back to top
26.6 C
Chư Sê
Thứ Ba, 30 Tháng Tư, 2024
Home Blog Page 3

Ý nghĩa, tính năng và các chủng loại Mandala

Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

03

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Mạn đồ la là một khu vực hình tròn hoặc hình vuông được phân định theo pháp, dùng để thực hiện các pháp tu của Mật giáo nhằm tránh khỏi sự xâm nhập và nhiễu loạn của ác ma. Hoặc là một đàn tràng bằng đất cát, trên đó vẽ các tôn tượng Phật và Bồ tát, tu pháp xong thì xóa bỏ các hình tượng. Hoặc là một tờ giấy hay tấm vải, trên đó có vẽ hình tượng các Tôn vị.

Theo Đại Nhật Kinh Sớ, Mạn đồ la theo nghĩa Luân viên cụ túc là các Tôn vị vây quanh Đức Đại Nhật Như Lai để cùng giúp sức với Đại Nhật Như Lai đưa chúng sanh vào giác ngộ, giải thoát.

Mạn đồ la theo nghĩa Tụ tập là trụ xứ của chư Phật, Bồ tát và các hàng Thánh giả. Mạn đồ la luận theo nghĩa phát sinh, có công năng nuôi dưỡng hạt giống Phật và sinh Phật quả. Mạn đồ la còn bao hàm ý nghĩa Diệu vị vô thượng (không mùi vị nào có thể sánh được) biểu thị cho sự vi diệu thuần tịnh của Phật quả. Ngoài ra, tất cả hình tướng, ngôn ngữ, pháp khí hoặc thệ nguyện của các Tôn vị… cũng được gọi là Mạn đồ la.

Theo kinh Kim Cương Đảnh, có bốn chủng loại Mạn đồ la: 1. Đại Mạn đồ la (Tôn hình Mạn đồ la) – Bức vẽ các Tôn vị với đầy đủ dung mạo tướng hảo tương đương với hội Thành thân trong Kim Cương giới Mạn đồ la. 2. Tam muội da Mạn đồ la – Bức vẽ những hình Tam muội da của chư Tôn, tương đương với hội Tam muội da. 3. Pháp Mạn đồ la (Chủng tử Mạn đồ la) – Bức vẽ những chủng tử và chân ngôn các Tôn vị, tương đương với hội Vi tế. 4. Yết ma Mạn đồ la – Bức vẽ về những oai nghi sự nghiệp của chư Tôn hoặc hình tượng các Tôn vị được tạo theo đúng oai nghi, sự nghiệp của các Ngài, tương đương với hội Cúng dường.

Trong mỗi chủng loại Mạn đồ la trên đều có ba cách thể hiện:

(a) Đô hội Mạn đồ la – Các Tôn vị nhóm họp cùng một chỗ, như Mạn đồ la lấy Đại Nhật Như Lai làm trung tâm.

(b) Bộ hội Mạn đồ la – Các Tôn vị chia thành từng bộ, như Mạn đồ la Phật đảnh của Phật bộ, Mạn đồ la Thập nhất diện Quán Âm của Liên hoa bộ.

(c) Biệt tôn Mạn đồ la – Lấy một Tôn vị làm trung tâm, như Mạn đồ la Thích Ca, Mạn đồ la Như Ý Luân.

Theo phái Đông Mật, Mạn đồ la gồm hai bộ: Mạn đồ la Kim cương giới và Mạn đồ la Thai Tạng giới.

Mạn đồ la Kim Cương giới còn gọi là Quả Mạn đồ la, Trí Mạn đồ la, Nguyệt luân Mạn đồ la là các hình tướng được vẽ theo kinh Kim Cương đảnh, biểu thị cho Trí pháp thân của Như Lai. Mạn đồ la Kim Cương giới chia làm năm bộ: Phật bộ (lí trí đầy đủ, viên mãn), Kim Cương bộ (trí), Bảo bộ (phước đức), Liên Hoa bộ (lí) và Yết ma bộ (tác dụng giáo hóa chúng sanh). Năm đức Phật Đại Nhật, A Súc, Bảo Sinh, A Di Đà, và Bất Không Thành Tựu là bộ chủ của năm bộ trên.

Mạn đồ la Thai Tạng giới còn gọi là Nhân Mạn đồ la, Lí Mạn đồ la, Đại bi Mạn đồ la biểu thị cho Lí pháp thân của Đại Nhật Như Lai, căn cứ theo kinh Đại Nhật mà lập ra.

Phái Thai Mật, ngoài Đại Nhật Như Lai ở hai bộ Mạn đồ la Kim Cương giới và Mạn đồ la Thai Tạng giới còn có Trung tôn, tức các Tôn vị khác.

Ngoài ra, Mạn đồ la được vẽ khi tu tập pháp Tôn thắng gọi là Tôn thắng Mạn đồ la. Mạn đồ la để làm đối tượng lễ bái, cúng dường gọi là Cúng Mạn đồ la. Hình vẽ các Thánh chúng trong hội Pháp hoa gọi là Kinh pháp Mạn đồ la. Hình vẽ cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà gọi là Tịnh độ Mạn đồ la…

Lễ khai quang tôn tượng Đức Phật tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

Theo Giác Ngộ. 

Nguồn gốc An cư kiết hạ

Ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành.

Mỗi năm đều có 3 tháng an cư dành cho Tăng Ni, tính từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (Âm lịch). Vào tháng tư âm lịch là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành.

Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.

Như vậy, ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước.

Giáo hội ban hành Thông bạch hướng dẫn tổ chức An cư kết hạ Phật lịch 2568

01

Ý nghĩa của An cư kiết hạ 

Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt.

Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm…

Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.

Hiện giờ đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp trùng kiến như ngày xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này mình không thể hiện lòng từ bi như thời đức Phật, chỉ có cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Như vậy, trọng tâm an cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ trùng kiến chết. Cho nên ba tháng an cư rất quý báu.

Một năm mười hai tháng chúng ta bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp Phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà quý vị đi đây đi kia, không ở một chỗ nỗ lực tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, mong rằng tất cả quý vị phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.

Mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được.

Tuy ba tháng không dài nhưng với ý chí mãnh liệt, với nhiệt tình không bờ bến, chúng ta cũng có thể thực hiện được phần nào kết quả trên đường tu. Đã là tu sĩ Phật giáo, hoặc Tăng, hoặc Ni, không thể nào học theo những việc của người thế tục. Chúng ta không phải là nhà kinh tế, nhà kiến thiết, nhà ngoại giao, hay học giả…mà là hành giả.

Tại sao tôi nói như vậy? Vì trên đường tu, khi nói tới nỗ lực, tới sự cố gắng tu hành là muốn nói đến việc giải thoát sinh tử của mình. Chúng ta tu là để giác ngộ được tất cả lẽ thật của con người và của muôn pháp. Do đó, ta đặt nặng việc tu cho có kết quả. Người tu không thể có khả năng giỏi làm ra tiền bạc, mà dồn tâm lực vào việc tu hành.

Cho nên, thời gian của chúng ta không thể dồn vào các chuyện khác. Người tu sống chân thật, ôn hòa, không phải là người giỏi giao thiệp. Người giỏi giao thiệp với thế gian thấy như được nhiều lợi lộc, nhưng đó là tư cách của một nhà ngoại giao, không phải của người tu.

Tăng Ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, chớ không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu.

Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả chớ không phải nhà tu.

Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn cạn hẹp nên không hiểu. Vì vậy, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, chớ không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng. Như vậy, một nhà tu phải tu như thế nào, phải làm những gì, hôm nay tôi sẽ nhắc cho tất cả Tăng Ni nhớ.

Đi tìm lõi cây

Ngày nay, khi đạo Phật ngày càng phát triển thì việc học Phật được quan tâm và chú trọng đặc biệt.

Audio

Khi tri thức loài người ngày càng cao, khoa học ngày càng tiến xa hơn trên nhiều lĩnh vực khám phá thì hành giả tu Phật cần phải có một nguồn tri thức Phật học ngày càng cao để phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.

Không phải ngày nay vấn đề học Phật mới được đặt ra, mà ngay từ thời truyền đạo, đức Tôn sư đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này. Thế nhưng, Phật giáo không phải là môn triết học để người ta học hỏi nhằm thỏa mãn tri thức. Giáo pháp chắc chắn phải được học hỏi nhưng hơn hết giáo pháp phải được thực hành và trên hết phải tự mình trải nghiệm và chứng ngộ.

Trong biển Phật học mênh mông và giữa rừng kinh sách Phật học đồ sộ ngày nay, thật hạnh phúc biết bao khi đọc lại Chơn Lý, nguồn Pháp bảo chứa đựng bao lời vàng ngọc của Tôn sư về các vấn đề học Phật. Trong Chơn Lý, quyển 11 “Khất sĩ”, Tôn sư dạy:

“Muốn học, không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ, của nước gió không ngừng chớ đừng cố cượng… Vì chính sự ở một chỗ giữ một bài, một lớp, là sự khổ não, vô minh, si mê thất học. Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, nếu là kẻ thật học, thì phải ra người Khất sĩ, khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình đi tới, và dẫn lần những kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau thời gian khác tạm vô thường vô ngã”.[1]

Có sự xuyên suốt, hầu như không tách rời giữa vấn đề học Phật và tu Phật trong lời dạy của Tôn sư. Mục đích của học là để áp dụng lời Phật dạy vào vấn đề hành trì hay thực tập. Cho nên, con đường học của người tu là đi trên một lối mòn tiến hóa ở cả hai phương diện học và hành, còn được Tôn sư gọi là con đường tiến hoá của chúng sanh. Con đường ấy là sự tiến bước đi tới, không chấp chặt một chỗ, giữ một bài hay thỏa mãn một tri thức nào đó dù tri thức ấy là do sự học tập hay tự mình ngộ ra. Ngay cả vấn đề tu tập cũng vậy, cái mà bản thân hành giả tu được chưa hẳn là sự giải thoát cuối cùng.

Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù.

Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù.

Có thể hình dung con đường tiến hóa mà Tôn sư dạy ấy như một dòng nước chảy mà hành giả là người chèo thuyền. Hành giả phải học cách chèo và ra sức chèo không ngơi nghỉ. Nếu dừng tay, vừa lòng với quãng sông mình vừa chèo qua thì lập tức thuyền sẽ dừng lại và bị con nước cuốn trôi đi. Cũng vậy, trên đường tu, chấp chặt một tri thức, một pháp mà mình thực tập được là đứng ngồi nằm một chỗ  và như vậy sẽ càng nóng nảy sân hận và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng.

Con đường tiến hóa mà Tôn sư dạy cho một người Khất sĩ có thể ví như hành trình của một người thợ gỗ đi tìm lõi cây. Có thể thấy hình ảnh ấy trong Đại kinh ví dụ cái lõi cây thuộc Kinh Trung Bộ[2] Người tìm lõi cây phải hiểu cho rõ lõi cây, phải phân biệt cho được đâu là lõi cây, đâu là cành lá, vỏ hay giác cây. Phải biết cách tìm ra lõi cây và đặc biệt phải lấy cho đúng lõi cây. Người đi tìm lõi cây là hình ảnh ẩn dụ đầy sống động cho một người tu Phật cất từng bước đi tìm con đường giác ngộ và giải thoát.

Theo con đường tiến hóa từ thấp đến cao mà Tôn sư đã dạy thì bài kinh Ví dụ cái lõi cây này được Đức Phật dạy có năm hạng người tìm lõi cây, ẩn dụ cho năm hạng người xuất gia tìm con đường giải thoát cũng theo thứ lớp từ thấp đến cao.

Hạng người thứ nhất đi tìm lõi cây, đến trước một cây lớn có lõi cây nhưng người ấy chặt toàn cành lá mang về và vui mừng vì nghĩ rằng mình tìm được lõi cây. Điều ấy chỉ cho một người xuất gia tu học, do tín tâm trong sạch ban đầu được tín chủ cúng dường tôn trọng. Vị ấy hoan hỷ tự thỏa mãn và tự khen mình chê người. Như vậy, vị ấy do danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Rõ ràng, con đường giác ngộ đã bị chướng ngại, cái mà vị ấy đạt được chỉ mới là cành lá của phạm hạnh mà thôi.

Hạng người thứ hai đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy gỡ những vỏ cây bên ngoài mang về và tự vui mừng vì tin rằng mình tìm được lõi cây. Điều này chỉ cho người xuất gia thành tựu được giới luật. Do tín tâm trong sạch ban đầu, người xuất gia quyết tâm trì giới giữ hạnh một thời gian. Sau đó, tự thỏa mãn với giới mà mình trì giữ vị ấy đã nhòm ngó những người xung quanh. Vị ấy tự cho mình trong sạch hơn người nên đã khởi lên tâm khen mình và chê bai những người tu khác. Như vậy, con đường giác ngộ bị ngưng trệ.

Hạng người thứ ba đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy lột vỏ bên trong mang về rồi tự mừng thầm rằng ta đã tìm được lõi cây. Điều này ví như người xuất gia nỗ lực hành thiền và đạt được khả năng về thiền định. Vị ấy tự thấy mình đạt được như vậy đã tự khen mình và chê bai mọi người xung quanh. Như thế, vị ấy đã bị đứng lại và thối lui trên con đường tu tập.

Hạng người thứ tư đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy lấy giác cây mang về rồi tự mình vui vẻ cho là đã tìm được lõi cây. Điều này dụ cho người xuất gia thành tựu được tri kiến. Do khả năng học tập và tri thức của bản thân, vị ấy đạt một tri kiến Phật học nhất định. Lẽ ra phải dùng nguồn tri kiến ấy để áp dụng tu tập thì vị ấy lại nhận xét về khả năng của những người tu xung quanh và tự thấy rằng tri kiến của mình cao hơn mọi người. Thế là, vị ấy khen mình và chê bai người đồng tu tập. Kết quả vị ấy cũng bị lui sụt trên lộ trình tu Phật.

Hạng người thứ năm đi tìm lõi cây, người này biết rõ lõi cây nên đến trước cây, người ấy bỏ qua cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây để cuối cùng lấy được lõi cây mang về một cách vui vẻ. Hạng người thứ năm này dụ cho người xuất gia hiểu rõ con đường tu tập đạt được sự giải thoát thật sự. Vị ấy không hoan lạc trong phẩm vật cúng dường của tín thí. Vị ấy hành trì giới luật để thuần tịnh tam nghiệp thân khẩu ý mục đích để dễ dàng tu tập thiền định. Vị ấy tu thiền để an lạc nội tâm và phát sanh tuệ giải thoát. Vị ấy đạt được tri kiến do thiền định để đoạn trừ lậu hoặc trong tâm. Khi đạt được từng vấn đề trên đường tu mà một người thực hành cần phải trải qua, điều quan trọng ở vị xuất gia thứ năm là hoan hỷ mà không tự mãn. Hoan hỷ tức là tự vui niềm an lạc do mình hành trì được một giai đoạn tu tập. Không tự mãn là kiềm chế bản ngã trong tâm để không khởi lên lòng ngạo mạn chê bai mọi người. Như vậy, vị xuất gia này đã đạt được sự giải thoát cuối cùng như người thợ gỗ tìm được lõi cây.

Tóm lại, con đường tu học mà Tôn sư dạy trong bộ Chơn Lý là sự tiến hóa không ngừng trong việc học Phật và tu Phật. Chúng ta phải tỉnh thức học tập để hiểu rõ các vấn đề Phật học rồi dùng kiến thức ấy áp dụng tu tập hàng ngày. Phải biết tự mình nghiệm chứng chứ đừng khoe khoang tri thức hay khoe khoang cái mà mình tu được. Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù. Chúng ta may mắn có duyên lành được sống trong Phật pháp, cần phải học để biết cách hành trì mà đi trọn vẹn con đường ấy. Hòa thượng Giác Huệ đã dùng hình ảnh chuyến tàu vượt qua bao sân ga trên đường để đến phương trời tự do giải thoát để diễn tả tiến trình giải thoát này. Người viết ghi lại đây những dòng thơ đầy hình ảnh và vô cùng sống động ấy thay cho lời kết của bài viết này:

Đời là đường sắt dài vô tận,

Ta một thế nhân một chuyến tàu,

Hết đến ga này ga khác đến,

Thì tàu đâu trụ ở ga nao…

[1] Minh Đăng Quang, Chơn Lý tập 1, Khất Sĩ (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2009), 261-262.

[2] Xem Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ I, Đại Kinh Ví Dụ Cái Lõi Cây, (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992), 423 – 434.

Hòa thượng Danh Nhuôn, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang viên tịch

Ngày 28/4/2024, Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang thay mặt Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang, môn đồ pháp quyến vô cùng kính tiếc báo tin Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhuôn, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang viên tịch.

Chân dung Hoà thượng Danh Nhuôn (1948-2024)

Chân dung Hoà thượng Danh Nhuôn (1948-2024)

Hòa thượng Danh Nhuôn, nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN khoá V, VI, VII; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang; Chủ tịch danh dự Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Thành; Trụ trì chùa Suvannaransi Khlang Ong, khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Theo cáo phó, do niên cao lạp trưởng, Ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 27 tháng 04 năm 2024 (nhằm ngày 19 tháng 3 năm Giáp Thìn), trụ thế 76 năm, hạ lạp 56 hạ.

Lễ nhập quan vào lúc 14 giờ 00 phút, ngày 28/4/2024 (20/3/Giáp Thìn). Kim quan được tôn trí tại chùa Khlang Ong, TT. Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Lễ viếng bắt đầu 18 giờ ngày 28/4/2024 đến 13 giờ ngày 1/5/2024 (tức ngày 20 đến trưa ngày 23/3 năm Giáp thìn).

Lễ truy niệm vào lúc 15 giờ 00 phút, ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23/3 năm Giáp Thìn). Sau đó phụng tống kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà tỳ tại đài hỏa táng chùa Khlang Ong, TT. Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Sám hối thế nào cho đúng?

“Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá”, nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa phạm lỗi sau. Phật quang đại từ điển cũng giải thích thêm rằng: “Sám” nói đủ là Sám ma (Phạm: Ksama), nghĩa là “nhẫn”, tức cầu xin người khác tha tội.

“Hối” nghĩa là ăn năn hối hận tội lỗi mình đã gây ra trong hiện tại và quá khứ, nay đối trước Phật, Bồ tát, sư trưởng, đại chúng nói ra hết không giấu giếm, cầu mong đạt mục đích diệt tội.

Tại sao chúng ta phải sám hối? 

“Nhơn vô thập toàn”, không ai mà không có lỗi lầm

Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: ‘Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.

Có tội mà biết sám hối đó là hạng người được tán thán, khen ngợi

Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Quang minh Biến chiếu Cao quý Đức Vương Bồ tá thứ hai mươi hai, Đức Phật từng tán thán rằng: “Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm: Một là người không phạm tội ác; hai là người có tội biết hối cải”. Đã là chúng sanh thì không sao tránh khỏi những lỗi lầm do thân khẩu ý do vô tình hay cố ý gây ra. Hạng người thứ nhất mà Đức Phật dạy chỉ cho các bậc Thánh, chư Phật, Bồ tát… còn hạng người thứ hai là chúng ta. Tuy nhiên, Đức Phật khẳng định rằng nếu chúng ta có lỡ làm việc sái quấy, mà thực lòng ăn năn việc quá khứ đã lỡ làm, phát lồ sám hối và nguyện chừa bỏ, không bao giờ tái phạm như vậy nữa. Đó là chân thật sám hối, được người trí tán thán, khen ngợi.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thế nào là sám? Thế nào là hối?

Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm thứ 6, Tổ sư Huệ Năng dạy rằng: “Thế nào là sám? Thế nào là hối? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ… nay đã giác ngộ, đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là hối. Phàm phu ngu mê, chỉ biết sám trừ tội trước, chẳng biết hối cải lỗi sau, vì chẳng hối cải, nên tội trước chẳng diệt, tội sau lại sanh, tội trước đã chẳng diệt, tội sau lại tiếp tục, như thế làm sao gọi là SÁM Hối được!”.

Các hình thức sám hối trong đạo Phật 

Mỗi Tăng Ni và Phật tử… có mặt hiện hữu trong đời, để rồi đến với đạo đều có một nhân thân, một duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai; từ thân tướng đến giới tính, cá tính, biệt nghiệp hành động, lời nói, tâm tánh cho đến cảm xúc biểu hiện… Mặt khác, thân tâm nơi mỗi chúng ta hiện hữu trong đời đó là sự tích tụ nghiệp quả trong nhiều đời kiếp, không dễ gì trong một thời gian ngắn mà có thể an định. Thân tâm chúng ta hiện hữu như một dòng sông vẫn đục, nay muốn sạch trong nhất định cần phải có một thời gian dài lắng đọng. Phương pháp lắng đọng hữu hiệu nhất nơi mỗi hành giả chính là sám hối nơi tự thân.

Tác pháp sám hối

Mỗi khi có lỗi lầm, chúng ta cần nên thỉnh các vị Tăng thanh tịnh đến chứng minh cho mình phát lồ sám hối. Sự thanh tịnh, chú nguyện của chư Tăng cộng với tâm thành phát lồ sám hối ăn năn của bản thân sẽ giúp chúng ta có được thanh tịnh trở lại, tức là dứt tội.

Sám hối Tam nghiệp: thân, khẩu, ý

(Nếu là Phật tử thì trì tụng bài kệ “Sám hối Tam nghiệp” trong quyển “Nghi thức Tụng niệm” của Hệ phái Khất sĩ)

Sám hối Hồng Danh

Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy về pháp sám hối Hồng danh trong quyển Chơn lý “Sám hối” như sau: “Hồng Danh là danh từ pháp lý của chư Phật… Đối với cõi đời, các danh Phật ấy là pháp lý, giáo lý, đạo lý, những ai muốn sám hối xả đọa, và muốn cho có một cái pháp của Phật để nương theo, đặng tu cho mau giác ngộ thành tựu như tên vị Phật ấy thì phải đọc nhắc đến danh từ hạnh nguyện ấy, để đặng thật hành quán xét cho đúng thì dễ dàng sám hối xả đọa… Những ai sám hối xả đọa tội lỗi mê muội của mình, là sẽ được giác ngộ lần lần, và noi theo gương tích hạnh nguyện của một tên Phật, hay pháp lý danh từ thích hợp, là kẻ ấy tập tu theo pháp đó, về sau sẽ đắc tâm đó, nên gọi là thành Phật tên đó.

Trong 89 tên Phật trong quyển Hồng Danh, hay vô lượng pháp danh của pháp, ai tu theo pháp nào cũng giác ngộ đắc quả cả; vì kẻ tu ấy tức là đang sám hối xả đọa, nên sẽ tấn tới thành Phật được. Kìa như tên Phổ Quang Phật là phổ tế ánh sáng giác ngộ cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật. Phổ Minh Phật là phổ tế sự thông minh cho chúng sanh minh mẫn, thì sẽ thành Phật. Phổ Tịnh Phật là phổ tế sự thanh tịnh trong sạch cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật….

Vậy thì, quyển sám hối Hồng Danh tức là con đường dắt dẫn người sám hối xả đọa, giải thoát tấn hóa, tu theo các danh từ pháp lý, lý nghĩa ấy, để đặng sau này thành Phật, chớ chẳng phải lạy ông Phật đó để ông ấy tha tội cho. Vì nào ta có làm khổ ông đó mà lạy rồi ông ấy sẽ tha, hoặc may ra ta có lỗi sái là việc làm không đúng với pháp lý tốt đẹp nên hay đó vậy thôi, chớ ta không có tội lỗi chi với ông nào ấy cả. Nhưng sự cung kỉnh lễ bái ấy là để biết quý trọng Pháp mà thật hành tu theo, đặng biết ghét chán sợ tội lỗi của mình đó thôi. Như thế thì quyển sám hối ấy, là pháp tu giác ngộ rất có ích lợi cho kẻ thật tâm tu hiểu lý nghĩa, để đặng dễ bề sám hối xả đọa, mà nương theo những pháp lành trong sạch”.

Sám hối vạn Phật

Cũng trong quyển Chơn lý “Sám hối”, Tổ sư dạy: “Hoặc như người ta đọc ra nhiều tên Phật tức là nhiều cái pháp lý để cho hiểu nghĩa đặng thích ham mộ tu, giác ngộ, mà sám hối xả đọa lìa xa, bỏ ra, vượt qua tội lỗi. Các danh Phật ấy là pháp, là pháp lý dẫn đạo, dạy tu, cũng như ông thầy, như Phật, thay Phật, chớ không phải có ông Phật tên đó”.

Sám hối trì tụng Từ bi Thủy sám pháp và Lương Hoàng sám

(Tùy theo nghiệp cảm của mỗi người mà chọn nghi thức sám hối phù hợp)

Lục thời Sám hối Khoa nghi của thiền sư Trần Thái Tông

Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ, là nhờ xe, thuyền; tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm, là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe, thuyền. Thế mới biết công dụng sám hối rất là to. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế, trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt.”

Vả lại, chúng sanh từ trước đến nay tánh giác thanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư không chẳng có mảy bụi. Do bọt vọng chợt dấy, cõi uế hiện thành, năng và sở nương nhau, Phật với chúng sanh thấy hai. Căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập. Vì thế, đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?(…)

Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn. Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết sáu năm tu khổ hạnh, là do sáu căn đó vậy. Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.(…)

(trích “Tựa khoa nghi sáu thời sám hối” của Trần Thái Tông)

Sám hối tự tánh (Sám hối vô tướng)

Ngài Ngộ Đạt Thiền sư trong Từ bi Thủy sám pháp có nói: “tâm quán xét tội tính không thật, là tội không tự tính, do nhân duyên sinh, do điên đảo thành, đã do nhân duyên sinh thì cũng do nhân duyên diệt. Nhân duyên sinh tội tức là gần gũi bạn ác gây nghiệp vô cùng. Nhân duyên diệt tội tức là ngày nay tịnh tâm sám hối. Thế nên kinh dạy: “Tội tính không phải ở trong, không phải ở ngoài, không ở chặng giữa. Nên biết tội tính vốn không”.

Tùy nghiệp duyên nặng nhẹ nơi mỗi người, sự trung thực của bản thân thể hiện qua sự quyết chí muốn chuyển hóa và quyết tu mới nhận ra nghiệp quả nặng nhẹ của chính mình mà chọn phương pháp sám hối để lắng đọng thân tâm. Thời gian hạ thủ công phu ngắn dài, lâu mau cũng phải do chính mình quyết định, từ 3 tháng đến 3 năm hay 10 năm, 20 năm, 30 năm… công phu tu tập thì nhất định thân tâm sẽ được an tịnh, cải thiện được chính mình và tiến dần trên lộ trình giác ngộ giải thoát.

Chớ khinh thường lỗi nhỏ – Chớ bỏ qua việc lành (KPC 121 – 122)

“Chớ khinh ác nhỏ không đâu

Chẳng đưa lại quả báo sầu cho ta

Dòng thời gian trổ nụ hoa

Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình

Ngu phu sỡ dĩ khổ tình

Do hành động ác tự mình tạo ra”.

“Chớ khinh lành nhỏ bỏ qua

Chẳng đem quả báo vạn tòa cho ta

Dòng thời gian trổ nụ hoa

Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình

Người trí sở dĩ thông minh

Nhờ biết gom kết thiện lành dài lâu”.Trong phần “Đạo đế”, Tứ Chánh Cần được xem là bốn phép siêng năng Tinh tấn hợp với chánh đạo. Bốn phép Tinh tấn ấy là: 1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác phát sinh. 3 Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 4 Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. Với người đệ tử Phật, tịnh hóa tam nghiệp thân khẩu ý ngang qua việc sám hối những lỗi lầm nơi tự thân, cộng với việc tinh tấn tu tập, thực hành thiện pháp sẽ giúp chúng ta dần loại bỏ được những tập khí, những nghiệp tội trong quá khứ và hiện tại, không còn phải mê lầm để gây tạo nghiệp mới trong tương lai, từ đó chúng ta sẽ thân chứng sự an lạc, giải thoát và thăng tiến trên con đường Phật đạo.

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”.

Có tu và không tu

Không phải đợi đến lúc mặc áo, đắp y, lên chánh điện. Mặc áo đắp y lên chánh điện, lễ Phật mà bị cảnh ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó chi phối thì chưa phải là có tu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hằng ngày mình bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối là không có tu.

Lúc nào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó không chi phối nội tâm của mình được, thì chính lúc đó là lúc mình tu.

Nên nhớ kỹ như vậy! Chứ không phải đợi đến lúc mặc áo, đắp y, lên chánh điện. Mặc áo đắp y lên chánh điện, lễ Phật mà bị cảnh ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó chi phối thì chưa phải là có tu.

Cho nên Pháp của Phật dạy nói cho rõ là tu tâm. Còn nơi thân và khẩu chỉ trợ giúp cho nội tâm mà thôi.

Nói vậy không phải phế bỏ những thời khoá tu tập nhưng do ban đầu sức tu còn yếu thì phải nương vào thời khoá, quan trọng ở chỗ là ngoài thời khoá cũng phải tu.

Do đó niệm Phật không luận lúc đi, đứng, nằm, ngồi gì, nếu có niệm luôn thì có tu, mà bị gián đoạn là không có tu. Đó là điểm chánh yếu. Tất cả các pháp môn khác cũng đều như vậy.

Gặp được Phật Pháp rất khó, việc tu hành không phải dễ dàng

Nhắn nhủ với chính mình

Sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và hết lòng với mỗi người bên cạnh, dù khổ hay mệt cũng đừng quên mỉm cười.

41298654_305265843616959_5567254213869699072_n

1. Trân trọng sinh mạng, sống đời vui vẻ, đừng để tâm hồn làm nô lệ cho những vật chất ngoài thân.

2. Thường xuyên tẩy rửa linh hồn bằng những điều tốt đẹp, thì bụi trần không có chổ ở lâu.

3. Sống ở đời, mười việc thì có đến 8-9 là bất như ý. Chỉ cần nhớ 1-2 cái thuận lòng, quên 8-9 chuyện kia đi!

4. Tập sống đơn giản. Đừng tính toán chuyện nhỏ nhặt, đừng đánh đổi với tiền bạc, đừng mù quáng vì ham muốn, đừng chộn rộn theo cảm xúc, đừng so bì với người khác.

5. Hãy tin tưởng bản thân, tự khích lệ chính mình. Dùng hành động và sự cố gắng để chứng minh bản thân có những giá trị riêng.

6. Dù có ai thương mình hay không thì cũng cần làm một người dễ thương. Không trách móc, không cười nhạo, cũng không cuồng vọng bất kỳ ai. Luôn tươi tắn dưới ánh mặt trời, vượt qua bao mưa gió, thực hiện mộng ước của mình, đi con đường mình chọn.

7. Nếu không muốn cuộc đời bi thương, đừng bao giờ tìm kiếm niềm vui từ kẻ khác, đừng xây dựng sự tôn nghiêm bằng miệng người đời. Nếu không muốn cả đời thấp hèn, đừng thị phi theo lời thiên hạ.

8. Khi cố tình bước vào một mối quan hệ sai lầm, phải chuẩn bị tâm thế trả giá đắt cho sự lựa chọn của mình, dù có đau đớn vật vã cũng không thể oán trách nửa lời.

9. Sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và hết lòng với mỗi người bên cạnh, dù khổ hay mệt cũng đừng quên mỉm cười.

10. Rèn luyện bản thân, để lúc nào tinh thần cũng giữ được trạng thái quân bình. Không ngừng nỗ lực, để đảm bảo bản thân luôn trên đường hướng đến sự tiến bộ. 

Hãy là một người điềm tĩnh và sống một đời lương thiện

Thế Tôn “chẳng nói tới người này”

Tham ái là bản chất của chúng sinh, có nhiều cấp độ, sâu cạn thô tế khác nhau. Chưa nói đến tham ái tinh vi, riêng những thứ vốn bình thường như ăn, mặc, ở, thuốc men mà nhiều dính mắc thì khó tiến bộ trên đường tu.

Xả ly tham ái là một trong những nội dung tu học quan trọng trong giáo pháp của Thế Tôn. Để có sức khỏe và phương tiện tu học, người tu cũng rất cần một số vật dụng tối thiểu như thực phẩm, y phục, sàng tọa (giường tòa) và thuốc men. Vấn đề là tuy có thọ dụng mà phải giác tỉnh để không dính mắc, chẳng khởi tham ái, và đây cũng là điều khó làm.

Tham ái là bản chất của chúng sinh, có nhiều cấp độ, sâu cạn thô tế khác nhau. Chưa nói đến tham ái tinh vi, riêng những thứ vốn bình thường như ăn, mặc, ở, thuốc men mà nhiều dính mắc thì khó tiến bộ trên đường tu. Lập trường của Thế Tôn về vấn đề thọ dụng vốn rất rõ ràng. Ai còn nhiều tham ái, dính mắc vào bốn vật dụng thì “Ta chẳng nói tới người này”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn pháp khiến ái khởi lên. Những gì là bốn? Tỳ-kheo do y phục mà khởi ái. Do khất thực mà khởi ái. Do sàng tọa mà khởi ái. Do thuốc men mà khởi ái.

Đó là, Tỳ-kheo! Có bốn pháp khiến ái khởi lên, có chỗ dính mắc.

 Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về y phục, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được y, liền khởi sân giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thức ăn, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa khất thực được, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về giường tòa, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được giường tòa, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thuốc men, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người này lúc chưa được thuốc men, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Tỳ-kheo nên biết! Nay Ta sẽ nói hai việc, nên thân cận và không nên thân cận. Thế nào là nên thân cận? Thế nào là không nên thân cận?

Nếu được y phục, hết sức ưa thích y, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lại được y phục, khởi pháp lành, tâm không ái trước, thì đây nên thân cận.

Nếu lúc khất thực, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp lành thì đây nên thân cận.

 Nếu lúc được giường tòa, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc được giường tòa khởi pháp lành thì cũng nên thân cận.

Thuốc men cũng thế. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy gần gũi pháp lành, trừ bỏ pháp ác! Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: muốn khiến đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Y phục dùng bố thí/Uống ăn, giường, ngọa cụ/Trong ấy chớ khởi yêu/Chẳng sinh các thế giới.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 29.Khổ lạc,VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.100)

Một người thực sự có hai mắt theo lời Phật dạy

134652161_900123384131199_6954776908014555420_n

Thật rõ ràng, những ai còn dính mắc nhiều vào thực phẩm, y phục, sàng tọa, thuốc men thì ít có hy vọng thành công trong tu học, nên Thế Tôn “chẳng nói tới người này”.

Khi tham ái không được thỏa mãn thì liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc. Dòng vận hành tâm lý thuận theo nghiệp lực là tham ái sẽ sinh ưu não. Người tu cần đảo ngược sự vận hành này, bắt đầu từ bớt tham để giảm giận phiền và dần đến xả ly hoàn toàn tham ái.

Kinh nghiệm của Thế Tôn, trong đại chúng, những ai có được bốn vật dụng mà không khởi tham ái, ưa thích cũng như không khởi lên các pháp bất thiện thì nên thân cận để nương tựa và học hỏi. Bởi đây là những người thực tu, thấy rõ chẳng có gì là của mình, xem các pháp là phương tiện để tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Được như thế thì “đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ”. Ngược lại những người dính mắc, xem đó là của mình, thậm chí tự hào về những gì mình đang có (mà thực chất không có gì cả, do tín thí cúng dường) thì không nên thân cận.

Quan trọng là, không tham ái, dính mắc bốn vật dụng là tiền đề để thành tựu giải thoát, “chẳng sinh các thế giới”. Ái thủ đã không thì hữu cũng không, chấm dứt sinh tử và khổ bi ưu não. 

Thanh Hóa: Phật giáo ký kết phối hợp với UBMTTQVN tỉnh

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa năm 2024, diễn ra tại chùa Đại Bi (TP.Thanh Hóa), ngày 26/4.

Audio
Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh và bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao biên bản ghi nhớ chương trình phối hợp

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh và bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao biên bản ghi nhớ chương trình phối hợp

Theo đó, hai bên cùng phối hợp thực hiện một số nội dung:

– Tuyên truyền về văn hóa truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam, tư tưởng, đạo đức và giá trị nhân văn của Phật giáo trong lòng dân tộc và những hành động, việc làm thiết thực của Tăng Ni, Phật tử trong các phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội;

– Phong trào “Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;

– Treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà riêng của tín đồ tôn giáo;

– Tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;

– Hỗ trợ, giúp đỡ để Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh (11/1984 -11/2024);

– Giải quyết các kiến nghị, đề xuất liên quan đến những vấn đề của đạo Phật như: đất đai tôn giáo, tôn tạo cơ sở thờ tự, phong chức phong phẩm, bổ nhiệm trụ trì, biểu dương, khen thưởng;

– Trao đổi thông tin hai chiều để nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề phát sinh cũng như tập hợp tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Phật giáo để báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết không để tạo điểm nóng tôn giáo…

Bên cạnh đó, tăng cường vận động các tổ chức Phật giáo trực thuộc, Tăng Ni, Phật tử tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt chương trình công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.