back to top
21.9 C
Chư Sê
Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 4

Nhập Không môn vào thế giới Phật

Tu thiền, ngộ được thiền và tu đến mức nhập Không môn là vào cửa Không, thiền sư sẽ thấy mình tan biến vào hư không, tất cả là hư không, lúc đó không còn có ngã, nhơn và thọ giả, nói cách khác, không còn gì, gọi là Niết-bàn được giải thoát.

Đa số người tu, khi đắc La-hán, đến chỗ này gọi là tan biến. Nhưng tu theo kinh Pháp hoa, chỗ này Phật dạy rằng chúng ta là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều nương theo giáo pháp Phật tu hành, ra khỏi Nhà lửa tam giới, tới bãi đất trống là nhập Không môn, thân chúng ta trở thành hư không. Tuy nhiên, tới đây, nếu là người thiệt có căn lành ra tới bãi đất trống, tu thiền là vào cửa Không rồi, mới thấy Phật và Bồ-tát. Ý này được kinh Pháp hoa gọi là lên đại bạch ngưu xa, tức chúng ta không mất, không phải tan biến vào hư không. Nhưng lên xe Nhứt thừa, xe này có khả năng ra vào ba cõi lúc nào cũng bình yên.

Người tu thiền dễ nhầm chỗ này, cho rằng đến đây mình mất, lên Niết-bàn là hết. Nhưng tu Pháp hoa, đến đây chưa hết, mà mở ra trang sử mới cho chúng ta thấy được bên đây là sanh tử, bên kia là Niết-bàn. Niết-bàn có bốn tướng là thường, lạc, ngã, tịnh. Thường là bất biến, lạc là an lành, ngã là chơn thật, tịnh là trong sạch. Ở sanh tử có nhiễm ô, nhưng ở Niết-bàn trong sạch. Vì vậy, chúng ta tu chứng Niết-bàn là đạt được bốn trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh, tức tìm được con người bất tử của mình là chân linh bất tử, và an vui với chân linh bất tử, chúng ta không còn khổ đau. Ở sanh tử có khổ và tập đế, nhưng qua Niết-bàn là diệt đế. Như vậy, có hai loại hình thế giới hoàn toàn khác nhau, ta qua thế giới sanh tử thì như thế, còn qua thế giới của chư Phật thì như thế.

Kinh Pháp hoa muốn chỉ chúng ta thấy được chỗ này, không phải vào Không môn là chấm dứt.

Kinh Pháp hoa muốn chỉ chúng ta thấy được chỗ này, không phải vào Không môn là chấm dứt.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta vào thế giới Phật thấy khác, không phải tan biến thành mây khói. Có vị nghĩ mình tan biến thành mây khói, nhìn lên trời, mình là đám mây, nhìn dòng sông mình là nước chảy, nhìn đâu cũng nghĩ mình là như thế, thân của mình sẽ như vậy. Điều này khiến mình dễ hiểu nhầm.

Tuy nó như thế, nhưng bên trong có chủ động, vì có Phật tri kiến bên trong giúp chúng ta ra vô tam giới bình yên. Thật vậy, ngay ở thời Lộc Uyển, Đức Phật đã khuyên rằng các ông đắc La-hán thiệt thì không còn sợ sanh tử, không sợ nhiễm ô, giống như hoa sen, nên các ông được quyền vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Còn người chưa hết sanh tử phải cố gắng tu cho đến hết sanh tử để nhập Không môn.

Phật giáo Nguyên thủy đã ghi nhận rõ như vậy, nhưng nhiều người hiểu nhầm tới chỗ này, mình tan biến mất, nên sợ quá, không dám tu. Trong khi tu các pháp môn khác, sau khi chết, ta còn lên trời, hay về Phạm thiên, hoặc đi chỗ này chỗ kia. Còn tu pháp này, chúng ta tan biến thành hư không, thấy mình thành đám mây, mưa xuống làm nước, nước bốc hơi thành mây, thì mình là mây là nước, không còn là người.

Điều quan trọng phải biết rõ có hai cuộc sống khác nhau giữa sanh tử và Niết-bàn. Nếu tu Pháp hoa và thực chứng Pháp hoa, đến cửa Không thì chúng ta lên đại bạch ngưu xa. Còn trước kia có tam thừa là có người tu Thanh văn, người tu Duyên giác và người tu Bồ-tát, vì lộ trình tu này là từ nhân hướng quả thì phải như vậy thôi, bởi trình độ không giống nhau, nên phải tu pháp khác nhau, thì hiểu khác nhau, nhưng khi chứng quả vị La-hán, Phật nói tất cả đều được giải thoát, tức vào hư không, gọi là nhập Không môn, kinh Pháp hoa nói là đến bãi đất trống. Tới đây, chúng ta gặp Phật.

Chúng ta biết Đức Phật đã hiện thân vào sanh tử, làm Phật Thích Ca Mâu Ni để gần gũi, dìu dắt, hướng dẫn chúng ta nhiều cách tu khác nhau, nhưng Phật vào Niết-bàn, chúng ta nghĩ Phật chết. Nhưng sự thật, khi Niết-bàn, Phật cũng nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Những người cùng tu thời Phật, họ đắc Sơ thiền thì Phật vào Sơ thiền, họ thấy Phật ở Sơ thiền. Nhưng Phật qua Nhị thiền, họ không thấy Phật nữa, vì họ chỉ đến được Sơ thiền thôi. Từ Nhị thiền, Phật qua Tam thiền thì người đắc Tam thiền theo Phật tới Tam thiền thôi. Và người đắc Tứ thiền theo Phật đến Tứ thiền. Qua Tứ thiền, Phật nhập Không môn, họ không thấy Phật nữa, nên nói Phật vào Niết-bàn rồi, không còn Phật nữa.

Nhưng qua Tứ thiền, Phật lên tới đỉnh cao là nhập Ngũ tịnh cư thiên. Ngũ tịnh cư thiên là thế giới vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh. Phật nhập vào thế giới này thì những người chứng được Tứ thiền, rớt trở lại Tứ thiền, không qua Ngũ tịnh cư thiên được. Nhưng tới đây, những người đắc La-hán thiệt thì họ cũng qua Ngũ tịnh cư thiên luôn. Thật vậy, Phật dạy rằng người đắc La-hán mà không vào Ngũ tịnh cư thiên được, không lên xe Nhứt thừa được thì không phải thực La-hán, nhưng họ chỉ trụ ở Hóa thành thôi. Vì quả vị La-hán mà họ chứng là nhờ nương theo Phật mà chứng.

Điều này Phật tử dễ hiểu, khi mình gần Phật, Bồ-tát, hay người tu đắc đạo, mình tự an lành, thấy phiền não biến mất, tự thanh tịnh. Thực tế là Phật tại thế, người mới thấy Phật hoặc nhiều người chỉ tu một thời gian ngắn mà đắc La-hán là nhờ nương Phật mà họ có quả này, họ chưa chứng thiệt, nên không có Phật, họ mất quả La-hán. Còn người chứng La-hán thiệt, Phật mất nhưng quả La-hán của họ vẫn còn. Vì người chứng La-hán thiệt, họ có thực tài, thực tu thì có Phật, họ nương theo Phật tu, nhưng không có Phật, họ thay Phật để cứu độ chúng sanh. Người không có thực tài chỉ nương Phật tu, nên có Phật, họ thấy bình yên; không có Phật, họ thấy trống vắng, mệt mỏi, sợ hãi, thiệt thòi.

Kinh Pháp hoa muốn chỉ chúng ta thấy được chỗ này, không phải vào Không môn là chấm dứt. Đối với người có căn lành tu Pháp hoa, được Phật hộ niệm mới thấy Phật, thấy thế giới Phật là Thật báo và Thường Tịch Quang mở ra cho chúng ta. Đó là hai loại hình thế giới rất quan trọng dành cho người tu chứng thật mới vào được, không đắc đạo thật thì không vào được.

Vào thế giới Thật báo rồi, họ thấy Phật có vô số phân thân và thấy Phật Thích Ca hiện thân ở cuộc đời tại Ta-bà cũng là một phân thân của Bổn Phật là Phật gốc, Phật Lô Xá Na kết hợp bằng Trí thân và Pháp thân. Phật tu chứng được Trí thân là Vô thượng Bồ-đề, tức trí tuệ ở đỉnh cao nhất.

Nhận thức đúng như vậy, chúng ta tu chứng thiệt, phải vào con đường này được Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm, là từ Bồ-tát thân đi đến Như Lai thân và đến đỉnh cao nhất là Trí thân thì không còn thân tứ đại hữu hạn mà người tu Nhị thừa tưởng lầm là hết, vì người sống với Thức, kẹt Thức, nên họ nghĩ Thức hết là mình hết, nghĩ như vậy là đoạn kiến. Thật vậy, Phật nói Thức không hết, nhưng Thức chuyển thành trí, đắc đạo, vào cửa Không thì bốn Thức của mình chuyển thành tứ trí gọi là Trí thân.

Vì vậy, Phật lấy trí tuệ làm thân mạng gọi là trí thân huệ mạng. Trong khi chúng ta lấy thân huyễn làm thân mạng, nên thân tứ đại còn thì thấy mình còn, nhưng mất thân tứ đại thì nghĩ mình chết là hết. Con người chết, nhưng trí và phước không chết. Phật lấy trí tuệ và phước đức làm thân.

Theo Phật, quý vị phải tu cho đạt được thân trí tuệ và phước đức. Nghĩ xem mình tu, phước đức và trí tuệ có sanh không. Phước đức sanh thì dễ hiểu. Người tu có phước đức thường được người khác kính trọng. Tu mà không ai dám gần là tu sai, vì phước đức mất. Số người kính trọng mình đông thêm là biết phước đức mình lớn, nhưng người xa lần, ghét bỏ là tu sai, hết phước đức, cuối cùng cô độc. Phải nhớ ý này để điều chỉnh sự tu hành của mình. Tu phải sanh phước đức và trí tuệ. Trí tuệ sanh do tu hạnh Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Có tu thì có sanh trí tuệ, không tu không sanh trí tuệ và tu sai, trí tuệ không sanh mà phiền não sanh.

Tu Thanh văn, Phật dạy thực hành 37 Trợ đạo phẩm để gạn lọc phiền não, làm tâm mình sạch, phiền não hết thì trí tuệ bắt đầu sanh. Phật dạy người tu Thanh văn, trí tuệ sanh là phải chứng được Bát Chánh đạo. Quan trọng trí tuệ sanh, đầu tiên mình nhìn người, nhìn vật chính xác, thấy biết đúng người đúng việc không sai lầm gọi là Chánh kiến. Người tốt mà nghĩ họ xấu và người xấu lại nghĩ họ tốt là tu sai, thấy sai dẫn đến làm sai sẽ bị đọa. Nếu người tự cho là đắc La-hán mà còn nhìn người sai lầm thì không phải là La-hán thực, nhưng là tăng thượng mạn. Mình biết như vậy để tránh. Nhìn người mình thấy đúng thì thấy họ phải như thế, nói như thế, làm như thế, không có gì phải thắc mắc, phiền muộn, đó là Chánh kiến giúp tâm mình thanh thản và xử sự đúng đắn.

Thứ hai là Chánh ngữ, mình nói có chính xác không. Trên bước đường tu, Phật tử phải tập lần, lựa lời mà nói, bỏ tánh sái quấy là nói dối, nói ác, nói gây chia rẽ, nói bịa đặt. Phật dạy những gì mình biết rõ mới nói, không biết rõ thì đừng nói, vì nói sai nguy hiểm. Đắc La-hán thiệt không bao giờ nói sai.

Thứ ba là Chánh tư duy, suy nghĩ của mình luôn đúng. Phật dạy các La-hán lấy Bát Chánh đạo làm chuẩn để xem Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh tư duy của mình có đúng không.

Ngoài ra, chúng ta sống trên cuộc đời này, việc làm có ý nghĩa không. Theo Phật, sự hiện hữu của chúng ta là hiện hữu mà chúng sanh cần. Chúng sanh không cần, ta vào Niết-bàn, thể hiện Chánh mạng, Chánh nghiệp, đi vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh, hiện hữu ở cuộc đời để cứu độ chúng sanh.

Chánh tinh tấn là siêng năng làm những việc nói trên không biết mệt mỏi để lợi ích cho chư thiên và loài người. Cuối cùng là Chánh định, làm bao nhiêu việc ở thế gian, nhưng việc không chi phối chúng ta, chúng ta vẫn ung dung tự tại. Còn người làm ít mà nghĩ làm nhiều là tệ nhất. Người làm bao nhiêu nghĩ bấy nhiêu, rồi từ đó nghĩ mình nhất trên đời, không có mình thì không ai làm được, đó là sai lầm lớn.

La-hán làm được tất cả, nhưng không vướng mắc với việc và việc xong thì ra đi nhẹ nhàng, mới có thể vào cửa Không, gặp Phật.

Tu hàng ngày, tụng niệm, lễ bái, thiền định, quý vị mong điều gì nhất. Riêng tôi, mong lâm chung thân không bệnh tật, tâm không phiền não và được thấy Phật, được về với Phật, là mục tiêu của tôi. Vì vậy, làm tất cả những việc Phật dạy để hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, hay hồi hướng Tịnh độ cũng được, thành tựu tất cả công đức để cuối cùng chúng ta được thấy Phật, nghe pháp, gần Phật để tu cho đến thành Phật, Chúng ta tu có mục tiêu rõ ràng như vậy, chứ ta không biến thành mây khói, thành cát bụi. Cát bụi trả về cát bụi, mây khói trả về mây khói, ta vẫn là ta về với thế giới Phật.

Phật nói rõ thế giới Thật báo Tịnh độ là thế giới của người có trí tuệ vô thượng. Người có trí tuệ là người vạn năng, làm được nhiều việc, có thể biến sỏi đá thành vật dụng. Thực tế cho thấy trí tuệ con người tìm ra quặng mỏ, tìm ra tất cả phương tiện sống của con người có sẵn trong trời đất. Chỉ mới có trí tuệ của con người thôi mà đã tạo được những lợi ích như vậy. Còn tri tuệ của Phật thì cao tột hơn vạn lần, nên thế giới Phật là thế giới hoàng kim là đất biến thành vàng. Ngày nay, con người biết luyện kim thành vàng, thành sắt thép, không biết thì những thứ này trở ngại mình. Thực tế cho thấy văn minh con người tới đâu thì đời sống vật chất cao đến đó.

Vì vậy, người tu theo Phật, chứng Trí thân thì tất cả mọi vật phải chuyển đổi theo sự hiểu biết của họ và lên đến tột đỉnh là thế giới hoàng kim của Phật. Chúng ta tu tuy chưa được việc gì cao siêu, nhưng muốn về Phật để sanh trí tuệ và dùng trí tuệ rọi qua vật chất, chuyển đổi vật chất thành hữu dụng theo ý mình.

Trên bước đường tu, nhận thức rõ bên này là thế giới chúng sanh, thế giới của vô minh, phiền não, nên khổ đau. Bên kia là thế giới Phật, thế giới của phước đức và trí tuệ, nên an lạc. Hai thế giới này hoàn toàn khác nhau. Chúng ta tu trở về thế giới Phật được và nếu mình trở lại thế giới này cũng biến thành thế giới hoàng kim. Nói cách khác, người giỏi, tốt tới đâu thì thế giới tốt theo đến đó. Điều này là thực tế cuộc sống, không có gì là mê tín, ảo tưởng.

Đi vào thế giới Phật, thế giới của Pháp hoa, Phật nói từ đây hành giả phát Bồ-đề tâm, tiếp tục tu lên nữa, không phải tan biến thành mây khói. Thấy Phật, phát tâm hành Bồ-tát đạo vào tam giới cứu đời cho đến khi thành tựu quả vị Phật.

Bài kinh: Sáu Pháp hòa kính

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tinh xá Ghosita. Lúc bấy giờ, các Tỷ kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ kheo đến và dạy như sau:

Này các Tỷ kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú từ thân hành; an trú từ khẩu hành; an trú từ ý hành đối các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đối với những tài vật nhận được đúng pháp phải san sẻ, dùng chung đối với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các giới luật không có vi phạm, thành tựu các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh, Tỷ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Này các Tỷ kheo, sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Kosambiya, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.701)

Bốn thứ che tâm

Người tu Phật, dù tại gia hay xuất gia, dù tu theo bất cứ pháp môn nào thì tâm tịnh và trí sáng là mục tiêu quan trọng cần phải đạt được trong đời sống tu hành. Tuy nhiên trong thực tiễn, dù đã hết sức cố gắng nhưng tâm mình thì lúc tịnh lúc không, trí mình thì khi sáng khi tối.

Chúng ta thường quy kết mọi thứ cho cái nghiệp của mình. Thì đúng là tất cả đều do nghiệp, nghiệp từ quá khứ xa cho đến quá khứ gần, nghiệp đang tạo ra trong hiện tại, nghiệp sắp tạo ở tương lai làm cho tâm trí mê mờ. Nhưng cụ thể thì do những nghiệp gì? Thế Tôn dạy, do “tham, sân, si, lợi” che lấp tâm trí của chúng ta.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay mặt trời, mặt trăng có bốn thứ che lấp nặng nề khiến không phóng được ánh sáng. Bốn loại nào? Mây, gió bụi, khói và A-tu-la, khiến mặt trời, mặt trăng bị che không phóng ánh sáng được. Đó là, này Tỳ-kheo, mặt trời, mặt trăng có bốn thứ che đậy, khiến mặt trời, mặt trăng không phóng ánh sáng lớn được. Đây cũng như thế, Tỳ-kheo có bốn kết che đậy tâm người không được cởi mở. Thế nào là bốn? Dục kết che đậy tâm người không được khai mở, sân nhuế, ngu si và lợi dưỡng che đậy tâm người không khai mở được.

Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn kết che đậy tâm người không khai mở được. Hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”. 

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thanh văn, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.52)

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong bốn món kết “tham, sân, si, lợi” che tâm mà Thế Tôn đã dạy, thì ba độc (tham, sân, si) là căn bản phiền não, là bản chất của chúng sanh, sanh ra nơi đời là đã sẵn có trong tâm và bị chúng chi phối nặng nề. Để xua tan sự che phủ ba độc, phải dùng đến ánh sáng tuệ giác của “vô tham, vô sân, vô si”. Nhưng đây không phải là chuyện dễ làm, nhất là đối với hạng người phước mỏng nghiệp dày như chúng ta.

Còn món kết sau cùng, đó là lợi, tuy không phải là căn bản phiền não nhưng cũng rất khó dứt trừ. Dân gian thường nói, thấy lợi thì tối mắt, chính là đã thừa hưởng sâu sắc ý pháp này của Phật. Cũng vì chút lợi danh mà nhắm mắt làm càn, vong ân bội nghĩa, gây ra biết bao đổ vỡ và khổ đau. Để không bị lợi danh che mắt, chúng ta cần thường xuyên giác tỉnh, vận dụng tuệ giác vô thường để quán chiếu lợi danh như huyễn, có đó rồi không đó, nhằm giữ tâm thư thái, nhẹ nhàng.

Phương châm của người học Phật là “duy tuệ thị nghiệp”, phải thành tựu tuệ giác. Sở dĩ chúng ta dụng công tu hành đã lâu mà tuệ giác không hiển lộ chính vì tâm còn bị bụi mờ “tham, sân, si, lợi” che phủ. Khoan nói đến tham sân si, vì chỉ riêng một món “lợi” thôi mà đã gây đảo điên thế sự. Không chỉ người đời, mà ngay cả người tu nếu không khéo cũng rơi vào chướng nạn này. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc dễ nhất, xả bỏ lợi danh để từng bước khai mở tuệ giác, tự tại thong dong.

Say đắm lợi danh, rõ ràng là đi ngược với đạo giải thoát. Người tu mà vướng vào lợi danh càng nhiều thì tâm trí bị che phủ và u ám càng nặng, vì như Thế Tôn đã dạy, “bốn kết che đậy tâm người không khai mở được”. Từ xa xưa, Thế Tôn đã từng tha thiết: “Này các Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này”. Đến tận ngày nay, nhìn vào hiện trạng tu học của bốn chúng đệ tử, lời dạy của Ngài vẫn còn cấp thiết, đồng vọng quanh ta.

Mỗi người chúng ta đều thương yêu điều gì đó

Tình yêu và lòng từ bi giống như những điểm yếu trong bức tường của bản ngã, nếu chúng ta khởi thiện tâm và trân trọng nó, tâm của ta sẽ dần được mở rộng.

Audio

Trong đạo Phật, thuật ngữ “Bồ-đề tâm” có nghĩa là tâm, trí hoàn toàn rộng mở. “Citta” có thể hiểu là tâm hoặc trí; “bodhi” có nghĩa là tỉnh thức. Việc nuôi dưỡng trái tim rộng lượng và Bồ-đề tâm là một hành trình của riêng mỗi người.

Cuộc sống mà chúng ta có là nền tảng của mọi hoạt động; Cuộc sống mà chúng ta có cũng chính là con đường đi đến giác ngộ. Việc học giải thoát không giống với “nấu ăn” – rằng chúng ta sẽ nhận được thành quả sau khi cắm cúi làm theo công thức. Thực tế là khi nói đến việc đánh thức tâm và trí, chúng ta không thể “làm đúng” vì nó vốn dĩ “không có sở đắc”.

Trong hành trình này, chúng ta đang hướng về điều gì đó không chắc chắn, không thể bị ràng buộc, một điều gì đó không theo quán tính hoặc bất di bất dịch. Chúng ta đang tìm tới một cách suy nghĩ và cảm nhận hoàn toàn mới, theo chiều hướng linh hoạt và cởi mở để nhận thức rằng “thực tế không dựa trên sự chắc chắn và an toàn”.

Ở giữa bao khổ đau sâu sắc nhất, chúng ta có thể nghĩ đến những ai cũng đang giống như mình và nguyện ước rằng tất cả chúng ta có thể vượt thoát đau khổ và những gốc rễ của đau khổ.

Ở giữa bao khổ đau sâu sắc nhất, chúng ta có thể nghĩ đến những ai cũng đang giống như mình và nguyện ước rằng tất cả chúng ta có thể vượt thoát đau khổ và những gốc rễ của đau khổ.

Cách nhận thức này phụ thuộc vào việc kết nối năng lượng sống của ta với mọi thứ xung quanh. Bồ-đề tâm là phương tiện mà chúng ta dùng để khai thông nguồn năng lượng thức tỉnh này và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách khơi gợi cảm xúc của mình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách kết nối trực tiếp với những gì chúng ta đã có.

Bồ-đề tâm phát khởi khi tâm ta thanh tịnh, khi chúng ta cảm nhận được sự biết ơn, trân trọng hay yêu thương dưới mọi hình thức. Trong bất kỳ khoảnh khắc lắng dịu hay hạnh phúc nào, Bồ-đề tâm luôn có mặt. Nếu ta ý thức về sự hiện hữu của những khoảnh khắc này và trân trọng chúng, nếu ta bắt đầu nhận ra rằng chúng đáng quý đến nhường nào, thì dẫu chỉ thoáng qua trong phút chốc hay vừa nhen nhóm, tâm từ cũng sẽ ngày một lớn thêm. Khả tính thương yêu của chúng ta là cái không thể hạn lượng mà nếu được nuôi dưỡng, nó sẽ rộng mở đến khôn cùng.

Bồ-đề tâm cũng có sẵn trong các cung bậc cảm xúc khác – ngay cả những cảm giác khó chịu nhất như giận dữ, ghen tỵ, đố kỵ và oán giận. Ngay cả khi ta đau đớn và tê liệt nhất, Bồ-đề tâm vẫn sẵn có với chúng ta. Chỉ cần chúng ta nhìn nhận chúng với trái tim và tâm hồn rộng mở cũng như cảm nhận chúng được chia sẻ với tất cả chúng ta như thế nào – khi chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một con thuyền và có cùng chung một nỗi đau.

Ở giữa bao khổ đau sâu sắc nhất, chúng ta có thể nghĩ đến những ai cũng đang giống như mình và nguyện ước rằng tất cả chúng ta có thể vượt thoát đau khổ và những gốc rễ của đau khổ. Khi chúng ta điều chỉnh và nhận thức được bất kỳ cảm xúc nào của bản thân, lúc đó chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn và xóa tan những rào cản mà chúng ta đã vạch ra giữa ta và người.

Mùa đông trên đảo Cape Breton, nơi tôi sống ở Nova Scotia, mặt hồ đông cứng lại đến nỗi mọi người có thể lái xe tải và ô-tô trên đó. Alexander Graham Bell từng điều khiển một trong những chiếc máy bay đầu tiên trên những lớp băng như thế và sự chắc chắn của nó là điều không thể phủ nhận. Những thói quen và khuôn mẫu của chúng ta cũng như những lớp băng đó vậy. Nhưng khi mùa xuân đến, băng trên hồ tan chảy. Bản chất thực của nước chưa bao giờ biến mất, thậm chí vào những ngày băng giá nhất của mùa đông, nó chỉ thay đổi hình thức. Khi băng tan, nước vẫn lại là nước.

Bản chất của thiện tâm và Bồ-đề tâm cũng tương tự. Nó vẫn là nó, kể cả khi nó trở nên cứng chắc đến mức chúng ta có thể “đáp máy bay” trên đó. Vào những lúc tôi đang ở giữa đêm đông lạnh giá và không gì có thể làm tan chảy trái tim và tâm trí đã đóng băng của tôi. Tôi nhớ lại rằng dù băng có cứng đến đâu thì Bồ-đề tâm với bản thể như nước vẫn không bao giờ biến đi đâu cả. Nó luôn ở ngay đây. Vào những khoảnh khắc như vậy, tôi đang trải nghiệm Bồ-đề tâm ở trạng thái vững chắc, bất động nhất của nó.

Tại thời điểm đó, tôi thường nhận ra rằng tôi thích sự uyển chuyển vốn có trong mọi trạng huống hơn là sự cứng nhắc mà tôi thường áp đặt cho chúng. Vì vậy tôi bắt đầu tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn bằng trái tim cởi mở hơn để làm tan chảy sự cứng nhắc đó. Trong đó có một cách để bất kỳ ai trong chúng ta cũng làm được điều này là nghĩ về một người mà chúng ta cảm thấy trân trọng, yêu thương hoặc biết ơn.

Nói cách khác, chúng ta kết nối với những gì ấm áp mà chúng ta đã có. Nếu chúng ta không thể nghĩ về một người nào đó, chúng ta có thể nghĩ về một thú cưng, hoặc thậm chí là một cái cây. Để làm được việc đó, đôi khi chúng ta phải dụng công một chút. Nhưng như Trungpa Rinpoche thường nói, “Mọi người đều yêu thích điều gì đó. Ngay cả khi đó chỉ là những cái bánh ngô”. Vấn đề là phải nhận ra Bồ-đề tâm của chính mình và nuôi dưỡng nó.

Đôi khi, chúng ta phải tìm một tình huống hoặc một người nào đó để khiến cho lòng từ bi tự biểu lộ. Lòng từ bi là cách ta quan tâm đến người khác và chia sẻ nỗi đau của họ. Nó không xuất phát từ sự thương hại hay sự thông cảm hời hợt, mà dựa trên việc thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có chung những nỗi đau. Lòng từ bi là mối quan hệ bình đẳng. Vì vậy trong bất kỳ thời điểm khó khăn nào, chúng ta đều có thể phát khởi lòng từ bi của mỗi chúng ta đối với tất cả mọi người và mọi loài, nó sẽ giúp chúng ta vượt qua những biên kiến của bản thân.

Tình yêu thương và lòng từ bi là điểm yếu giúp tạo lỗ hổng nhằm phá vỡ bức tường bản ngã. Khởi phát lòng từ bi trong từng khoảnh khắc sẽ giúp chúng ta cởi mở với nhiều thứ hơn. Tập điều chỉnh ngay trong những cảm xúc nhỏ nhặt nhất và trân trọng lòng biết ơn cũng khiến chúng ta nhẹ nhàng hơn. Nó cho phép chúng ta chạm vào cốt lõi thâm sâu nhất của Bồ-đề tâm ở ngay chốn này.

Ta đừng sợ khổ đau

Đừng sợ khổ đau, hãy chấp nhận và học hỏi từ nó. Bởi nếu không có khổ đau, ta sẽ không hiểu được giá trị thực sự của hạnh phúc, và không thể trân trọng những điều quý giá nhất trong cuộc sống.

Ta đừng sợ khổ đau, và cũng đừng chia cắt rạch ròi giữa hạnh phúc và khổ đau, vì nếu không có khổ đau, ta sẽ không biết thế nào là hạnh phúc.

Trong cuộc sống, cảm giác đau đớn và khó khăn thường xuyên hiện diện, nhưng chúng không phải là một điều tệ hại mà là một phần không thể thiếu của sự sống. Chính những thử thách và đau đớn đó làm cho ta trở nên mạnh mẽ hơn, hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và giá trị của cuộc sống.

Khổ đau không chỉ làm ta trưởng thành mà còn giúp ta đánh thức những giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống. Chúng là bài học quý giá, giúp ta nhìn nhận và đánh giá lại mục tiêu, giấc mơ và giá trị trong cuộc sống.

Chuyển hoá khổ đau thành phúc lạc

439336867_757632836478591_7251555929175355207_n

Hơn nữa, khổ đau cũng làm cho ta trân trọng hơn những khoảnh khắc hạnh phúc và biết ơn mỗi phút giây mà chúng ta có được. Chỉ khi trải qua cảm giác đau đớn, ta mới thực sự đánh giá cao những niềm vui nhỏ bé và những giây phút bình yên trong cuộc sống.

Đừng sợ khổ đau, hãy chấp nhận và học hỏi từ nó. Bởi nếu không có khổ đau, ta sẽ không hiểu được giá trị thực sự của hạnh phúc, và không thể trân trọng những điều quý giá nhất trong cuộc sống.

Hãy tưởng tượng bạn đã trải qua một thất bại lớn trong công việc của mình. Cảm giác thất vọng, lo lắng và buồn bã tràn ngập trong tâm trí bạn. Bạn cảm thấy như mình đã thất bại, và không biết làm thế nào để tiếp tục tiến lên.

Tuy nhiên, qua những lúc đó, bạn học được nhiều điều. Bạn hiểu rõ hơn về những sai lầm đã xảy ra và học được từ chúng. Bạn cảm thấy mình mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn và trở nên kiên định hơn trong việc theo đuổi mục tiêu của mình.

Những lúc bạn trải qua khổ đau và thất bại, bạn cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của sự thành công và hạnh phúc. Bạn biết ơn mỗi cơ hội và khoảnh khắc mà cuộc sống đem đến, và học cách trân trọng những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu không có những thất bại và khó khăn đó, bạn có thể không bao giờ hiểu được ý nghĩa thực sự của sự thành công và hạnh phúc. Chính những trải nghiệm đau đớn đã giúp bạn trở nên mạnh mẽ, biết ơn và trân trọng những điều quý giá nhất trong cuộc sống.

Khóa tu của cộng đồng Phật tử Việt – Hàn hướng về Phật đản

Ngày 5/5, cộng đồng Phật tử Viện Chuyên Tu Việt Nam tại Hàn Quốc – Khu vực miền Trung Cheongju đã tổ chức khoá tu một ngày tại tịnh thất Huệ Chiếu, chùa Minh Trang.

Audio

Bắt đầu từ 10 giờ sáng, Phật tử vân tập về chùa, mọi người gặp nhau trong niềm an vui hoan hỷ. Bằng tấm lòng tôn kính Đức Phật, Phật tử đã cùng nhau công quả, trang nghiêm Tam bảo.

Thời tụng kinh trong khóa tu

Thời tụng kinh trong khóa tu

Vào lúc 11 giờ, tại tầng 3, trong không khí trang nghiêm nơi chánh điện Đại Từ Đại Bi, cùng với sự tham gia của Phật tử Việt Nam và Hàn Quốc, đại chúng cùng được lắng nghe những lời pháp thoại từ Hòa thượng Cheong-Do-Woong, trụ trì chùa Minh Trang.

 “Quý vị Phật tử hãy tu tập và luôn luôn nhớ nghĩ, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát để được tâm an. Tâm an thì mọi sự đều tốt đẹp. Quý Phật tử về chùa tu học với đại chúng thì mới có cơ hội bào mòn bản ngã của mình. Nên nhớ, “đức chúng như hải” sẽ giúp chúng ta tu tập có tinh thần hăng hái hơn”, Hòa thượng nhấn mạnh.

Hòa thượng trụ trì khuyến khích Phật tử tham gia Đại lễ Phật đản, vì đây là sự kiện trọng đại để tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Được biết, các ban đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho Đại lễ năm nay, để đón Phật tử về Đạo tràng tham dự.

Hòa thượng Cheong-Do-Woong đăng pháp tòa thuyết giảng

Hòa thượng Cheong-Do-Woong đăng pháp tòa thuyết giảng

Cũng như mọi năm, Phật tử Việt Nam sẽ chuẩn bị những gian hàng thực phẩm phục vụ đại chúng tham dự lễ.

Sau giờ thọ trai và chỉ tịnh, vào lúc 13 giờ 30 phút, đại chúng vân tập về tịnh thất Huệ Chiếu để cùng nhau tụng kinh A Di Đà. Qua bản kinh này, hành giả tu theo pháp môn tịnh độ phát khởi Tín-Hạnh-Nguyện trong việc trì danh hiệu Phật.

Đông đảo Phật tử về chùa Minh Trang dự khóa tu

Đông đảo Phật tử về chùa Minh Trang dự khóa tu

Đến 15 giờ 30 phút, đại chúng đã cùng nhau thu mua các loài thủy tộc để phóng sanh, tổng số tiền phóng sanh tại khu vực Cheongju ngày 5/5 là: 690.000 won.

Tất cả đồng dâng lời chúc nguyện Phật pháp trường tồn, cầu mong tất cả mọi người, mọi loài đều được an vui giải thoát trong chánh pháp của Đức Thế Tôn.

Khoá tu đã kết thúc trong niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng.

Phật tử VN tu học một ngày tại tịnh thất Huệ Chiếu

Phật tử VN tu học một ngày tại tịnh thất Huệ Chiếu

 Ảnh: Thiện Bá

Bổ nhiệm trụ trì chùa Già

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Già (xã Hoằng Đồng, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đến Sư cô Thích nữ Tịnh Nhân, sáng 5/5.

Audio
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm sáng 5/5

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm sáng 5/5

Theo đó, Quyết định số 32/QĐ-BTSPG, ngày 20/4/2023 của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa về việc bổ nhiệm trụ trì chùa Già – Di Đà Phật Tự đã được Ni trưởng Thích Đàm Hòa, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trao đến Sư cô Thích nữ Tịnh Nhân, thế danh Lê Thị Hào, sinh năm 1993, tu học tại chùa Tăng Phúc (TP.Thanh Hóa).

Ban đạo từ, Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trụ trì đối với ngôi chùa và tín đồ Phật tử.

Thượng tọa mong muốn, sau khi chính thức trở thành trụ trì chùa Già, Sư cô Thích nữ Tịnh Nhân tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng rèn luyện, nỗ lực tu học, thừa hành tốt các Phật sự.

Sư cô Thích nữ Tịnh Nhân đón nhận quyết định bổ nhiệm

Sư cô Thích nữ Tịnh Nhân đón nhận quyết định bổ nhiệm

Thượng tọa Thích Tâm Định ban đạo từ

Thượng tọa Thích Tâm Định ban đạo từ

Hữu Tình – Đức Hòe

Mây cũng là con, tuyết cũng là con

Bạch Đức Thế Tôn, con thấy con là đại dương, tất cả các dòng sông trên trái đất đều chảy về con. Bạch Đức Thế Tôn, con thấy con bốc hơi thành mây, rong chơi trên trời và trở thành mưa, thành tuyết, thành nước đá rơi xuống trên đỉnh núi.

Audio
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Con thấy con trở thành những dòng nước từ từ trôi về đại dương trở lại. Con đem sức sống cho muôn người, muôn loài, cho cỏ cây, đất đá, đem lại tươi mát, nuôi dưỡng và trị liệu cho sự sống. Con biết là con đang ở trên con đường về lại đại dương nhưng con không vội vã, vì ngay trong giờ phút này con đã là đại dương, con đang là đại dương.

Con đang là dòng sông này, nhưng con cũng là những dòng sông khác, chưa bao giờ con không là nước, chưa bao giờ con không là đại dương. Vì vậy cho nên con không vội vã. Con thích rong chơi, con thích để thì giờ của con làm đẹp cho sự sống, cho muôn loài.

Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cũng là đại dương, Ngài cũng đã từng biến thành mây, thành tuyết, thành dòng sông. Ngài đang tiếp tục là đại dương, là mây, là tuyết, là những dòng sông. Ngài không phải chỉ là một dòng sông, Ngài là nhiều dòng sông. Con cũng vậy. 

Đà Nẵng: Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức Ngày hội hiến máu năm 2024

Sáng 5-5, tại chùa Pháp Lâm (P.Nam Dương, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN TP.Đà Nẵng cùng Đội tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP, khoa Huyết học truyền máu – Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức Ngày hội hiến máu năm 2024.

Chứng minh và tham dự ngày hội hiến máu có chư tôn đức Tăng Ni Ban Trị Sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, Hội Chữ thập đỏ TP, chính quyền sở tại, quý Sư nước Lào và hơn 300 tình nguyện viên tham gia hiến máu.

de98eab749d8e886b1c9

Tại đây, Thượng tọa Thích Pháp Châu – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN TP.Đà Nẵng trưởng ban tổ chức; hoan hỷ vui mừng tinh thần của chư Tăng Ni cùng các tình nguyện viên đã nhiệt tình hưởng ứng lời vận động của ban tổ chức tham gia hiến máu cứu người. “Đây là một hành động hết sức nhân văn và đầy ý nghĩa cúng dường mùa Phật đản Phật lịch 2568 theo phương châm ‘phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật'”.

3b5dee724d1dec43b50c

Sư Lào Ketsana Phomluangsy hoan hỷ chia sẻ: “Đây là lần thứ hai, Sư cùng các sư Lào tham gia ngày hội hiến máu với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Đà Nẵng, Đội tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng, bạn bè Việt Nam thân yêu tham gia hiến máu cứu người, một việc làm hết ý nghĩa, công đức vô thượng Ba-La-Mật trong mùa Lễ Phật Đản cúng dường Chư Phật”.

3d62174db422157c4c33
b4f7c5c666a9c7f79eb8

Ngày hội hiến máu năm 2024 do Ban Hướng dẫn Phật tử TP.Đà Nẵng và Đội tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng tổ chức đã thu về 262 đơn vị máu. Dịp này, có hơn 40 tình nguyện viên cũng đã đăng ký hiến tặng mô tạng.