Có lần Đức Thế Tôn cùng 500 vị A-la-hán và Đại đức A Nan vào thành khất thực, thì một con voi điên lao tới có ý hại Đức Phật. Khi ấy, 500 vị A-la-hán tránh sang hai bên, chỉ còn lại Đại đức A Nan bước đến bảo vệ Đức Phật.
Voi điên tấn công Phật
Trong cuộc trò chuyện với Tỳ-kheo Na Tiên, đức vua Mi Lan Đà thắc mắc về hành động bỏ trốn của các vị A-la-hán khi con voi say lao tới hại Đức Phật.
Tỳ-kheo Na Tiên xác nhận có câu chuyện như vậy. Bấy giờ, vua Mi Lan Đà lập luận: Đức vua cho rằng: “Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc vô lậu, đã chấm dứt mọi nguyên nhân của sợ hãi; lại tham sống sợ chết, thấy voi điên, bỏ trốn hết, để đức Thế Tôn đứng đấy một mình! Còn đại đức Ānanda là bậc hữu học, phiền não còn nhiều, nguyên nhân của mọi sợ hãi chưa được cắt đứt; thế mà ngài lại không hề sợ hãi, chẳng tiếc sanh mạng của mình, hy sinh cái thân giả tạm để che chắn cho đức Đạo Sư? Hay năm trăm vị A-la-hán ấy tò mò, muốn biết, muốn thấy đức Thế Tôn sử dụng thần thông, phép lạ ra sao? Lý nào lại thế được?”.
Trước câu hỏi của vua Mi Lan Đà, Tỳ-kheo Na Tiên lấy ví dụ:– Quả đất hoặc núi chúa không lay động, không xao động, không sợ hãi bất cứ một điều gì; cũng giống như tâm bất động, trạm nhiên của các bậc A-la-hán vậy, tâu đại vương. Dù có một số đông người, tay nắm xà-mâu sắc bén, vây quanh một vị A-la-hán với thái độ rất hung dữ, đằng đằng sát khí, muốn giết vị A-la-hán ấy; cũng không vì vậy mà vị A-la-hán tỏ ý khiếp sợ hoặc có một sự dao động, xao động nào ở trong tâm. Đại vương nên hiểu như vậy.
Tuy câu trả lời của Ngài Na Tiên rất thông tuệ nhưng vẫn chưa thuyết phục được vua Mi Lan Đà:– Nói thế cũng không biện hộ được cho thái độ hèn nhát, khiếp nhược của các vị A-la-hán khi họ tham sống, sợ chết, bỏ trốn lấy thân mình mà bỏ mặc Đức Đạo Sư ở lại đấy với voi điên!
Trước lời khẳng định của Đức vua, Ngài Na Tiên mạnh mẽ đáp:
– Đại vương nói như vậy hơi nặng lời! Đại vương hãy sám hối đi là vừa! Đại vương có biết khi ấy các vị A-la-hán suy nghĩ gì không?
– Thưa, không biết!
Ngài Na Tiên đáp:– Không biết thì đừng võ đoán! Hoặc chỉ nhìn thấy bên ngoài, chưa thấy sự thật ở bên trong thì đừng vội quy kết!
– Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc lậu hoặc đã tận, mọi nguyên nhân của cái gọi là hèn nhát, khiếp nhược gì đó đã chấm dứt. Khi thấy voi dữ xông đến, các vị ấy tâm ý tương thông, đồng khởi niệm như sau: “Đức Ānanda suốt đời tận tụy, kính cẩn, thương yêu phục vụ, hầu hạ đức Thế Tôn, thật trong hàng đệ tử chẳng ai dám sánh. Rõ là đức Ānanda sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ cho đức Thế Tôn mà chẳng khởi lên một tí sợ hãi nào. Vậy tất cả chúng ta hãy lánh đi, để bố cáo những đức tính cao quý sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng của đức Ānanda; cho tứ chúng cùng tất thảy mọi người trong nhiều quốc độ được thấy, được biết!
Khi biết được suy nghĩ của các vị A-la-hán, đức vua giật mình, kinh sợ và quy thuận trước lập luận của Tỳ-kheo Na Tiên.
Không lấy hiện tượng để quy kết bản chất
Vua Mi Lan Đà thấy hành động tránh con voi say của các vị A-la-hán thì cho rằng các Ngài vẫn còn sợ hãi, khiếp nhược; nhưng khi được Tỳ-kheo Na Tiên nhắc nhở và giải thích thì nhà vua mới nhận ra được bản chất của vấn đề. Lời nhắc nhở của Tỳ-kheo Na Tiên không chỉ đối với vua Mi Lan Đà; mà còn là bài học cho chúng ta về cách nhìn nhận, đánh giá một vấn đề.
Khi nhìn một sự vật, hiện tượng chưa hẳn đã phản ánh hết bản chất. Tức là hiện tượng chưa hẳn đã nói hết bản chất. Tất nhiên, hiện tượng nào cũng có bản chất. Nhưng chúng ta là mắt phàm thì không thể lấy hiện tượng quy kết ngay bản chất được.
Hãy biết tôn kính những đức tính cao đẹp của người khác.
Những hành động xuất phát từ tình thương
Có người đánh vì muốn giúp họ sửa đổi lỗi lầm, như thầy cô giáo muốn học sinh tiến bộ… Nhưng cũng có người đánh vì tức giận, hận thù. Cùng là đánh người nhưng bản chất sự việc khác nhau do mục đích khác nhau. Cho nên chúng ta là người phàm phải nói là tai nghe, mắt thấy, tay sờ. Nhưng ở đây tai nghe, mắt thấy, tay sờ cũng chưa hẳn đã là tin được đâu. Còn phải phân tích bằng trí tuệ cũng chưa hẳn đã là chắc chắn.
Nhận thức của chúng ta đối với sự vật, hiện tượng, với thế giới còn bị chướng ngại rất nhiều. Các triết thuyết họ đưa ra nhiều phương pháp luận để nhận thức, tiếp cận với sự thật, để đi đến chân lý. Nhưng quả thật, trí óc của phàm phu chúng ta để thấu đạt được chân lý rất khó. Thấy đúng sự thật là rất khó. Những sự vật, hiện tượng đơn giản thì ta có thể thấu được. Còn những việc phức tạp thì không thể thấu được.
Khi sinh hoạt trong đạo tràng không nên vội quy kết, kết luận khi thấy hành động tưởng chừng là chưa tốt của đạo tràng trưởng. Thay vào đó, nghe thì phải nghe bằng hai tai, còn phải thấy tận mắt, tay chạm thấy sự việc nhưng vẫn còn chưa chắc đâu.
Biết tôn kính những đức tính cao đẹp của người khác
Khi con voi điên chạy đến trước Phật, các vị A-la-hán tâm tâm đồng nhau, cùng khởi một niệm, nghĩ đến tâm đức cao quý, trong sáng của Ngài A Nan. Tâm của Ngài A Nan cung kính, yêu quý, phục vụ Đức Phật cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo, đầy đủ không ai bằng.
Các Đức Phật thời quá khứ cũng có thị giả, tuy nhiên Ngài A Nan là thị giả tiêu biểu và bậc nhất. Mặc dù, Ngài chưa chứng Thánh quả A-la-hán, nhưng tâm Ngài luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Đức Phật. Không hề sợ một cái gì. Vì 500 vị A-la-hán thấy rõ tâm Ngài A Nan cao quý, trong sáng như vậy, nên khi con voi điên đến nhưng các Ngài đồng tâm lánh đi, không phải vì sợ, mà để Ngài A Nan được hiển hiện, đức hy sinh của mình.Từ hành động cao đẹp của các vị A-la-hán.
Chúng ta biết tôn đức của huynh đệ mình lên, nhìn xem chị em mình, anh em mình, huynh đệ mình ai có gì hay mình tôn lên. Người ta bảo: “Đẹp tốt khoe ra mà xấu xa đậy lại”. Đấy là về phía mình đối với huynh đệ, còn mình xấu mình phải nói ra, cái đẹp của mình thì phải che đi. Nhưng cái đẹp, cái hay của huynh đệ mình thì phải nói cho mọi người biết. Cái xấu của huynh đệ mình thì phải che bớt đi. Đấy là đức người tu.
Lời kết qua câu chuyện về con voi điên tấn công Đức Phật
Qua cuộc đối thoại giữa hai bậc trí tuệ, chúng ta rút ra được bài học đó là không nên võ đoán một sự vật hiện tượng khi chưa biết rõ sự thật bản chất bên trong nó. Đặc biệt là không nên võ đoán hành vi của các bậc Thánh nhân, vì đó là tâm bất thiện, tâm không cung kính đối với các bậc Thánh. Đồng thời, chúng ta xin tri ân Đức vua Mi Lan Đà đã lột tả phản diện của vấn đề để qua đó, chúng ta tôn kính cái đức cao quý của các vị Thánh Tăng (không run sợ trước con voi điên), để cho Phật Pháp được xưng dương, tỏ rõ trên thế gian.
Đức Phật là thầy của trời người
Tịnh Duyên
Quý vị có thể tìm hiểu thêm: Chánh Kiến Là Cái Nhìn Vượt Thoát – HT Thiền Sư Thích Nhất Hạnh