Có những người không nhiều tiền lắm bạc, nhưng vẫn có tình yêu hạnh phúc vô biên, và ngược lại, không ít kẻ của ăn của để, ngày ngày “ném tiền qua cửa sổ” nhưng vẫn không cảm nhận được rằng mình có một tình yêu và hạnh phúc.
Thực tế, theo các nhà tâm lý xã hội học, đồng tiền chỉ là phương tiện nuôi sống hạnh phúc chứ không là cứu cánh của hạnh phúc. Đồng tiền có thể dùng mua được nhiều thứ, nhưng không mua được mọi thứ, trong đó có tình yêu và hạnh phúc đúng nghĩa.
Về phương tiện vật chất, có những người dư thừa tới độ sẵn sàng phung phí quá mức. Ở những người này, họ có thể đùa với đồng tiền, chấp nhận vung vào những cuộc ăn chơi xa hoa lãng phí. Mục đích của họ là để tìm vui, mua vui, bởi bản thân họ chưa hề bằng lòng với những gì đã và đang có.
Tuy nhiên, trải qua những cuộc ăn chơi trác táng luôn là sự chán chường mệt mỏi. Chẳng hạn sau một cuộc chơi thâu đêm, là nỗi buồn chất ngất, than thân trách phận. Ở những người đang say sưa với cuộc vui, người ta nhầm tưởng mình đang có tất cả trong tay, kể cả hạnh phúc lẫn tình yêu, nhưng khi ra khỏi cuộc chơi, người ta nhận ra rằng mình chưa có gì hết, kể cả tình yêu và hạnh phúc.
Tương tự, nơi một số người có gia đình và tiền của đầy đủ, nhưng chưa hẳn có hạnh phúc. Họ vẫn thường than vãn và có cảm giác đang sống trong một gia đình dư thừa vật chất, nhưng lại phảng phất không khí của nhà tù. Đó là tình trạng và suy nghĩ của những người thừa tiền bạc mà chẳng thể nào mua được tình yêu đích thực. Có những người quan niệm hễ có nhiều tiền, cưới vợ lấy chồng thì tự khắc sau đó giữa họ và đối tượng sẽ phát sinh tình yêu và nẩy nở hạnh phúc. Song, sau một thời gian nhất định, người ta mới nhận ra giá trị của sự chinh phục, chiếm đoạt chỉ mang đến cho họ thứ hạnh phúc giả tạo và tình yêu hời hợt, thậm chí dối trá. Lý do, vì sau một thời gian chung sống với đối tượng, người ta đã thấy rõ đồng tiền có sức mạnh giới hạn mà không thể có sức mạnh vạn năng. Đồng tiền không có khả năng đổi chác hay mua bán được hạnh phúc thì liệu có thứ nào với mãnh lực cao hơn để đảm đương nhiệm vụ này? Tiền bạc hoặc vàng vòng đều là những thứ chỉ dùng làm phương tiện.
Tình yêu chân chính sẽ tạo ra hạnh phúc – các chuyên gia tâm lý học đều nhận định như thế, và chỉ có nó mới đánh đổi và “mua” được hạnh phúc. Đánh đổi và mua ở đây chỉ là hai từ tạm dùng để cụ thể hóa chứ không bao hàm ý nghĩa tình yêu đổi chác sẽ có được hạnh phúc và sau đó mất đi tình yêu. Hạnh phúc chỉ có được khi có tình yêu. Tình yêu chân chính mới có được hạnh phúc. Dĩ nhiên, khó có được tình yêu tuyệt đối nhưng nhất định không khó tìm.