khất sĩ xác nhận, đoàn đã đến viếng tang ngài Đại Tăng thống Tep Vong, chiều 30/4.

Buổi viếng diễn ra trang nghiêm, thành kính

Buổi viếng diễn ra trang nghiêm, thành kính

“Theo sự sắp xếp của quý tôn đức, đoàn được đảnh lễ kim quan Đức Tăng thống tại Giác linh đường, đặt vòng hoa kính viếng, dâng hương tưởng niệm; sau đó cử hành khóa lễ cầu nguyện, ngưỡng vọng hồi hướng đến Giác linh ngài”, Thượng tọa trưởng đoàn thông tin.

Được biết, Đức Tăng thống Tep Vong sinh vào ngày 12/1/1932, (nhằm ngày 5/12/Tân Mùi, PL.2476) tại làng Tropeang Chouk, xã Chriev, huyện Siem Reap, tỉnh Siem Reap. Thân phụ thế danh là Tep, thân mẫu thế danh là Bich At.

Dưới thời Pol Pot giai đoạn 1975 – 1979, ngài bị buộc phải hoàn tục và trải qua nhiều khó khăn như phần lớn người dân Campuchia lúc bấy giờ.

Sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, ngài xuất gia lại và đến năm 2006 trở thành Đại Tăng thống của Phật giáo Hệ phái Đại thừa của đất nước chùa tháp.

Vua sư Tep Vong được biết đến với vai trò to lớn trong việc xây dựng lại giáo hội Phật giáo tại Campuchia sau sự sụp đổ của chế độ diệt chủng Pol Pot. Đồng thời, ngài được công nhận như một vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo tại Vương quốc Campuchia.

Về đối ngoại, ngài có mối quan hệ gắn bó mật thiết và đạo tình sâu sắc với chư tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đức ngài Tăng thống Tep Vong, Samdech Preah Agga Mahā Sangharājā Dhipati, viên tịch ngày 26/2/2024 – là sự mất mát vô cùng to lớn đối với Phật giáo Campuchia nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung.

Đoàn hành hương đã có một thời kinh hồi hướng, cúng dường Giác linh Đức Hòa thượng Tep Vong

Đoàn hành hương đã có một thời kinh hồi hướng, cúng dường Giác linh Đức Hòa thượng Tep Vong

Hữu nhiễu kim quan Đức Tăng thống Tep Vong

Hữu nhiễu kim quan Đức Tăng thống Tep Vong

Trước đó, vào ngày 27/2/2024, khi hay tin viên tịch của Đại Tăng thống Tep Vong – người pháp lữ có mối thân tình sâu sắc với Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN gửi điện thư phân ưu đến Giáo hội Tăng-già Phật giáo, Chính phủ Hoàng gia và Nhân dân Vương quốc Campuchia.

Trong thư, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch nhấn mạnh: “Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong là bậc cao tăng của cộng đồng Phật giáo thế giới. Ngài đã để lại di sản và thành tựu đáng thán phục, hồi sinh và phát triển Phật giáo Vương quốc Campuchia. Ngài là biểu tượng cao cả về sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc và thế giới tạo nên môi trường hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Sự ra đi của ngài là sự mất mát to lớn đối với Chính phủ và Nhân dân Campuchia và của cộng đồng Phật giáo thế giới”.

Sau đó, ngày 2/3/2024, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN cũng đã dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thủ đô Vương quốc Campuchia viếng tang Đại Tăng thống Tep Vong.

Ban tổ chức lễ tang cảm tạ đoàn Hệ phái Khất sĩ đã viếng Giác linh Đại lão Hòa thượng Tep Vong

Ban tổ chức lễ tang cảm tạ đoàn Hệ phái Khất sĩ đã viếng Giác linh Đại lão Hòa thượng Tep Vong

Theo thông tin từ Bộ Lễ nghi Tôn giáo Vương quốc Campuchia và Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Vương quốc Campuchia, thi hài của Vua sư Tep Vong sẽ được bảo quản tại chùa Ounalom cho đến ngày kết thúc tang lễ.

Nhục thân của ngài còn quàn tại đây cho đến 100 ngày mới trà-tỳ (hóa cốt). Dự kiến, nghi thức trà-tỳ nhục thân của ngài sẽ được Chính phủ và nhân dân đất nước Campuchia cử hành vào ngày 6/6/2024.

Trong chuyến hành hương, đoàn Hệ phái Khất sĩ còn đến thăm và đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Samdech Preah Vannaroth Noy Chriek, Đệ nhị Tăng thống Vương quốc Campuchia tại chùa Chan Borey Vong và thăm trung tâm thiền Vipassana lớn nhất đất nước Campuchia ở chùa Samrong Kaldal.

Đoàn Hệ phái Khất sĩ đến thăm và đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Samdech Preah Vannaroth Noy Chriek

Đoàn Hệ phái Khất sĩ đến thăm và đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Samdech Preah Vannaroth Noy Chriek

Và chụp hình lưu niệm tại chùa Chan Borey Vong

Và chụp hình lưu niệm tại chùa Chan Borey Vong

* Dịp này, đoàn còn đến thăm và tặng quà cho bà con đồng bào Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn tại xã Chongkneas, huyện Siem Riep, thuộc Biển hồ Tonle Sap, chiều 29/4.

Theo đó, đoàn đã đến thăm hỏi cộng đồng người Việt tại ấp 7, xã Chongkneas, huyện Siem Reap, gồm 436 hộ gia đình, tổng số 1.962 người dân và trao hơn 350 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng. Tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. 

Thượng tọa trưởng đoàn trao quà

Thượng tọa trưởng đoàn trao quà

Biển hồ Tonle Sap là hồ nước ngọt rộng lớn nhất Đông Nam Á, có chu vi tiếp giáp 5 tỉnh của Campuchia (Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Chhnang) là khu vực sinh sống của rất đông người dân gốc Việt ở Campuchia. Họ ở trên những căn nhà nổi, quần tụ ven các cánh rừng, hoặc gần những con sông chảy ra Biển hồ, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy sản.

Lênh đênh trên Biển Hồ cách xa đất liền, phương tiện đi lại là ghe, xuồng. Cộng đồng người Việt nơi đây như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài, bị đói nghèo đeo bám quanh năm.

Vì chưa trả giá đủ

“Nhiều người mới học đạo sơ sơ mà cầu giác ngộ, chứng đắc đạo quả là điều không thể. Thành công nào cũng cần phải trả một cái giá nào đó. Khi mà chúng ta chưa nỗ lực đủ, chưa trả giá đủ thì thành công sẽ không thể đến với chúng ta.”

431963921_743682021198159_8787970086899335236_n

Một người cư sĩ phàn nàn với một vị hòa thượng:

Thưa thầy! Vì sao mà con cố gắng thế nào cũng không thành công? Cũng niệm kinh, làm việc thiện rồi mà vẫn không chuyển được nghiệp, số mệnh vẫn không thấy cải biến gì?

Hòa thượng: Vậy, tôi biếu anh 500 trăm có được không?

Người cư sĩ : Tiền của Hòa thượng con không dám lấy ạ!

Hòa thượng: Tôi muốn anh làm giúp tôi một việc.

Người cư sĩ: Thưa thầy, thầy nói làm việc gì con cũng tuyệt đối làm tốt giúp thầy.

Hòa thượng: Anh hãy giúp tôi mua một chiếc xe ô tô.

Người cư sĩ (giật mình hoảng hốt): Thưa thầy, 500 trăm sao có thể mua xe ô tô được chứ!

Hòa thượng: Anh biết 500 trăm không mua được xe ô tô? Thế nhưng mà trên đời này có rất nhiều người vắt hết óc để suy nghĩ làm sao chỉ phải trả một chút thôi mà lại muốn đạt được rất nhiều thứ đấy!

– Nhiều người mới học đạo sơ sơ mà cầu giác ngộ, chứng đắc đạo quả là điều không thể. Thành công nào cũng cần phải trả một cái giá nào đó. Khi mà chúng ta chưa nỗ lực đủ, chưa trả giá đủ thì thành công sẽ không thể đến với chúng ta.

Tuy nhiên, “cái giá phải trả cho sự thành công, lúc nào cũng xứng đang hơn cái giá phải trả cho sự tầm thường” phải không bạn!

Nỗ lực trong đời sống tục đế khác với nỗ lực trong tu tập không?

Tự ý thức về mình! 

Một thanh niên tới tham vấn sư thầy: “Thưa thầy, có người khen con thông thái, có người lại bảo con ngốc nghếch, vậy con nên nghe theo ai?”.

Sư thầy đáp: “Nên nghe theo ai ư, vậy con nghĩ sao về bản thân mình?”

“Một nắm gạo trước mắt bà nội trợ sẽ trở thành bát cơm chín, nhà buôn rượu sẽ nhìn thấy lít rượu ông ấy sắp bán,nhưng thực chất nó vẫn là nắm gạo thôi.

Con là người như thế nào bản thân con nên tự ý thức về mình, sao phải nghe theo ai đó nhận xét làm gì?”.

Cuộc đời khó tìm nhất là chân tình nên phải khéo trân trọng

Hiện thực xã hội luôn vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Không phải bạn cho đi liền nhận ngay hồi đáp, cũng không phải hễ chân thành là sẽ được chào đón và trọng dụng.

437968401_3670449206542145_3286663152373263693_n

Trao gởi lương thiện và chân tình cho đúng người đúng việc

Một ngày, cá tự tin nói với nước: Nếu không có tôi, bạn sẽ rất buồn.

Nước bảo cá rằng: Còn không có tôi, thì bạn chết chắc!

Cho nên nói: Khi qua lại với người, đừng tự cho vị trí mình quá quan trọng, đừng vội khẳng định chỉ có bản thân mới có lý. Trong các mối quan hệ ở đời, khờ khạo một chút không sao, miễn đừng để vì thiếu kinh nghiệm, mà lầm nhận những hư giả xã giao là chân tâm thật ý.

Trong ứng xử qua lại với nhau, tinh quái một chút cũng được, nhưng đừng để trở thành bản chất, gặp người khác thì tính toán lợi dụng, gặp tình cảm thì gạ gẫm phỉnh lừa.

Hiện thực xã hội luôn vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Không phải bạn cho đi liền nhận ngay hồi đáp, cũng không phải hễ chân thành là sẽ được chào đón và trọng dụng.

Nhưng xin hãy vững tâm, mục tiêu dù đạt được hay chưa, thì mọi hạt giống đã gieo đều có ý nghĩa riêng của nó. Điều chúng ta cần nhớ là: Tấm lòng lương thiện thì luôn trân quý, nhưng phải có quy tắc và lý tưởng rõ ràng.

Gặp khi mệt mỏi phải biết nghỉ ngơi, lỡ bị trúng thương thì tìm phương trị liệu. Trong cuộc đời này, khó tìm nhất là chân tình, dù may mắn gặp được cũng chưa chắc sẽ bền vững vĩnh viễn. Một khi mất đi thì không thể tìm lại, bù đắp thế nào cũng không bằng ngày xưa, nên phải khéo trân trọng giữ gìn! 

Rồi sẽ có một ngày bạn ước được bố mắng…

Nếu như một ngày nào đó bạn chợt nhận ra rằng vô thường quả thật rất vô thường, người ta thương bỗng dưng không còn thương ta nữa…

Audio

Như nào là không còn thương ta nữa nhỉ? À là vì không thể thương ta được nữa rồi, vì họ bận, bận đi xa, một nơi rất xa, nơi mà ta không thể nào còn gặp lại họ được nữa. Nơi mà ta không còn nghe được tiếng họ nữa, nơi mà ta và họ là hai thế giới cách biệt.

Ừ, như thế nào nhỉ, có vẻ câu chuyện khá là buồn, buồn đến mức có thể ngồi khóc rất rất là lâu, có thể buồn đến mức mỗi lần ai nhắc đến hay gợi lại hình ảnh vẫn cảm thấy đau thương. Nhưng biết làm sao bây giờ, vốn dĩ vận mệnh là như thế, chúng ta mỗi người đến với thế gian đều có một thời gian hữu hạn, khi ở lại đây đủ rồi thì tự khắc sẽ phải ra đi mà thôi…

Cuộc sống vô thường. Ảnh minh họa

Cuộc sống vô thường. Ảnh minh họa

Một người sinh ra, lớn lên, nếm trải đủ mọi hỷ nộ ái ố của cuộc đời, chịu đựng biết bao đau thương sầu khổ, cũng thử qua vô vàng tư vị của hạnh phúc và vui vẻ. Có người thì sống một đời bình an, nhưng có kẻ lại chọn một cuộc đời đầy sóng gió. Sao lại gọi là chọn, là vì đơn giản nó đều nằm ở cách mà ta đối diện với mọi thứ.

Đôi khi cuộc đời không mấy tử tế với ta, có thể ta sẽ chọn cách đáp trả lại cuộc đời y như cách cuộc đời đối xử với mình, hoặc ta vẫn có thể chọn làm một người tử tế, làm một người bao dung ấy mà.

Đấy bạn thấy không, mọi thứ suy cho cùng thì vẫn là nằm ở chính ta mà thôi, có vẻ chúng ta hay kiểu đổ cho hoàn cảnh, cho người này người nọ, cho đủ thứ hết. Ồ không đâu, là do chính mình đấy, quay lại thôi bạn ơi, chậm một chút, nhìn lại nào, không sao cả, mọi thứ sẽ ổn cả mà, tuy việc này hơi khó khăn chút xíu nhưng bạn sẽ làm được thôi.

Khi ta thay đổi đi góc nhìn thì tự dưng lăng kính nhìn mọi thứ của ta sẽ khác hoàn toàn, ừ kì diệu lắm, rồi tự dưng bạn sẽ thấy thương, thấy yêu tất cả hơn bao giờ hết. Bạn biết trân quý từng người, bạn biết bao dung tất cả. Rồi bạn sẽ thấy yêu đời, yêu người hơn.

Cười lên nhé bạn dù cuộc đời có ra sao đi nữa, khi trời còn xanh, nắng còn vàng, mây còn trắng, khi bạn còn hi vọng thì mọi chuyện đều có thể thay đổi được.

Sau khi một người ra đi mãi mãi thì tất cả mọi hỉ nộ ái ố có còn là gì nữa…

Đôi lúc chúng ta không thể tỉnh thức để nhận ra sự hiện hữu của mọi người xung quanh mình, sự hiện hữu này có thể sẽ biến mất đi một cách tự nhiên theo vô thường lúc nào ta chẳng biết được. Nhưng có khi đến lúc biến mất ấy ta mới nhận ra được sự hiện hữu hiển nhiên này.

Tôi đã nghe một cô bạn mình than phiền rằng cuộc sống đã quá áp lực rồi, đi làm cả ngày đã mệt đến độ chỉ muốn về nhà mà ngủ một giấc thật yên. Nhưng khi về đến nhà lại bị bố mắng là phòng quá bừa bộn, con gái gì chẳng chịu dọn dẹp phòng gì cả…Trong lúc ấy, áp lực cuộc sống, mệt mỏi, bực bội và tức tối, cô ấy đã cãi lại bố mình, đã lớn tiếng với bố mình, dù rằng trước đây cô chưa từng làm thế.

Một câu chuyện rất phổ biến ngày nay nhỉ. Tôi đã nói với cô ấy rồi sẽ có một ngày cô ấy sẽ ước rằng phòng mình bừa bộn như cái ngày hôm ấy và được nghe bố mắng rằng mình rất bừa. Cô bạn nhà tôi tự dưng khác rồi, cô ấy kéo tôi đi mua quà cho bố mình…

Chúng ta thấy gì nhỉ, sự hiện hữu của một người là vô thường, có thể hôm nay còn gặp cười nói vui vẻ hay cãi nhau, động tay động chân. Nhưng đâu biết được ngày mai chẳng còn cơ hội nữa… Đặc biệt là những người thương, người thân của chúng ta, có vẻ nhiều lúc chúng ta coi đó là cái gì rất ư hiển nhiên và cho rằng nó phải như vậy. Ồ, không đâu, đấy là điều kiện hạnh phúc tuyệt đẹp mà ta đang có được mà thôi. Nếu không biết trân trọng thì lúc mất đi chắc chắn sẽ là sự hối tiếc…

Một người mất đi rồi thì còn gì đâu nữa, hỉ nộ ái ố, vinh nhục, được mất, hơn thua, tất cả cũng còn ý nghĩa gì…

Vô thường cũng nhắc ta quay về. Lễ này, tranh thủ về để sống trọn từng phút giây với những người thân thương mình, bạn nhé!

Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (I)

Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật. 

Audio

Hằng năm khi mai vàng nở, báo hiệu một mùa xuân đã trở về trên đất nước Việt Nam, tất cả mọi người hân hoan chào đón một năm mới với đầy niềm vui và mở ra hy vọng xán lạn trong công việc, cầu mong gia đình bình an, đất nước hoà bình, thịnh trị. Do đó, chùa chiền, là nơi mà mọi người thường đi đến lễ Phật đầu năm, cầu bình an, cầu quốc thới dân an, hơn nữa là cầu cho bản thân, gia đình, mọi người tiêu tai tiêu nạn, tật bệnh tiêu trừ. 

Vì vậy, các chùa, tu viện thường mở hội Dược Sư đầu năm nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tín ngưỡng của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên cả nước. Tuy nhiên, pháp hội Dược sư ngoài ý nghĩa cầu bình an, tiêu trừ bệnh tật, nó còn thể hiện một triết lý hết sức đặc sắc của vị “Phật thầy thuốc” chuyên trị tâm bệnh. 

Bài viết tập trung trình bày phương thức bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người; phương thuốc trị lành tâm bệnh con người. Nhằm mục đích hướng dẫn con người nhận thức rõ triết lý, ý nghĩa thâm sâu của đức Phật qua hình thức lễ hội Dược Sư. 

Kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo, thể hiện triết lý của đạo Phật hết sức sâu sắc, từ hình thức cho đến triết lý tính không của Phật giáo, mang tư tưởng Đại thừa. Vì vậy, kinh Dược Sư đã được các nhà dịch thuật nổi tiếng Trung Hoa dịch sang tiếng Hán để đọc tụng trong các thời khoá của các chùa Phật giáo khắp Trung Hoa, như đời Đông Tấn (317-322) thì có bản dịch của ngài Miên thi-lợi Mật-đa-la; đời Lưu Tấn (năm 457) có bản dịch của ngài Huệ Giản.

Thời kỳ nhà Tùy (năm 615) có bản dịch của ngài Đạt-ma-cấp-đa; bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh, bản dịch của ngài Huyền Trang…Trong đó, bản dịch của ngài Huyền Trang mang tính phổ biến, được ưa chuộng nhất. Song, kinh Dược Sư cũng đã được các nhà dịch thuật Việt Nam dịch sang tiếng Việt như ngài Tuệ Nhuận, ngài Mật Trí, ngài Huyền Dung, ngài Trí Quang…nhằm đáp ứng nhu cầu tụng đọc, cầu nguyện của các tín đồ Phật giáo. 

Kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo, thể hiện triết lý của đạo Phật hết sức sâu sắc, từ hình thức cho đến triết lý tính không của Phật giáo, mang tư tưởng Đại thừa.

Kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo, thể hiện triết lý của đạo Phật hết sức sâu sắc, từ hình thức cho đến triết lý tính không của Phật giáo, mang tư tưởng Đại thừa.

Kinh Dược Sư trình bày về thế giới của Phật Dược Sư Lưu Ly được xem là một trong những cảnh giới cực lạc, thanh tịnh, an lành, dưới sự hướng dẫn của chư Phật, Bồ tát, mọi người đều thực hành việc thiện, tu tập pháp thượng nhơn, làm lợi ích cho chúng sinh. 

Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa mang tính phổ thông của niềm tin con người về “cầu chi được nấy”, mang đến cho con người sự an lạc, tiêu tai tiêu nạn, nhờ vào tha lực của Phật, Bồ tát; kinh Dược Sư còn thể hiện nét đặc trưng về một vị “Phật thầy thuốc” chuyên bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người và kê toa bốc thuốc để trị tâm bệnh của con người một cách hết sức hiệu quả. 

1. Bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người 

Trong cuộc sống xã hội ngày xưa cũng như ngày nay, khi con người cảm thấy hụt hẫng trước những sự kiện, biến cố trong cuộc sống như thiên tai, lũ lụt, chiến tranh, nạn đói, làm ăn thất bại, bị lừa gạt, gia môn bất hạnh, hạnh phúc tan vỡ…con người thường hướng về một đấng thiêng liêng, một tha lực hùng mạnh có thể che chở cho mình, người thân vượt qua khổ nạn, tật bệnh tiêu trừ. 

Trong nỗi khủng hoảng, lo sợ về tâm lý, con người không thể tự mình giải quyết hoặc không có phương thức để giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống, sự bế tắc trong lộ trình đau khổ dần dần tiến gần đến sự tuyệt vọng của bản thân và đó cũng chính là con người tìm về sự thanh thản, bình an, sự che chở, nhờ vào tha lực của đức Phật Dược Sư. 

Bởi lẽ, đức Phật Dược Sư là bậc thầy Từ bi, đức độ của mọi chúng sinh đang, đã và sẽ đau khổ trông chờ, nương tựa Ngài cứu khổ để họ có một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng, một bầu trời an lạc, thoát khỏi cảnh nghèo cùng, bệnh tật, đều được Ngài chữa lành căn bệnh. 

Ngài đã phát mười hai nguyện lớn để cứu tất cả những con người đang đau khổ, chìm đắm trong thế giới mê muội, đang bệnh trầm kha tuyệt vọng. Một trong mười hai lời nguyện của Ngài thể hiện hết sức sâu sắc về tinh thần Từ bi, ứng xử nhân văn khi Ngài còn làm vị Bồ tát, 

Ngài đã phát nguyện: 

“Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo, Vô thượng Bồ đề, nếu những hữu tình, mắc mọi bệnh khổ, không ai cứu chữa, không chỗ nương thân, không người thân thiết, không cửa không nhà, bần cùng khốn khổ, một khi tên ta, nghe lọt vào tai, mọi bệnh đều hết, thân tâm yên vui, gia quyến tiền của, thảy đều sung túc, rồi tu đắc đạo, Vô thượng Bồ đề” . 

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không phải dừng lại, phản ánh một năng lực ngoại tại từ đức Phật trong việc thực hiện việc làm cứu độ con người của các Ngài, đó chỉ là hành động mang ý nghĩa biểu trưng và được xếp hạng “bậc hai”. Trong khi đó, cốt lõi của vấn đề mang ý nghĩa sâu xa hơn, rộng lớn hơn, đó là bắt mạch tìm ra “tâm bệnh” của con người trong cuộc sống như thế nào. 

Trong thực tiễn, một bác sĩ giỏi, một lương y tài năng, không phải là họ kê toa, cho uống thuốc thì gọi là một bác sĩ tài giỏi; mà yếu tố quan trọng nhất đó là tìm ra căn bệnh đúng với căn bệnh của người bị mắc bệnh để kê toa, uống thuốc. Cũng như vậy, lương y bắt mạch mà không nhận ra căn bệnh tiềm ẩn bên trong người bị bệnh, thì dù có kê toa, sắc thuốc uống hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì bệnh chỉ thêm nặng cho đến khi không còn hơi thở. 

Do đó, việc bắt mạch tìm ra nguyên nhân căn bệnh của thân thể con người là điểm mấu chốt trong phương pháp chữa bệnh có hiệu quả. Đó không phải là điều mới lạ, mà nó đã được thực nghiệm từ rất lâu, được áp dụng một cách có hiệu quả trong phương pháp trị liệu của đức Phật Dược Sư, Ngài được mọi người tôn kính với danh xưng “Phật thầy thuốc” trong lộ trình trị tâm bệnh cho con người. 

Đối với sự phát triển vượt bậc của khoa học, sự tiến bộ của y học ngày nay trong việc điều trị những căn bệnh của thân thể con người không phải là một vấn đề khó khăn về mặt y khoa. Song, căn bệnh về tinh thần, tâm lý của con người, lại là một vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi một bậc thầy có nhiều kinh nghiệm nội tâm mới đủ trình độ chẩn đoán và kê toa, bốc thuốc, thì bệnh mới mong uyên giản. Bậc thầy đó là đức Dược Sư Lưu Ly, Ngài quá tuyệt vời khi chỉ rõ căn bệnh trầm kha, lâu đời, khó trị của con người: 

“Tội cấu của chúng sinh rất nặng, bởi vì vô minh che tối, nên không hiểu nhân quả, không chuyên cần sám hối, cứ để cho tham, sân, si, tự do hành động, tạo các tội lỗi, nào sát, đạo, dâm, tội cấu vô biên, mà oan nghiệp cũng kết thành vô lượng, thế mà cũng không hay, không biết; tội lỗi càng ngày càng sâu nặng” . 

Chính vì con người không nhận thức được những yếu tố dẫn đến đau khổ, không làm chủ, kiểm soát được hành vi, hành động của chính mình nên con người loay hoay trong chuỗi ngày đau khổ. Nếu con người không thấy được “tâm bệnh” của chính mình, thì không có thuốc trị khỏi bệnh của tâm, không có vị Phật nào có thể cứu chúng ta thoát khỏi đau khổ. 

Cho nên việc đầu tiên đức Phật Dươc Sư cứu con người đó là tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc sinh ra các tội lỗi của chính con người, từ đâu mà con người từ bỏ “tâm thiện” để sống với đời sống “bất thiện”. Từ đó, Ngài lên kế hoạch, tìm phương thuốc để cứu con người hết tâm bệnh trở thành người sống khoẻ mạnh với bản chất thiện, giúp ích cho mọi người và xã hội. 

(Còn tiếp)

 

*TT. TS Thích Lệ Quang – Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM 

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Huyền Dung (dịch), Kinh Dược Sư bốn nguyện công đức, NXB. Tôn giáo, năm 2013. 

2. Thích Trí Quang (dịch), Dược Sư kinh sám, ấn bản điện tử.

3. Tuệ Nhân – Thích Mật Trí (dịch), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, năm 2019.

4. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Chú thích: 

1. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.30.

2. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.101.

3. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.122.

4. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.124.

5. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.125.

6. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr27.

7. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr140.

8. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr141.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (II)

Con người cần nên học theo phương pháp “bắt mạch và trị bệnh” của Phật Dược Sư, không phải là học theo cách lễ Phật Dược Sư như thế nào.

Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (I)

2. Phương thuốc trị lành tâm bệnh cho con người 

Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật. Nó đánh thức con người nhận thức rõ bản chất của nội tâm, làm trỗi dậy chất liệu giác ngộ tiềm ẩn bên trong của chính con người, mà từ lâu chúng ta lãng quên, thờ ờ, lạnh nhạt, sống vô tình, vô nghĩa với chính bản thân chúng ta. 

Những đức tính cao cả, những phẩm chất tốt đẹp của con người được gợi mở, nhớ lại từ hình ảnh vị “Phật lương y” để chúng ta tự mình chuyển hoá tâm thức mình, làm sống dậy ông “Phật Dược Sư” của chính mình. Do đó, đức Phật Dược Sư chỉ cho con người thấy được cái bệnh tiềm tàng bên trong chúng ta đó là: 

“Bệnh tham, sân, si, tật đố; bệnh kiêu mạn, ngạo nghễ; bệnh không biết thiện ác; bệnh không tin tội phước; bệnh bất hiếu, ngũ nghịch; bệnh huỷ nhục Tam bảo…bệnh dầu gặp thầy thuốc cũng không nhằm; cho đến nhiều thứ bệnh tai nạn, lấn hiếp, huỷ nhục, buồn rầu, bức rức, thân tâm chịu khổ…”. 

Đối với căn bệnh trầm kha của con người quá sâu nặng, dù cho chuyên gia tâm lý tài giỏi như hiện nay cũng khó có thể trị lành bệnh, nếu có chăng cũng chỉ là một liều thuốc “an thần” nhằm trấn an tinh thần và lãng quên tạm thời trong cuộc sống. Mặt khác, nếu tìm đến sự lễ bái bằng hình thức, sự mong cầu từ hình tướng cũng không thể trị được tận gốc căn bệnh nan y của con người. 

Lễ bái, cúng kính bằng hình thức chỉ phản ánh một phần của niềm tin vào tha lực, mà không phản ánh được đúng bản chất của vấn đề cần giải quyết; muốn giải quyết được triệt để, rốt ráo, diệt trừ tận gốc “mầm bệnh” của tâm thức, thì cần một phương thuốc đặc trị và thuốc đó phải do chính “Phật thầy thuốc” kê toa, bốc thuốc, phù hợp với từng loại bệnh của con người. Mặc dù, Dược liệu có rất nhiều loại như: 

“Thuốc từ bi, hỷ xả, thuốc nhẫn nhục nhu hoà, thuốc chính tín Tam bảo, thuốc cần tu phước huệ, thuốc lục Ba la mật, thuốc cam lồ đầy đủ, thuốc mong cầu pháp vị, thuốc tu tâm dưỡng tính, thuốc phản bổn hoàn nguyên, thuốc có lỗi biết ăn năn, thuốc thiện xảo phương tiện, thuốc không động thanh sắc, thuốc thanh tâm đoạn dục…”. 

Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm.

Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm.

