back to top
33.6 C
Chư Sê
Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 160

Xoay chuyển lẽ đời

Người sống ở đời, không thể làm hài lòng hết thiên hạ. Mọi lời góp ý đều nên tiếp thu, còn những bình phẩm sau lưng có nghe cũng chỉ “cho biết”, rồi để gió cuốn đi. Vì thông thường, chỉ những kẻ vô công rỗi nghề mới thị phi chuyện người khác.

Nếu được người khen ngợi, nên lịch sự cảm ơn, đừng tùy tiện tin là thật. Miệng tự nhiên ngọt, nếu không có chuyện nhờ vả, thì cũng vì lợi ích cá nhân. Phía sau nụ cười giả tạo, nếu không để lấy lòng, thì cũng đang ấp ủ kế sách nào đó. Những phường a dua nịnh hót, đừng đặt để niềm tin; lời ngọt ngào có mục đích, cẩn thận kẻo mắc lừa.

Lỡ bị người xem thường, cũng đừng nên nhụt chí. Nếu chịu khó nỗ lực, rồi có ngày cũng thành tựu nghiệp lớn. Chỉ cần kiên trì không bỏ cuộc, thì kỳ tích nhất định sẽ xuất hiện. Khi bạn thành công, người xem thường bạn cũng phải ngước nhìn; kẻ coi không ra gì, sẽ tự thay đổi thái độ. Điều quan trọng nhất, là bạn xây dựng được sự tôn nghiêm cho mình, để bản thân không thẹn với lòng.

Làm người phải có lương tâm, làm việc cần giữ chút tình nghĩa. Những ân nhân từng giúp, phải luôn luôn ghi nhớ; người cần là có mặt, đừng bao giờ lãng quên. Dùng lòng chân thành đổi lấy thật ý; trao gửi ân tình để nhận lại ân nghĩa.

Người đã muốn rời xa bạn, đừng níu kéo uổng công. Bạn lẻ loi cô độc, không liên quan ai cả. Có nhớ thương mong chờ, cũng là việc của cá nhân mình. Kẻ cho bạn niềm an ủi, làm chổ dựa tin cậy, cần biết cách giữ gìn; người khiến bạn ấm áp, nở nụ cười vui vẻ, phải trân trọng đồng hành.

Trong cuộc đời mỗi người, có nhiều mối quan hệ lúc bắt đầu chỉ tiếc sao gặp nhau quá muộn, qua lại một thời gian thì đường ai nấy đi; có nhiều đoạn tình cảm lúc gần gũi thì thương nhớ luyến lưu, đến cuối cùng lại không dám làm phiền. Người đi thì trà lạnh, rất nhiều đáp án không cần hỏi tại sao; tiệc tan thì người về, có rất nhiều thắc mắc, không thể giải thích rõ ràng.

Trải qua vài việc sẽ nhìn rõ vài người. Nhìn rõ vài người lại hiểu thấu vài chuyện. Trời có lúc nắng lúc mưa, lòng người cũng nhiều khi thay đổi. Kết giao bạn hữu đừng phân biệt cao thấp giàu nghèo, mà quan trọng chân thành trong đối đãi. Luận về tình cảm, không phụ thuộc thời gian ngắn dài, chủ yếu có hết lòng khi qua lại.

Người nhiệt tình tử tế, nên bầu bạn suốt đời; kẻ ham danh giả nghĩa, chỉ giao lưu vừa phải. Cuộc đời mưa nắng vốn tự nhiên; lòng người đổi thay là chuyện thường. Chỉ cần bản thân luôn cố gắng vươn lên, chân thành với mỗi người và việc, thì mọi luân chuyển đều sẽ đi theo hướng tốt đẹp.

Hạnh phúc hay khổ đau đều là tương đối

Sống trong đời này, hễ được cái này thì sẽ mất một cái khác, và hễ mất một cái này sẽ được một cái khác. Mỗi cái lợi luôn đi kèm với một cái hại tương ứng và ngược lại mỗi cái hại luôn luôn đi kèm với một cái lợi tương ứng. Đó là luật bù trừ hay là luật đánh đổi.

Bớt đau khổ so với ngày hôm qua là hạnh phúc.

Kém hạnh phúc so với ngày hôm qua là đau khổ.

Hạnh phúc và đau khổ chỉ là những khái niệm mang ý nghĩa tương đối.

Trong phúc đã chứa sẵn mầm họa. Trong họa luôn chứa sẵn mầm phúc. Phúc càng lớn, họa càng lớn và ngược lại họa càng lớn, phúc càng lớn. Trong cái được có cái mất. Trong cái mất có cái được. Đó là tính hai mặt của phúc họa, được mất.

Hạnh phúc ở trong tâm ta. Nghĩ là hạnh phúc thì sẽ cảm thấy hạnh phúc, nghĩ là đau khổ thì sẽ cảm thấy đau khổ. Hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng với những gì mình có. Hay nói đúng hơn hạnh phúc là biết mình thực sự cần cái gì và có được cái mình cần.

Nên biết rằng trong cuộc sống, khi cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Chúng ta thường phàn nàn về những khó khăn mình đang vướng phải. Trong tâm bởi thế luôn phiền não, bất an. Nhưng đời người là một chặng đường dài, không chỉ có niềm vui, hạnh phúc mà xen lẫn vào luôn là những trắc trở, ưu phiền.

Khổ đau và hạnh phúc

Hội ngộ và chia xa

Giữa thăng trầm, vinh nhục

Cứ yên lòng, sẽ qua…!!!

Bố thí với tâm thanh tịnh

Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn? 

Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.

Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui lại trạng thái này.

Bố thí đúng lúc được phước nhiều hơn

Bố thí, cúng dường là một trong những hạnh tu căn bản và phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để công đức bố thí cúng dường được trọn vẹn và đủ đầy thì người thực hành hạnh thí xả cần phát huy tuệ giác, bố thí đúng thời. Dâng, cho, trao tặng những thứ mà người nhận thật sự cần, ngay thời điểm ấy.

Ông cha ta cũng đã đúc kết kinh nghiệm bố thí đúng thời bằng câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dĩ nhiên đã bố thí thì có phước nhưng nếu biết bố thí đúng lúc, đúng thời thì sẽ giá trị hơn, phước báo nhiều hơn.

Theo Thế Tôn, bố thí đúng thời có năm việc, thể hiện có sự cân nhắc và chọn lọc trong quyết định bố thí. Ngoài tấm lòng thí xả, người thí cần có tuệ giác, sự tôn kính và nhất là tâm nguyện thí xả không thối chuyển, ngay cả trong những lúc nghèo thiếu.“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:- Bố thí đúng thời có năm việc: Bố thí cho người từ xa lại; bố thí cho người đi xa; bố thí cho người bệnh; lúc thiếu mà bố thí; nếu lúc được cây trái mới, hoặc ngũ cốc mới thì trước đem cho người trì giới tinh tấn, sau đó mình mới ăn. Ðó là, này Tỳ-kheo! Bố thí đúng thời có năm việc này.

Thế Tôn liền nói kệ:

Người trí ứng thời thí

Lòng tin không đoạn dứt

Ở đây chóng hưởng vui

Sanh trời, các đức đủ.

Tùy thời, nhớ bố thí

Thọ phước như vang ứng

Trọn đã không nghèo thiếu

Nơi sanh thường phú quý.

Thí là đủ mọi hạnh

Ðược đến vị vô thượng

Nhớ thí không khởi tưởng

Hoan hỷ bèn tăng thêm.

Trong tâm sanh niệm này

Ý loạn trọn không còn

Biết rằng thân an lạc

Tâm liền được giải thoát.

Thế nên người có trí

Chẳng kể nam hay nữ

Nên hành năm thí này

Không mất phương tiện đúng.

Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ, muốn hành năm việc này thì hãy nhớ tùy thời thí. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.246)

Thường thì người mới đến họ rất cần các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống, người đi xa thì cần chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường. Nhất là đối với đời sống du hành của các vị xuất gia thì đây là thời điểm chư vị rất cần sự ngoại hộ của hàng cư sĩ.

Với người bệnh thì sự giúp đỡ càng cần thiết hơn. Họ rất cần thuốc men, ăn uống, săn sóc, và nhất là sự động viên chia sẻ về tinh thần. Khi khỏe mạnh, dù khó khăn hay trở ngại đến mấy cũng có thể kham nhẫn được. Nhưng khi bệnh tật thì thân đau tâm khổ, nếu khó khăn chật vật không có phương tiện chữa trị lại càng khổ hơn. Nên mọi sự giúp đỡ của chúng ta, từ vật chất cho đến tinh thần, đều có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh.

Khi mới thu hoạch mùa màng, đem những nông sản đầu mùa tinh khôi nhất dâng cúng lên chư Tăng để tỏ lòng tôn kính hoặc mang biếu mời bà con làng xóm dùng lấy thảo trước, sau đó mới thọ dụng nhằm thể hiện sự tri ân. Đây cũng là một nét văn hóa thảo thơm lâu đời trong các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Cái ân tình thơm thảo qua lại này đã gắn kết tình làng nghĩa xóm và cộng đồng an hòa, bền vững.

