“Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá”, nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa phạm lỗi sau. Phật quang đại từ điển cũng giải thích thêm rằng: “Sám” nói đủ là Sám ma (Phạm: Ksama), nghĩa là “nhẫn”, tức cầu xin người khác tha tội.
“Hối” nghĩa là ăn năn hối hận tội lỗi mình đã gây ra trong hiện tại và quá khứ, nay đối trước Phật, Bồ tát, sư trưởng, đại chúng nói ra hết không giấu giếm, cầu mong đạt mục đích diệt tội.
Tại sao chúng ta phải sám hối?
“Nhơn vô thập toàn”, không ai mà không có lỗi lầm
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: ‘Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.
Có tội mà biết sám hối đó là hạng người được tán thán, khen ngợi
Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Quang minh Biến chiếu Cao quý Đức Vương Bồ tá thứ hai mươi hai, Đức Phật từng tán thán rằng: “Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm: Một là người không phạm tội ác; hai là người có tội biết hối cải”. Đã là chúng sanh thì không sao tránh khỏi những lỗi lầm do thân khẩu ý do vô tình hay cố ý gây ra. Hạng người thứ nhất mà Đức Phật dạy chỉ cho các bậc Thánh, chư Phật, Bồ tát… còn hạng người thứ hai là chúng ta. Tuy nhiên, Đức Phật khẳng định rằng nếu chúng ta có lỡ làm việc sái quấy, mà thực lòng ăn năn việc quá khứ đã lỡ làm, phát lồ sám hối và nguyện chừa bỏ, không bao giờ tái phạm như vậy nữa. Đó là chân thật sám hối, được người trí tán thán, khen ngợi.
Thế nào là sám? Thế nào là hối?
Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm thứ 6, Tổ sư Huệ Năng dạy rằng: “Thế nào là sám? Thế nào là hối? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ… nay đã giác ngộ, đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là hối. Phàm phu ngu mê, chỉ biết sám trừ tội trước, chẳng biết hối cải lỗi sau, vì chẳng hối cải, nên tội trước chẳng diệt, tội sau lại sanh, tội trước đã chẳng diệt, tội sau lại tiếp tục, như thế làm sao gọi là SÁM Hối được!”.
Các hình thức sám hối trong đạo Phật
Mỗi Tăng Ni và Phật tử… có mặt hiện hữu trong đời, để rồi đến với đạo đều có một nhân thân, một duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai; từ thân tướng đến giới tính, cá tính, biệt nghiệp hành động, lời nói, tâm tánh cho đến cảm xúc biểu hiện… Mặt khác, thân tâm nơi mỗi chúng ta hiện hữu trong đời đó là sự tích tụ nghiệp quả trong nhiều đời kiếp, không dễ gì trong một thời gian ngắn mà có thể an định. Thân tâm chúng ta hiện hữu như một dòng sông vẫn đục, nay muốn sạch trong nhất định cần phải có một thời gian dài lắng đọng. Phương pháp lắng đọng hữu hiệu nhất nơi mỗi hành giả chính là sám hối nơi tự thân.
Tác pháp sám hối
Mỗi khi có lỗi lầm, chúng ta cần nên thỉnh các vị Tăng thanh tịnh đến chứng minh cho mình phát lồ sám hối. Sự thanh tịnh, chú nguyện của chư Tăng cộng với tâm thành phát lồ sám hối ăn năn của bản thân sẽ giúp chúng ta có được thanh tịnh trở lại, tức là dứt tội.
Sám hối Tam nghiệp: thân, khẩu, ý
(Nếu là Phật tử thì trì tụng bài kệ “Sám hối Tam nghiệp” trong quyển “Nghi thức Tụng niệm” của Hệ phái Khất sĩ)
Sám hối Hồng Danh
Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy về pháp sám hối Hồng danh trong quyển Chơn lý “Sám hối” như sau: “Hồng Danh là danh từ pháp lý của chư Phật… Đối với cõi đời, các danh Phật ấy là pháp lý, giáo lý, đạo lý, những ai muốn sám hối xả đọa, và muốn cho có một cái pháp của Phật để nương theo, đặng tu cho mau giác ngộ thành tựu như tên vị Phật ấy thì phải đọc nhắc đến danh từ hạnh nguyện ấy, để đặng thật hành quán xét cho đúng thì dễ dàng sám hối xả đọa… Những ai sám hối xả đọa tội lỗi mê muội của mình, là sẽ được giác ngộ lần lần, và noi theo gương tích hạnh nguyện của một tên Phật, hay pháp lý danh từ thích hợp, là kẻ ấy tập tu theo pháp đó, về sau sẽ đắc tâm đó, nên gọi là thành Phật tên đó.
Trong 89 tên Phật trong quyển Hồng Danh, hay vô lượng pháp danh của pháp, ai tu theo pháp nào cũng giác ngộ đắc quả cả; vì kẻ tu ấy tức là đang sám hối xả đọa, nên sẽ tấn tới thành Phật được. Kìa như tên Phổ Quang Phật là phổ tế ánh sáng giác ngộ cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật. Phổ Minh Phật là phổ tế sự thông minh cho chúng sanh minh mẫn, thì sẽ thành Phật. Phổ Tịnh Phật là phổ tế sự thanh tịnh trong sạch cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật….
Vậy thì, quyển sám hối Hồng Danh tức là con đường dắt dẫn người sám hối xả đọa, giải thoát tấn hóa, tu theo các danh từ pháp lý, lý nghĩa ấy, để đặng sau này thành Phật, chớ chẳng phải lạy ông Phật đó để ông ấy tha tội cho. Vì nào ta có làm khổ ông đó mà lạy rồi ông ấy sẽ tha, hoặc may ra ta có lỗi sái là việc làm không đúng với pháp lý tốt đẹp nên hay đó vậy thôi, chớ ta không có tội lỗi chi với ông nào ấy cả. Nhưng sự cung kỉnh lễ bái ấy là để biết quý trọng Pháp mà thật hành tu theo, đặng biết ghét chán sợ tội lỗi của mình đó thôi. Như thế thì quyển sám hối ấy, là pháp tu giác ngộ rất có ích lợi cho kẻ thật tâm tu hiểu lý nghĩa, để đặng dễ bề sám hối xả đọa, mà nương theo những pháp lành trong sạch”.
Sám hối vạn Phật
Cũng trong quyển Chơn lý “Sám hối”, Tổ sư dạy: “Hoặc như người ta đọc ra nhiều tên Phật tức là nhiều cái pháp lý để cho hiểu nghĩa đặng thích ham mộ tu, giác ngộ, mà sám hối xả đọa lìa xa, bỏ ra, vượt qua tội lỗi. Các danh Phật ấy là pháp, là pháp lý dẫn đạo, dạy tu, cũng như ông thầy, như Phật, thay Phật, chớ không phải có ông Phật tên đó”.
Sám hối trì tụng Từ bi Thủy sám pháp và Lương Hoàng sám
(Tùy theo nghiệp cảm của mỗi người mà chọn nghi thức sám hối phù hợp)
Lục thời Sám hối Khoa nghi của thiền sư Trần Thái Tông
Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ, là nhờ xe, thuyền; tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm, là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe, thuyền. Thế mới biết công dụng sám hối rất là to. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế, trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt.”
Vả lại, chúng sanh từ trước đến nay tánh giác thanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư không chẳng có mảy bụi. Do bọt vọng chợt dấy, cõi uế hiện thành, năng và sở nương nhau, Phật với chúng sanh thấy hai. Căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập. Vì thế, đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?(…)
Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn. Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết sáu năm tu khổ hạnh, là do sáu căn đó vậy. Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.(…)
(trích “Tựa khoa nghi sáu thời sám hối” của Trần Thái Tông)
Sám hối tự tánh (Sám hối vô tướng)
Ngài Ngộ Đạt Thiền sư trong Từ bi Thủy sám pháp có nói: “tâm quán xét tội tính không thật, là tội không tự tính, do nhân duyên sinh, do điên đảo thành, đã do nhân duyên sinh thì cũng do nhân duyên diệt. Nhân duyên sinh tội tức là gần gũi bạn ác gây nghiệp vô cùng. Nhân duyên diệt tội tức là ngày nay tịnh tâm sám hối. Thế nên kinh dạy: “Tội tính không phải ở trong, không phải ở ngoài, không ở chặng giữa. Nên biết tội tính vốn không”.
Tùy nghiệp duyên nặng nhẹ nơi mỗi người, sự trung thực của bản thân thể hiện qua sự quyết chí muốn chuyển hóa và quyết tu mới nhận ra nghiệp quả nặng nhẹ của chính mình mà chọn phương pháp sám hối để lắng đọng thân tâm. Thời gian hạ thủ công phu ngắn dài, lâu mau cũng phải do chính mình quyết định, từ 3 tháng đến 3 năm hay 10 năm, 20 năm, 30 năm… công phu tu tập thì nhất định thân tâm sẽ được an tịnh, cải thiện được chính mình và tiến dần trên lộ trình giác ngộ giải thoát.
Chớ khinh thường lỗi nhỏ – Chớ bỏ qua việc lành (KPC 121 – 122)
“Chớ khinh ác nhỏ không đâu
Chẳng đưa lại quả báo sầu cho ta
Dòng thời gian trổ nụ hoa
Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình
Ngu phu sỡ dĩ khổ tình
Do hành động ác tự mình tạo ra”.
“Chớ khinh lành nhỏ bỏ qua
Chẳng đem quả báo vạn tòa cho ta
Dòng thời gian trổ nụ hoa
Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình
Người trí sở dĩ thông minh
Nhờ biết gom kết thiện lành dài lâu”.Trong phần “Đạo đế”, Tứ Chánh Cần được xem là bốn phép siêng năng Tinh tấn hợp với chánh đạo. Bốn phép Tinh tấn ấy là: 1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác phát sinh. 3 Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 4 Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. Với người đệ tử Phật, tịnh hóa tam nghiệp thân khẩu ý ngang qua việc sám hối những lỗi lầm nơi tự thân, cộng với việc tinh tấn tu tập, thực hành thiện pháp sẽ giúp chúng ta dần loại bỏ được những tập khí, những nghiệp tội trong quá khứ và hiện tại, không còn phải mê lầm để gây tạo nghiệp mới trong tương lai, từ đó chúng ta sẽ thân chứng sự an lạc, giải thoát và thăng tiến trên con đường Phật đạo.
“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”.