Ông bà mình quan niệm “đầu năm thế nào, cả năm thế ấy”, nên khoảng thời gian đầu năm thường dặn con cháu cần thận trọng, từ suy nghĩ – phát ngôn, cho đến hành động.
Trong đó, những câu chúc/lời nói mang ý nghĩa tốt lành thật không thể thiếu khi gặp nhau lúc xuân về. Đối với người đệ tử Phật, đây là dịp rất thích hợp để thực hành theo một trong mười đại hạnh của đức Phổ Hiền Bồ Tát: Hạnh tán dương người khác!
Nguyên văn trong mười đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền, thì “xưng tán Như Lai” thuộc hạnh nguyện thứ hai. Có nghĩa là thường xuyên ca ngợi, tán thán những phẩm chất tốt đẹp của bậc Giác ngộ, hay là những đức tính đáng học hỏi của người tỉnh thức.
Đức Phật có vô số công đức để tán dương, còn chúng ta – những chúng sanh phàm tình, sống cuộc đời bình phàm với đầy đủ cả duyên lẫn nghiệp, lẽ tất nhiên không thể so sánh với chư Phật hay Bồ Tát, nhưng cũng không thể phủ nhận việc mỗi người đều có ít nhiều phẩm chất đáng được ngợi khen, khích lệ.
Cảm niệm về Bồ tát Phổ Hiền
Con người nói chung, ai chẳng muốn được người khác khen ngợi, biểu dương?! Vậy mà nhiều khi ta quên, hoặc vì trong lòng có quá nhiều thương tổn, nên nhìn đâu cũng không hài lòng, gặp ai cũng thấy có vấn đề,…
Vậy nên đôi khi, dù đứng trước một khu vườn trăm hoa khoe sắc, chúng ta vẫn thích tìm mấy cọng rác bên lề để nêu ý kiến này nọ, đơn giản chỉ vì “vườn hoa” đó không phải/không giống ý mình, hoặc không phải/không giống với người thân, tổ chức của mình. Điều này thật sự rất đáng tiếc!
Thật ra, bất kỳ vấn đề hay con người nào, cũng đều có các mặt ưu khuyết đan xen. Trong tiếp xúc qua lại, nếu chúng ta dùng tinh thần lạc quan để dối diện và học hỏi, sẽ luôn có bài học cho ta thu hoạch, có yếu tố để mình khâm khen. Dân gian vẫn có câu: “Mập đẹp, ốm dễ thương, cao sang, lùn quý phái” đó thôi.
Một người có thói quen tán thán, sẽ thường nhìn thấy và lưu tâm đến mặt tốt, những “cái được” của vấn đề để biểu dương. Lâu ngày, bạn sẽ trở thành người “ẩn ác dương thiện”, tâm tình rộng mở. Thói quen khen ngợi không chỉ giúp bản thân trở thành nơi hội tụ và lan tỏa những điều tích cực, mà còn khiến người khác cảm thấy vui vẻ, muốn tiếp xúc và thân gần.
Trong mỗi lời khen ngợi, ngoài việc bày tỏ sự vui thích đồng tình, còn có ý nghĩa khuyến khích phát huy. Gặp những phẩm chất tốt, như là đức tính chịu thương chịu khó, lòng nhiệt tình hay là sự chân thành của ai đó, đừng ngại khen tặng để biểu thị thái độ trân trọng. Hoặc khi nhận ra sự thay đổi tích cực, như: Đứa trẻ lần đầu tự nói “cảm ơn” khi nhận quà; nhỏ bạn thân biết “xin lỗi vì đến trễ” thay cho những giải thích dông dài; người bạn đời vốn không động tay việc nhà, một ngày nọ bỗng trổ tài dọn dẹp;… Những chuyển biến này dù nhỏ thôi, nhưng nếu được ghi nhận bằng sự khen ngợi, người được khen hẳn sẽ có thêm động lực để tiếp tục phát triển hơn.
“Ngợi khen người khác”, chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nếu thực hiện bằng tấm lòng chân thành thì vừa có thể tu dưỡng cho mình, lại có giá trị nâng đỡ, khuyến khích người khác tốt hơn lên. Thực tập lâu ngày sẽ trở thành phẩm chất của chính mình, công đức từ những điều thiện lành hằng ngày này mà sanh ra, như lời đức Phật dạy:
“Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng ‘Chưa đến mình’,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần.”
(Pháp Cú 122)