Các hiện tượng tự nhiên và xã hội cứ thiên biến vạn hóa liên tục xảy ra xung quanh ta mọi nơi mọi lúc tạo ra muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Hiện tượng thì khách quan, độc lập, riêng biệt mà nhận thức chủ quan của mỗi người về hiện tượng ấy lại vô vàn khác nhau, tùy nghiệp duyên của họ.
Như ban mai dạo vườn thấy một cánh hoa chớm nở, người thì thấy hoa cười e lệ, kẻ lại thấy hoa khóc thương cho kiếp sớm nở tối tàn; trong khi hoa chỉ là hoa thôi.
Điều quan trọng là nhận thức chủ quan của chúng ta về một hiện tượng khách quan theo hướng thiện hay hướng ác. Người có minh sát, quán chiếu sâu sắc hay khéo tác ý thì sẽ thấy những hiện tượng ấy là những bài pháp sống động, thiết thực, hữu ích cho sự nhiếp tâm, định ý, tăng tuệ. Ngược lại thì đa phần đều bị các hiện tượng hấp dẫn, vì không khéo tác ý nên dính mắc hoặc xua đuổi, nói chung bị cảnh trần lạc dẫn.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, đắc A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã trút gánh nặng, đoạn các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Khi đó có một người nữ, trong đêm tối, trời mưa lâm râm, sấm chớp lóe sáng, đi ngang qua vì muốn đến với người đàn ông khác. Cô bị té trong bùn sâu, vòng xuyến bị gãy, chuỗi hoa rơi vãi. Lúc bấy giờ, cô gái kia nói kệ:
Đầu tóc đều xổ tung
Chuỗi hoa rơi bùn sâu
Vòng xuyến đã gãy khúc
Chàng đang đắm nơi đâu?
Khi ấy Tỳ-kheo kia tự nghĩ: Cô con gái còn có thể nói kệ, sao ta không thể nói kệ để đáp lại?Phiền não đều đã bứt
Qua vũng bùn sanh tử
Trói buộc thảy rơi vãi
Mười phương tôn, thấy ta.
Sau khi Tỳ-kheo kia nói kệ xong, ngồi im lặng”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1360)
“Thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”
Lời bàn:
Chuyện một vị Tỳ-kheo ngồi thiền trong rừng, thấy một cô gái đang đi tìm người thương không may bị té ngã vào vũng bùn, bẽ bàng tự thán khi tóc rối, hoa rơi, xuyến gãy, ngoại hình lem lấm tiêu điều mà người yêu đang ở tận đâu đâu. Nếu ta nhìn thấy cảnh tượng ấy chắc có nhiều cảm xúc và tâm trạng, cũng rối bời như cô gái kia.
Trong khi vị Tỳ-kheo kia nhìn cô gái nhưng lại thấy ra chính mình. Cô gái té xuống vũng bùn thì Tỳ-kheo khéo nghĩ về tiến trình vượt qua hố bùn sinh tử. Vòng hoa đứt tung rơi vãi, vòng xuyến vỡ vụn nát tan, mái tóc kết bím bù xù thì thấy phiền não kiên cố bấy lâu vây hãm chính mình bị tháo tung. Cô gái đang ngập ngụa lấm lem thì thấy mình lậu tận, phạm hạnh tròn đầy nên xứng đáng được tôn quý. Một sự liên tưởng chẳng ăn nhập gì với thực tại nhưng lại liên hệ đến ly tham, ly dục, ly bất thiện pháp thì không khéo tác ý là gì.
Hẳn có người sẽ trách vị Tỳ kheo kia thấy khổ mà không giúp. Giúp gì đây khi chưa phải bị nạn, không khéo e lại ‘lấm bùn’. Chỉ cứu khi thực sự đáng cứu, chỉ giúp đỡ với tâm từ rộng lớn mới nhẹ nhàng.
Cái quan trọng là pháp thoại nhắc ta phải tác ý theo hướng ly tham với mọi hiện tượng đang diễn tiến quanh ta. Thế mới biết không chỉ Thế Tôn mới nói pháp (Dhamma) mà pháp đang hiển hiện, sống động, chân thực phô bày khắp mọi nơi. Nếu khéo nghĩ thì tất cả đều là pháp, sinh động ngay trong hiện tiền.