Phật giáo đã đề cao vai trò của người phụ nữ từ gia đình, xã hội đến trong giáo đoàn là một quan điểm mới mẻ và tiến bộ thời bấy giờ. Và những tư tưởng bình đẳng này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nếu ở nam giới, trí tuệ và sự quyết đoán mạnh mẽ được đưa lên hàng đầu thì ở người phụ nữ, lòng từ bi và sự hiền dịu được xem là thước đo phẩm hạnh chuẩn mực nhất. Nói cách khác, phụ nữ là biểu tượng của tình cảm, là hiện thân của sự khoan hồng, bao dung. Chính những phẩm chất đáng quý ấy đã trở thành thế mạnh của nữ giới khi giao tiếp xã hội, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn, đẹp và hấp dẫn hơn. Nên nói “Dịu dàng không phải là nhu nhược, dịu dàng mà vẫn cương quyết là bí ẩn của người phụ nữ” (L. Tônxtôi).
Ngoài những đức tính quý báu ấy, tạo hoá lại ban cho phụ nữ một thiên chức mà nam giới không thể nào sánh được, đó là bản năng làm mẹ. Chính trong thiên chức này, đức hạnh của người nữ càng được nâng cao và ca tụng. Thử hỏi, có vĩ nhân nào không từng là một đứa trẻ, có bậc thánh nào lại không từ mẹ sinh ra? Sự thành tựu rực rỡ huy hoàng của mỗi đứa con đều có hình bóng lặng thầm của người mẹ. Mẹ chính là gia tài quý nhất mà mỗi con người có được.
Trong một gia đình nề nếp, gia phong, nếu không may có một đứa con hư hỏng, người cha có thể không quan tâm nhưng mẹ lại khác, mẹ đau đớn, xót xa, và trong bất cứ tình huống xấu nào xảy ra với con, mẹ cũng cảm thấy mình có lỗi, chưa tròn bổn phận. Mẹ có thể bị gia đình, hay thế gian chê trách vì muôn đời “con hư tại mẹ ”. Dù xấu dù đẹp, dù hoàn hảo hay tật nguyền thì con cũng vẫn là con của mẹ, là một phần máu thịt của mẹ. Có những người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình để cưu mang những đứa con như thế. Sự nhẫn nại, đức hy sinh vô ngã vị tha ấy nào khác gì với tâm hạnh của chư Phật và Bồ tát, do vậy, dân gian thường ca tụng: “Mẹ là Phật, đại nguyện hoa thân; mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần.”
Thư gửi một nửa thế giới
Tình thương của mẹ ngút ngàn vô tận, như nước trăm sông đều xuôi dòng chảy về biển cả, lòng mẹ dạt dào hy sinh hết thảy vì con. Mẹ là điểm tựa tinh thần, là nhà tư vấn đáng tin cậy, là vị lương y chữa trị những căn bệnh phiền muộn, ưu sầu mỗi khi chúng ta trái gió trở trời, là người bạn trung thành và tận tuỵ duy nhất. Thế nên, nếu ai đó hỏi rằng hãy chỉ ra một người phụ nữ vĩ đại nhất trên đời này, chắc hẳn hầu hết nhân loại trên thế giới đều không ngần ngại mà đáp ngay rằng: “Đó là mẹ tôi.”
Quay ngược thời gian trở về giai đoạn Phật giáo ra đời, trong bối cảnh lịch sử đầy biến động bởi sự phân biệt đẳng cấp hà khắc và tư tưởng trọng nam khinh nữ bám rễ trong xã hội Ấn Độ cổ đại, chúng ta có thể tìm thấy những bản Kinh mà Đức Phật đã nêu cao vai trò của phụ nữ nhằm góp phần hạn chế tình trạng bất bình đẳng ấy. Trên cơ sở đề cao thiên chức làm mẹ, đánh vào quan niệm chỉ muốn sanh con trai, đức Phật cho rằng nếu không có phụ nữ thì làm sao có đàn ông, làm sao có được những vị anh hùng tái thế. Cụ thể, khi thấy vua Ba Tư Nặc (nước Kiều Tất La) muộn phiền vì hoàng hậu Mạt Lợi vừa hạ sinh công chúa, Phật liền khuyên:
Này Nhân chủ, ở đời
Có một số thiếu nữ
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức
Khiến nhạc mẫu thán phục
Rồi sinh được con trai
Là anh hùng quốc chủ
Người con trai như vậy,
của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Đạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc.”
(Trích Tương Ưng Bộ Kinh. Tương Ưng Kosala. Phẩm Thứ Hai. Phần Người Con Gái)
Trong Kinh Báo Ân có đoạn:
“Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời chói sáng
Mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ
Mẹ hiền khuất rồi gọi là đêm tối u ám”
Sự so sánh giữa mẹ với hai hình ảnh độc nhất vô nhị như là cách tuyên dương đức hạnh cao quý của người phụ nữ và vị trí không thể thay thế của người phụ nữ trong gia đình. Vị thế của phụ nữ trong xã hội phải được bắt đầu từ gia đình. Khi và chỉ khi họ đóng vai trò quan trọng trong gia đình, họ mới thể hiện được vai trò của mình trong xã hội. Chúng ta có thể thấy phụ nữ – những người chị, người mẹ đã và đang tham gia trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của xã hội.
Phụ nữ trong giáo lý đạo Phật không còn đóng vai trò cái bóng của người đàn ông mà họ được đề cập như một cá thể tự do, bình đẳng trong sự tu tập và giác ngộ. “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lại quả, Bất lai quả hay A La Hán quả”. Phật giáo đã đề cao vai trò của người phụ nữ từ gia đình, xã hội đến trong giáo đoàn là một quan điểm mới mẻ và tiến bộ thời bấy giờ. Và những tư tưởng bình đẳng này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày tôn vinh một nửa thế giới, xin kính chúc tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người mẹ luôn vui vẻ, tự tin, bản lĩnh, tận dụng những điểm mạnh, những đức tính phẩm hạnh sẵn có, nỗ lực hết mình để đạt được nhiều thành công không chỉ trong gia đình, công việc mà cả trên bước đường tu học Phật Pháp.