back to top
39 C
Chư Sê
Thứ Ba, 30 Tháng Tư, 2024
Home Blog Page 2

Nói về Tam pháp ấn

Vấn đề Tam pháp ấn là vấn đề quan trọng, đức Phật đã đề cập giảng dạy nhiều lần trong cả các kinh Nam truyền và Đại thừa, theo đó nhiều bộ luận đã dẫn giải rất chi tiết, ở đây thầy chỉ nói vài điều cốt yếu cần nắm vững.

Ba pháp ấn cũng chính là ba chân lý quan trọng của cuộc đời, ai thông suốt, thực chứng sẽ vượt thoát mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi. 

Có một số kinh nói đến Tam pháp ấn, thứ tự, chi phần cũng có chỗ xuất nhập:

Vô thường, vô ngã, niết bàn

Vô thường, khổ, vô ngã

Vô thường, không, Niết bàn…

Cũng có kinh nói về Tứ pháp ấn :

Vô thường, khổ, không, vô ngã

Vô thường, khổ, vô ngã, niết bàn

Vô thường, khổ, không, Niết bàn

Thậm chí có chỗ nói ngũ pháp ấn:

Vô thường, khổ, không, vô ngã, niết bàn….

Pháp ấn, tiếng Phạn dharma-mudrā, trong đó dharma là pháp, là những lời dạy của Đức Phật, và mudrā là dấu ấn, là khuôn dấu, là đặc chất, là tiêu chuẩn. Ấn còn có nghĩa là chân thật, bất động, bất biến, như ấn của vua.

Pháp ấn là dấu ấn,/khuôn dấu của Chánh pháp, là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết Phật pháp, nhưng cũng có thể là chỉ cho giáo pháp cô đọng, tinh yếu. 

Ba pháp ấn (sa. trilakṣaṇa; Tam Pháp Ấn)

– Vô thường chữ Hán 無常; sa. anitya; pi. anicca, nghĩa là “không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi chuyển biến liên tục

– Vô ngã chữ Hán 無我, sa. anātman, pi. anattā),

Vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một cái Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh, tức tùy thuộc điều kiện khởi phát, chứ sự vật không tự sự sinh ra và tự hoại diệt

Niết bàn là từ có nhiều nghĩa, là trạng thái diệt tận được tham ái, sân hận và si mê để đạt đến trạng thái thanh tịnh tuyệt đối

Niết-bàn chữ Hán 涅槃,là từ được dịch âm từ gốc tiếng Phạn nirvāṇa hoặc tiếng Pāli nibbāna. Nirvāṇa nguyên là phân từ thụ động quá khứ của động từ niḥ-√vā nirvāti với nghĩa “thổi tắt”, “dập tắt” (một ngọn lửa) và như thế thì nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt. Thuật ngữ nirvāṇa cũng được dịch nghĩa là khổ diệt, Diệt (滅), Tịch diệt (寂滅), Khổ diệt là mục đích tối hậu trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng có thể dịch là giải thoát. 

Căn cứ vào: Căn bản Thuyết nhứt thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 9, đức Phật bảo ngài Hiền Thủ:

Chư hành giai vô thường

Chư pháp tất vô ngã

Tịch tịnh tức Niết-bàn

Thị danh tam pháp ấn.

(Các hành đều vô thường

Các pháp ắt vô ngã

Vắng lặng tức Niết-bàn)

Đó là ba pháp ấn vô thường, vô ngã, Niết bàn

Ứng dụng Tam pháp ấn trong tu tập

326830346_1354891948673129_1155346351797394318_n

Theo kinh Duy-ma-cật sớ 6 thì: “Như luận Đại Trí thuyết thì kinh Thinh văn có ba pháp ấn, vô thường ấn, vô ngã ấn, Tịch diệt Niết-bàn ấn.

Một số kinh Nam truyền thì có các ấn này, người nào tu tập theo những lời dạy trong những kinh này thì có thể được đạo. Nếu kinh nào không có ba pháp ấn này thì có thể không phải là kinh liễu nghĩa.

A- tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc luận 12 thì nói: “Đối với ba pháp ấn mà hành giả còn sinh khởi do dự cho rằng tất cả các pháp vô thường mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã mà cho rằng chẳng phải tất cả các pháp vô ngã; là Niết-bàn tịch tĩnh mà cho rằng chẳng phải Niết-bàn tịch tĩnh, thì là si mê.”

Câu xá luận ký 1, xác nhận một cách dứt khoát về ba pháp ấn này: “Kinh giáo tuy là nhiều, tóm lược lại thì chia ra làm ba loại gọi là pháp ấn: Một, chư hành vô thường. Hai, chư pháp vô ngã. Ba, Niết-bàn tịch tĩnh. Vì ấn chứng các pháp nên gọi là pháp ấn. Nếu thuận theo ấn này thì gọi là kinh Phật, nếu nghịch lại ấn này thì chẳng phải là những lời Phật dạy.”

Trong kinh Tương Ưng III (và một số kinh khác), Đức Phật đã hỏi các vị Tỳ kheo:

«Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay vui?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: «Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi«?

– Thưa không, bạch Thế Tôn«

Theo đó, vô thường, khổ và vô ngã là ba dấu ấn xác định, chứng nhận tính hợp pháp của giáo lý đạo Phật

Câu xá luận ký 1, giải thích chi tiết công năng của từng pháp ấn: “Các hành vô thường chỉ dùng để giải thích rõ các pháp hữu vi, Niết-bàn tịch tĩnh dùng để giải thích rõ các pháp vô vi, còn các pháp vô ngã là dùng chung để giải thích rõ cả pháp hữu vi và vô vi”…

Quan trọng là phải hiểu rõ dù nói ba pháp ấn, bốn pháp ấn hay năm pháp ấn thì bản chất, cốt lõi là không khác nhau, chỉ là những cách diễn đạt khác nhau mà thôi.

Ví dụ Hoà Thượng Thiện Siêu nói Vô ngã là Niết bàn thì đã đồng nhất cách diễn đạt.

Hoặc Không là tự tánh của các pháp; vô ngã cũng là tự tánh của các pháp; không cũng là tánh của niết bàn…

Cho nên khi giảng về Tam pháp ấn không nên khẳng định cực đoan Tam pháp ấn là Vô thường, khổ, vô ngã mới đúng còn cách diễn đạt khác là sai.

Tốt nhất là phần dẫn nhập chúng ta trình bày nguồn gốc một số kinh luật luận có nói về tam pháp ấn để làm y cứ sau đó, nói rõ là mình trình bày tam pháp ấn theo kinh nào, luận nào (Chọn cách trình bày có tính cách phổ thông được nhiều người chấp nhận nhất).

Tam pháp ấn

Là vô thường

Vô ngã, niết bàn

Dấu ấn chánh pháp

Pháp chân thật.

Hội Từ thiện chùa Tường Nguyên tặng 1.800 bình nước lọc đến người dân H.Gò Công Đông

Ngày 29-4, Hội từ thiện chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức chương trình “Giọt nước nghĩa tình 2024” chia sẻ bình đựng nước loại lớn và nước sạch cùng viên sủi Berocca, rau củ cho bà con trong mùa thiên tai hạn hán.

Hội từ thiện chùa Tường Nguyên tặng nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn H.Gò Công Đông

Hội từ thiện chùa Tường Nguyên tặng nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn H.Gò Công Đông

Đặc biệt, đoàn đã đến với bà con tại H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang – nơi đang bị hạn mặn khắc nghiệt.

Đoàn tặng xô và nước ngọt cho người dân H.Gò Công Đông - Ảnh: TN

Đoàn tặng xô và nước ngọt cho người dân H.Gò Công Đông – Ảnh: TN

Hội từ thiện Chùa Tuờng Nguyên tặng 900 xô đựng nước 160 lít, 1.800 bình nước Sapuwa 7 lít cho bà con bị hạn mặn H.Gò Công.

Theo đó, tại xã Bình Xuân 250 xô và 500 bình nước, 500 viên sủi Berocca; xã Bình Đông 250 xô và 500 bình nước, 500 viên sủi Berocca; xã Tân Phước 200 xô và 400 bình nước 400 hộp viên sủi Berocca; xã Gia Thuận 200 xô, 400 bình nước, 500 hộp viên sủi Berocca.

z5394356185705-5d9d38bd978d5f0c41af8ae1dbb4781f-3436

Tổng trị giá trên 550 triệu đồng do các Phật tử mạnh thường quân chùa Tuờng Nguyên tài trợ.

Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay

Đời người sắc sắc không không, tưởng mộng nhưng không phải mộng, ngỡ là chân nhưng nào phải thế. Kỳ thực vạn sự trên đời đến và đi ấy cũng là do duyên nợ an bài.

Hoa đến ngày thì hoa phải nở, đò đầy người đò phải sang sông. Đến khi duyên đã hết, nợ đã tàn thì dù có níu giữ cũng phải xa nhau. Vì thế hãy học cách yêu thương khi còn có thể, trân trọng mỗi phút giây nhiệm màu để đến lúc chia ly không còn phải hối tiếc.

Nhân sinh tại thế, đa phần ai cũng trải qua những đau khổ bất hạnh, hứng chịu bao nỗi éo le và thua thiệt trong cuộc sống, từ gia đình, công việc, học hành, sự nghiệp.. những thứ này khiến chúng ta cứ mãi quay cuồng trong vòng xoáy bất tận ấy mà dần dần đánh mất bản thân tự bao giờ. Thế nhưng, nếu ta nhận ra đó là lời cảnh tỉnh, là điểm khởi nguồn để tìm đến Đạo, tìm về với nguồn gốc của chính bản thân, thì những nỗi gian truân, bất hạnh kia lại trở thành những điểm sáng, những khởi nguồn mới để chúng ta đi tìm lại bản thể chân thật của mình. Thi nhân Vũ Hoàng Chương có viết:

Suối biếc chuyển lời kinh vọng khắp

Bụi hồng theo ngọn gió tung hê.

Bỗng dưng tìm thấy con người thật

Của chính mình xưa trót lạc đề

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trải qua bao nhiêu vất vả, bao nhiêu khổ đau và dầm mình trong đám bụi hồng của dương thế, giữa những hư danh của cuộc đời mà tìm ra được chính bản thân mình rồi từ đó tu tập theo chánh Pháp, đó mới là con đường sáng suốt và thông tuệ nhất của một kiếp người.

Đời người chính là dòng sông trôi mãi không ngừng với vô vàn triền đá gập ghềnh, thế nhưng khi con nước ấy trở về với biển cả mênh mông vô tận thì lại trở nên êm đềm như nằm trong lòng người mẹ với niềm hạnh phúc và sự yên bình. Con người cũng như dòng sông ấy, trải qua bao tháng năm sương gió dãi dầu, tuế nguyệt xoay vần, rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ trở nên bình lặng, không hối hả, không xô bồ, không bon chen và cũng không còn vội vã chạy theo cái danh, cái sắc và cái tình như thời còn xuân trẻ. Nếu như những sự việc, những sóng gió trong cuộc đời mà năm xưa đã xảy ra khiến ta u sầu ủy khuất thì giờ đây với sự tĩnh lặng và chánh niệm trong nội tâm, ta chợt nhận ra rằng mọi sự vật hiện tượng xảy ra, mọi vui buồn của nhân thế chỉ là những ảo ảnh của trần gian.

Thế nên, đối trước mọi đau khổ, mọi vui buồn của cuộc đời ta hãy từ tốn chậm rãi nở một nụ cười hàm tiếu, bao dung mà đón nhận bởi vì không có muộn phiền, không khổ đau thì chẳng phải là cuộc sống, không trắc trở, không khổ nạn thì không phải là kiếp nhân sinh. Có người từng nói cuộc đời mỗi người như một hành trình dài vô tận, nếu cứ mãi ôm ấp nhưng muộn phiền thì đôi vai bé nhỏ của ta sẽ tăng thêm rất nhiều gánh nặng, bởi suy cho cùng, ta đến từ cát bụi và khi mọi nhân duyên đã thành thì sẽ trở về với hư vô, đến tay không và trở về cũng tay trắng. Một đoạn đường đời, một đoạn trả vay, thế thì, chi bằng cứ mãi ôm ấp những thứ phù phiếm xa hoa, ảo ảnh phù du thì ta cứ buông bỏ hết phía sau, sống chân thành, sâu sắc với hiện tại tuyệt vời, giữ cho tâm thái luôn vui vẻ, nhẹ nhàng thì con đường đời sẽ rộng mở thênh thang. 

Ung nhọt của thân thể

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anathapindika, Ngày dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, ví như một ung nhọt đã trải qua nhiều năm. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng rạn nứt. Từ đấy có cái gì chảy ra?

Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy. Có cái gì nứt chảy ? Chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt chảy.

Ung nhọt, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với thân này do bốn đại tác thành, do cơm cháo chất chứa nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, tan nát, huỷ hoại, có chín miệng vết thương, chó chín miệng rạn nứt. Từ đấy có cái gì chảy ra? Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thối rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy. Có cái gì nứt chảy? Chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhảm chán nứt chảy.

Do vậy, này các Tỷ kheo, hãy nhàm chán thân này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 9, phẩm Tiếng rống con sư tử, phần Ung nhọt, VNCPHVN ấn hành 1997, tr.116)

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lời bàn:

Nếu được hỏi, trên đời cái gì là quý giá nhất hẳn ai cũng trả lời đó là sinh mạng, thân thể. Người ta có thể cho bất cứ vật gì mình sở hữu nhưng đối với thân mạng thì không. Vì một lẽ đơn giản, người làm ra của chứ của không làm ra người. Vì vô giá, nên con người rất thương mến, nâng niu, gìn giữ và luyến tiếc chính bản thân mình. Thân thể của tôi, đối với riêng tôi thật đẹp, thật quý và bất khả xâm phạm.

Thương yêu và trân quý thân mạng là điều tốt đồng thời không biết quý trọng thân thể là tội lỗi. Nhưng quá tham đắm, thương tiếc, chấp thủ, chăm lo, vun vén cho riêng mình thì không nên. Bởi cuộc đời cần phải có sự cống hiến, sẻ chia, dâng tặng thậm chí có thể phải hy sinh vì hạnh phúc cho nhiều người. Muốn được vậy, cái tôi cá nhân phải nhỏ lại thì tình yêu rộng lớn mới có cơ hội mở ra. Cũng từ đây, con người mớ có khả năng mang đến cho đời những hoa trái hạnh phúc.

Trong đạo lộ giải thoát, thân thể rất quan trọng, là chiếc bè đưa hành giả đến bờ giải thoát. Dù quý trọng nhưng không tham đắm và luyến ái sắc thân thì mới thoát ly ngã chấp và thành tựu trí tuệ. Theo tuệ giác Thế Tôn, thân này dẫu được khéo léo che đậy, trang điểm hoàn hảo đến đâu thì bản chất của nó vốn không sạch sẽ, như một ung nhọt nhiều năm có chín miệng rạn nứt, rỉ chảy bất tịnh.

Thân thể là một ung nhọt thật sự được che đậy, bao bọc bằng một lớp da mỏng khiều diễm bên ngoài. Chỉ cần một trầy xước nhỏ thôi là ung nhọt ấy sẽ vỡ ra. Hay dù cho khi thân thể vẹn toàn thì chín miệng của ung nhọt ấy là hai lỗ tai, hai mắt, hai lỗ mũi, miệng, tiểu tiện, và đại tiện vẫn luôn thải ra bất tịnh. Duy trì thường trực tuệ quán về thân thể như vậy sẽ làm suy giảm dẫn đến chấm dứt sự tham ái và chấp thủ sắc thân.

Chấp thủ và luyến ái tự ngã, vun vén và tô bồi sắc thân là nguyên nhân của mọi khổ đau, luân hồi sanh tử. Nỗ lực quán sát, như thật tuệ tri về bất tịnh của thân thể để thoát ly tham ái là một trong những chìa khóa quan trọng của những người con Phật để mở cửa giải thoát, thành tựu Niết bàn.

Chú thích: 

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Ở đời ai lại không có những người thương?

Chúng ta có cha, có mẹ, có anh, có chị, có em, có bạn, có thầy. Khi có chánh niệm thì ta nhận rõ được sự có mặt của những người đó là quí giá cho ta lắm.

351753325_1332932547262834_1840282711285539092_n

Họ là những bông hoa, họ đang nở cho ta. Còn ta đang co rút lại, ta phải nở ra cho họ!

Vì vậy cho nên câu linh chú thứ nhất của Làng Mai là công nhận sự có mặt của người kia, nhìn người đó bằng chánh niệm, trân quí sự có mặt của người đó và nói ra một câu thần chú bằng tiếng Việt, không cần phải bằng tiếng Phạn:

“Bố ơi, con biết là bố đang còn sống bên con, nên con rất hạnh phúc”,

Đó là một câu thần chú, và ta phải đọc câu thần chú đó trong trạng thái thân tâm nhất như. Thân và tâm ta phải có mặt 100% thì ta mới nên đọc câu thần chú đó.

Nghe vậy thì người kia sẽ có hạnh phúc, sẽ nở ra như một đóa hoa. Lúc ấy mình cũng là một đóa hoa, mình nở cho người kia, hạnh phúc có mặt liền lập tức. Đó là một thứ hạnh phúc có liền. Hạnh phúc trong khi thực tập câu linh chú thứ nhất còn nhanh hơn là pha cà phê uống liền, tại vì khỏi phải xé bọc cà phê ra, khỏi bỏ vào ly, khỏi chế nước sôi.

Trò chuyện với người thương

Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai.

Khéo nghĩ đời sẽ nhẹ nhàng hơn

Các hiện tượng tự nhiên và xã hội cứ thiên biến vạn hóa liên tục xảy ra xung quanh ta mọi nơi mọi lúc tạo ra muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Hiện tượng thì khách quan, độc lập, riêng biệt mà nhận thức chủ quan của mỗi người về hiện tượng ấy lại vô vàn khác nhau, tùy nghiệp duyên của họ.

Như ban mai dạo vườn thấy một cánh hoa chớm nở, người thì thấy hoa cười e lệ, kẻ lại thấy hoa khóc thương cho kiếp sớm nở tối tàn; trong khi hoa chỉ là hoa thôi.

Điều quan trọng là nhận thức chủ quan của chúng ta về một hiện tượng khách quan theo hướng thiện hay hướng ác. Người có minh sát, quán chiếu sâu sắc hay khéo tác ý thì sẽ thấy những hiện tượng ấy là những bài pháp sống động, thiết thực, hữu ích cho sự nhiếp tâm, định ý, tăng tuệ. Ngược lại thì đa phần đều bị các hiện tượng hấp dẫn, vì không khéo tác ý nên dính mắc hoặc xua đuổi, nói chung bị cảnh trần lạc dẫn.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, đắc A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã trút gánh nặng, đoạn các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Khi đó có một người nữ, trong đêm tối, trời mưa lâm râm, sấm chớp lóe sáng, đi ngang qua vì muốn đến với người đàn ông khác. Cô bị té trong bùn sâu, vòng xuyến bị gãy, chuỗi hoa rơi vãi. Lúc bấy giờ, cô gái kia nói kệ:

Đầu tóc đều xổ tung

Chuỗi hoa rơi bùn sâu

Vòng xuyến đã gãy khúc

Chàng đang đắm nơi đâu?

Khi ấy Tỳ-kheo kia tự nghĩ: Cô con gái còn có thể nói kệ, sao ta không thể nói kệ để đáp lại?Phiền não đều đã bứt

Qua vũng bùn sanh tử

Trói buộc thảy rơi vãi

Mười phương tôn, thấy ta.

Sau khi Tỳ-kheo kia nói kệ xong, ngồi im lặng”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1360)

“Thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”

120801313_834714314005440_4055965084947270413_n

Lời bàn: 

Chuyện một vị Tỳ-kheo ngồi thiền trong rừng, thấy một cô gái đang đi tìm người thương không may bị té ngã vào vũng bùn, bẽ bàng tự thán khi tóc rối, hoa rơi, xuyến gãy, ngoại hình lem lấm tiêu điều mà người yêu đang ở tận đâu đâu. Nếu ta nhìn thấy cảnh tượng ấy chắc có nhiều cảm xúc và tâm trạng, cũng rối bời như cô gái kia.

Trong khi vị Tỳ-kheo kia nhìn cô gái nhưng lại thấy ra chính mình. Cô gái té xuống vũng bùn thì Tỳ-kheo khéo nghĩ về tiến trình vượt qua hố bùn sinh tử. Vòng hoa đứt tung rơi vãi, vòng xuyến vỡ vụn nát tan, mái tóc kết bím bù xù thì thấy phiền não kiên cố bấy lâu vây hãm chính mình bị tháo tung. Cô gái đang ngập ngụa lấm lem thì thấy mình lậu tận, phạm hạnh tròn đầy nên xứng đáng được tôn quý. Một sự liên tưởng chẳng ăn nhập gì với thực tại nhưng lại liên hệ đến ly tham, ly dục, ly bất thiện pháp thì không khéo tác ý là gì.

Hẳn có người sẽ trách vị Tỳ kheo kia thấy khổ mà không giúp. Giúp gì đây khi chưa phải bị nạn, không khéo e lại ‘lấm bùn’. Chỉ cứu khi thực sự đáng cứu, chỉ giúp đỡ với tâm từ rộng lớn mới nhẹ nhàng.

Cái quan trọng là pháp thoại nhắc ta phải tác ý theo hướng ly tham với mọi hiện tượng đang diễn tiến quanh ta. Thế mới biết không chỉ Thế Tôn mới nói pháp (Dhamma) mà pháp đang hiển hiện, sống động, chân thực phô bày khắp mọi nơi. Nếu khéo nghĩ thì tất cả đều là pháp, sinh động ngay trong hiện tiền.

Phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp

“Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi Bà la môn Màtaposaka đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, sau đó tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy có đúng trách nhiệm không?

Audio

Này Bà la môn, ông làm như vậy là đúng trách nhiệm. Này Bà la môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, sau đó nuôi dưỡng mẹ cha thì người ấy được nhiều công đức.

Thế Tôn nói kệ: 

Người nào theo thường pháp

Nuôi dưỡng mẹ và cha

Chính do công hạnh này

Đối với cha với mẹ

Nhờ vậy bậc Hiền Thánh

Trong đời này tán thán

Sau khi chết được sanh

Hưởng an lạc chư Thiên.

Khi được nghe như vậy, Bà la môn Màtaposaka bạch Thế Tôn:

Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Màtaposaka, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.398)

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lời bàn: 

Phụng dưỡng cha mẹ là một trong những bổn phận quan trọng của con cái. Không chỉ phụng dưỡng, người con hiếu còn phải thuận thảo, thương yêu và kính trọng cha mẹ với tất cả chân thành. Phước báo phụng dưỡng cha mẹ, theo tuệ giác Thế Tôn, hiện tại được người đời tôn vinh ca ngợi và tương lai được sanh về Thiên giới hạnh phúc an vui.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà Thế Tôn muốn nhấn mạnh ở đây là những phẩm vật phụng dưỡng, kính thờ cha mẹ phải trong sạch, là thành quả sự lao động chân chính (theo thường pháp). Ngay đây, tinh thần hiếu đạo được nhìn nhận qua một lăng kính khác sâu sắc hơn là truy tìm nguyên nhân của tất cả những thành quả mà người con đạt được đem phụng dưỡng cha mẹ có thật sự trong sáng, đúng đắn hay không.

Nếu những thành tựu vật chất trong hiện tại là kết quả của việc làm ăn phi pháp như tranh đoạt, trộm cướp, lừa gạt, trốn thuế, hối lộ, tham nhũng… rồi đem phụng dưỡng cha mẹ thì chẵng những không được phước mà cha mẹ có thể bị liên lụy theo. Quán chiếu sâu vào vấn đề này để chúng ta tự định hình, điều chỉnh phương cách ứng xử đạo hiếu cho chính mình. Mới hay, thương kính và hiếu thảo với cha mẹ đích thực chính là sự hoàn thiện nhân cách, làm ăn chân chính, sống đạo đức, luôn hướng về lẽ thiện lành.

Trong bối cảnh mưu sinh đầy cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thiết nghĩ cần suy ngẫm thật sâu sắc về lời dạy của Thế Tôn để sống thiện lành và hiếu thảo trọn vẹn với những bậc sanh thành. Bởi hơn ai hết, những bậc cha mẹ chẳng bao giờ mong con làm ác và lại càng không mong muốn con cái làm ác vì mình.

Sự có mặt của tình thương

Sự có mặt của tình thương là sự có mặt của đức Phật, sự có mặt của đức Phật là sự có mặt của tình thương, của an vui và hạnh phúc.

Đức Phật thị hiện trên cõi đời này: Tất cả cũng chỉ vì tình thương yêu chúng sanh, vì muốn cho chúng sanh hiểu rõ nhân quả, biết được, đâu là tà, đâu là chánh, đâu là giả, đâu là thật; đâu là con đường nên đi, đâu là con đường không nên đi. Nói cách khác, Ngài đến đây để đem chất liệu của sự hiểu biết và thương yêu cho nhân loại. Nơi nào cần thì Ngài đến, nơi nào gọi thì Ngài đi, không từ nan khó nhọc. “Phật tâm vô xứ bất từ bi” (không một nơi nào mà tình thương của Phật không trải đến). Nơi nào thiếu chánh pháp thì nơi đó có dấu chân đức Phật đi qua, nơi nào còn bóng tối thì nơi đó có ánh sáng của Phật soi đến, nơi nào còn đau khổ thì nơi đó có dòng suối từ bi tắm mát. Hơn bao giờ hết, thẳm sâu trong tận đáy lòng của mình, lúc nào Thế Tôn cũng mong muốn cho chúng ta có được đời sống thật sự tràn đầy bình an và hạnh phúc.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

* Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, phẩm Một Người đã nói lên điều đó: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện luôn đem hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”. 

Như chúng ta biết, đức Phật có mặt ở cõi đời này, Ngài chỉ biết hy sinh cho chúng sanh, chứ Ngài không bao giờ nghĩ lợi về mình. Trước khi thành Phật, Ngài là một thái tử sống trong ngai vàng, gấm lụa, đầy quyền uy và thế lực; nào là vợ đẹp, con ngoan; nào là cung phi, mỹ nữ; nào là đàn ca, hát xướng; nào là hoa tươi, trái ngọt; nào là cao lương, mỹ vị; nào là nệm ấm, chăn êm, muốn gì có nấy. Đời sống của Ngài tột đỉnh giàu sang và sung sướng không ai bằng.

* Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Ðược Nuôi Dưỡng Tế Nhị, tr. 259 – 260:

Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị.

Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Ðêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay xương.

Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm, cháo chua. Trong nhà phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt gà và cơm nấu.                         

Tuy đời sống sung túc và đầy đủ như thế, nhưng Ngài cảm thấy không hạnh phúc khi thấy nhân loại còn đau khổ. 

Ngài không thể sống trên ngai vàng khi nhìn thấy chúng sanh vẫn còn chìm đắm trong biển ái sông mê, không biết đường đi, lối về.

Ngài không thể sống sung sướng trong nhung gấm lụa là khi bóng đêm sanh, già, bệnh, chết vẫn còn bao phủ kiếp người. 

Ngài không thể sống được khi chưa tìm ra chân lý, chưa tìm ra nguyên nhân đem đến khổ đau và con đường đoạn diệt khổ đau cho chúng sanh.

