back to top
35.6 C
Chư Sê
Thứ Tư, 10 Tháng Tư, 2024

Quà tặng của thời gian

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Tuổi đôi mươi, có đôi khi tâm trí tôi cứ lưng chừng trôi trong những giai điệu khi trong ngần ánh ban mai, khi chập chùng bóng chiều muộn của một ca khúc Phật giáo:

Audio

“Niệm Phật bên tuổi thơ, chợt thấy nâng niu cuộc đời.

Niệm Phật bên già nua, chợt xót thương thân phận người…”

anh bài

Tôi nhìn về ấu dại, tự hỏi những tháng ngày đói ăn thiếu mặc của những đứa bé lầm lũi lớn lên từ đổ nát của đất nước sau chiến tranh thì có gì để nâng niu. Tôi nhìn tới một tuổi già chừng còn xa thăm thẳm, chưa dự cảm được hai từ “thân phận” khi đôi tay tôi đang tự tin nâng đỡ chính cuộc đời mình.

Tuổi ba mươi, gió vô thường khi hun hút nẻo dài, khi ầm ào quãng ngắn trên những nẻo đường tôi dắt tay con đi qua, nương vào Phật và tựa vào Pháp để vững lòng tiếp bước. 

Tôi niệm Quán Thế Âm bên giấc ngủ của con thơ, để vững tâm nâng niu cuộc đời. Tôi tựa vào Hải Triều Âm của biển Pháp mênh mông, để bình thản vượt qua sóng nghiệp. Ta sẽ không oán trách số phận một khi đã có niềm tin sâu sắc vào Phật Pháp, bởi khi màn vô minh được vén lên thì ta nhìn thấu suốt những quả khổ nhãn tiền, hiểu rằng chúng đều được tạo tác bởi điệp trùng nghịch duyên từ vô lượng kiếp.  

Tuổi bốn mươi, tôi đi tìm sự bình yên của mặt hồ phẳng lặng. Những mời gọi của lục trần đôi khi chỉ thoảng qua như một làn gió nhẹ, rồi thôi. Những tiếng chuông tỉnh thức trong tôi là rộng dài những miền thiên nhiên an tĩnh, những trang sách gội rửa miền tâm và những chia sẻ của bạn hữu với miền tâm đã an trú cõi thiền. Có một tiếng chuông thật đặc biệt giúp tôi tìm về với chân tâm, đó là những giờ phút tôi hòa mình giao cảm với những người thân tuổi đã thuộc quãng “xưa nay hiếm”.  

Tôi và con trai tôi luôn lặng yên với vẻ mặt dường như đang lắng nghe rất chăm chú, mỗi khi bà của cháu kể về những trang đời trong trẻo thuở ấu thơ. Chưa đến năm phút sau thì câu chuyện ấy lại tái hiện một khung trời cũ, được kể bằng sự háo hức mới và được tiếp nhận với những nụ cười hay nét biểu cảm mới của chúng tôi. Thật may mắn làm sao khi ký ức của bà dường như chỉ còn lại những mảng màu rất sáng của yêu thương ngày cũ, để gương mặt bà càng về sau lại trong trẻo nét đẹp hồn nhiên của một bé thơ.

Tôi về thăm nhà và ngồi hàng giờ nghe cậu tôi kể người vợ đã tạm biệt ông để đi trước về Tây Phương cảnh. Trong những câu chuyện đó, bà đang rất an vui ở một miền thương, ngày nào cũng gọi điện về nhắc ông ăn cơm uống sữa, rồi khi nào thèm hút thuốc thì nhớ lời bà xin mà bớt lại vài điếu. Mỗi ngày ông vẫn ngồi bên hiên nhà hát bài hát ông sáng tác về dòng sông tuổi thơ. Những câu hát của ông không còn mạch nguồn liên kết nữa, nhưng dòng sông của ông vẫn có núi là cha, có nguồn là mẹ, và dòng sông ấy đang đưa ông hướng ra biển khơi để đến với bà đang tươi cười vẫy gọi.

Tôi có xót xa không khi nhìn những người thân của mình trôi ngược về ấu thơ, xóa trắng hết những ký ức của một cuộc đời tri thức? Vòng lặp nhân sinh ấy là quy luật của cuộc sống, nếu không thể thay đổi thì chúng ta cần chuẩn bị cho nó bằng những thuận duyên khi thân, tâm, và trí của chúng ta còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ta ân cần chia sẻ với những người thân đang hóa trẻ thơ, đó là khi ta đang chuẩn bị cho mình những bạn tâm giao lúc trời chiều ngả bóng. Nếu tưới đủ phước duyên cho cây thiện nở hoa, ta sẽ háo hức kể hoài cho nhau toàn những câu chuyện đẹp, khi “thân không tật bệnh” và “tâm không phiền não”.   

Tôi nói với con tôi rằng nếu sau này có những ngày tôi ngồi kể con nghe hoài những câu chuyện ngây ngô, xin con hãy đừng phiền lòng hay buồn bã mà hãy tìm mẹ của con trong những trang sách và những bài báo tôi đã viết. Con sẽ thấy mẹ của con vẫn còn bên con với những lời thương, để tiếp sức cho con đi tiếp con đường của mẹ. Còn tôi sẽ ngồi bên hiên nhà chan hòa ánh nắng, hát những câu hát xưa bằng những lời hát không còn nhớ rõ nhưng mà ý tứ vui hơn:

 “Niệm Phật bên tuổi thơ, chợt thấy nâng niu cuộc đời.

Niệm Phật khi già nua, lòng thấy an nhiên gọi mời…” .

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn