Để không phải lạc lối giữa bể khổ trần gian này thì người đệ tử Phật chân chánh ngày ngày phải phát nguyện dũng mãnh, nương nhờ công đức, nguyện lực của sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.
Đức Phật A Di Đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành thế giới Cực Lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh Ðộ. Một đàng, Phật nguyện tiếp dẫn, một đàng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha, hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dũng mãnh.
Trong 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà. Lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.
Công đức – Diệu lực bất khả tư nghì của danh hiệu A Di Đà Phật
Trong số tám vạn bốn ngàn pháp tu chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, cứu cánh đệ nhất, hữu hiệu và siêu việt nhất. Ðó là lời dạy của Ðức Thế Tôn. Vì thế nên biết một câu A Di Đà Phật đã tròn đầy khắp pháp giới, bao hàm vô lượng chư Phật, Phật Pháp, quốc độ chư Phật, nhiếp thọ và tiếp độ tất cả chúng sanh!
Sự Nhất Tâm Niệm Phật bao gồm cả hai phần Sự và Lý:
– Nhất tâm về Sự là không trụ vào một niệm nào khác,
– Nhất tâm về Lý là thể nhập vào thực tướng của Phật, hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai và tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh.
Danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm người Niệm Phật. Nhờ xưng niệm sáu chữ Hồng Danh, hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản thể thực chất của chúng, không còn bị chúng chi phối, do đó điều phục thân tâm và không còn khởi tâm vọng tưởng, tạp niệm.
Trong khi niệm Phật, nếu gặp bất cứ thanh trần nào cũng đừng để tâm vào, cứ tiếp tục niệm Phật. Ðó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi sát-na đều hiển hiện Chân Như Tánh…Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn. Thuật ngữ Phật học gọi là vong sở, có nghĩa không còn nghe thấy tiếng mình niệm Phật. Cũng nói là Niệm, vô niệm, niệm khi không còn phân biệt năng niệm với sở niệm nữa. Ðó là khi hành giả đã chứng ngộ ngũ uẩn là không, ngã kiến ngã chấp bị lọc sạch, thân tâm trở nên quang minh thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Nói cách khác, Tri Kiến Giác Ngộ của hành giả trở nên đồng đẳng với Tri Kiến Giác Ngộ của chư Như Lai.
Chúng sanh vô minh vì lý do chấp ngũ uẩn làm thân và tâm thật của mình. Năng lực nhiệm màu của pháp môn Niệm Phật chuyển hóa dần dần vô minh thành viên giác theo tiến trình: Biết tất cả các pháp đều như huyễn, nhất thiết pháp giai không. Biết là huyễn, là không tất sẽ ly. Ly huyễn tức là Giác. Danh hiệu Phật hòa tan căn, trần, thức và tất cả đều nhập vào Viên Giác Tánh, cũng gọi là Hư Không Tạng, Vô Cấu Tạng, Tịch Tịnh Tạng. Hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai, tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh. Nói vắn tắt: Niệm sanh Tịnh, Tịnh sanh Ðịnh và Ðịnh sanh Huệ.
Tuệ Giác Không Tánh đạt tới mức hết sức Thanh Tịnh, gọi là Vô Cấu Thức hay Bạch Tịnh Thức, tiếng Sanskrit là A-mạt-la thức (thức thứ 9, cao hơn A-lại-da thức). Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ðức Thế Tôn bảo: Này A-Nan! Ðức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng bằng!
Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục
Niệm Phật là Pháp Môn Tha Lực duy nhất trong Phật Pháp mà điểm then chốt là tin tưởng tuyệt đối vào Bổn Nguyện của Ðức Phật A Di Đà. Ðó là dùng danh hiệu của ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Bởi pháp môn Niệm Phật được bổn nguyện của Đức Từ Phụ bảo chứng và được mười phương chư Phật chứng thành, hộ niệm, không có công đức nào vượt hơn công đức của Thánh hiệu Di Đà.
Niệm danh hiệu Di Đà là niệm vô lượng hằng sa công đức của lục độ vạn hạnh. Vì sao? Bởi vì Di Đà Như Lai đã từ vô lượng hằng hà sa số kiếp tu hành lục độ vạn hạnh, chứa đầy công đức vô lậu như hư không, trang nghiêm Phật quốc Tịnh Độ.
Bồ-tát Đại Thế Chí dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Nhiếp trọn 6 căn, tịnh niệm liên tục”, đây là tổng cương lĩnh tổng nguyên tắc của Trì Danh Niệm Phật!
Tâm chúng sanh xưa nay vốn đầy đủ các đức tướng đại từ đại bi, đại nguyện, đại hạnh, đại trí, đại lực…nhưng vì mê theo trần cảnh, nên không thường hay chiếu diện. Các vị Bồ Tát đã nhiều đời tu lục độ vạn hạnh, phá trừ nhiều phần vô minh phiền não nên thường hay hiển bày các đức tướng diệu dụng ấy, mà, độ thoát chúng sanh ra ngoài vòng sanh tử. Ngài Văn Thù Bồ Tát là đại diện cho đại trí, Quán Thế Âm Bồ Tát là đại bi, Địa Tạng Bồ Tát là đại nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát là đại hạnh, Di Lặc Bồ Tát là đại hỷ… chúng ta hiện thời vì vô mình dày đặc nên không có khả năng hiển bày các đức tướng như các ngài; nên ngày ngày chúng ta phải nương nhờ công đức năng lực của sáu chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.
Do vì chúng ta là kẻ phàm phu tội chướng sâu dày không có một chút công đức khả dĩ để tự bố thí cho chính mình, cũng như giúp đỡ cho mọi người chung quanh đang cần các vị Bồ Tát đã và đang làm; nên ta nương nhờ nơi câu thánh hiệu của Phật A Đi Đà đầy đủ công đức trí tuệ vô lượng vô biện, mà, làm người chủ nhân mang phước đức trí tuệ ấy đến với mọi người.
Khi niệm Phật chúng ta tập trung toàn bộ tinh thần vào câu niệm Phật, không phân biệt có người niệm và danh hiệu Phật đang niệm; được như vậy thì mới đạt được tối an lạc của sự niệm Phật.
Khi niệm Phật nếu vọng niệm dấy khởi liên miên, tâm thức tạp loạn, không thể chuyên chú, ắt cần phải niệm lớn tiếng để nhiếp tâm. Dùng tai lắng nghe có thể trừ được vọng niệm. Kinh Nghiêp Báo Sai Biệt nói rằng: ”Niệm Phật lớn tiếng có 12 thứ công đức. Một, có thể trừ bệnh ngủ gật. Hai, thiên ma kinh sợ. Ba, tiếng biến khắp mười phương. Bốn, dứt khổ trong ba đường ác. Năm, âm thanh bên ngoài không lọt vào tai. Sáu, tâm chẳng toán loạn. Bảy, tinh tấn dũng mãnh. Tám, Chư Phật hoan hỷ. Chín, Tam Muội hiện tiền. Mười, vãng sinh Tịnh Độ”.
(Tam muội: Còn gọi là Tam Ma Đề hoặc Tam Ma Địa. Trung Hoa dịch là Chánh Định, tức là lìa các tà niệm, tâm trụ một chỗ không các tà niệm).
Với người niệm Phật để thanh tịnh được ý mình, phải bền vững nắm chắc một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Dùng nhất tâm niệm Phật để chặt đứt và hàng phục muôn vàn vọng niệm, thanh tịnh từ tâm. Nếu niệm Phật không gián đoạn, sẽ hiện rõ tánh Phật xưa nay có sẵn nơi mỗi chúng ta. Niệm từ lúc thô sơ cho đến khi thuần thục, nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật. Đem một câu Nam Mô A Di Đà Phật hết lòng cung kính niệm, ứng dụng vào các việc như ăn mặc, đi đứng thường ngày. Lâu ngày như thế, tự mình có thể biết được sự mầu nhiệm trong câu niệm Phật.
Tất cả việc tu hành không nên xa rời pháp niệm Phật, tất cả sự hành trì không nên trái với sự thành thật. Không niệm Phật, tu hành không thể thành tựu; không thành thật, tu hành không thể được đắc lực. Nhớ kỹ lời giáo huấn để lại của Đại sư Liên Trì; “Thành thật niệm Phật”. Chúng ta chỉ có thành thật trì danh hiệu Phật mới đúng là đệ tử chân chánh của Ngài. (Đại Sư Liên Trì khai thị).
Tài liệu tham khảo:
Khai thị Pháp môn Niệm Phật – Đại Sư Liên Trì
Pháp môn Tịnh Độ – HT. Thích Trí Thủ
Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà