Giảng giải về Tứ thánh đế và Bát thánh đạo là phương pháp truyền thống để diễn đạt giáo pháp nhưng ở đây chúng ta lại diễn đạt giáo pháp bằng phương pháp mới hơn; đó là trình bày hành trình từng bước tiến đến giác ngộ.
Hai phương thức này hỗ tương với nhau. Rất là hữu ích nếu chúng ta biết được cả hai phương thức vì khi chúng ta quan sát một điều gì dưới hai góc độ khác nhau thì nhận thức của chúng ta sẽ sâu sắc và phong phú hơn.
Có duyên nghe học giáo pháp là những người với nhiều hạng căn cơ khác nhau. Những người sơ cơ lúc nào cũng đông và thường khi mù mờ và hoang mang, không biết bắt đầu việc học giáo pháp từ điểm nào và phải tu tập ra làm sao. Vì vậy, vào đầu thế kỷ thứ 11 nhà hiền trí Ấn Ðộ Atisha đã viết tác phẩm Ánh Sáng Pháp Ðăng, trong đó ông tóm lược những điểm tinh yếu trong Thánh điển rồi sắp xếp lại cho có hệ thống để phác họa ra một hành trình tu tiến dần dần theo thứ lớp. Sau đó nhà hiền trí Tây Tạng Tzong Khapa (1357 – 1419) đã phát triển thêm những điểm tinh yếu cô đọng trong tác phẩm của Atisha và viết thành quyển Giảng Giải Tiến Trình Từng Bước Ðến Giác Ngộ.
Hành trình tu tiến từng bước này giúp cho chúng ta có thể nhìn quán xuyến toàn bộ tiến trình của tâm thức, từ trạng thái u mê đến trạng thái giác ngộ. Tiến trình này bắt đầu với những thứ lớp được trình bày rất rõ ràng để từng bước nhận thức giáo pháp. Nếu chúng ta thuộc nằm lòng mỗi bước đi này thì mỗi khi nghe thuyết giảng giáo pháp chúng ta sẽ nhận biết được giáo pháp đó thuộc về cấp độ nào của tiến trình và nên áp dụng như thế nào. Nhờ hiểu biết các pháp tu trong từng cấp độ khác nhau của tiến trình từ mê đến giác chúng ta sẽ nhận thức được rằng không hề có mâu thuẫn trong giáo pháp của Ðức Phật. Tất cả giáo pháp chúng ta đều có thể tu tập để đạt được trạng thái giác ngộ. Nhận thức được như vậy chúng ta sẽ tránh được một tội lỗi lớn là phê phán, chỉ trích một truyền thống hay một pháp môn tu tập nào đó. Sau đây chúng ta sẽ tóm tắt hành trình từng bước đến giác ngộ.
Ðời của một người là quý báu
Bước đầu tiên của tiến trình là hiểu được rằng hiện tại chúng ta đang có điều kiện và cơ hội để tu tập theo giáo pháp và thăng hoa bản thân của chúng ta. Nếu một người ăn xin không biết rằng mình có một viên ngọc quý trong túi thì người ăn xin ấy bỏ phí viên ngọc và tiếp tục làm kẻ nghèo hèn. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không hiểu rằng chúng ta đang có cơ hội lớn thì chúng ta sẽ không sử dụng quỹ thời gian của chúng ta một cách sáng suốt (và là hiện thân của một kẻ nghèo hèn theo một ý nghĩa nào đó).
Hiện tại chúng ta đang có kiếp sống của một con người với nhiều phẩm chất cao đẹp, khó có trong đời. Vì vậy chúng ta phải làm cho kiếp sống này trở nên có ý nghĩa hơn. Thường thường chúng ta cứ nghĩ rằng ta có kiếp người này là chuyện đương nhiên đồng thời chúng ta cứ vương vấn, níu kéo những cái mà chúng ta ưa thích. Chúng vận hành và chuyển biến theo quy luật riêng của chúng thế mà chúng ta cứ mãi lo sắp xếp và mong rằng chúng sẽ vận hành và chuyển biến theo ý riêng của chúng ta. Như vậy là không thực tế và khiến cho chúng ta phải phiền muộn. Ngược lại, nếu chúng ta ý thức rằng chúng ta đang có tự do và đang có những phẩm chất cao quý, ý thức rằng mọi việc trong cuộc sống của chúng ta nói chung đang diễn ra một cách tốt đẹp thì chúng ta sẽ có một cách nhìn tích cực hơn và một cuộc sống an vui hơn.
Một trong những phẩm chất phú bẩm cao quý nhất mà chúng ta đang có là trí thông minh của con người. Phẩm chất quý báu này giúp cho chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống và cho phép chúng ta tu tập theo giáo pháp của bậc giác ngộ. Nếu tất cả các quan năng của chúng ta như mắt, tai… và ý thức còn nguyên vẹn thì chúng ta có thể nghe Chánh pháp, đọc sách về Chánh pháp và suy tư theo Chánh pháp. Chúng ta đã được sinh ra và sống trong chu kỳ lịch sử của Hiền kiếp có Phật và Chánh pháp. Chánh pháp còn thuần khiết này đã được truyền thừa từ thầy sang trò liên tục qua nhiều thế hệ mà khởi điểm đầu tiên là từ bản thân Ðức Phật. Chúng ta lại có được cơ hội tham kiến những vị đạo sư tâm linh có phẩm hạnh để nghe được những lời khuyên bảo quý giá. Và, vẫn còn đó những giáo đoàn xuất gia và những tập thể pháp lữ đồng tu có cùng ý hướng giống nhau, có thể khích lệ nhau trên con đường tu tập.
Chúng ta may mắn sống trong đất nước mà tự do tôn giáo được tôn trọng nên việc tu học và thực hành Chánh pháp không bị trở ngại. Hơn nữa, hầu hết chúng ta đều có cuộc sống không quá nghèo khổ, thức ăn đồ mặc đầy đủ, chỗ ở yên ổn. Ðó là cơ sở để chúng ta có thể dấn thân vào việc rèn luyện tâm linh mà không phải quá bận tâm tới việc cơm áo gạo tiền; quá tổn hao tinh lực trong cuộc vật lộn để mưu sinh. Tâm thức của chúng ta cũng không bị các tà kiến hay định kiến che án quá nặng nề. Ưu điểm quan trọng là chúng ta lại ưa thích việc tu tập để chuyển hóa bản thân và thăng tiến trên con đường tìm cầu chân lý tối thượng.
Cùng với những điều kiện và những cơ duyên thù thắng mà chúng ta hiện giờ đang có thì trong bản thân mỗi người trong chúng ta lại đều có khả năng tiềm ẩn để có thể thành tựu được những việc có ý nghĩa to lớn dựa trên những điều kiện và cơ duyên đó. Nhưng để hưởng được những giá trị to lớn, chúng ta phải có một dự kiến đầy đủ, bền bỉ và thực hiện lâu dài. Kiếp sống hiện tại của chúng ta thật là ngắn ngủi. Dòng chảy tâm thức của chúng ta không dừng lại ngay cả khi sắc thân của chúng ta đã rã rời và trả về cho cát bụi. Tâm thức của chúng ta không có hình dáng hay màu sắc. Chúng ta có thể tạm hiểu rằng lúc chúng ta mệnh chung thì tâm thức của chúng ta rời bỏ thân thể này rồi đi vào một thân thể khác. Kiếp sống kế tiếp của chúng ta như thế nào là tùy vào những hành động và những thói quen mà chúng ta hình thành trong hiện tại. Vì vậy mà một trong những mục đích của kiếp mà chúng ta đang sống là chuẩn bị cho cái chết cũng tức là làm cho kiếp sống kế tiếp ở tương lai an vui và giải thoát hơn. Nhờ đó mà chúng ta có hướng sống tốt đẹp trong hiện tại, để khi mệnh chung được chết một cách thanh thản với ý thức biết rằng ta sẽ tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp.
Một mục đích khác mà chúng ta có thể hướng tới trong việc sử dụng kiếp sống này là đạt đến sự giải thoát hay giác ngộ. Chúng ta có thể chứng quả vị A-la-hán, giải thoát khỏi vòng sinh tử; hoặc chúng ta có thể tiếp tục tu tập để trở thành vị Chánh Ðẳng Giác, có khả năng làm lợi lạc cho mọi người một cách hiệu quả nhất.
Ðạt đến sự giải thoát, dòng chảy tâm thức của chúng ta sẽ được thanh tịnh và trong sạch hoàn toàn, không còn những tâm thái nhiễu loạn. Như vậy chúng ta sẽ không bao giờ sân hận, ganh tỵ hay tự cao nữa; chúng ta sẽ không còn cảm thấy tội lỗi, lo âu hay thất vọng nữa. Tất cả những tập quán xấu của chúng ta tan biến hết. Hơn thế nữa, nếu có chí nguyện đạt đến sự giác ngộ vì lợi ích cho tha nhân thì lúc đó chúng ta sẽ phát khởi lòng từ ái đối với tất cả sinh linh và biết làm những việc cụ thể để giúp đỡ cho mọi người một cách thích hợp nhất.
Cách thứ ba để sử dụng những ưu thế của kiếp sống quý báu là sống một đời sống viên mãn nhất trong từng giây, từng phút. Có nhiều phương pháp khác nhau để làm như vậy. Một là sống với Chánh niệm trong từng phút giây, tức là hiện hữu trọn vẹn ở tại đây và ngay bây giờ trong từng hành động. Khi chúng ta ăn chúng ta đặt tâm ý trong việc ăn, cảm nhận được mùi vị và độ nhu nhuyến của thức ăn; khi bước đi chúng ta đặt tâm ý trong những cử động liên can đến việc di chuyển, không để cho tâm thức của chúng ta lông bông với một ngàn lẻ một chuyện khác nhau, một ngàn lẻ một ý tưởng khác nhau.
Một cách khác nữa để sống từng giây, từng phút một cách viên mãn và tích cực là tu tập chuyển hóa tâm thức. Thí dụ, khi đi lên lầu, chúng ta có thể tâm niệm: “Ta nguyện giúp cho mọi người được sinh vào cảnh giới tốt đẹp, được thăng hoa, được giải thoát và giác ngộ.” Khi rửa chén bát hay giặt đồ, chúng ta có thể tâm niệm: “Ta nguyện giúp cho mọi người có được tâm thức thanh tịnh, không còn những tâm thái nhiễu loạn và u mê.” Khi trao một vật gì cho ai, chúng ta có thể tâm niệm: “Nguyện rằng ta có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của chúng sinh.” Một cách sinh động, chúng ta có thể chuyển hóa từng hành động của chúng ta bằng cách siêng năng sáng tác ra những câu tâm niệm tương tự tương ứng với từng trường hợp với tấm lòng từ ái muốn mang lại hạnh phúc cho người khác. Những phương cách khác để làm cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta đầy ý nghĩa sẽ được diễn giải trong Chương X, “Kim chỉ nam cho đời sống.”