Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Vào ngày này, việc cúng lễ ông Công ông Táo đối với nhiều gia đình không phải cầu kỳ nhưng vẫn cần đầy đủ, chu đáo.
Cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo quan niệm dân gian, nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo là phải cúng dưới bếp; vì ở đó có ông Thần bếp cai quản.
Tuy nhiên, sự thật chúng ta không phải cúng ở dưới bếp vì ông Công ông Táo không trú ngự trong bếp. Việc cúng ông Công ông Táo tức là chúng ta hướng tâm tới chư Thiên, chư Thần hộ trì; “ông Công ông Táo” chỉ là tên gọi dân gian đặt.
Cho nên, chúng ta nên làm mâm cơm cúng ở trên ban thờ trong nhà hoặc những nơi trang nghiêm để thể hiện sự cung kính, sự tôn trọng.
Cúng ông Công ông Táo ngày nào?
Chúng ta không phải chọn cúng vào giờ nào, ngày nào. Chỉ cần cúng với lòng biết ơn thì chúng ta cúng vào giờ nào cũng được, kể cả không đúng ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, chúng ta nên cúng đúng ngày để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.
Cúng ông Công ông Táo cần những gì?
Để lễ cúng ông Công ông Táo được nhiều lợi ích, chúng ta cần chuẩn bị mâm cúng với vật phẩm thanh tịnh, trang nghiêm. Vì vậy, người sắm lễ nên chuẩn bị:
Đồ lễ
– Cúng Phật: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
– Cúng chư Thiên, Thần Linh: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
– Cúng vong linh (bày lễ ở bát hương thờ gia tiên): Hoa quả, một mâm cơm (nên cúng cơm chay: rau, củ, quả…) hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.
Lưu ý:
– Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.
– Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
– Trà: Nước trà tỏa hương. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.
– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).
– Các đồ lễ, sau khi lễ xong thì thọ thực.