“Dâng hương” là một nghi thức rất gần gũi quen thuộc đối với văn hóa Đông phương, và được hình thành từ rất lâu đời trong nếp sống tâm linh của dân tộc Việt, là một sự truyền thông giữa cõi hữu vô hư thực.
Trong một không gian vô định, thời gian vô cùng, dâng hương là lúc trở về với con người thật, nhằm để bày tỏ niềm tự sự, một tâm nguyện thiết tha chân thành. Thậm chí còn là lời sám hối tạ lỗi ăn năn đối với những bậc tôn kính, những người quá cố, hầu làm vơi đi bao đau thương băn khoăn rối rắm từ nơi sâu thẳm của cõi lòng. Là lúc trút bỏ những uất ức nghẹn ngào, bộc bạch những nỗi niềm bí ẩn riêng tư – vinh hoa tủi thẹn – mà không thể chia xẻ cùng người phàm mắt thịt. Và cũng là lúc lòng thành kính lên đến mức cao tột sâu xa nhất.
Trong những ngày khánh tiết, tín ngưỡng truyền thống dân gian, ngày giỗ kỵ trong gia tộc, nơi chùa chiền đình miếu… chúng ta thấy cảnh ông già bà cả, nam nữ, trẻ thơ, mọi người thành kính chắp tay cầm những nén hương nghi ngút trước thánh tượng điện đường, làm cho không gian trở nên trang trọng ấm cúng, tràn ngập niềm tự tin trong làn khói lam quyện mờ lan tỏa.
Thắp hương để bày tỏ tâm nguyện hướng thiện, vươn đến đời sống thanh cao trong sự chở che gia hộ của chư Phật, Bồ tát, thần linh… trở về với sự biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên, thương tưởng người cô quạnh không ai tế tự.
Thắp hương là việc đơn giản thường nhật, ai cũng biết ai cũng làm, trong đó hàm tàng cả một triết lý khiêm cung sâu xa, một tấm lòng thiết tha chân thành tuyệt đối.
Mùi hương ngào ngạt khiến lòng người sảng khoái nhẹ nhàng thanh thoát, đem đến sự cảm thọ an lành tao nhã. Khi ấy, người tu hành cũng tỏa ra hương thơm giới đức khiến người kính ngưỡng, tiếng lành vang khắp. Nhân đây mà trong kinh điển thường đem hương để dụ cho giới đức người tu hành: “Hương nầy từ ly cấu mà sanh cho nên bay ngược chiều gió, bay ngược thời gian”.
Hương có thể làm tăng trưởng căn lành của chúng sanh, nương nhờ làn khói hương để truyền đạt thông điệp, mong cầu chư Phật Bồ tát… linh thiêng chứng tri. Thế nhưng, phương pháp cúng hương cao sáng thiết thực nhất thì không dừng lại ở đó. Do vì hương có hình tướng và tâm hương vô hình, một đàng là để trang nghiêm, một đàng là tâm thường tịch quang minh. Dùng loại hương nầy để cúng dường chư Phật, cúng dường pháp thân Phật ở trong tự thân, trong Pháp tánh của chúng ta, lượng tràn ngập hà sa thế giới, thể bao trùm vạn hữu vũ trụ, lặng lẽ tợ biển lắng trong, thơm tho hơn hẳn rừng Chiên Đàn ngào ngạt, rạng ngời hơn đôi vầng nhật nguyệt, tánh đức tợ thái hư mênh mông. Bủa ra thì biến khắp pháp giới, thâu lại thì dung nạp trong hạt bụi trần, làm nền tảng cho muôn vật, làm cội rễ cho đại địa, phá tan não phiền sanh tử, chứng ngộ vô sanh, mở toang chánh nhãn, đây là chỉ cho tâm hương giới đức vậy.
Làn hương quyện tỏa bay lên hư không như sự truyền thông vô tận, nhất là những lễ truy tiến các hương linh, chúng ta không thể không ngậm ngùi vì sự chia ly âm dương cách biệt, khi quì trước di ảnh hoặc án thờ người thân với làn khói hương nghi ngút mà nước mắt tuôn trào đau đớn xót xa… Có khi vì một sự tạ lỗi quá muộn màng nào đó, nên chỉ còn nhờ vào làn khó hương để chuyển tải tâm tư, linh thông thấu suốt đến ba cõi, nhằm hóa giải khổ đau của kẻ còn lẫn người mất, âm dương đều lợi, mong sao người quá cố ở bên kia thế giới chứng biết cảm thông, mà yên lòng rong chơi nơi cõi hư vô.
Trong làn hương quyện tỏa thiêng liêng ấy, tâm hồn người sống như quên đi tất cả danh lợi hơn thua, dành trọn những khoảnh khắc lặng yên cao cả nhất, để thật sự quay về với các anh linh người thân… qua những ký ức thăng trầm nhân thế.