Thực tập thiền quán Vô ngã nhằm trực nhận vô ngã tính (tánh Không) trong thân tâm cùng tất cả vạn pháp là chìa khóa để vượt thoát ngục tù sanh tử khổ đau.
Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana. Rồi cư sĩ Dhammadina với năm trăm cư sĩ đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, hãy giảng dạy cho chúng con, hãy giáo giới cho chúng con. Nhờ vậy, chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Này Dhammadina, các ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa Không, cần phải thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadina, các ông cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm Với trí tuệ, phần Dhammadina [trích], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.591)
Tánh không là tánh như
Lời bàn:
Không phải đợi đến thời kỳ Phật giáo Phát triển (Đại thừa) mà ngay trong thời Thế Tôn (nguyên thủy), Ngài đã khai thị về lý Không (Sùnyatà). Pháp thoại này đã cho thấy vấn đề cốt tủy nhất, tinh yếu nhất của Đại thừa là tánh Không đã được Thế Tôn truyền trao, khuyến tấn tu tập không những cho hàng xuất gia mà ngay cả những Phật tử tại gia.
Có thể nói, học thuyết tánh Không thể hiện bàng bạc trong Bát Nhã, Trung Quán Luận v.v… của Phật giáo Phát triển chính là hoa trái của lời Phật dạy “Các ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa Không, cần phải thường được tìm đến và an trú (học hỏi)”.
Mặt khác, tuệ minh sát của Tứ niệm xứ và giáo lý Vô ngã vốn được triển khai từ rất sớm đồng thời là nền tảng căn bản nhất của phương thức tu tập và nhận thức theo kinh tạng Nikàya chính là cơ sở của tánh Không. Từ đây, người học Phật dễ dàng nhận ra sự liên hệ mật thiết, có tính kế thừa trọn vẹn tinh thần Phật giáo Nguyên thủy (Theravada là Phật giáo Bộ phái) trong hệ thống kinh tạng Phật giáo Phát triển.
Bát Nhã Tâm Kinh đề cập đến việc “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” để vượt thoát mọi khổ ách. Tuệ giác tánh Không là công cụ hữu hiệu nhất để quét sạch mọi tư duy hữu ngã (cội nguồn của khổ đau) và xua tan bóng tối phiền não, tham ái, vô minh. Do vậy, muốn Dhammadina cùng năm trăm cư sĩ chứng đạt hạnh phúc và an lạc lâu dài, Thế Tôn đã khuyến tấn họ tu tập nghĩa lý Không.
Thực tập thiền quán Vô ngã nhằm trực nhận vô ngã tính (tánh Không) trong thân tâm cùng tất cả vạn pháp là chìa khóa để vượt thoát ngục tù sanh tử khổ đau. Vì vậy nghiên cứu, học hỏi và thực tập thiền quán để an trú vào tánh Không, thành tựu tuệ giác vô ngã là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả những người con Phật.