Ví dụ như một người có số mệnh nghèo khổ vậy nếu họ cố gắng phấn đấu như là chăm học chăm làm, v.v… họ có cải thiện được số mệnh của họ hay không, thưa thầy. Nhờ thầy giải đáp giúp con ạ. Con cảm thầy.
Đáp:
Con nói vậy là theo thuyết định mệnh an bài rồi, không phải luật nhân quả nghiệp báo mà Đức Phật dạy. Theo luật nhân quả nghiệp báo, mọi người đều có quyền tự do quyết định vận mệnh của mình, tuy nhiên, dù tạo tác để trở thành gì thì cũng phải tuân theo luật nhân quả nghiệp báo cùng với những định luật thiên nhiên, định luật sinh học và định luật tâm lý v.v… nữa mới được.
Có nhiều loại duyên khác nhau trong diễn biến của một sự kiện. Tính ngẫu nhiên và tính tất định đều có mặt khi các yếu tố duyên khởi hợp và tan. Ngẫu nhiên vì nó vận hành tự do chứ không bị ai bắt buộc cả, nhưng dù tự do diễn biến theo hướng ngẫu nhiên như thế nào thì nó vẫn phải tuân theo các quy luật tâm-sinh-vật lý của hướng đó.
Nghiệp chính là hành động tự do tùy hứng của mỗi người, nên có tính ngẫu nhiên, nhưng dù hành động cách nào thì cũng phải tuân theo quy luật nhân quả của nó, nên có tính tất định, vì vậy nghiệp không phải là định mệnh theo nghĩa là một kịch bản bất biến do một Đấng Sáng Tạo an bài cho mỗi người, mà đó là kết quả tất nhiên xuất phát từ hành vi của mỗi người theo luật nhân quả. Chính vì vậy mới nói mỗi người có quyền tự do quyết định vận mệnh của mình trong phạm vi nguyên lý vận hành tự nhiên của pháp.