Chế ngự tâm là một việc cần thiết không thể thiếu trên lộ trình tu tập, cầu đạo giải thoát. Mỗi hành giả không thể dối gạt lòng mình, bởi tịnh hay ô uế, an lạc hay phiền não đều tự mình biết rõ.
Rèn luyện thanh tịnh
Tâm bình chánh niệm giữ lòng an
Học cách vùi sân để trí nhàn
Nỗi khổ lui dần thanh thản đến
Cơn sầu dứt hẳn não phiền tan.
Nhẫn nhịn là một pháp môn để rèn tâm. Khi tức giận, phẫn nộ nổi lên thường làm ta mất kiểm soát, phát ngôn thiếu chuẩn mực, cả trong ý nghĩ và hành động thường mắc lỗi. Khi bực bội nóng nảy, tâm trí mất bình tĩnh rất dễ gây ra lắm điều rắc rối. Lời nói thốt ra không thể rút lại được, cơn phẫn nộ sân si có thể dễ dàng dập tắt và trôi qua nhanh chóng nhưng lỗi lầm mắc phải vẫn tồn đọng và sự tổn thương mãi còn đó. Vậy nên, tập rèn tâm mình luôn ở trạng thái tĩnh lặng và thanh tịnh để tránh sự nuối tiếc, ăn năn, day dứt về sau với chuỗi ngày dài.
Nếu bị lòng tham chế ngự mình
Làm điều thất đức bởi cầu vinh
Thì nên sửa đổi dừng ngay lại
Học đức hiền nhân sống nghĩa tình.
Hay:
Muốn mau thoát được những phiền hà
Hãy tập cho mình tánh vị tha
Giũ bỏ lòng sân nghe giáo lý
Chuyên tâm hướng thiện diệt tâm tà.
Trong mỗi chúng ta, chủng tử thiện và ác đều có mặt, đừng để cái ác điều khiển mà hãy dùng cái tâm thiện vốn có để điều phục tâm bất thiện. Cũng giống như cỏ và lúa trên một thửa ruộng, chúng phát triển xanh ngắt đều nhau nhưng nếu nhổ bỏ và diệt cỏ tận gốc thì ruộng lúa sẽ tốt tươi một màu. Cái ác cũng thế, cần đoạn diệt khỏi tâm và ngăn ngừa không cho sinh khởi. Để trở thành Bồ tát giữa nhân gian cũng không dễ, nếu không biết chế ngự chủng tử sân si. Hãy luôn nhắc nhở bản thân, sân si sẽ huỷ hoại nội tạng và biến chúng ta thành người thực vật, sống như không sống, có mặt nhưng không tồn tại. Còn nhẫn nại sẽ mang lại cho chúng ta lợi lạc như chiến thắng được chính mình, đánh bại tâm ma, xa rời tội lỗi khổ đau muộn phiền, chuyển hoá từ tâm phàm phu sang bậc thánh, hay từ ác ma thành Bồ tát hoặc từ phàm nhân đến đắc quả vị Phật cũng chỉ từ cái tâm mình.
Hạnh phúc không hề bỏ chúng ta
Nó luôn hiện hữu ở quanh nhà
Người không ảo tưởng và tham vọng
Sẽ thấy ngay liền chứ chẳng xa.
Vững tâm bồ đề
Đến một lúc nhất định nào đó, con người ta thường mặc nhiên mọi thứ phiền não xung quanh, chẳng thiết bận lòng với những gì khiến tâm trí mệt mỏi, chỉ một điều duy nhất là muốn thảnh thơi đầu óc và thư giãn tâm hồn, sống một cuộc sống bình yên, giản đơn. Với tâm thế này, không phải người ta chán đời hay bi quan mà là đã thấu hiểu sự đời, muốn buông bỏ mọi thứ để tìm sự an nhàn tâm trí sau những năm tháng dài rong rủi, bôn ba, phấn đấu chạy theo dục vọng, miệt mài đối diện vô vàn phiền phức khổ đau. Họ muốn nhìn lại và làm chủ chính mình khi góc khuất riêng trong tận sâu thẳm đáy lòng của sự tỉnh thức được chạm đến. Một người khi chưa bén duyên với đạo Phật, chưa biết phân biệt đúng sai, ngã mạn thô lỗ, sống bằng cách lường gạt người khác do phẩm chất đạo đức của họ không có, một phần cũng do môi trường sống. Nếu vị ấy có được phước báu, đủ duyên lành với cửa Phật, họ chỉ cần ngắm cảnh thiền, nghe tiếng chuông chùa, đọc bài kệ ngắn là họ có thể được duyên chuyển hóa. Cũng có người đến chùa không phải để tu tập hay làm công quả cầu phước, mà chỉ đơn giản đến chùa tìm sự bình yên, khuây khỏa tâm hồn. Dù vậy, nhưng vạn pháp đều theo nhân quả, duyên vô tình thì quả cũng vô tình. Một việc làm thiện lành sẽ gặt phước lành, đi chùa tìm sự bình yên vẫn tốt hơn ngồi ở nhà phẫn nộ, phàn nàn làm đau lòng người khác. Cửa thiền, Phật tử và khách thập phương đến với tâm thiện lành, mọi người đều ý thức nơi tôn nghiêm, giả dụ nếu có ai muốn la hét sân si cũng không thể, đến chùa để ngồi yên cũng tốt hơn đi gây sự, làm tổn thương người khác. Đi chùa đây cũng là một pháp môn rèn tâm cho những ai chưa từng hạnh phúc trong cuộc sống đời thường.
Đối với những vị tu sĩ Phật giáo, sự thanh tịnh trong tâm và bình yên trong lòng đều rất quan trọng. Nếu xuất gia tu học mà vẫn sanh khởi dục vọng thế gian, ưa thích thị phi, đàm tiếu, bị phiền não chi phối là tự biết mình tu chưa tinh tấn. Chế ngự tâm là một việc cần thiết không thể thiếu trên lộ trình tu tập, cầu đạo giải thoát. Mỗi hành giả không thể dối gạt lòng mình, bởi tịnh hay ô uế, an lạc hay phiền não đều tự mình biết rõ. Có người vì nghiệp dày, phước mỏng nên bị gãy gánh trên bước đường tu, thụt lùi lại phía sau trở về điểm ban đầu xuất phát vì không thể điều phục tâm, ngăn ngừa tâm bất thiện bị nghiệp xấu dẫn dắt. Họ không thực hành rốt ráo những gì Đức Phật dạy, nên chủng tử vô minh lôi kéo họ về với đời sống đầy rẫy những ưu sầu, mệt mỏi. Trường hợp đó chỉ ít chứ không nhiều, đa số người phát tâm xuất gia vì yêu đời sống tịnh an của tu sĩ đều rất thanh tịnh và an nhiên với con đường giác ngộ lý tưởng mà bản thân đã chọn.
Đêm thanh gió lộng yên bình quá
Nguyệt sáng quỳnh thơm tĩnh lạc nhiều
Khí hậu trong lành không bụi bẩn
Tâm nhàn trí thản dạ nào xiêu.
Thật như vậy, nếu vững tâm Bồ đề thì không có cuồng phong nào quật ngã được ý chí ta. Mỗi người sinh ra trên cõi đời này chỉ sống một lần duy nhất. Vậy nên đừng uổng phí thời gian cho những chuyện không đâu, chuyện gì không tốt đẹp đã qua thì không cần nhớ để rồi sống với nỗi khổ đó làm gì. Đức Phật có dạy: “Không nhớ về quá khứ, không vọng tưởng tương lai, chỉ sống với hiện tại”. Nhưng đừng hiểu sai lời Đức Như Lai dạy giữa chánh niệm và bất cần đời. Không vọng tưởng tương lai không có nghĩa là không cố gắng, không phấn đấu, càng không phải cứ phó mặc sinh mệnh và tương lai tới đâu thì tới. Khi ta lên kế hoạch dự tính cho một sự kiện đặc biệt hay một hoạt động quan trọng nào đó ta cần chăm chỉ và cẩn thận tính toán, sắp xếp chu đáo, còn các pháp có như ta mong đợi hay không cũng đừng chấp trước lấy phiền não. Khi đó, ta biết ta đang làm việc cật lực cho tương lai, là ta đang sống với hiện tại. Nếu ta sống hiện tại với nỗi phiền muộn của quá khứ là ta cảm thọ hai lần phiền muộn, nếu ta vọng tưởng tương lai ở hiện tại là ta sống trong hai lần vọng tưởng. Mất cả bình yên hiện tại và tương lai. Nếu tập rèn tâm, chúng ta sẽ chế ngự được nó.
Trong cuộc sống, ít nhiều gì ta cũng gặp nhiều hạng người. Trong xã hội, nhiều người tuy nghèo nhưng không hèn, cũng có nhiều người tuy giàu nhưng không sang. Tất cả đều do bản chất và nhân cách sống của họ. Nếu gặp phiền não từ người khác thì ta cần nhẫn nại, nhẫn cũng phải trải qua quá trình rèn tâm trước đó. Chủng tử sân luôn ngủ ngầm trong mỗi người, nếu chẳng may va chạm với thành phần bất hảo mà đức tu kém cỏi thì khó vượt qua nghiệp chướng, oan gia. Vậy nên mỗi ngày ta phải rèn tâm, luyện tâm, chăn tâm và chế ngự tâm.
Phải luôn bồi dưỡng tánh hiền lành
Tránh sự kiêu kỳ hoặc háo danh
Nhẫn nhịn chan hòa trong cuộc sống
Nhường trên giúp bạn sống chân thành.
Và:
Ta cần chấn chỉnh sửa mình ngay
Để hưởng bình yên thoát đọa đày
Thức tỉnh dìu tâm vào ngõ giác
Xa rời ngũ dục ngẫm điều hay.
Rèn tâm cũng là một pháp môn tu cho tu sĩ xuất gia và cả Phật tử tại gia, tuy pháp môn này chỉ gói gọn trong hai từ nhưng lại thực hành trong suốt thời gian dài, có người tập thực hành nó từ lúc trẻ đến tuổi xế chiều vẫn chưa chế ngự được, không phải quá khó để điều phục mà do không quyết tâm, do chủng tử của vô minh dày đặc hơn chủng tử trí tuệ. Nghĩa là thói quen không mấy tốt đẹp lại khó bỏ, điều thiện điều tốt thì không muốn tiếp cận, khó tiếp thu trong khi điều xấu ác bất thiện lại quan tâm, dung nạp và thâm nhập dễ dàng, nhanh lẹ. Tất cả tội và phước, ô uế và thanh tịnh đều do tâm, rèn được nó và giữ được nó là thành công một phần trên bước đường cầu đạo giải thoát. Điều này tự thân mỗi người có thể kiểm nghiệm trong lúc thực hành, vì chỉ có chính ta mới cảm nhận được trạng thái an tịnh hay khổ sầu mà thôi.
Trích từ: Tạp chí Văn hóa Phật giáo 397