Chúng ta bị người nhục mạ, bị người hủy báng, bị người hãm hại, đều là do tự mình tạo cả, tự mình phải nên đón nhận, đón nhận một cách hoan hỷ thì món nợ này liền trả xong rồi. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền, quả báo thông ba đời, đâu thể trốn thoát được chứ
Phật nói rất hay: “Mọi thứ đều không mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình”. Vì sao chúng ta vẫn tạo nghiệp? Vì mê hoặc. Đối với những đạo lý này, tuy chúng ta thường hay đọc sách, đọc kinh, nghiên cứu giáo lý, nghe giảng kinh nhưng vẫn không chống nổi sự dụ hoặc của thế gian, không thắng nổi danh vọng, lợi dưỡng, tài, sắc, danh, thực, thùy. Không thắng nổi liền tạo nghiệp. Nghiệp là cái đi theo bạn, bạn tạo nghiệp thiện, bạn sẽ có thiện báo. Bạn tạo tác nghiệp ác thế là có ác báo. Thiện ác báo ứng không phải do quỷ thần giáng cho chúng ta, cũng không phải Phật Bồ-tát, cũng không phải Thượng Đế hay vua Diêm-la đến trao cho chúng ta. Tất cả kiết hung họa phước đều do chính mình tạo nên, tự làm tự chịu.
Chỉ có người chân thật hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm mới bình lặng. Mặc dù gặp phải tất cả tai họa cũng sẽ không oán trời trách người. Bị người khác làm nhục, hãm hại cũng sẽ không oán hận người. Người như vậy biết được điều gì? Biết đây là nhân quả báo ứng, là quả báo. Ta trước đây không xúc phạm người thì ngày nay người khác sẽ không xúc phạm ta. Ta trước đây không có hãm hại người, ngày nay người ta sao có thể hãm hại ta.
Phật dạy nhân quả báo ứng
Chúng ta bị người nhục mạ, bị người hủy báng, bị người hãm hại, đều là do tự mình tạo cả, tự mình phải nên đón nhận, đón nhận một cách hoan hỷ thì món nợ này liền trả xong rồi. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền, quả báo thông ba đời, đâu thể trốn thoát được chứ. Dù bạn thành Phật rồi, thành Phật thị hiện vào trong lục đạo để độ hóa chúng sanh cũng không thể trốn thoát nghiệp báo của đời trước.
Chúng ta đã đọc qua ở trong sách sử, Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần, Thích-ca Mâu-ni Phật bị quả báo phải ăn thứ lúa dùng cho ngựa ăn trong ba tháng. Phật ở trong kinh đã nói với mọi người, nghiệp nhân của đời trước đến lúc này duyên đã chín muồi rồi, dù thành Phật cũng không có cách gì tránh khỏi quả báo.
Ở trong Tông môn có một câu chuyện là Pháp sư hồ ly, rất nhiều đồng tu đều biết rõ. Câu chuyện về Thiền sư Bá Trượng đời nhà Đường. Đại sư Bá Trượng mỗi ngày giảng kinh, có một lão già sống ở sau núi hằng ngày đến nghe kinh. Người thông thường không biết, nhưng Đại sư Bá Trượng thì biết ông ấy không phải là người. Lời thông thường chúng ta nói ông là hồ tiên. Một hôm lão già này thỉnh giáo với Đại sư Bá Trượng, kể rõ quá trình đọa lạc của bản thân ông. Ông đời trước là một vị Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, thính chúng đưa ra câu hỏi cho ông, ông đã trả lời sai, trái nghịch với nhân quả nên bị đọa lạc làm thân hồ ly đã hơn năm trăm năm rồi, hiện tại không có cách gì thoát khỏi đường súc sanh.
Ông cầu Đại sư Bá Trượng giúp đỡ. Đại sư Bá Trượng nói, ngày mai khi tôi giảng kinh, ông hãy nêu ra câu hỏi mà thính chúng đã hỏi ông trước đây. Đến ngày hôm sau, hai người họ bèn biểu diễn, con hồ ly tinh già đưa ra câu hỏi: “Xin hỏi Đại sư, bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả hay không?” Cái ý này chính là nói người chân thật tu hành chứng đạo, chứng quả, chứng quả cứu cánh viên mãn là Phật-đà, Phật-đà có còn rơi vào nhân quả hay không? Đại sư Bá Trượng trả lời là: “Bất muội nhân quả (không lầm nhân quả)”. Trước đây, con hồ ly già này, lúc còn là Pháp sư, đã trả lời người ta là: “Bất lạc nhân quả (không rơi vào nhân quả)”, là sai một chữ. Ngài Bá Trượng sửa lại là “bất muội nhân quả”. “Bất muội” là gì vậy?
Quả báo thì phải chịu, nhưng biết rõ ràng tường tận, biết thấu suốt. “Bất muội” không phải là không có nhân quả. Thánh nhân thế gian là Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần là quả báo của nhân đời trước. Phật Thích-ca Mâu-ni hành khất không có thức ăn, gặp phải nạn đói, người ta đem những thức ăn nuôi ngựa ra cúng dường Phật, Phật cũng tiếp nhận. Đời trước tạo nhân bất thiện, đời này vẫn phải chịu quả báo, Ngài hiểu rõ, Ngài sáng tỏ.
Cho nên người tu hành gặp phải bất kỳ nghịch duyên hay kẻ ác nào cũng đều biết rất rõ ràng, cần đền mạng thì phải đền mạng, cần trả nợ thì phải trả nợ, sau khi hoan hỷ trả xong rồi thì sẽ rõ ràng tường tận.
Chúng ta xem thấy ở trong truyện ký về An Thế Cao, đó là người tu hành chứng quả, đã đến Trung Quốc để trả nợ mạng hai lần. Đời trước ông ngộ sát người ta, trong đời sau ông cũng bị người ta ngộ sát hai lần, ở trong truyện ký đều viết lại rất rõ ràng. Do đó chúng ta mới hoàn toàn khẳng định, người thế gian, nếu như nói giành phần lợi của người khác, là không có sự việc này. Nếu như bạn nói bị thiệt thòi thì cũng không có việc này.
Đời này bạn giành phần lợi của người thì đời sau phải trả lại cho người ta, đời này bị thiệt thòi thì đời sau có được phước báo. Nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai, thiện địa quỷ thần thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Tạo tội nghiệp nhất định là tổn phước giảm thọ. Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc ghi chép những sự việc này rất nhiều.
Hiện nay, những quả báo này có thể nói là càng rõ rệt hơn, chúng ta không có năng lực phát hiện là do chúng ta quá sơ suất, quá lơ là mà thôi. Chỉ cần đầu óc bình tĩnh một chút, quan sát thật kỹ xung quanh thì chúng ta sẽ thấy nhân quả báo ứng rất rõ ràng, tỏ tường phân minh.
Sau đó bạn mới công nhận kinh điển của Phật, giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền không sai chút nào. Chúng ta lơ là thì chỉ là tự lừa mình dối người. Trước đây lão sư Lý thường nói, con người phải nhìn cho xa. Thế nào gọi là xa? Đời sau là xa, đời này là gần, nhìn đời này là bạn nhìn quá gần rồi, bạn phải nhìn đời sau, nhìn về đời sau nữa, bạn mới biết được mình cần phải làm như thế nào có lợi cho chính mình, làm như thế nào có hại cho bản thân. Hiện nay mấy người biết được lợi và hại. Hy vọng mọi người chúng ta biết quí trọng cái nhân duyên này, nghiêm túc nỗ lực mà tu học.