Khi vua cha không cho đi tu, Ngài đã cương quyết đặt ra những câu hỏi thật là cảm động và đáng kính như sau:        

1. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh sống mãi không chết, không cha?        

2. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh trẻ mãi không già, không cha?        

3. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh mạnh khỏe mãi không bệnh, không cha?        

4. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh hạnh phúc mãi không khổ đau, không cha? 

Với những ưu tư, khắc khoải nặng trĩu tình thương cho chúng sanh như thế, cuối cùng, Ngài rủ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sanh. 

Ngài đến đây mở trường đại học để đào tạo ra những con người thật sự có đạo đức, thật sự có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, đất nước và cho cả thế giới.

Những con người này phải luôn mang trong mình những chất liệu của sự hiểu biết, thương yêu, từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ và hơn thế nữa là luôn biết hạ mình, hy sinh, chịu đựng để làm lợi ích cho tha nhân.

Hạnh phúc thật sự không phải ở xe hơi, nhà lầu, vợ đẹp, con ngoan, chức quyền và thế lực mà hạnh phúc ở những tâm niệm như sau:        

1. Chúng ta có biết sống thương yêu và làm lợi ích cho mọi người hay không?         

2. Chúng ta có biết thăng hoa cuộc sống của mình hướng theo chân, thiện, mỹ hay không?        

3. Chúng ta có biết làm cho tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, tinh khiết, an vui hay không?         

4. Chúng ta có biết sống làm chủ tất cả mà không bị lệ thuộc vào ngũ dục giả tạm của thế gian hay không? 

Nếu chúng ta sống mà luôn chánh niệm, tỉnh thức nhìn lại chính mình, luôn biết mình là ai như vậy mới là hạnh phúc thật sự.

Nếu chúng ta sống trên đống vàng, mà trong khi đó chúng ta không biết đường đi, lối về, không biết tu tập, tâm hồn đầy ắp nỗi khổ niềm đau, âu lo, sợ hãi, hận thù, hơn thua, phải quấy, phiền não, đố kỵ, ganh tỵ, nhỏ mọn, ích kỷ, thấp hèn thì đời sống chúng ta chỉ là hố sâu đầy thảm họa và chông gai mà thôi.

Đức Phật là tấm gương sáng, là lẽ sống thực cho chúng ta. Ngài đến với cuộc đời này, chỉ biết cho mà chưa bao giờ biết nhận. Ngài đến đây không phải vì danh, vì lợi cho riêng mình, mà Ngài đến đây tất cả cũng chỉ vì chúng sanh, vì tình thương, vì hạnh phúc, vì an lạc cho đa số.

Ở đây, chúng ta học được nơi Ngài một đạo lý thâm sâu: “Bỏ tất cả rồi sẽ được tất cả, ôm tất cả rồi sẽ mất tất cả”.

Đức Phật là tấm gương thiết thực đã sống đúng theo đạo lý trên. Nếu ngày xưa, Ngài chỉ ôm chặt địa vị vương quyền, sống trong ngai vàng gấm lụa thì bây giờ không ai biết đến Ngài. Với túc căn sẵn có, Ngài nhận thức được cuộc đời giả tạm, mạng sống mong manh, nên Ngài đã rủ bỏ tất cả để đi tu. Chính sự buông bỏ dứt khoát ấy, bây giờ ai ai cũng biết và hướng theo con đường của Ngài.

Sống ở đời, nếu chúng ta biết hy sinh vì chánh pháp và hết lòng làm lợi ích cho tha nhân, thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình một cách tự nhiên. Như câu: “Hoa không mời ong bướm, hoa thơm thì ong bướm tự tìm đến”.      

Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Ngài đến đây giảng đạo, thuyết pháp có phải vì lợi dưỡng cho riêng mình hay không? 

* Kinh Trung Bộ 3, kinh Như thế Nào, trang 55-56 đã trả lời như sau:      – Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào? Có phải vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp?             

– Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con không nghĩ rằng: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”.             

– Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp… vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”. Vậy này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào?             

– Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”.?

Qua đoạn kinh này, chúng ta mới thấu hiểu được trái tim của đức Phật dành cho chúng sanh thật là nồng thắm và mát dịu. “Tất cả cũng vì từ tâm, vì lòng từ, vì tình thương, vì lợi tha cho chúng sanh mà Ngài thuyết pháp”.       

Nhân đoạn kinh này, chúng ta học được nơi Thế Tôn một đạo lý cao cả: “Sống ở đời là chúng ta phải sống bằng cả trái tim từ tâm và lợi tha”.

Trái tim từ tâm: là một trái tim vĩ đại, một tình thương cao cả, rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt, không ích kỷ, nhỏ mọn, so đo, chấp trước, tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh tỵ, hơn thua, hận thù, thấp hèn, mà trái tim này luôn chứa đựng những hạt giống: hiểu biết, thương yêu, từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ và luôn biết hạ mình, hy sinh, chịu đựng để làm lợi ích cho muôn loài chúng sanh.

* Kinh Từ Tâm đã day:“Thế Tôn thuyết giảng những lời, liên quan tu tập nên người từ tâm. Là người rất đỗi ân cần, thương yêu trải khắp kẻ gần người xa. Tấm lòng nhân ái bao la, thật là thuần khiết, thật là cao thâm. Hướng về tất cả chúng sanh, người từ tâm trọn quên mình mà thương. Không vì ái luyến vấn vương, không vì mong đợi chút đường lợi danh, không vì ân nghĩa riêng đành, không vì cân nhắc với mình lạ quen. Thương người quen lẽ tất nhiên, cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ, xóa đi ngăn cách thân sơ, xóa đi ngần ngại hững hờ bấy lâu. Tình thương lan tỏa đến đâu, giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông. Người từ tâm đủ bao dung, đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu. Với người mưu hại đủ điều, bất nhân ác cảm gây bao hận thù. Người từ tâm trước như sau, trải lòng ra mãi, đậm sâu thương người. Với người oán ghét bao đời, nguồn thương yêu ấy làm vơi tỵ hiềm. Chuyện không hay chẳng trách phiền, cho vơi bớt những nghiệp duyên với người. Người từ tâm trước muôn loài, đem lòng thương xót cảnh đời không may. Thương người sống kiếp đọa đày, làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành. Hoặc loài ngạ quỷ vô hình, hoặc trong địa ngục, tội tình vương mang. Từ tâm như ánh trăng ngàn, dịu dàng soi thấu mọi đường trầm luân. Ở đâu có chúng hữu tình, thì nơi ấy có từ tâm hướng về, như tàng lá mát rộng che, chúng sanh vô lượng, tâm từ vô biên. Tâm từ như suối triền miên, thấm vào mạch sống mọi niềm an vui. Tâm từ làm gốc vun bồi, cho người cao thượng, cho đời vinh hoa. Thấy người khổ nạn khó qua, lòng mình đau xót như là khổ chung. Thấy người hạnh phúc thành công, lòng mình sung sướng như cùng vui theo. Thấy người lầm lỗi ít nhiều, lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn. Người từ tâm sống vẹn tròn, thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng”.

Đức Phật dạy, một người luôn sống với trái tim từ tâm thì sẽ được tám lợi ích:              

1. Ngủ đươc an lành.             

2. Tâm hồn luôn được thư thái và an vui.             

3. Đi đâu ai cũng thương và quý mến.             

4. Được các loài phi nhơn hộ trì.             

5. Được chư thiên tán thán và gia hộ.             

6. Không có hiểm nạn não hại.             

7. Được sinh lên cõi trời.             

8. Vững vàng trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.

Trái tim lợi tha: là một trái tim luôn đem lợi ích và niềm vui đến cho tất cả muôn loài.

Trái tim lợi tha được nuôi sống và lớn lên bởi sáu dòng máu đỏ như sau:

1. Dòng máu bố thí: là dòng máu luôn biết hy sinh, nhịn ăn, nhịn uống để đem hết tài sản được làm ra từ mồ hôi, nước mắt của mình mà nuôi sống cho tất cả chúng sanh. Dòng máu bố thí này không chỉ giúp đỡ, san sẻ về ngoại tài như: tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, thuốc men, giường nằm, nệm ấm, chăn êm mà còn giúp đỡ, san sẻ luôn nội tài như: tim gan, máu huyết, phổi thận, mắt tai, mủi lưỡi, thân mạng cho tất cả muôn loài.

2. Dòng máu trì giới: luôn luôn lưu thông và thanh lọc những chất cặn bả, nhơ bẩn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ích kỷ, nhỏ mọn, so đo, chấp trước, tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh tỵ, hơn thua, phải quấy, hận thù, thấp hèn ra ngoài, để tái tạo một dòng máu tươi tốt, trong sạch, luôn chuyên chở những chất liệu từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ để nuôi sống mình và cho tất cả chúng sanh.

3. Dòng máu nhẫn nhục: là dòng máu luôn xem mình như đất, cát, sỏi, đá, thậm chí cũng xem mình là khùng, là điên, là câm, là ngọng, là điếc, là đui, ai muốn nói gì thì nói, ai muốn đổ gì thì đổ mà không hề buồn phiền và trách móc. Dòng máu nhẫn nhục này luôn chịu đựng những nghịch cảnh trái ngang và luôn hóa giải mọi nỗi khổ niềm đau để tạo ra một dòng máu mát lạnh, tươi tốt, ôn hòa, đoàn kết, thương yêu cho tất cả muôn loài

4. Dòng máu tinh tấn: là dòng máu không bao giờ ngơi nghỉ, luôn siêng năng, chuyên cần, tinh tấn tu tập hướng theo điều thiện, loại bỏ điều ác và nhắm đến lý tưởng, con đường giác ngộ, giải thoát thành Phật. 

5. Dòng máu thiền định: là dòng máu luôn chảy về nội tâm, luôn nhìn lại chính mình để vệ sinh cho tâm hồn được sạch sẽ, mạnh khỏe, trong sáng. Chính dòng máu thiền định này là định lực, là sức mạnh làm chất xúc tác cho các dòng máu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn phát triển mạnh.

6. Dòng máu trí tuệ: là dòng máu được kết tinh từ năm dòng máu trên. Chính vì thế mà dòng máu này đã thấu suốt tất cả chân tướng của vạn pháp và vũ trụ. Chính dòng máu trí tuệ này mới thật sự soi sáng và mang lại hạnh phúc, an lạc cho tất cả muôn loài.

Như vậy, trái tim lợi tha được sống mãi và làm lợi ích cho tất cả muôn loài âu cũng là nhờ sáu dòng máu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.      

Sự có mặt của tình thương là sự có mặt của đức Phật, sự có mặt của đức Phật là sự có mặt của tình thương, của an vui và hạnh phúc.

Như kinh Lòng từ, thuộc kinh Tiểu Bộ, tập 1, trang 28 đã dạy như sau:

“Mong tất cả những ai,

Hữu tình có mạng sống

Kẻ yếu hay kẻ mạnh

Không bỏ sót một ai,

Kẻ dài hay kẻ lớn,

Trung, thấp loại lớn, nhỏ,

Loài được thấy, không thấy,

Loài sống xa, không xa,

Các loài hiện đang sống,

Các loài sẽ được sanh,

Mong mọi loài chúng sinh

Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,

Lường gạt lừa dốí ai,

Không có ai khinh mạn

Tại bất cứ chỗ nào,

Không vì giận hờn nhau

Không vì tưởng chống đối

Lại có người mong muốn

Làm đau khổ cho nhau.

Mong mọi loài chúng sanh

Được an lạc an ổn.

Mong chúng chứng đạt được

Hạnh phúc và an lạc.”

Không được nghe Pháp, không biết tu hành là khổ nạn lớn

Là đệ tử Phật, được tu hành trong giáo pháp của Như Lai, đôi khi chúng ta nghĩ đó là bình thường nhưng kỳ thực, được nương tựa Tam bảo là có phước duyên lớn. Vì nếu thiếu duyên, chúng ta sẽ rơi vào tám trường hợp “không được nghe pháp, không biết tu hành”.

Khi Thế Tôn thuyết pháp ở đời thì mình đang bị đày ải, trầm luân nơi địa ngục (1), ngạ quỷ (2), súc sanh (3), hoặc tiêu diêu nơi cõi trời Trường Thọ (4), hoặc sống nơi biên giới (5), hoặc sống ở trung tâm đất nước mà bị tật nguyền (6), hoặc bị tà kiến chướng ngại (7) hoặc gặp thời không có Chánh pháp (  nên không thấy nghe Phật pháp. Rơi vào tám trường hợp ấy Thế Tôn gọi là tám nạn.

“Một thời Phật ở một nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Người phàm phu không nghe, không biết thời tiết thuyết pháp. Tỳ-kheo nên biết! Có tám thời không được nghe pháp, người không được tu hành. Thế nào là tám?

-Nếu lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi được đến Niết-bàn, là việc làm của Như Lai, nhưng chúng sanh này ở trong địa ngục, không nghe, không thấy. Đó là nạn đầu tiên.

-Lại nếu lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, mà chúng sanh này ở trong loài súc sanh không nghe, không thấy. Đó là nạn thứ hai.

-Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, nhưng chúng sanh này ở trong ngạ quỷ, không nghe, không thấy. Đấy là nạn thứ ba.

-Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, nhưng chúng sanh này ở cõi trời Trường Thọ không nghe, không thấy. Đó là nạn thứ tư.

-Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi, nhưng chúng sanh này sống ở biên địa, phỉ báng Hiền Thánh, tạo các tà nghiệp. Đó là nạn thứ năm.

-Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi đến được Niết-bàn, nhưng chúng sanh này tuy sống ở trung tâm của nước, nhưng sáu căn không đầy đủ, lại cũng không phân biệt được pháp thiện ác. Đó là nạn thứ sáu.

-Lại nữa, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, diễn nói giáo pháp rộng rãi đến được Niết-bàn, nhưng chúng sanh này tuy sống ở trung tâm của nước, sáu căn đầy đủ không có khuyết tật, mà tâm thức tà kiến; cho rằng người không thí, người không thọ, cũng không có quả báo thiện ác, không đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, đời không có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… có thành tựu quả A-la-hán, tự thân chứng được để tự an lạc. Đó là nạn thứ bảy.

-Lại nữa, lúc Như Lai không xuất hiện ở đời, Như Lai cũng không thuyết pháp đưa đến Niết-bàn, tuy chúng sanh này sống ở trung tâm nước, sáu căn đầy đủ, kham nhẫn thọ pháp, thông minh tài cao, nghe pháp hiểu liền, tu hành chánh kiến, biết có vật, có thí, có người thọ, có quả báo thiện ác, có đời này, đời sau, ở đời có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… tu chánh kiến chứng được A-la-hán. Đó là nạn thứ tám, chẳng được tu hành Phạm hạnh.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là tám nạn chẳng được tu hành Phạm hạnh. Ở đây, này Tỳ-kheo! Có một thời tiết cho người tu hành phạm hạnh. Thế nào là một? Đó là lúc Như Lai xuất hiện ở đời, rộng nói giáo pháp được đến Niết-bàn, và người này sinh ở trung tâm của nước, thế trí biện thông, thấy vật đều rõ biết, tu hành chánh kiến, cũng hay phân biệt các pháp thiện ác, biết có đời này, đời sau, đời có bậc Sa-môn, Bà-la-môn tu chánh kiến chứng được A-la-hán. Đó là người phạm hạnh tu hành một pháp được Niết-bàn.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 42, Bát nạn 1 [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.82)

Hãy trân quý cơ hội được nghe pháp!

117119491_790719861738219_5204395767754115656_n

Lời bàn: 

Vì sao ‘không được nghe pháp, không biết tu hành’ lại là khổ nạn? Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là ở chỗ nếu không biết Phật pháp, không rõ đạo lý nhân quả để tích công bồi đức thì chúng ta sẽ xài hết phước cũ mà không tạo thêm phước mới, khi phước báo cạn kiệt ắt bị khổ nạn.

Mặt khác, nếu biết phát huy chánh kiến, tin sâu Phật pháp, thâm tín với các bậc chân tu thành tựu giải thoát để nỗ lực thực hành giáo pháp thì chúng ta sẽ có cơ hội thành tựu phạm hạnh, đạt đến giải thoát sinh tử, an trú Niết-bàn.

Thế mới biết, hàng đệ tử Phật chúng ta vẫn còn nhiều phước duyên. Dẫu Thế Tôn không còn ở đời nhưng Chánh pháp vẫn lưu truyền, chư Tăng Ni vẫn đang miệt mài hoằng hóa. Nguyện cho Chánh pháp trường tồn, nhân sinh an lạc.