“Quy y” là một trong những thuật ngữ đặc trưng của đạo Phật. Sự thực hành đặc biệt về Quy y trong Phật giáo là một điểm khởi đầu của con đường tâm linh giúp bạn thành tựu giác ngộ.
Trước khi Quy y, chúng ta nên có một thái độ đúng đắn (chính kiến). Để Quy y chúng ta cần phải có trí tuệ xả ly từ bên trong. Trí tuệ hiểu biết về bản chất của luân hồi, của khổ đau, của hạnh phúc và của đời sống thường nhật là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không hiểu gì về những điều này, thì cho dù bạn có thọ Tam Quy và Giới nguyện hay tự gọi mình là hành giả tâm linh, thiền giả hay Phật tử, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì bạn không làm gì cả. Trí tuệ (chính kiến) rất quan trọng cho tất cả mọi việc, và đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn muốn bước vào con đường tâm linh, bởi vì một người phải hiểu rõ toàn bộ những gì đang xảy ra trong cuộc đời của mình. Nếu bạn hiểu rõ về cuộc sống của mình, thì bạn sẽ nhậm vận hướng theo con đường tâm linh.
Cảm thọ về sự xả ly sẽ thúc đẩy bạn quy y
Nói một cách ngắn gọn, hiểu biết về toàn bộ cuộc sống sẽ làm nảy sinh một vài cảm nhận đặc biệt bên trong bạn, đó là sự xả ly. Bước kế tiếp là Quy y. Cảm nhận rõ ràng về sự xả ly sẽ thúc đẩy bạn thọ giới nguyện Quy y với một bậc thầy giác ngộ. Điều này sẽ xảy ra một cách tự nhiên bởi bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ trong cuộc đời của bạn và thế giới bên ngoài đều không phải là nơi nương tựa. Do đó, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn cần một nơi trú ẩn, một nơi nương tựa. Đây là bước kế tiếp hay sự cảm nhận tiếp theo trong dòng tâm của bạn.
Nếu bạn không hiểu biết về những gì đang xảy ra trong cuộc sống thì toàn bộ bầu không khí hay mỗi ngày trong cuộc đời của bạn sẽ bị xô đẩy và trôi trượt trong dòng đời đau khổ. Và bạn sẽ bị chìm trong biển luân hồi, càng ngày càng đắm sâu hơn mà không hề nhận ra được tình cảnh của mình. Đây là đặc điểm của khổ đau. Khi bạn có trí tuệ nhận ra điều này thì chính là lúc bạn muốn thoát khỏi biển khổ luân hồi, bạn sẽ tìm nơi nương tựa Quy y. Có thể bạn không biết gì về sự khác biệt giữa các con đường tâm linh hay sự khác biệt giữa các trường phái tôn giáo nhưng bạn chắc chắn sẽ biết rằng bạn cần phải tìm kiếm một nơi nương tựa đáng tin cậy. Đó là cảm thọ chân thật về sự xả ly.
Xả ly không có nghĩa là bạn chạy trốn khỏi gia đình, xã hội
Xả ly là một thuật ngữ phổ thông được sử dụng trong mọi tôn giáo, tất cả các bậc thánh nhân đều đã đi qua con đường xả ly và nhờ thế các Ngài đã đạt được giác ngộ. Họ nhận ra được toàn bộ cuộc sống của mình không có nơi nương tựa đáng tin cậy trong kiếp luân hồi, bởi vậy họ tìm kiếm môt con đường tâm linh, một chỗ nương tựa vững chãi. Đây là tiến trình mà chúng ta gọi là sự xả ly. Tất cả các hành giả Yogi, các bậc Thầy, các vị Thánh và các vị tu sĩ đều đạt được giác ngộ sau khi đã xả ly. Tuy nhiên, sự xả ly không có nghĩa là chạy trốn khỏi gia đình và xã hội bởi nếu đó là sự xả ly thì tất cả chúng ta đều có thể làm được; tất cả chúng ta đều giải thoát và sẽ chẳng còn ai sót lại trong cõi luân hồi.
Giác ngộ là điều duy nhất chúng ta có thể nương tựa. Bạn có thể suy xét kỹ lưỡng xem điều này có đúng hay không, có gì đáng tin cậy hơn sự giác ngộ hay không. Chúng ta có đủ trí tuệ để tự suy xét về những gì chúng ta được nghe. Bây giờ chúng ta nghĩ rằng bạn bè hay cha mẹ có thể là chỗ dựa. Cha mẹ thì nghĩ rằng con cái có thể là nơi nương tựa hoặc bạn có thể nghĩ rằng: “Ít nhất tôi có thể nương tựa vào chính mình”. Song nếu chúng ta tư duy, suy xét sâu xa hơn, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ thứ gì hay một ai để hoàn toàn nương tựa trên thế gian này. Thậm chí bạn cũng không thể nương tựa vào chính bạn ngay lúc này. Ví dụ, sáng nay tôi đã nói rằng sáng mai tôi sẽ đi Zurich nhưng bây giờ tôi lại nghĩ tôi phải đi lúc 10 giờ. Vì thế, tôi cũng thể tin vào quyết định của chính mình. Quyết định này lẽ ra phải là điều tôi có thể tin, nhưng bây giờ nó không còn đáng tin nữa.
Tất cả những gì xuất hiện trong tâm bạn như phiền não, yêu thương, tâm chí thành, lòng quyết tâm v.v… đều không đáng tin. Đây là những đặc điểm của cuộc sống. Chẳng hạn như sáng nay tôi rất vui nhưng giờ thì tôi không vui. Điều này có nghĩa là gì? Như vậy nghĩa là niềm vui của sáng nay cũng hoàn toàn không đáng tin. Tôi có thể nghĩ tôi hạnh phúc nhưng cảm nhận về hạnh phúc sẽ không kéo dài mãi mãi; nhưng chỉ vài giờ sau đó tôi có thể rơi vào tình cảnh vô cùng đau khổ. Bởi thế không có gì đáng tin cậy trên thế giới này. Đây là bản chất thật hay đặc tính của khổ đau, tuy nhiên chẳng có gì phải lo lắng về điều này. Nếu bạn lo lắng về điều này sẽ chỉ thêm đau khổ mà thôi. Thay vì ngồi lo lắng bạn nên tìm một giải pháp để thoát khỏi khổ đau. Giải pháp đó, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi và cũng dựa vào các học thuyết và giáo pháp của các bậc giác ngộ.
Giác ngộ ở trong tâm của bạn và tiến trình này được gọi là “Quy y”
Giác ngộ là điều thực sự bạn có thể đạt được, bởi đó là bản chất tự nhiên của bạn. Giác ngộ là nét đẹp tự nhiên, tuyệt hảo, bền vững và có thể nương tựa. Nhưng hiện tại chúng ta đang ngụy tạo rất nhiều. Do quá nhiều sự phóng chiếu ngụy tạo, bản chất tâm của chúng ta không còn hiện diện một cách tự nhiên nữa, bởi vậy chúng ta không còn định tĩnh và an bình. Vẻ đẹp tự nhiên của chính bạn không còn ở đó, nó bị che lấp dưới bao nhiêu tầng lớp của sự ngụy tạo. Vì thế chúng ta không nên ngụy tạo. Sau khi dứt trừ và thanh lọc sự phóng chiếu ngụy tạo, bạn sẽ nhận ra sự giác ngộ ở bên trong tâm của bạn, và tiến trình này được gọi là “Quy y”. Quy y trong đạo Phật gồm: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng (Quy y Tam Bảo).
Khi bạn hiểu rằng giác ngộ là thứ đáng tin cậy duy nhất, bạn hoàn toàn mong mỏi đạt được nó, bạn sẽ có một bức tranh về cái gọi là giác ngộ. Đây là thời điểm bạn cần thận trọng. Một số người có thể nghĩ rằng sự giác ngộ giống như pha lê hay một luồng ánh sáng lớn có thể chiếu khắp toàn bộ thế giới. Điều này không đúng. Một số người, đặc biệt là những Phật tử, họ tưởng ra hình ảnh của Đức Phật khi họ nghĩ về giác ngộ. Một số khác lại tưởng ra một người với bộ râu tóc dài và ngồi bất động. Mỗi loại hình ảnh phóng tưởng khác nhau và họ bám chấp vào những gì họ tưởng tượng ra. Đây không phải là một cách tiếp cận đúng đắn. Khi bạn ở giai đoạn này, bạn phải thực sự thận trọng, vì đây chính là giai đoạn quyết định. Nếu trong giai đoạn này bạn lại có một hình ảnh sai lệch về giác ngộ thì bạn có thể bị lạc lối. Bởi vậy bạn phải thực sự thấy rõ giác ngộ là đại trí tuệ. Sự giác ngộ không có hình tướng, ánh sáng, mùi vị hay màu sắc. Nó không là gì cả và chính bản thân sự thấy biết là giác ngộ.