Tuy nhiên, không phải căn bệnh nào cũng phải sử dụng thuốc như nhau, phải tuỳ theo bệnh của con người có nặng, có nhẹ mà hoà trộn theo tỷ lệ phù hợp với tâm bệnh của họ. Cũng như một vị bác sĩ, một lương y tài giỏi bắt mạch kê toa phải phù hợp với bệnh lý; người bệnh nhức đầu, cảm sốt, không phải lúc nào cũng uống panadol, tylennol, mà phải khám, bắt mạch để chẩn đoán nguyên nhân của căn bệnh, nó xuất phát từ đâu, từ bệnh lý thông thường hay bị nhiễm bệnh từ virus, hệ thần kinh, não bộ có vấn đề hay không. 

Song, vấn đề ở đây là con người phải nhận thức rằng bệnh của chúng sinh là bệnh huyễn, thuốc là phương tiện trị lành căn bệnh, một khi bệnh đã lành thì không thể uống thuốc nữa, nếu uống thuốc tiếp tục thì người không bệnh sẽ trở thành bệnh và có khi bệnh càng nặng thêm. 

Do vậy, mô típ “xin – cho” hay “hữu cầu tất ứng” không phải là vấn đề cốt lõi trong trường hợp này. Bởi lẽ, đức Phật đã xác định rất rõ trong kinh: “Như Lai nói pháp chỉ là một tướng, một vị. Nghĩa là tướng giải thoát, tướng ly, tướng diệt, cứu cánh Niết bàn, chung quy đều về chơn không”. Tuy nhiên, chúng ta thường đi ngược lại, ưa thích những hình thức, xem trọng hình tướng bề ngoài hơn là bản chất của nội dung câu chuyện. 

Do vậy, mà Trần Thái Tông đã nói: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử, ấy là đại giáo của đức Phật”. 

Vì sự mê muội, chuộc hình thức, sự tướng bên ngoài nên chư Tổ, chư Phật, chư Bồ tát dùng phương tiện “pháp hội” để chỉ rõ “bản chất” bên trong bằng sự trình bày “hình thức” của nó. Do đó, nếu nói thẳng “nhất thừa thật tướng” thì mọi vấn đề sẽ đứng yên, phẳng lặng, không thể trình bày, sẽ không có “tăng, giảm, cấu, tịnh, thiện, ác, tội, phước, bệnh, thuốc”. 

Bởi vì, trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, thiên nhiên, vật chất, con người là sự vận động và phát triển, nó tuân thủ theo quy luật của sự vận động và phát triển của xã hội. Do vậy, phương tiện là chiếc đò đưa người sang sông, là nhịp cầu nối liền hai bờ mê – ngộ. 

Phương tiện như người chiêm bao thấy thân có bệnh cần phải cầu thầy thuốc trị lành căn bệnh. Nếu không dùng phương tiện, không dùng hình thức, biểu hiện hình tướng thì không thể thực hiện sứ mệnh cứu độ nhơn sinh. Phương tiện, hình thức bên ngoài cũng ví như giấc mơ trong chiêm bao, một khi thức dậy chúng ta sẽ không còn thấy hình tướng hiện ra trong mộng và thật sự chúng ta không có bệnh. Cái “không bệnh cũng không”, con người không bệnh thì cần gì thầy thuốc chữa bệnh? 

Do đó, pháp hội Dược Sư với hình thức là một đàn tràng trang nghiêm, thanh tịnh với đủ mọi lễ nghi được tổ chức cho tín đồ Phật tử ngày nay cung kính lễ bái, chiêm ngưỡng, cầu nguyện với tâm thành kính đối với đức Phật, Tam bảo, là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, là niềm tin của tín đồ vào tha lực của đức Phật Dược Sư cứu lành vết thương lòng, chữa lành tâm bệnh của con người. 

Mặc dù vậy, chúng ta không nên phô trương “sức mạnh của hình thức”, chấp vào hình thức xem đó là một cứu cánh, là đại diện cho tư tưởng, triết lý thậm sâu của đức Phật về một lý tưởng tu tập để đạt đến giác ngộ. Điều đó, có thể làm chuyển hướng tư tưởng chủ đạo của kinh Dược Sư. 

Tư tưởng kinh Dược Sư phản ánh một đường lối tu tập hết sức nhiệm mầu, sâu sắc, hướng dẫn chúng ta tự mình thắp sáng ngọn lửa giác ngộ trong tâm, đào tạo, rèn luyện chúng ta trở thành một “thầy thuốc” của chính mình và có thể tự mình trị hết những căn bệnh, khúc mắc ẩn chứa, tiềm tàng trong nội tâm. 

Con người cần nên học theo phương pháp “bắt mạch và trị bệnh” của Phật Dược Sư, không phải là học theo cách lễ Phật Dược Sư như thế nào. Chúng ta thường bỏ “gốc” chạy theo “ngọn”, không thấy được cốt lõi của vấn đề, nên con người khổ đau và mãi mãi cũng chỉ là đau khổ. 

Câu chuyện ở đây là làm thế nào cho mọi người khai mở được chân lý, thường “khởi lòng từ bi, hỷ xả, bình đẳng; thường làm lợi ích an lạc, như thế nhiếp niệm chính quán, không đoạn kiết sử, không trú sử hải, quán sát các pháp không, như thật tướng” . 

Đặc biệt, điểm nhấn ở lời dạy của đức Phật là “các pháp không như thật tướng” là cốt lõi của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết nó một cánh rốt ráo; cũng như chúng ta tìm được bệnh và hướng giải quyết, chữa lành căn bệnh đó như thế nào cho hết bệnh. 

Cho nên phương pháp tu tập theo kinh Dược Sư đó là quán chiếu nơi tâm mình, để thấy rõ “chân – vọng”, “thật – giả”, tâm nhân nơi đâu mà “có tâm” hoặc không nhơn nơi đâu mà “có tâm”? Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ dạy các thiền khách rằng “phản quang tự kỷ bổn phận sự” đó là nhiệm vụ mà người tu tập cần phải nhận thức, phải sống và thực hành cho thật tinh tường. 

Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm. Tâm là đầu mối của mọi tội lỗi, phiền não, đau khổ, sinh tử và cũng từ nơi tâm, con người giác ngộ được chân lý, giải thoát được những hệ luỵ đau khổ. 

Chỉ khi nào chúng ta triệt phá được đường dây “sinh tử” bằng một tấm gương “không pháp, không tâm” thì tội phước, sinh tử, Niết bàn vốn không có thật tướng. Cho nên trong kinh đức Phật dạy rằng: 

“Người hành giả không thấy tâm sinh tử đâu lại có tâm Niết bàn. Đã không có cảnh sở quán, cũng không có tâm năng quán, không thủ không xả, không nương không dựa, cũng không an trú nơi vắng lặng, vứt bặt sự nói năng không thể bàn cải, khi quán tâm không, thì tội phước không có chủ tể, tội phước tính nó vốn không, thì tất cả các pháp đều không, tâm vương tâm sở không, pháp không trú pháp” . 

Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho mọi người thấy được cái giá trị cốt lõi, thông qua các hoạt động, sự kiện mang tính hình thức, hình tướng bên ngoài. Điều đó có nghĩa là giữa lý luận và thực tiễn cần được triển khai một cách đồng bộ; đồng thời làm rõ nội dung của kinh, lời Phật dạy cho mọi người, thì việc tổ chức pháp hội, trai đàn mới mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc. 

Phần lớn chúng ta chỉ chú trọng đến những điểm nổi bật của hình thức, sự phô trương của nét đẹp hình tướng hơn là nét đẹp của triết lý. Nét đẹp của một con người không nằm ở chiếc áo đẹp sặc sỡ, một thân hình đoan trang, mà nét đẹp con người phải chứa đựng những đức tính tốt, phẩm chất đạo đức, nhân cách sống, tinh thần lợi tha, sống có nghĩa có tình, có đạo lý làm người, phù hợp với truyền thống của một dân tộc. 

Do đó, đối với Phật giáo, hình thức chỉ là một khía cạnh nhỏ, là một phần của cuộc sống, nó không nói lên được tất cả ý nghĩa, triết lý sâu xa của Phật giáo. Cho nên, nếu không làm sống dậy chất liệu giác ngộ nơi con người, thì theo dòng thời gian, sự mai một của năng lực nội tại trong con người chúng ta sẽ không còn và khi đó mọi vấn đề về Phật pháp chỉ là hình tướng, là võ ngoài của một “thực thể” đáng tin cậy bị vùi sâu trong quá khứ. 

Tóm lại, kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo. Nội dung của bản kinh truyền tải cho mọi người, tu sĩ, cư sĩ, tín đồ Phật giáo một thông điệp hết sức sâu sắc có ý nghĩa, triết lý cao siêu về giá trị cốt lõi của giáo lý Phật giáo. Ngoài sự biểu đạt về phương tiện, hình thức cúng bái, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tín ngưỡng của con người trong đời sống tinh thần. 

Kinh Dược Sư còn chỉ ra cách tiếp cận một phương pháp trị liệu về căn bệnh tâm lý của con người hết sức hiệu quả. Bắt mạch tìm bệnh và phương thuốc trị bệnh, là một liệu trình trong phương pháp trị tâm bệnh của đức Phật Dược Sư, mang đến cho con người một khát vọng tìm về chân lý hết sức sâu sắc. 

Đó là khát vọng về một con đường tự trị liệu cho chính mình bằng cách khơi dậy chất liệu giác ngộ của tự tâm, từ đó xây dựng lộ trình tu tập, rèn luyện bản thân, nhằm hướng đến một mục tiêu cao cả như kỳ vọng đặt ra trong cuộc sống, đó là hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, giúp ích cho xã hội, sống vì tha nhân; đồng thời hướng tới đỉnh cao của chân lý giác ngộ, giải thoát. 

*TT. TS Thích Lệ Quang – Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM 

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Huyền Dung (dịch), Kinh Dược Sư bốn nguyện công đức, NXB. Tôn giáo, năm 2013. 

2. Thích Trí Quang (dịch), Dược Sư kinh sám, ấn bản điện tử.

3. Tuệ Nhân – Thích Mật Trí (dịch), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, năm 2019.

4. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Chú thích: 

1. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.30.

2. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.101.

3. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.122.

4. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.124.

5. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.125.

6. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr27.

7. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr140.

8. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr141.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học