Đặc biệt gặp lúc khó khăn như dịch bệnh hiện nay nhưng nếu thấy cần thiết thì vẫn phát tâm bố thí, sẻ chia trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Điều này vốn không dễ làm nhưng vẫn có người làm được. Bố thí trong thời điểm khó khăn thể hiện tâm nguyện người thí mạnh mẽ, trí tuệ người thí đã thông tỏ lẽ thịnh suy, tạm bợ của con người và cuộc đời nên được phước vô lượng.

Như thế nào là bố thí của người trí?

Ai cũng có thể bố thí- cho đi, nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa hành động đó với chính mình. Coi cho đi như một hành động để giúp người khác, chỉ là góc nhìn chưa đầy đủ, đằng sau sự cho đi nên là sự từ bỏ dính mắc của chính mình.

Hành động bố thí (cho đi) tuy giống nhau nhưng người có trí tuệ bố thí đem lại an vui cho mình, cho người, bố thí khi tâm đã giảm tham mà hướng về sự xả ly. 

Với một mức độ tâm vô cùng mạnh mẽ vì có sự hiểu biết, có sự quyết tâm và sự suy xét chân chính nên hành động mạnh mẽ và hướng đến những mục đích cao cả.

Cho đi như thế thì cho đi càng nhiều mình càng xả bỏ, thảnh thơi và phát triển tâm ly tha, từ bi…vv còn cho đi để mong cầu đền đáp, cầu phước, hay để được đánh giá cao.

Cũng có người cho đi khi tiện dịp, khi dễ dàng, khi muốn có thêm danh tiếng tốt về mình thì sự Cho đi ấy đôi khi làm càng nhiều càng phát triển tâm tham, càng dính mắc nên càng đau khổ.

Bố thí hợp lí:

– Hoan hỷ trước, trong, sau khi bố thí

– Bố thí với ước nguyện xả ly hoàn toàn (chứng ngộ Niết Bàn- vô sở hữu)

Trước:

Có lòng tin vào nghiệp thiện mình làm sẽ ra quả thiện

Có tâm tế độ (tâm muốn giúp đỡ người khác, nhất là bố thí để giúp họ biết tự họ thực hành điều thiện, vậy là tự họ biết gieo nhân thiện thì chắc chắn họ sẽ gặt quả thiện)

Bố thí trong sự :

-Tôn trọng

-Tự tay làm

-Vật thí trong sạch (không do làm ác mà có)

-Đúng thời điểm phù hợp

-Không làm khổ mình khổ người

Sau khi:

Có sự suy xét chân chính rằng: Vật bố thí vô thường, Người bố thí và người nhận thí đều Vô Ngã, Vô thường để xả bỏ tâm dính mắc.

Nguyện cho tôi và quý vị đều nhận thấy giá trị của bố thí có trí, để cùng nhau cố gắng phát triển tâm ly tham mà thực hành bố thí với trí tuệ.

Bố thí ra sao để có được quả phước an lạc thật sự?

Bố thí có phiền não hay không còn tùy theo tác ý của người bố thí. Sự bố thí có hai tác ý khác nhau:

1. Người bố thí mà tâm còn mong được giàu sang, được sanh vào cõi Nhân, Thiên để hưởng quả, hoặc tác ý mong người được thọ thí trả ơn, người có tác ý như thế tất nhiên phải luân hồi tái sinh lại để hưởng quả. Ðức Thế Tôn gọi sự bố thí ấy là Vattagàminikusala có nghĩa là Phước hữu lậu, có ý nói phước ấy còn đem con người luân hồi. Chẳng những là bố thí, nếu Trì giới hay Tham thiền mà tác ý còn muốn gặt hái quả lành thì không bao giờ diệt được phiền não vượt qua khỏi luân hồi.

2. Người làm bất cứ phước gì mà tác ý mong cầu giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, và phát nguyện cho mau khỏi được biển Trầm luân. Phước báu ấy Ðức Thế Tôn gọi là Vivattagàmini-kusala nghĩa Phước vô lậu, ý nói phước này không còn dư sót phiền não nên không còn luân hồi nữa.

Người Phật tử nên gieo phước lành theo thể thức thứ nhì, và nên tìm tòi học hỏi cho thông hiểu các loại phiền não, hầu gìn giữ tâm khỏi bị cảnh trần chi phối. Khi tâm không còn bị phiền não nhiễu nhương thì trí tuệ phát sanh thấy rõ: Luân hồi là nơi đáng kinh sợ nhất, cũng như người kinh sợ hầm chứa đầy rắn độc, thì không bao giờ dám mê luyến và trái lại càng cố gắng chạy cho xa mau ra khỏi nơi đầy sự kinh khủng ấy.

Khi đã biết chán chê, ghê sợ phiền não và luân hồi thì con người sẽ thản nhiên trước sự vật được hay mất, vui hay buồn. Khi đã nhận được lý vô thường, khổ não và vô ngã thì cũng đã hiểu rõ thân này là của mượn thì hà tất phải mến tiếc sự vật ngoài thân ta. Ðây là lý thuyết tuyệt đối của Phật giáo.

Nếu muốn đạt được chân lý ấy, người Phật tử chân chính nên thực hành theo ba điều:

1. Nên cố xa lánh tất cả những tội ác (tức là Trì giới).

2. Nên làm cho mình trở nên người toàn thiện toàn mỹ, ý nói là phải làm tất cả các việc lành như bố thí, tham thiền, nhẫn nại, từ bi v. v…

3. Nếu cố gắng dập tắt tất cả phiền não, nghĩa là phải dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ là thân này thật không bền vững, hằng đem đau khổ đến cho ta, và vật nào không thường hằng đem khổ đến, nó không phải là của ta, là vô ngã.

Hiểu đúng về bố thí – Từ thiện

Hiện nay đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, nhóm nhóm làm từ thiện, hội hội đoàn đoàn làm từ thiện. Chính vì vậy vốn từ bản chất tốt đẹp của việc làm từ thiện, nhưng lại có không ít cảnh bát nháo linh tinh xảy ra trong đời sống hàng ngày, gây mất lòng tin trong xã hội

Phát huy những tấm gương, những tấm lòng bố thí từ thiện trong sáng, chia sẻ tình thương giúp đỡ đồng bào khó khăn cũng sống bớt khổ thêm vui là rất cần thiết cho cuộc sống.

Cho nên về nguyên tắc bất cứ ai có tâm tốt, có tình thương, biết chia sẻ đều có thể làm từ thiện. Trong xã hội mà có nhều người sống có tình thương, biết chia sẻ thì sẽ đóng góp không nhỏ trong việc ổn định xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc chung. 

Đương nhiên cũng cần có biện pháp thích hợp loại trừ dần những những hình ảnh, những cách làm, những đối tương không thật tâm, không thực tình, không vì tình thương mà có tư tâm, vì mục đích cá nhân khi hô hào làm việc thiện, gây phản cảm, có tác động tiêu cực, làm mất lòng tin trong cộng đồng xã hội.

Bố thí theo Phật giáo là gì?

Thí là cho, tặng, biếu; Bố là cùng khắp, rộng rãi

Bố thí là đem mọi tài sản sở hữu của mình ra cho người khác, cho chúng sanh, nhưng không phải tất cả trường hợp bố thí đều có giá trị giống nhau. – Giá trị chân thật, cao thấp của sự bố thí, từ thiện tùy vào sự phát khởi tâm ý và cách thức bố thí của chúng ta.

Thường bố thí trong Phật giáo phân ra tài thí (tặng cho tiền tài, của cải vật chất (ngoại tài) cả hiến tặng các bộ phận trên người như hiến máu, hiến tủy, giác mạc ( nội tài ); giảng nói chia sẻ tri thức, phật pháp, cách chữa bịnh (pháp thí) và giúp cho sự không sợ hãi ( vô úy thí). 

Đại khái ai có tâm tốt, tự mình biết thương và giúp đỡ làm việc thiện cho mọi người là quý rồi.

Nhưng hẳn không phải ai cũng đứng ra kêu gọi hô hào mọi người góp tài vật tiền của đưa cho mình làm từ thiện được đúng và tốt.

Những người chưa đủ trí tuệ, chưa tu tập tập được tâm từ bi lớn, chưa có sức nhẫn nại lớn, còn nhiều sân si tham chấp thì không nên đứng ra hô hào, kêu gọi, quyên góp mọi người đưa tài, vật…cho mình để làm từ thiện; những người cư sĩ, còn có gia đình, vợ chồng, con cái…phải lo toan làm ăn kiếm tiền để vun đắp cho gia đình riêng thì rất khó, rất khó để họ đứng ra hô hào quyên góp làm việc thiện mà đủ từ bi, nhẫn nại và hoàn toàn trong sáng, không có tác động, tư tâm khác.

Cho nên có lẽ ai chưa đủ tâm từ bi, hạnh nhẫn nại, lòng hoan hỉ ngay cả khi bị mắng chửi, chỉ trích, nói xấu trong lúc đi làm việc bố thí từ thiện thì cũng không nên đứng ra hô hào quyên góp làm việc thiện được.

Kinh nghiệm nhiều năm thực hành pháp bố thí, làm việc thiện là có những trường hợp dù chúng ta làm đúng, làm tốt, ngay thẳng cũng vẫn bị ganh ghét, nói xấu, chỉ trích, thị phi là rất bình thường.

Điều này tự mình suy nghĩ quan sát sâu sắc sẽ thấy rất rõ

Những người Phật tử tin nhân quả, biết Phật pháp, có tu tập, biết cần trọng thì chỉ dám tự lấy tiền của, tài vật chính mình đi làm việc thiện, chứ không bao giờ dám tùy tiện đứng ra hô hào mọi người quyên góp tài vật về cho mình để mình đứng ra làm từ thiện đâu. Vì họ tự biết bản thân còn nhiều sân si tham chấp, ít nhẫn nại từ bi dễ gây thêm tội nghiệp.

Các quý Phật tử, thí chủ nếu là Phật tử đúng nghĩa, thì mình không có tài vật vẫn còn có nhiều cách bố thí như pháp. Nếu đã bố thí tài vật thì nên theo pháp “Tam luân không tịch” không dính mắc chấp nhứt. Nếu nhiều Phật tử muốn cùng làm việc thiện thì nên nương theo các chùa viện, các bậc Tăng Ni có đức hạnh trí tuệ mà làm sẽ đạt kết quả tốt đẹp và lâu dài

Bố thí là một pháp tu rất quan trọng trong Phật pháp, là pháp thứ 1 trong 6 pháp tu của Bồ Tát hướng đến quả vị Phật. Không phải ai cũng biết, cũng hiểu rõ, cũng dễ dàng thành tựu

Từ là thương yêu, thiện là lành, tốt, khéo. Từ thiện nghĩa là vì lòng thương yêu mà làm việc tốt, việc lành. 

Đại đức Thích Quảng Phước trao quà đến bà con khó khăn huyện Chư Sê
Đại đức Thích Quảng Phước trao quà đến bà con khó khăn huyện Chư Sê

Có thể tạm phân ra 10 trường hợp bố thí :

1- Vì khởi lòng thương mà bố thí (chandā dānaṃ deti).

Có người vì thấy người nghèo khổ đói ránh hau thương yêu người nào đó nên họ biếu tặng cho người ấy thức ăn, quà phẩm, tiền bạc, vật báu, nhà cửa…

2- Vì bực mình mà bố thí (dosā dānaṃ deti).

Có người vì bực bội do bị xin xỏ quấy rầy, hoặc vì thể diện trước mặt người khác nên bố thí cho yên; hoặc vì muốn sỉ nhục mà bố thí; hoặc vì ghét người này mà đem cho người khác để chọc tức, trêu gan.

3- Tùy tiện mà bố thí (mohā dānaṃ deti).

Có người không phải do nhận thức tính chất thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích là gì, chỉ là ai xin vừa phải thì cho vậy thôi.

4- Vì lo sợ mà bố thí (bhayā dānaṃ deti).

Có người bị đe dọa, hoặc bị áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho tài sản để yên thân.

5- Quen theo truyền thống mà bố thí (kulavaṃsā dānaṃ deti).

Có người ở trong gia đình truyền thống bố thí, nên người ấy rộng rãi xả tài vì nghĩ rằng ta không nên làm mất truyền thống gia đình.

6- Vì muốn được ngợi khen, mưu cầu lợi lộc, danh tiếng, thể diện mà bố thí. (yasa-dānaṃ deti)

Hiện nay, nhiều người vì khoe danh hão, đánh bóng tên tuổi bản thân, PR cho chính mình, công ty, tập đoàn mình mà bố thí

7- Với mục đích tạo phúc sanh thiên mà bố thí (Sugati-upapannatthāya dānaṃ deti). Có người mong được sanh về cõi trời nên bố thí, vì nghĩ rằng sau khi bố thí ta chết sẽ sanh thiên.

8- Với mục đích cho tâm an vui mà bố thí (cittapa-sīdanatthāya dānaṃ deti). Có người thích bố thí vì nghĩ rằng khi ta bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì ta được an vui.

9- Với mục đích phát triển tâm từ bi mà bố thí (cittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti). Có những chúng sanh cầu giải thoát, muốn trang bị cho tâm, làm cho tâm được thuần thục, làm cho tâm trong sáng khỏi cấu uế xan tham nên bố thí.

10 Pháp bố thí trọn vẹn và cao thượng, mà chúng ta hay nghe là pháp bố thí ba la mật.

– Có thể cho hết mọi thứ tài sản ta có, kể cả gan, thận, máu, mắt,…một cách tự nhiên

Bố thí một cách trọn vẹn và cao thượng chỉ những người có đạo lực tu hành, nhẫn nại từ bi lớn mới làm được. Pháp này có đủ 3 đức:

– 1 là Không có một ý niệm dính chấp, ta là người cho, người bố thí, người ban ơn

– 2 là Không thấy, chấp có đối tượng nhận của bố thí là người nhận của ta ban ơn,

– 3 là không thấy, không chấp là ta cho cái gì, của cải gì, có quý giá không

Ngoài ra, những người không biết Phật pháp, hoặc ít tu tập, còn nhiều sân si thị phi nhân ngã thì khi làm việc thiện với tâm còn tham chấp sẽ dễ gây ra những trường hợp có thái độ hành vi, lời nói thiếu nhẫn nại, thiếu từ bi và gây phản cảm là khó tránh khỏi được

Trong 10 trường hợp làm phước bố thí ấy chỉ có sự bố thí vì mục đích phát triển tâm từ bi và bố thí trọn vẹn cao thượng là sự bố thí đưa đến an vui giác ngộ,qn lạc giải thoát

Bố thí vì truyền thống và bố thí vì mục đích sanh thiên, cũng được bậc trí trong đời chấp nhận, nhưng không phải là pháp bố thí trọn vẹn ( ba la mật )

Với tâm nguyện cùng nhau tu theo Phật, sáng mang niềm vui đến với mọi người, chiều nỗ lực giúp mọi người vơi bớt khổ sầu, bố thí là pháp hành quan trọng của Phật giáo, giáo hội, tăng ni tại các cơ sở tự viện và trung tâm nhân đạo Phật giáo

Nguyện Phật Bồ Tát chư Thiên gia hộ cho thế giới hòa bình, dịch bịnh qua mau, chúng sanh, mọi người bình an phúc lạc

Tu bố thí

Làm từ thiện

Khởi tâm từ bi

Cứu giúp muôn loài

Tam không tịch

Đừng đợi đến khi có thật nhiều rồi mới sẻ chia đôi chút

Tức là, đừng đợi đến giàu rồi mới bắt đầu bố thí, giúp người. Đây cũng là tâm lý của một số người phải làm việc cực khổ, vất vả để mưu sinh.

Ví dụ, tiền công một ngày làm việc của ta là 70.000 mà phải thấm đẫm mồ hôi ta mới có được số tiền này. Cũng có những người có duyên, có phước một ngày làm ra 500.000 hay 1 triệu đồng, hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng ta đặt vấn đề mình đang còn nghèo, một ngày chỉ làm được 50.000 hay 70.000 mà thôi.

Nếu lúc đó có người hàng xóm bị bệnh không có tiền mua thuốc, họ xin mình 70.000 thì mình sẽ đắn đo liền. Bảy mươi ngàn đồng này là cả một ngày vất vả, một ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt của mình nên mình dè dặt không muốn cho. Chúng ta dễ bị rơi vào trường trường hợp này nhiều lắm. Vì khi ta cần cân đo sức lao động của mình rồi thì tự nhiên mình không muốn san sẻ bố thí cho người.

Còn những người giàu, ví dụ một ngày họ làm ra một triệu hay gặp dịp may mắn được mấy chục triệu. Nếu như có người xin họ 100.000, họ sẽ dễ dàng cho mà không cần suy nghĩ. Nhưng chính cái cho dễ dàng không cần suy nghĩ, không hao tốn nhiều nên phước không có nhiều. Cho nên, nói người giàu bố thí phước không bằng người nghèo bố thí là như vậy.

Người nghèo bố thí 100.000 là một ngày mồ hôi, nước mắt của họ. Tấm lòng đó, công lao đó thật là lớn nên sau này cái phước và phần thưởng quả báo dành cho họ cũng rất lớn….

…Hãy nhớ rằng “đừng đợi đến khi giàu rồi mới bố thí” bởi giàu mà bố thí thì phước không nhiều, còn chính lúc ta nghèo mà biết cố gắng bố thí thì phước ta rất lớn.

Người thầy đưa đạo vào đời từ những việc nhỏ nhất

Đi du học Ấn Độ và trở về Gia Lai vào năm 2012, suốt 10 năm nay, Đại đức Thích Quảng Phước gắn bó với người dân, đưa đạo vào đời từ những việc nhỏ nhất. Với đồng bào gặp khó khăn nơi đây, thầy là nơi nương tựa rất lớn về tinh thần, luôn có mặt kịp thời, đặc biệt lúc họ khó ngặt nhất.

Miệt mài phụng sự xã hội

Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có 1 thị trấn và 14 xã, phần đông người Kinh sống ở thị trấn và người đồng bào sống tại 14 xã. Ở vùng sâu vùng xa đa phần người đồng bào trong diện trung bình và nghèo khổ, đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Tinh thần từ bi phụng sự của Phật giáo là vô cùng cần thiết để giúp dân”, Đại đức Thích Quảng Phước xác định.

Nhắc đến thầy Quảng Phước, người đồng bào từ người già đến học sinh, thanh thiếu niên hầu như đều biết rõ. Năm nào thầy cũng đến tận những buôn làng, thôn xóm xa xôi đem niềm vui đến cho mọi người. Năm năm qua, thầy Quảng Phước đã tặng hàng nghìn suất quà gồm thực phẩm, áo quần, chăn màn, các loại nhu yếu phẩm trao đến những người dân khó khăn; phối hợp cùng trung tâm y tế tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho những người tật bệnh, nghèo khổ, neo đơn.

Không quản ngại những cung đường đất đỏ trơn trợt, xa xôi, thầy đi xe máy, leo đồi đến tận các bản làng, thành lập nồi cháo tình thương, phát cháo hàng ngày cho bệnh nhân đang điều trị tại các trung tâm y tế. Rồi khảo sát, xây dựng những ngôi nhà tình thương cho người không nhà, sửa sang những ngôi nhà bị hư sập; xây dựng những cây cầu qua sông suối cho trẻ em miền núi được đến trường, người dân đồng bào được lên nương rẫy tỉa ngô đậu, chăn nuôi, quan trọng hơn hết là giảm tình trạng đuối nước, lũ cuốn.

Năm nào thầy cũng đôi ba lần đến thăm các trường làng, thăm hỏi động viên, tặng những phần quà, sách vở, áo quần, xe đạp trợ duyên các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc vượt qua khó khăn, đến trường có được con chữ, nâng cao trình độ văn hóa.

Ngoài chăm sóc đời sống vật chất cho người yếu thế, thầy Quảng Phước còn chăm sóc cho đời sống tinh thần, giảm đi những nỗi đau trong tâm hồn người dân. Cuối năm 2017, với cương vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Sê, thầy Quảng Phước đề xuất và được Ủy ban Nhân dân huyện Chư Sê bàn giao cho Giáo hội Phật giáo huyện gần 500m2 đất tại Nghĩa trang Nhân dân, để thành lập Nghĩa trang Đồng nhi, giúp thâu nhận cho những thai nhi bị phá, bị bỏ rơi trước cổng chùa, nơi công viên, trường học. Đến nay, nghĩa trang đã có 500 nấm mồ nhỏ, hàng ngày kinh kệ, niệm Phật cầu siêu, hương khói cúng thờ ấm cúng thiêng liêng.

Trong các khóa tu thường kỳ được tổ chức mỗi tháng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, thầy luôn cố gắng chia sẻ, hướng người dân đến với cuộc sống lành mạnh, bỏ dần rượu, ý thức hơn với việc tạo phước, làm ăn để thoát nghèo; hướng thanh thiếu niên trẻ sống có hoài bão, tránh xa cám dỗ và lựa chọn khôn khéo để cuộc sống với nhiều gam màu hồng hơn.

Nhắc thầy Quảng Phước ở đây ai cũng biết

Đó là lời chia sẻ của bác Ngọc Châu, chủ một trại hòm có tiếng ở Chư Sê. Sở dĩ bác Châu nhấn mạnh như vậy vì, ở huyện Chư Sê này, ai chết mà không có tiền lo ma chay, chôn cất, hoàn cảnh quá ngặt nghèo thì thầy luôn là địa chỉ mọi người tìm tới. Bác kể: “Thương thầy nhất là khi có việc, dù mười một, mười hai giờ khuya hay bốn giờ sáng gọi thầy đều bắt máy và giúp đỡ người dân”.

Người đồng bào vui mừng khi gặp người thầy nâng đỡ tinh thần – Ảnh sưu tầm
Người đồng bào vui mừng khi gặp người thầy nâng đỡ tinh thần – Ảnh sưu tầm

Bác kể, gần đây nhất ngày 27-6, trên Quốc lộ 25 đoạn qua thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê), hai vợ chồng anh Tuấn Anh (sinh năm 1992) và chị Vũ Thị Ngọc Minh (sinh năm 1992) bị tai nạn, tử vong, bỏ lại 3 người con dại: 7 tuổi, 2 tuổi, 1 tuổi. Cả gia đình nghèo khổ không có nhà, ở nhà thuê nên khi mất phải chở xác về nhà bố mẹ (ông bà nội) để làm tang lễ. Đợi thầy vừa xong thời công phu khuya, bác Ngọc Châu điện thoại: “Thầy ơi thầy có ở chùa không, nhờ thầy giúp gia đình khốn khổ tai nạn. Sau đó hơn bốn giờ sáng chút, tui dẫn người nhà nạn nhân lên xem giờ chôn cất tẩn liệm. Thầy lo hết tất cả và vận động được tiền tiết kiệm cho ba đứa nhỏ mồ côi, ai cũng mừng lắm”.

Nhắc đến thầy Quảng Phước, không chỉ người dân nơi đây quý mến, lãnh đạo chính quyền cũng như vậy. Khi Hội Chữ thập đỏ xin thầy giúp cho gia đình ông Siu Alun cái nhà, thầy đi xe máy mấy tiếng đồng hồ để vào thôn làng O Rưng, xã Iako, thăm và khảo sát.

Nhìn cảnh căn nhà mục nát của hai vợ chồng người đồng bào Jarai 37 tuổi, có 4 người con, chồng là lao động chính của gia đình lại bị bại liệt chân, vợ thì tàn tật, 2 đứa nhỏ 7 tuổi và 4 tuổi còn ở truồng tồng ngồng, 2 đứa con mới sanh 2 tháng tuổi bọc trong chăn dưới đất trong nhà bếp xêu vẹo, thầy đã quyết định xây ngay cho căn nhà. Ngày căn nhà xây xong, cả buôn làng ai cũng vui mừng cho gia đình Siu Alun.

Khơi lòng trắc ẩn

Vì sự nhiệt tâm của thầy, không ngại đường xa để chăm lo cho người nghèo khó, vậy nên chạm vào trái tim, khơi lên lòng xúc cảm, nhiều người muốn đồng hành, sẻ chia với thầy từ những điều nhỏ nhất. Ví như những lần cất nhà tình thương, tiền vật liệu xây dựng, gạch, xi-măng, tôn, cát đá 27 triệu đồng thì đại lý lấy 22 triệu, ủng hộ phụ thầy 5 triệu; tiền công thợ xây là 10 triệu thì họ cúng lại 2 triệu. Công thợ một ngày hơn 200 ngàn nhưng các anh lấy ít hơn chút đỉnh, muốn góp chút phước đức gieo duyên cùng thầy làm việc thiện.

Có đi đến vùng sâu, xa mới thấy, người đồng bào nhiều khốn khó, khi nhận được quà ai cũng mừng vui như Tết. Gần đây nhất đoàn phát quà tại làng Pan, xã Dun, nhìn người dân mang gùi, đi bộ hàng km đến nhận quà từ sáng sớm tinh sương, Chủ tịch xã Dun, ông Lê Đình Tuyền không kiềm được xúc động: “Gần như cả 3 năm qua rất ít đoàn từ thiện đến giúp vì đại dịch Covid-19”. Nói lời cảm ơn thầy Quảng Phước kết nối yêu thương, Chủ tịch xã Dun nói đi nói lại “những phần quà hôm nay thật ấm áp nghĩa tình và giá trị vô cùng”, đủ để thấy niềm hạnh phúc của người dân nơi đây.

“Người đồng bào dân tộc nghèo khổ còn nhiều. Đến nơi thấy họ ốm đau, tật bệnh, nhà xiêu vẹo, dột nát không đủ che nắng mưa, việc học hành của con cháu dang dở vì quá nghèo. Điều đó đã thôi thúc tôi đem tinh thần từ bi của đạo Phật, kêu gọi Phật tử dang rộng vòng tay chia sẻ yêu thương, chia sẻ vật chất và tinh thần, giúp nhau vượt qua gian khổ cuộc đời”, Đại đức Thích Quảng Phước chia sẻ.

Hạnh Nhiên