Quy y Phật, bạn nên hiểu Phật chính là giác ngộ
Trong thuật ngữ của Đạo Phật chúng ta nói về Phật, Pháp, Tăng. Phật là đối tượng Quy y đầu tiên. Khi bạn thọ giới nguyện Quy y Phật, bạn nên hiểu rằng Phật chính là Giác ngộ. Khi nói về Đức Phật, hầu hết mọi người đều có hiểu sai lệch. Họ chỉ nghĩ rằng danh từ Phật là nói đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chuyển bánh xe Pháp, giảng dạy triết lí Phật Pháp ở Ấn Độ. Thực ra, chúng ta không chỉ Quy y đức Phật Thích Ca mà chúng ta còn Quy y tâm giác ngộ của mình. Đây là tinh túy của mười phương chư Phật, tinh túy của tất cả Bồ tát thánh hiền, tinh túy của vạn pháp và tinh túy của chính bạn. Toàn bộ giáo pháp được giảng dạy từ Đức Phật Thích Ca, người đã thực sự đạt được giác ngộ từ hơn 2.500 năm về trước. Bởi thế hồng danh của Đức Phật rất đặc biệt trong thuật ngữ của chúng ta, và đó lí do tại sao chúng ta sử dụng thuật ngữ này.
Giáo Pháp thực sự là tiến trình hiểu biết của giác ngộ
Khi nói về việc Quy y Pháp, bạn không nên chỉ nghĩ về các học thuyết, kinh điển hay giáo lý. Khi mọi người nghe thuật ngữ “Dharma” (Pháp Bảo), họ luôn luôn tưởng đến hình ảnh của sự tụng niệm ngồi nhắm mắt trước một bàn thờ. Nhưng điều này không hoàn toàn như vậy, mặc dù nó có thể là một phần của Pháp Bảo. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi nhắc đến thuật ngữ Dharma (Pháp Bảo) tôi luôn luôn tưởng đến hình ảnh một cuốn kinh ở trong tâm. Nhưng sau đó, khi nhận ra được ý nghĩa chân thật, tôi tự cười mình. Hình ảnh Pháp Bảo như một quyển kinh không mang đến ý nghĩa gì. Dĩ nhiên đọc kinh sách cũng có thể giúp cho bạn hiểu biết thêm nhiều điều, cho nên chúng ta cũng cần phải tôn kính kinh điển và giáo pháp. Nhưng tất cả kinh điển đều được in bằng giấy mực nên không thể giúp đỡ và bảo vệ bạn. Đây chỉ là một phần của đối tượng Pháp Bảo mà chúng ta Quy y. Pháp Bảo chân thật nhất là toàn bộ tiến trình của trí tuệ giác ngộ. Chúng ta Quy y nương tựa vào tiến trình hay con đường này.
Tăng Bảo có nghĩa là tâm của bạn tập trung hoàn toàn vào con đường tâm linh
Đối tượng thứ ba của Quy y là Tăng Bảo. Khi tâm chúng ta tràn đầy ước nguyện chân thành tha thiết được thực hành con đường tâm linh để chứng ngộ bản chất tâm chân thật của chính mình (sự giác ngộ), ước nguyện đó được gọi là Tăng. Nói một cách khác, thời điểm này bạn có thể bạn nói chính mình là Tăng (khoảng khắc tâm hành giả tha thiết chân thành muốn thực hành Pháp là thời điểm tâm hoàn toàn thanh tịnh và hòa hợp nên mới được gọi là Tăng (đây chỉ là phần lý, không giống với phần sự: Tăng phải là người xuất gia, thọ giới, đắp y, sống đời phạm hạnh). Về lý mà nói, Tăng có nghĩa là tâm của hành giả tập trung trọn vẹn vào con đường tâm linh, nên lúc đó hành giả là Tăng, không quan trọng việc hành giả đang thực hành theo pháp môn nào.
Việc hiểu kỹ về ý nghĩa cả hai phần sự và lý của Quy y Tam Bảo trong giáo pháp của Đạo Phật là vô cùng quan trọng trước khi Quy y. Tôi luôn luôn nói rằng danh hiệu của Tam Bảo là của Đạo Phật, nhưng ý nghĩa về sự và lý của ba ngôi này có thể được thực hành và được thấu hiểu ngay cả với những người không phải là Phật tử. Bởi vì ý nghĩa căn bản của Tam Bảo là “sự giác ngộ”: tịnh quang phải được tìm thấy ở trong chính bạn. Đây là điều mà mọi người nên trân trọng, bởi đó là bản chất, là chân lý của vũ trụ. Cũng là cái mà tất cả mọi người, mọi loài đều có. Hầu hết chúng ta chưa đạt được giác ngộ bởi vì do vô minh, chúng ta đã không cảm nhận và không hiểu được điều này. Tất nhiên, loài muỗi hoàn toàn vô minh, còn chúng ta (loài người dường như rất thông minh và sáng suốt) nhưng cũng rất vô minh trong phương diện này. Thậm chí nếu bạn không tin vào bất cứ điều gì, thì đó cũng vẫn là một quy luật thiên nhiên muôn đời như vậy. Không có con đường nào ra ngoài quy luật đó!