Tết Thanh minh là một trong những nét đặc sắc của văn hóa người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên. Vào ngày này, thường những người còn sống sắp xếp về dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của người thân, tổ tiên mình.
Thanh minh năm 2024 vào ngày nào?
Lễ Tết Thanh minh không có ngày cố định. Một năm có 24 tiết khí, trong đó Thanh minh là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.
Theo lịch vạn niên, tết Thanh minh 2024 bắt đầu rơi vào thứ 5 ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch.
Tiết Thanh minh 2024 kéo dài khoảng 15 – 16 ngày, từ ngày 4/4 đến ngày 19/4 dương lịch (tức 26/2 đến 11/3 âm lịch)
Ý nghĩa ngày Tết Thanh minh
Dân gian quan niệm “sống có nhà, chết có mồ”. Tức là đối với người khuất thì mộ là nhà; đối với người sống thì ngôi mộ khiến cho ta có cảm giác được gần, là nơi thể hiện tình cảm với người đã khuất.
Vào ngày này, chúng ta tưởng nhớ đến người thân đã mất bằng cách chăm sóc, dọn dẹp mộ của họ. Nếu như người thân của mình còn ở trong cõi ngạ quỷ, vong linh, thì họ vẫn được yên lòng. Đây là tấm lòng nghĩa cử tốt đẹp của người sống đối với người đã khuất.
Hơn nữa, việc mình tạ lễ như vậy cũng sẽ giúp cho những vị thần linh cai quản ở vùng đó có thêm phước báu, người thân của mình cũng được an ổn hơn.
Do vậy, Tết Thanh minh cũng là một phong tục truyền thống có tính nhân văn, nhắc nhở chúng ta sống hướng về cội nguồn, niệm tâm tri ân, tỏ lòng thành kính của mình đối với những người đi trước.
Cúng Thanh minh cần chuẩn bị những gì?
1. Sắm lễ ngoài mộ
Hương, hoa, quả (loại quả thì tùy ý và không quy định số lượng là bao nhiêu), nước trắng, xôi hoặc bát cơm trắng, bánh kẹo tùy ý.
2. Sắm lễ ở nhà
a) Đồ lễ
– Cúng Phật: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
– Cúng chư Thiên, Thần Linh: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
– Cúng vong linh (bày lễ ở bát hương thờ gia tiên): Hoa quả, một mâm cơm (chay: rau, củ, quả; tam tịnh nhục) hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.
Lưu ý:
– Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.
– Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
– Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.
– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị. (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ)
– Các đồ lễ, sau khi lễ xong thì thọ thực.
– Cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh, vong linh cũng có thể cúng lễ chay (rau, củ, quả) hoặc cúng lễ bằng tam tịnh nhục (thịt chúng sinh xuất phát từ ba sự thanh tịnh: không tự mình giết, không xui người giết, không nhìn thấy chúng đó bị giết).
b) Địa điểm bày lễ
– Trường hợp chưa có bàn thờ: Sắp 1 bàn, để 3 cốc gạo, sắm 3 lễ bày trước cốc gạo: cúng Phật, cúng Thần Linh, cúng gia tiên.
– Trường hợp có bàn thờ:
+ Chỉ có bàn thờ Phật: Đồ lễ cúng Phật, bày lên lễ cúng Phật; sắp thêm 2 cốc gạo bày hai bên cạnh/dưới nơi thờ Phật: 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng Thần Linh, 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng gia tiên. (Có thể bày cùng ban thờ hoặc nếu ban thờ nhỏ, thì có thể sắp thêm bàn ở gần đó phù hợp với việc lễ cúng.)
+ Chỉ có bàn thờ thổ công: sắp thêm để cúng Phật và vong linh tương tự như trên.
+ Chỉ có 1 bàn thờ vong linh: sắp thêm để cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh tương tự như trên.