“Khổ đau do ta mời đến” là chủ đề thuyết giảng của TT.Thích Trí Chơn, UV HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tại Pháp đường Chánh Niệm – tu viện Khánh An, hôm 12-11.
Thầy nói, chính nhờ vào sự tín tâm và niềm tin vững chắc vào đức Phật – Pháp – Tăng mà quý Phật tử nỗ lực tinh tấn đi chùa, quay về nương tựa Tam bảo.
“Mong đại chúng hãy lớn và trưởng thành trong kinh nghiệm, tâm hồn và nhận thức, đừng chỉ lớn về mỗi thể xác bên ngoài. Hãy nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng, tinh tấn học tập giáo lý, thực hành theo kim ngôn ngọc ngữ của Đức Phật để mỗi ngày được trưởng thành và lớn mạnh hơn, tự đi bằng chính bước chân của mình, không chống đỡ trước những gian lao thử thách. Bằng việc học Phật, ta biết lánh ác làm lành, khai mở Bồ-đề tâm, tẩy trừ những ô nhiễm nơi thân, tâm, miệng. Chỉ khi Bồ-đề tâm đủ lớn mạnh thì ta mới trưởng thành trong giáo pháp của đức Thế Tôn”, TT.Thích Trí Chơn nói.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống cần phân biệt “nương tựa” khác với “dựa dẫm” là cậy vào, ỷ lại. Thượng tọa đề cập đến hai nội dung là dựa dẫm vào đồng tiền và quyền lực. Qua đó, thầy nhắn nhủ: “Là người đệ tử Phật cần xem tất cả như là phương tiện để phục vụ cho nhu yếu của cuộc sống hằng ngày, làm lợi lạc cho mình và mọi người xung quanh”.
Thầy khuyên Phật tử đừng xem phương tiện như sự cứu cánh của cuộc đời, đừng lấy giá trị của vật chất ra làm thước đo. Vận dụng trí tuệ, năng lực và sự hiểu biết để phụng sự, cống hiến cho đời; đừng dựa dẫm vào nó để trục lợi hay tạo thanh danh thì đó không theo tinh thần thiện lành bi mẫn mà Đức Phật dạy. Mỗi người hãy chiêm nghiệm, quán chiếu tính vô thường của cuộc đời để sống có mục đích, có giá trị và ý nghĩa hơn.
Đặt câu hỏi: “Có thật sự có hạnh phúc hay không?”. Thầy lý giải, hạnh phúc là cái ta đạt được, khiến ta vui và thỏa mãn ta; ngược lại, những gì trái với với mong muốn của ta, ấy chính là khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của một vấn đề, ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn để có được bình an đích thực cho mình. Đừng quá mong cầu, đòi hỏi hay kiếm tìm điều gì xa xôi; dính mắc hay buông bỏ là do chính chúng ta lựa chọn.
Thượng tọa nhấn mạnh, với cái gọi là hạnh phúc mình phải hết sức thận trọng: “Khi ta mời gọi hạnh phúc về, đồng nghĩa với việc ta chấp nhận hạnh phúc nắm chặt bàn tay khổ đau đem đến trao cho ta”. Thế nên, khổ đau là do ta mời gọi, phiền phức là do ta mời gọi, chán chường cũng do ta mà ra.
Nhà Phật có từ “hỷ lạc”, ý chỉ niềm vui, niềm hoan hỷ; hoàn toàn khác với dục lạc. “Dục lạc” chỉ sự đam mê, thỏa thích, khao khát tầm cầu, còn hỷ lạc là cảm giác khoan khoái, khinh an ở nội tâm do thực hiện các thiện pháp mà có được. Sống ở đời khó tránh khỏi dục lạc, thế nên mỗi người cần cố gắng tu tập thiện pháp để kiến tạo sự hỷ lạc cho mình. Hỷ lạc càng nhiều, ta càng bình an, tâm càng tĩnh lặng thì hạnh phúc càng có mặt bên ta.
Cuối thời pháp thoại, TT.Thích Trí Chơn căn dặn, mỗi ngày cần thực tập sống chánh niệm nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ý thức một cách tường tận, rõ biết trong từng phút giây, không để cho những độc tố của cảm xúc tự do chi phối, thì lúc bấy giờ tham-sân-si sẽ không có cơ hội khởi lên.
“Khi hạnh phúc tới, ta cần nhận thức được song song với nó sẽ có khổ đau, chỉ cần không bám vào hạnh phúc thì ta sẽ không khổ với khổ đau, giữ tâm an nhiên bất động trước những biến thiên của cảm xúc trong cuộc đời thì ngay giây phút đó mình đã đoạn trừ được khổ đau, phiền não”, Thượng tọa nhấn mạnh.