19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Nghĩ về dòng sông cảm xúc

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

 Cảm xúc là hình ảnh có thể nhìn thấy được của tâm khổ đau hay hạnh phúc. Bạn có thể trang trí cho lời nói và hành vi để che giấu con người thật của bạn, nhưng cảm xúc thì không thể trang trí được.

Audio

Cảm xúc là tiếng nói chân thật, qua đó con người bạn hiển lộ đúng như nó. Cảm xúc cho bạn biết hiện trạng tâm lý và cả sinh lý của bạn, nếu bạn đủ chú ý đến nó.

Điều đặc biệt cần lưu ý là cảm xúc của bạn chỉ có trong bạn. Bạn là người duy nhất thụ hưởng và có trách nhiệm với nó.

Cảm xúc tích cực, bạn hạnh phúc. Cảm xúc không tích cực, bạn khổ đau. Nó là kết quả của những phản ứng tâm lý cũng như sinh lý trong bạn. Ai đó có thể là điều kiện làm cảm xúc của bạn bùng nổ, nhưng bạn cần biết rằng hạt nhân của sự bùng nổ cảm xúc đó không ở ngoài bạn.

Bạn là rơm, chỉ một ngọn lửa nhỏ sẽ cháy. Nhưng nếu bạn là nước, một ngọn lửa lớn vẫn khó có thể cháy được.

Thiền tập, chuyển hóa cảm xúc từ phiền não sang an lạc

Thiền tập, chuyển hóa cảm xúc từ phiền não sang an lạc

Bạn không thể giao phó và quy trách nhiệm cho người khác về cảm xúc của bạn. Bạn có quy trách nhiệm cho ai đó bao nhiêu lần đi nữa, cảm xúc vẫn cứ ở trong bạn. Bạn cuối cùng vẫn là người làm việc một mình với cảm xúc mà bạn có. Không có ai ở lại và chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bạn hết.

Dòng sông cảm xúc trong bạn sẽ chảy đời của nó lúc cuồng nộ và lúc dịu êm. Nó mang theo những phản ứng tâm tư hân hoan, buồn tủi; mặc cảm, tự hào; cô đơn, phẫn nộ; thích thú, chán nản; ghét bỏ, yêu mến; trân trọng, xem thường… Tuỳ thuộc vào cách bạn tiếp xúc và góc bạn nhìn nhận, cảm xúc sẽ đi kèm với những trạng thái tâm tư khác nhau, hình thành nên nhân cách và phẩm chất sống trong bạn.

Giá trị sống và ý nghĩa sống của bạn, cũng như hạnh phúc và khổ đau của bạn, sẽ tới lui và lên xuống theo cường độ và chất lượng cảm xúc mà bạn có.

Trong Phật giáo người ta gọi cảm xúc là cảm thọ. Đức Phật Gotama rất đặc biệt quan tâm đến hiểu biết trọn vẹn về cảm thọ. Cảm thọ sinh khởi như thế nào, tồn tại như thế nào, biến chuyển như thế nào và đoạn diệt như thế nào, được Đức Phật dạy như những đối tượng thiền quán đặc biệt, để tự mình giác ngộ tính chất vô thường, khách quan và vô ngã của thân xác và tâm thức, từ đó giải phóng bản thân khỏi tham ái và sầu bi ngay trong hiện tại.[1]

Nếu bạn có thể thở được những hơi thở có ý thức (chánh niệm), nhận biết được cảm xúc trong mình, hiểu rõ cảm xúc sinh khởi, tồn tại và biến chuyển như chính nó, bạn sẽ nhìn thấy thông điệp tinh thần mà cảm xúc đó mang lại. Khi ấy bạn bắt đầu hiểu bạn, bạn có trí tuệ cảm xúc và biết quản trị cảm xúc.

Cảm xúc bây giờ, khi có mặt nó, được bạn nhận biết và thấu hiểu. Bạn không còn là nạn nhân của cảm xúc. Bạn sẽ thấy thân thiện được với cảm xúc. Bạn sẽ thấy nhân-duyên-quả trong những cảm xúc. Nhân nào, duyên nào, hình thành nên cảm xúc nào, bạn không còn mù mờ nữa và khi cảm xúc có mặt bạn cũng không còn chạy theo cảm xúc. Bạn thấy nó vô thường, nó chỉ là hiện tượng tâm lý, sinh lý, không có ai ở đó cả. Bạn không còn mắc kẹt vào cảm xúc, không còn đồng hoá mình với cảm xúc và cũng không còn quy trách nhiệm cảm xúc mình có cho ai nữa. Nhiều lúc bạn còn thích thú với cảm xúc và cách bạn phản ứng với cảm xúc bạn có, do những bài học nó mang lại.

Đặc biệt, khi bạn nhận biết được và hiểu được cảm xúc trong bạn, bạn sẽ biết được và hiểu được cảm xúc trong người khác. Một tình yêu, một lòng bao dung, một sự cảm thông và đôi khi một hạnh nguyện đẹp sẽ lớn lên trong tâm bạn. Bạn không chỉ thiện đẹp và có tự do trong thế giới cảm xúc của bạn, mà bạn còn nguyện hiến tặng những kinh nghiệm thiện đẹp và có tự do trong thế giới cảm xúc bạn đã có cho muôn loài có duyên.

Nhuận Đạt

—————

[1] Theo kinh Niệm Xứ, Kinh số 10, Trung Bộ Kinh.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo