back to top
22.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, 3 Tháng mười một, 2024

Cần làm gì khi tu niệm Phật thấy thánh cảnh hiện ra?

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Có rất nhiều người tu thiền khi đạt đến cảnh giới nhìn thấy Phật, nhìn thấy hoa báu. Nhưng vì động tâm nên khi vừa bước xuống đỉnh lễ thì bị cuồng chấp cho rằng mình chứng ngộ, chấp mình là vị thánh hay người có khả năng cứu độ chúng sinh.

Nếu thấy những cảnh như vậy hiện ra, hành giả chỉ nên bình tĩnh, hễ động tâm mừng giận liền vời ma tới. Hễ cho là chứng Thánh liền nhập quần tà (Kinh Lăng Nghiêm). Khi tu tập, chúng ta phải nắm rõ từng tiến trình, từng góc độ, từng phương hướng, điều gì hiện ra là đúng, điều gì hiện ra là sai để không đi lầm đường lạc lối.

Trên đường tu không tinh tấn dụng công thì thôi, nếu tinh tấn dụng công, nhất định có cảnh giới. Với người niệm Phật trì chân ngôn, thì công năng của Phật hiệu và chân ngôn đi sâu vào nội tâm, tất gặp sự phản ứng của hạt giống thiện ác trong tạng thức, cảnh giới hiện ra rất là phức tạp. Các cảnh ấy thường hiện ra trong giấc mơ, hoặc ngay khi tỉnh thức đang dụng công niệm Phật. Nhà Phật gọi trạng thái này là “A lại da biến tướng”.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Về cảnh trong giấc mơ

Nếu do chủng tử ác phát hiện, hành giả hoặc thấy các loài sâu trong mình bò ra, hoặc thấy nơi thân có loại nhiều chân giống như bò cạp, rết, mỗi đêm mình gở ra năm bảy con; hoặc thấy các loài thú ma quái, cảnh tượng rất nhiều không tả xiết được! Đại khái người nhiều nghiệp tham nhiễm, bỏn sẻn, hiểm độc, thường thấy tướng nam nữ, rắn rết, hoặc dị loại sắc trắng. Người nhiều nghiệp sân hận, thường thường thấy cọp beo, hoặc dị loại sắc đỏ. Người nhiều nghiệp si mê, thường thấy loài súc vật, sò ốc, hoặc dị loại sắc đen. Tuy nhiên, đây chỉ nói với tính cách ước lược, không phải tất cả đều nhất định như thế.

Nếu do chủng tử lành phát hiện, hành giả thấy cây cao hoa lạ, thắng cảnh tươi tốt trang nghiêm, mành lưới châu ngọc; hoặc thấy mình ăn các thứ thơm ngon, mặc đồ trân phục, ở cung điện báu, hay nhẹ nhàng bay vượt lên hư không.

Tóm lại, trong tâm của chúng sinh có đủ chủng tử mười pháp giới; chủng tử lành hiện thì thấy cảnh Phật, Bồ Tát, Nhân, Thiên; chủng tử ác hiện, thấy cảnh tam đồ tội khổ. Đại khái người đời trước có tu, khi niệm Phật liền thấy cảnh giới lành. Còn kẻ nghiệp nhiều kém phước đức, khi mới niệm Phật thường thấy cảnh giới dữ; trì niệm lâu ngày ác tướng mới tiêu tan, lần lượt sẽ thấy điềm lành tốt.

Về cảnh trong khi thức

Nếu hành giả dụng công đến mức thuần thục, có lúc vọng tình thoạt nhiên tạm ngưng, thân ý tự tại. Có lúc niệm Phật đến bốn năm giờ, nhưng tự thấy thời gian rất ngắn chừng đôi ba phút. Có lúc đang trì niệm, các tướng tốt lạ hiện ra. Có lúc trong vô ý, tinh thần bỗng nhiên được đại khoái lạc. Có lúc trong một động một tịnh, thấy tất cả tâm và cảnh đều không. Có lúc trong một phen thấy nghe, liền cảm ngộ lý khổ, không vô thường, vô ngã, dứt tuyệt tướng ta và người. Những tướng trạng như thế nhiều không thể tả xiết!

Có Phật tử đang khi thức ngồi trong đêm tối niệm Phật, thoạt thấy dưới đất khắp nền nhà mọc lên hai loại hoa đỏ trắng cao tới thành giường, trên hư không hoa rơi xuống như mưa. Có vị đang khi quì niệm Phật, bỗng thấy trước bàn Phật hiện ra đóa hoa sen đỏ, từ búp lần lần nở tròn, độ mười lăm phút sau liền tan biến. Có một Phật tử đang khi niệm Phật, cảnh giới xung quanh bỗng ẩn mất, trước mắt hiện ra biển nước mênh mang, êm tịnh không sóng gió, trên mặt biển mọc lên vô số hoa sen nhiều màu đóa nào cũng to lớn; kế đó tướng biển ẩn mất, hiện ra cảnh núi non cỏ hoa tươi tốt, cổ thụ sum sê, có một ngôi chùa nguy nga tráng lệ; tiếp theo tướng chùa núi lại ẩn mất, hiện ra cảnh lưới châu, kết lại rồi đứt, đứt rồi lại kết. Đại loại có rất nhiều cảnh tướng như thế, do bút giả đã từng nghe những vị đồng tu trần thuật, nay chỉ kể ra đây ít chuyện để hiển minh.

Có nên vui mừng chấp thánh cảnh hiện ra là thật?

Những cảnh tướng như thế gọi là Tự tâm cảnh giới (hay là Nội cảnh giới), do một niệm khinh an hiện ra, hoặc do chủng tử lành của công đức niệm Phật trì chân ngôn biến hiện. Những cảnh này thoạt hiện liền mất, hành giả không nên chấp cho là thật có mà để tâm lưu luyến. Nếu sinh niệm luyến tiếc, nghĩ rằng cảnh giới ấy sao mà nhẹ nhàng an vui, sao mà trang nghiêm tốt đẹp, rồi mơ tưởng khó quên, mong cho lần sau lại được thấy nữa, đó là điểm sai lầm rất lớn. Bởi những cảnh tướng ấy do sự dụng công đắc lực tạm hiện mà thôi, chớ không có thật. Nên biết khi người tu dụng công đến trình độ nào, tự nhiên cảnh giới ấy sẽ hiện ra. Ví như người lữ hành mỗi khi đi qua một đoạn đường, tất lại có một đoạn cảnh vật sai khác hiển lộ. Nếu như kẻ lữ hành chưa đến nhà, mà tham luyến cảnh bên đường không chịu rời bước, tất có ngại đến cuộc hành trình, và bị bơ vơ giữa đường chẳng biết chừng nào mới về đến nhà an nghỉ. Người tu cũng thế, nếu tham luyến cảnh giới tạm, thì không làm sao chứng được cảnh giới thật. Thảng như mơ tưởng đến độ cuồng vọng, tất sẽ bị ma phá, làm hư hại cả một đời tu.

Cảnh giới này có hai phương diện là: tương tự và phần chứng. Cảnh tương tự là tạm thấy rồi biến mất. Cảnh phần chứng là một khi được tất được vĩnh viễn, vì đã chứng ngộ được một phần Chân Như. Không luận Nội cảnh hay Ngoại cảnh, phàm tương tự đều không phải Chân cảnh giới, mà gọi Thấu Tiêu Tức, nghĩa là thông thấu được một phần tin tức của chân tâm. Người thật phát lòng cầu giải thoát, chớ nên đem tướng Thấu Tiêu Tức nhận làm Chân cảnh giới. “Thấu Tiêu Tức” ví như cảnh trời âm u râm tối, hốt nhiên có trận gió thổi làm mây đen tạm phân khai, hé ra một chút ánh thái dương, kế đó mây đen lại che khuất. Lại như người xưa cọ cây lấy lửa, trước khi lửa bật lên, tất có tướng khói phát hiện. “Chân cảnh giới” ví như ánh thái dương sáng suốt giữa trời trong tạnh và như cọ cây đã lấy được lửa. Tuy nhiên, cũng đừng xem thường Thấu Tiêu Tức, vì được tướng này, mới chứng minh xác thật có Chân cảnh giới. Nên từ mức đó gia công tinh tấn, thì Chân cảnh giới cũng không xa.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn