19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Gắng tu thiện pháp làm của để dành

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Người đời làm ăn phải có của để dành, phòng khi hoạn nạn ốm đau bất trắc. Người biết tu cũng cần tích lũy thiện nghiệp để dành, phòng khi si mê ám chướng không thắng được bản thân, khiến tiêu mòn công đức.

Mỗi người phải biết dừng lại các pháp ác đúng lúc, không để cho quá muộn. Phải tích lũy công đức mọi lúc mọi nơi nhằm làm của để dành.

“Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu, ở đô ấp A-nô-ba của người Bạt-kì. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói:

– Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sinh pháp bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sinh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại, chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó sẽ lại phát sinh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.

– A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ giỏi, sửa sang khoảnh ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào và mưa xuống phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống ấy có dần dần lớn lên được chăng?

Tôn giả A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, có thể được.

– Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí lại quán sát tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sinh pháp bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sinh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại, chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, thiện pháp sẽ lại phát sinh. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.

– A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chính về gốc rễ của các pháp như vậy.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lâm, kinh A-nô-ba, số 112 [trích])

Dùng thiện pháp tẩy rửa tâm ô uế

395615293_731987458968526_3003472620606286884_n

Người đời làm ăn phải có của để dành, phòng khi hoạn nạn ốm đau bất trắc. Người biết tu cũng cần tích lũy thiện nghiệp để dành, phòng khi si mê ám chướng không thắng được bản thân, khiến tiêu mòn công đức.

Là người phàm, dù cố gắng đến mấy chúng ta cũng còn sơ suất, lỗi lầm; nói chung là tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, đan xen. Do vì chúng sinh phước mỏng nghiệp dày nên có chút phước báo cũng không dám ỷ lại, chủ quan về công đức của mình. Vô thường sẽ làm đổi thay mọi thứ, nên việc từ bỏ pháp thiện để chạy theo pháp ác cũng thường xảy ra.

Càng chạy theo pháp ác thì phước đức càng bị tổn giảm. Khi phước đức giảm xuống quá ngưỡng không thể tái tạo hay phục hồi thì xảy ra đại họa: nặng thì chấm dứt mạng sống; nhẹ thì bệnh tật, đói nghèo, mất hết thanh danh…

Vì vậy, hãy mau phản tỉnh để dừng lại trước khi quá muộn. Bấy giờ, tuy phước đức đã hao mòn nhưng chưa cạn kiệt. Không buông thả, phóng dật, chạy theo cái ác nữa, quyết đứng lên làm lại cuộc đời.

Cũng may là còn sót chút căn lành. Như hạt giống ẩn náu trong nhà kho bỏ hoang, nếu được gieo trồng và chăm sóc thì nẩy mầm, phát lộc, đơm hoa rồi kết hạt. Như chút tiền trao gửi đâu đó sau khi phá sản thì chợt nhớ ra, quyết tâm làm lại từ đầu với số vốn nhỏ nhặt.

Cũng vậy, nhờ chút căn lành sót lại, ta có thể nương vào nó để đi lên. Khi thiện căn chưa đoạn diệt thì chúng ta có quyền hy vọng. Hạt giống lành sẽ phát triển và thiện pháp sẽ phát sinh, công đức phước báo sẽ thành tựu.

Do vậy, mỗi người phải biết dừng lại các pháp ác đúng lúc, không để cho quá muộn. Phải tích lũy công đức mọi lúc mọi nơi nhằm làm của để dành. Quay đầu là bờ, siêng tu thiện pháp, chuyển hóa ác pháp thì hiện tại an lành và tương lai sẽ tốt đẹp.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo