19.8 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Niềm vui xen lẫn nỗi buồn của vị đạo sĩ khi tiên tri về cuộc đời Đức Phật

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Thuở ấy, ở đỉnh cao Himalaya phủ tuyết trắng, có đạo sĩ Asita (A Tư Đà), còn được gọi là Kāḷadevila, đang ẩn cư. Ngài là bậc chân tu, đã đắc bát thiền và ngũ thông, tuổi cao, đức trọng; là bậc thầy của vương triều Sākya, thường được đức vua Suddhodana thỉnh đặt bát.

Audio

Thỉnh thoảng, sau khi độ ngọ, Ngài bay lên cung trời Đao Lợi để nghỉ trưa. Trong kinh Sutta-Nipata (Kinh Tập, 101), có kể rằng được chư Thiên mách bảo, đạo sĩ Asita bèn xuống núi, đến thành Kapilavatthu xem tướng cho Thái tử.

Càng gần đến kinh thành Kapilavatthu, khung cảnh khắp nơi dường như càng tưng bừng náo nhiệt hơn. Đâu đâu dân chúng cũng mở hội ăn mừng.

348119-e0c7cb2a3d1235d22499aced454f0cb7_0

Khi đã đứng trước cổng hoàng thành, vị đạo sĩ nói với lính canh:

– Bần đạo là Kāḷadevila ở Tuyết Sơn, muốn được vào cung để cầu chúc và chiêm ngưỡng dung nhan của hoàng tử!

Nghe tin, đức vua Suddhodana hối hả cho người ra nghênh tiếp, cung kính mời ngồi, sai dâng nước rửa chân tay và nước uống.

Đạo sĩ nói:

– Xem ra, vị ấu hoàng này không phải là người thường! Bần đạo muốn chiêm ngưỡng Ngài một lát!

Đức vua Suddhodana rất đỗi vui mừng, vội truyền cho thị nữ bồng hoàng tử ra đảnh lễ đạo sĩ. Trước sự kinh ngạc của đức vua, hoàng hậu, các vị lão thần, cung nga thể nữ; hoàng tử bỗng nhiên quay về phía đạo sĩ và đặt trọn cả hai chân lên mái đầu bạc phơ của ông!

Đang ngồi trên ghế, vị đạo sĩ già vội vã trỗi dậy, rất lấy làm kinh sợ, nghĩ rằng: “Vị ấu hoàng này oai đức lớn quá, vậy ta không nên tự làm hại mình!”, rồi lật đật quỳ lạy xuống, hết sức thành kính cúi đầu đỡ hai chân của Đại Bồ tát.

Đức vua Suddhodana thấy vị chân tu, đạo cao, đức trọng làm vậy, cũng đâm ra sợ hãi, quỳ xuống lạy theo.

Đạo sĩ Asita vốn là bậc lão thông điềm triệu, tướng pháp, lại có cả bát định và ngũ thông. Riêng túc mạng thông thì ngài có khả năng thấy biết về quá khứ bốn mươi kiếp, thấy biết về vị lai hai mươi kiếp. Nên sau khi chăm chú quan sát Bồ tát một hồi, đạo sĩ khẳng định rằng: “Đức ấu nhi này, ba mươi lăm năm sau sẽ đắc quả vị Chính Đẳng Chính Giác không sai!”

Nghĩ vậy, đạo sĩ mỉm cười, niềm vui bừng bừng như một làn nắng hồng ửng trên khuôn mặt già nua. Ông cảm thấy mừng cho chư thiên và nhân loại. Bậc Đại Giác mà ra đời là kết tụ tất cả tinh hoa và linh khí của trời đất, kết tụ của vô lượng a-tăng-kỳ công đức và phước báu. Thế gian này sẽ nhờ trí tuệ của đức Đại Giác mà thoát được cảnh tối tăm của đêm đen sinh tử. Còn bản thân ông, đạo sĩ biết rõ rằng, sau khi thân hoại mạng chung ở đây, ông sẽ hóa sinh tức khắc vào cõi trời phạm thiên Vô Sắc. Ở đấy thì cả ngàn đức Đại Giác ra đời cũng không cứu độ ông được. Nếu như thế thì thật là đau thương và bất hạnh cho ông! Chẳng thể nào ông có được duyên lành để nghe chính pháp từ kim khẩu của đức Đại Giác Vô thượng Chí tôn này! Nghĩ đến ngang đây, vô cùng thương cảm cho chính bản thân mình, đạo sĩ không thể làm chủ được cảm xúc, òa khóc nức nở!

