Khi chúng ta trên bước đường học Phật, điều ta mong muốn chính là sự giải thoát. Ta muốn giải thoát mọi phiền não của cuộc đời. Và ta đã đi tìm cầu sự giải thoát này bằng nhiều cách khác nhau.
Ta tìm cầu sự giải thoát thông qua rất nhiều pháp môn hành trì và thường ta quên rằng chính ngay giây phút ta giác ngộ, ngay giây phút đó ta giải thoát.
Nhận ra được điều này thì thay vì tìm một pháp môn nào đó để tu tập, để giải thoát ta thay đổi cách thức tìm kiếm. Ta hãy tìm kiếm sự giác ngộ.
Có rất nhiều người tìm kiếm pháp môn tu tập và họ đã kẹt lại trong pháp môn mà quên mất rằng mục đích tối hậu là sự giác ngộ. Mà giác ngộ thì ngay giây phút giác ngộ đó cũng chính là giải thoát.
Kẹt trong pháp môn hành trì từ chuyên môn gọi là chấp pháp. Người chấp pháp nặng thì khó thoát ra lắm, và đôi khi lại cuồng tín với pháp môn tu học của mình và luôn cho rằng pháp môn tu của mình là số 1 và bài bát tất cả những ai không cùng quan điểm hoặc truyền thống tu tập như mình.
Đạo Phật là con đường giác ngộ
Nhiều người chưa giác ngộ đã vẻ vời ra sự giải thoát theo cái tôi bản ngã, dục vọng của mình. Cho rằng giải thoát là sự như ý. Làm gì cũng được như ý. Chính cái ước muốn mọi thứ như ý lại trở thành một dạng trói buộc khác của tâm thức.
Giác ngộ thật ra đơn giản chỉ là nhận ra bản tâm xưa nay vốn hằng thanh tịnh, sáng ngời trùm khắp của chính mình. Bản tâm là nói theo chữ Hán nói theo tiếng việt là tâm gốc. Nhận ra tâm gốc và sống được với tâm gốc của chính mình đó chính là giác ngộ.
Hay nói một cách đơn giản giác ngộ là nhận ra tâm giác của chính mình. sống ngay tâm giác thì tự động vượt thoát mọi trói buộc, mọi não phiền.
Vì sao ta bị trói buộc, bị phiền não? Ta bị trói buộc bị phiền não là bởi vì ta không sống với tâm giác mà thường chỉ sống với tâm trí. Mà tâm trí chính là nguồn gốc của bản ngã, của vô minh ái dục. Tâm trí thì luôn trong vòng lẫn quẫn của nhị nguyên đối đãi như đúng sai, hay-dở, tốt-xấu, phải-quấy…và tâm trí thường tạo ra những tri giác sai lầm như thấy bóng cây chuyển động qua lại trong gió thì lại tưởng là bóng ma, thấy sợi dây thừng thì tưởng là con rắn.
Sống với tâm trí thì ta không thể nào thấy thực tại như nó đang là mà luôn thấy thật tại thông qua những bức màn do tâm trí vẻ nên và do đó ta càng loại bỏ nỗi sợ hãi, bất an đến từ tâm trí thì ta càng làm cho sợ hãi, bất an lớn mạnh.
Cách hay nhất, tuyệt vời nhất là chuyển vị trí sống. Chuyển từ vị trí vô minh lên vị trí giác ngộ nghĩa là chuyển từ trạng thái sống ở vị trí tâm trí (bản ngã) lên tâm giác (vô ngã).
Ngay vị trí tâm giác ta sống thì ta luôn nhìn thực tại như nó đang là. Ngay vị trí giác ta thấy vạn pháp như thật, như chân nên không còn bị bản ngã, vô minh ái dục sai sử hay làm cho khổ đau nữa. Ngay đó chính là giải thoát.