Luật tức là Tỳ-ni, gồm oai nghi và giới luật, là bước đầu cho người mới vào đạo thực hành để ngăn ngừa tội lỗi, nên gọi là nhằm sửa mọi điều dở tệ. Ban đầu, tâm người mới vào đạo giống như con trâu hoang, nếu không có giới luật kềm giữ thì nó mặc tình ăn cỏ mạ của người.
Cho nên phải biết giới luật để giữ gìn ngăn ngừa, do đó không nên xem thường phép tắc oai nghi.
Người thọ giới Sa-di phải học 24 oai nghi và 10 giới.
Tỳ-kheo thì có 250 giới, 3.000 oai nghi và tám muôn tế hạnh.
Giữ kỹ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, coi như từng cử chỉ hành động đều phải làm trong sự kiểm soát, chứ không để buông lung, mặc tình thô tháo.
Cho nên ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh là mỗi cử chỉ, mỗi hạnh động đều sống theo luật, có sự kiểm soát.
Đừng nghĩ người tu thiền không cần thiết đến những hình thức oai nghi bên ngoài, trong khi tâm vẫn còn thô động chưa kiểm soát được, lại không lo giữ gìn những hình thức, oai nghi thì càng thô động thêm, nhiều khi chúng ta tự dối mình dối người mà không hay.
Oai nghi nhà Phật
Chính ngay như tôi lúc ban đầu mới vào đạo cũng học thuộc lòng các bài kệ trong Tỳ-ni Nhật dụng và ứng dụng thực sự trong các hành động, thấy có lợi ích thức tỉnh rất nhiều.
Ngày nay, quý vị Sa-di vào đạo nhiều khi cũng làm biếng học, có vị học để về sau đến khi thọ giới mà tụng luật nhưng chắc cũng không có sử dụng.
Ý chư Tổ nhắc chúng ta trong mỗi hành động là phải đọc bài kệ có ý nghĩa với hành động đó.
Như ngủ dậy vừa bước xuống giường đọc một bài kệ, rửa mặt đọc một bài kệ, đi vệ sinh đọc một bài kệ…, nhờ vậy tâm mình nhớ thu thúc trở về khiến tỉnh giác.
Như vừa thức dậy muốn bước chân xuống phải lo đọc bài kệ không vội vàng đặt chân xuống, còn chúng ta nhiều khi bước xuống cái cụp, làm người nằm bên giựt mình, đó là thiếu oai nghi.
Vào nhà vệ sinh cũng vậy, tức là mỗi mỗi hành động đều có bài kệ đọc theo giúp thu thúc tâm trở về khiến tỉnh giác, trợ duyên cho định tâm sau này.
Cho nên, Tỳ-ni có lợi ích rất lớn chứ không phải nhỏ.
Tôi thực hành thấy có ý nghĩa, có kết quả rõ ràng.
Nếu chúng ta thực hành với cả một tâm chân thành thì giúp tâm dễ an định dễ tập trung trở lại.
Còn nếu cứ hành động thoải mái, thành ra thô động rồi tâm cũng buông lung.
Nay nhìn lại thấy đa số huynh đệ có phần hơi xem thường thiếu sót về oai nghi không ít.
Cả những vị lớn lớn có khi cũng còn thiếu cũng mắc phải nữa, đây là điều cần xét lại.
Thí dụ Tỳ-kheo vừa đi vừa chạy thì mất oai nghi rồi, tức là lúc đó tâm không có kiểm soát.
Còn nếu mà nhớ lại, vừa muốn bước chân chạy thì phải nhớ mình là Tỳ-kheo phải có oai nghi.
Rồi Tỳ-kheo mà ngồi tréo chân chữ ngũ thì lúc đó tâm mình chắc đi đâu rồi, hoặc ra đường chen lấn với người thế tục hoặc là mắt liếc đông, liếc tây thì đúng là hết oai nghi cũng thiếu tu tập, còn có tu tập thì lúc đó phải có kiểm soát.
Đúng theo luật thì các vị Tỳ-kheo đi phải mắt ngó xuống không quá tầm mắt, không được ngó qua ngó lại, liếc đông, liếc tây.
Ngày nay phương tiện nên phần nhiều đi xe, thì ông thầy chạy xe cũng phải có oai nghi của ông thầy, cho nên người nào đi với tôi, tôi thường hay nhắc chuyện đó.
Bởi vì mình là ông thầy, chạy xe thì phải có phong cách khác với người thế tục, tức là có tư cách của người tu.
Tôi thì có duyên ngồi trên xe do nhiều người lái, như cả quý huynh đệ xuất gia tu hành mà luôn cả những người đời nữa.
Tôi thấy có những người đời họ chạy xe thật là trầm tĩnh, đằm thắm hơn là người tu nữa.
Do đó chúng ta phải biết để tự mình có sự kiểm soát lại.
Nếu Đức Phật còn sống thì thế nào Ngài cũng phải chế luật cho những vị nghe điện thoại di động, những vị lái xe, chắc chắn như vậy, vì thời Phật không có những thứ đó nên Ngài không chế luật.
Đây Tổ Quy Sơn nhắc là Phật trước chế ra luật để mở mang cho kẻ mới vào, có phép tắc oai nghi sạch như băng tuyết.
Rồi phải thông cả những phép “chỉ trì tác phạm”, dùng để kềm giữ sơ tâm của mình không chạy lung tung, và để ngăn ngừa tội lỗi.
“Chỉ trì”, chữ chỉ là dừng, trì là giữ.
Dừng lại không làm thì đó là trì giới.
Thí dụ mình không sát sanh thì đó là trì giới.
Không nói dối là trì giới.
Còn “Tác phạm”, là làm tức phạm.
Nói dối là phạm, gọi là tác phạm…
Chúng ta phải thông những phép đó để lo giữ giới; cái nào làm là phạm tội, phải biết để ngăn dừng.
Nếu không thông, nhiều khi phạm giới không hay rồi biện luận để bào chữa.
Cho nên, các Ngài nhắc người xuất gia phải biết học cho thông.
Đó là nói về giới Thanh Văn.
Đối với Bồ-tát có khi dừng là phạm, mà làm mới là trì.
Thí dụ thấy người ta khổ mà không cứu là phạm, còn giúp đỡ mới là trì.
Chúng ta cần phải hiểu những phép đó để làm không sai.
Tổ dạy: “Từng điều luật nhỏ nhặt, nhằm sửa mọi điều dở tệ”, tức là Tỳ-kheo phải giữ 250 giới, mỗi điều giới nhằm ngăn một lỗi tức là sửa một điều dở tệ.
Hiểu rồi thì phải học những phép tắc oai nghi, giới luật cho thông suốt, để không lầm tạo tội mà không hay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cần tỉnh sáng để giữ trở lại nơi tâm của mình, đó mới là chính yếu.
Giữ giới là giữ nơi thân, nhưng gốc là giữ nơi tâm mới là chỗ chính.
Tóm lại, bước đầu vào đạo thì giới luật là hàng rào để ngăn ngừa tội lỗi, cho nên người xuất gia không được xem thường.
Trích trong: Quy Sơn Cảnh Sách Dịch Giảng.