Đức vua Suddhodana thấy vậy, lo sợ hỏi:

– Thưa đạo sĩ quý kính! Chẳng hay ngài xem tướng của hoàng nhi như thế nào mà thần sắc thay đổi đột ngột đến vậy? Trước thì ngài mỉm cười, vui sướng; sau thì ngài khóc lóc, sầu tủi! Có điểm bất tường nào về tướng mạo của hoàng nhi chăng?

Đạo sĩ Asita ngước mắt lên, cất giọng điềm đạm:

– Không phải thế đâu, bệ hạ! Tất cả mọi quý cách của cổ thư tướng pháp đều hội tụ đầy đủ nơi vị hoàng nhi phi phàm này. Sở dĩ có buồn vui lẫn lộn, cười rồi lại khóc của bần đạo, nguyên do là vì như thế này đây: “Bệ hạ và mọi người hãy nhìn mà xem. Dung nhan và thần sắc của ấu hoàng vừa sáng tỏ vừa dịu dàng như mặt trời và mặt trăng cùng hòa hợp. Ánh mắt của ấu hoàng vừa nghiêm vừa dung, vừa bao la như biển lớn, vừa mát mẻ vừa xanh trong như nước hồ thu… Toàn thân ngài đầy đủ toàn bích ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp của bậc Tối Thượng Nhân (1) không biết mấy chục quả đất sinh diệt mới có được một Chính Đẳng Giác như vậy.

Đạo sĩ Asita ngừng một lát, đưa đôi mắt mờ đục, mệt mỏi nhìn ra xa rồi nói tiếp:

– Còn bần đạo khóc là khóc cho tự thân, sầu tủi, thương cảm cho bản thân mình. Bần đạo tiếc cho mình sẽ không kéo dài tuổi thọ chừng nửa thế kỷ nữa để được nghe chân lý từ kim khẩu của đấng Pháp vương. Vì khi ngài thành đạo, 35 năm sau, và chuyển bánh xe pháp thì bần đạo đã lìa bỏ cõi đời này mà hóa sinh vào cõi trời Vô sắc bát định mất rồi! Thảm thương thay cho bần đạo phải sống ở đó quá lâu, nếu có trở lại trần gian thì đức Đại Giác đã an nghỉ trong cõi Niết-bàn thường tịch; và giáo pháp chân chính ấy đã theo mấy lần quả đất mà thành tro tàn hủy diệt còn đâu!

Tất cả mọi người có mặt như cùng chìm sâu với tâm sự, với nỗi niềm bi thương của vị đạo sĩ già nua. Hồi lâu, đạo sĩ mới quay qua hoàng hậu Mahāmāyādevī:

– Tâu lệnh bà! Chư thiên và nhân loại rất cảm kích và tri ân lệnh bà đã cưu mang một bậc Vĩ Nhân, một hiện thân Siêu Phàm. Lệnh bà sẽ trở thành một vị Phật mẫu đúng theo đại nguyện của lệnh bà nhiều kiếp trước. Ân đức và phước báu của lệnh bà quá lớn, hàm tàng một năng lực quá mạnh, sợ rằng thân thể nặng nề của thế gian tứ đại kia không đủ sức chở mang được nữa. Bảy ngày sau, lệnh bà sẽ từ bỏ nhục thân ấy, hóa sinh làm một vị thiên nam ở cung trời Tusita (Đâu Suất)! Hơn bốn mươi năm sau, khi nhân duyên tròn đủ, chính đức Chính Đẳng Giác – con trai vĩ đại của lệnh bà, sẽ lên cõi trời Ba Mươi Ba thuyết pháp để trả nợ ân huyết sữa; và lệnh bà sẽ đắc quả Thánh ở đấy, vĩnh viễn sẽ không còn trở lại chốn trần gian đầy thống khổ này nữa!

Thật quả như lời tiên tri của đạo sĩ Asita, bảy ngày sau, hoàng hậu Mahāmāyādevī không bệnh, mỉm cười lìa trần, tức khắc hóa sinh vào cung trời Tusita. Hoàng phi Mahā Pajāpati Gotamī, em ruột của lệnh bà, cùng kết duyên với đức vua Suddhodana, thay thế chị để săn sóc cho hoàng tử với vô vàn tình cảm thiết tha và trìu mến. Mấy năm sau, bà được đức vua Suddhodana phong làm hoàng hậu, sinh được một con trai là hoàng tử Nanda, một gái là công chúa Sundarī Nandā nhưng bà cũng giao hai con mình cho mấy người nhũ mẫu chăm sóc. Bà muốn dành trọn vẹn tâm huyết và thì giờ để lo lắng cho người con sớm mất mẹ.

(Lược trích ấn phẩm “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NXB Văn Học, 2014)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo