19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Quy y Tam Bảo, Bồ tát tìm về

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Phật, Pháp và Tăng là ba ngôi báu, ba đối tượng của sự quy y. Khi chúng ta nói đến Phật trong mối liên hệ quy y, chúng ta luôn đề cập đến sự giác ngộ.

Ngục tù sinh tử, tự mình trói buộc,

Dù thượng đế, những người trong Tam giới,

Không người nào đủ năng lực cứu ta

Duy Tam Bảo – thuyền từ chân cứu độ,

Quy y nương tựa Bồ tát tìm về.

Tất cả những hướng đạo tâm linh quý giá, những giáo pháp và sự gia trì của Kim Cương Thừa và Đại Thừa đều cần phải được trao truyền bởi sự truyền thừa từ bậc Thầy tới người đệ tử. Việc thụ nhận trực tiếp khẩu truyền hay quán đỉnh là điều rất quan trọng vì hành giả Kim Cương Thừa cần có truyền thừa giáo pháp mà mình thụ nhận. Tất nhiên, nếu sau đó bạn không thực hành thì sự Truyền thừa đến bạn cũng sẽ giống như ném viên đá xuống biển. Nếu thực hành tốt, bạn sẽ là người duy trì, nắm giữ Truyền thừa và bạn sẽ rất quan trọng trong truyền thừa của chúng ta. Không chỉ có vậy, vì Truyền thừa có nghĩa là sự gia trì, bạn sẽ rất lợi lạc bởi nhận được những ân phúc gia trì này. Điều này cũng đúng với đạo Phật Zen ở Nhật Bản, Phật giáo Trung Quốc hay những hình thức khác của đạo Phật cũng đều có sự kế thừa nhất định.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Như tôi đề cập ở trên, chúng ta cần hiểu về khổ đau. Cái gì là nguyên nhân gây ra khổ đau và thực sự khổ đau là gì? Khi chúng ta đạt tới trạng thái mà chúng ta hiểu và nhận ra nó là gì và nguyên nhân gây ra nó, chúng ta sẽ khởi sinh tâm muốn loại bỏ khổ đau. Sau đó chúng ta sẽ mong muốn đạt được giác ngộ. Tiến trình này hoạt động theo cách từng bước, từng bước một. Mong muốn đạt được giác ngộ, tìm kiếm và khát khao mạnh mẽ sẽ luôn hiện hữu. Đó là thời điểm để bạn quy y. Nếu bạn quy y đúng thời điểm và đủ điều kiện thì điều đó sẽ dẫn bạn đến con đường đạo chân thực. Nếu không, cho dù bạn có quy y đi nữa thì cũng không thực sự là quy y chân thực. Quy y không thể hời hợt trên bề mặt mà phải bắt nguồn từ trong sâu thẳm trái tim bạn.

Những ai là đối tượng để chúng ta quy y? Chúng ta cần quy y những bậc Giác ngộ đã giải thoát khỏi đau khổ. Nếu bạn quy y một đối tượng hay một người vẫn mắc kẹt trong vòng luân hồi đau khổ thì làm sao họ có thể cứu được bạn, làm sao họ có thể bảo vệ được bạn? Điều đó cũng giống như làm sao một người tù có thể giải thoát được những người tù khác? Không thể, họ không thể làm được. Tương tự như vậy, nếu đối tượng quy y vẫn chưa thoát khỏi luân hồi và đau khổ, họ không thể bảo vệ chúng ta. Vậy thì, đối tượng thích hợp để chúng ta quy y chính là những bậc Giác ngộ!

Rất nhiều bậc Giác ngộ có thể giúp chúng ta. Cho dù những bậc chư Thiên trong cõi luân hồi, cõi cao nhất trong ba cõi của Thiên giới, A tu la và cõi Người có vô số quyền năng và phương tiện để giúp chúng sinh và giúp chính bản thân họ, nhưng họ vẫn còn trong luân hồi và mặc dù họ có thể giúp bạn, họ cũng không thể giải thoát cho bạn. Một số truyền thống tín ngưỡng ở Tây Tạng và Trung Quốc có thể tin vào thần linh, chẳng hạn như tin vào việc mỗi cái cây có vị thần linh nhất định có khả năng bảo vệ bạn và gia đình bạn. Hay đôi khi người ta tin rằng thủy thần ở một con sông nào đó có thể giúp họ và vì thế họ xây dựng ở nơi con sông này một điện thờ và quỳ lạy, khấn bái với niềm tin rằng điều này có thể bảo vệ họ. Tất nhiên điều này vận hành thông qua lòng tin của họ và có thể có một linh hồn ở đó có quyền năng tạm thời giúp cho họ. Nhưng những điều này không được coi là tuyệt đối hay đối tượng quy y chân thực.

Phật, Pháp và Tăng là ba ngôi báu, ba đối tượng của sự quy y. Khi chúng ta nói đến Phật trong mối liên hệ quy y, chúng ta luôn đề cập đến sự giác ngộ. Bạn cũng có thể dẫn chiếu đến Đức Phật như nhân vật lịch sử với những công hạnh lợi tha phi thường thời Ấn Độ cổ đại. Trên những bình diện khác nhau điều này là tốt, tuy nhiên, khi chúng ta nói đến Đức Phật trong quy y thì điều này luôn đề cập tới sự Giác ngộ.

Tất nhiên, khi nhắc đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, Đức Phật Kim Cương Trì và nhiều Đức Phật khác, các bậc đã chứng ngộ cũng bao gồm trong số đó, bởi vì các Ngài đã đạt được Giác ngộ. Đó không phải chỉ là hình thức bề ngoài của một người đang ngồi kiết già hay đang đứng với tư thế hai tay hoặc bốn tay hoặc hàng nghìn tay… Đây chỉ là những chi tiết quan trọng thứ yếu nơi các ngài vì điều quan trọng nhất nêu biểu cho các ngài vẫn là sự giác ngộ.

Tiếp đến là Pháp. Giáo pháp có hai khía cạnh. Một là giáo lý được tuyên thuyết bởi Đức Phật và các bậc Thượng sư – những giáo lý thiêng liêng thù thắng. Hai là giáo pháp tinh túy – sự chứng ngộ, cũng giống như khi chúng ta nói đến Đức Phật trong quy y. Giáo lý rất quan trọng, bởi vì nó mang lại cho bạn những sự hướng đạo trực tiếp. Điều này cũng quan trọng trong nghĩa giáo Pháp là đối tượng quy y. Nhưng về mặt bản chất, sự chứng ngộ giống như sự giác ngộ. Khi chúng ta đề cập đến Pháp Bảo thì Chứng ngộ là Pháp tối thượng. Khi chúng ta quy y Pháp, cách thực tế để quy y là bạn hãy thực hành. Thời điểm bạn bắt đầu thực hành pháp là là thời điểm bạn đang thực hành quy y một cách chân thực nhất, nếu không bạn vẫn chưa thực sự quy y.

Tiếp theo là Tăng. Tăng là người đã chứng ngộ. Người có thể giải thoát cho chúng sinh khác cũng là Tăng. Có hai khía cạnh của Tăng. Chúng ta phải hiểu rằng người mà chúng ta đang quy y đã đạt được sự chứng ngộ. Họ có thể chưa là Phật nhưng họ đã chứng ngộ được một số trạng thái của sự hiểu biết và có thể dẫn dắt bạn và giải thoát cho bạn, nhưng chỉ đến được sự chứng ngộ của họ. Ví dụ, nếu tôi đang ở trên mái nhà, tôi có thể ném cho bạn một vài sợi dây và dẫn bạn lên đây. Nhưng nếu tôi muốn đưa bạn đến mái nhà cao hơn, có lẽ tôi không có đủ sức mạnh bởi vì tôi cũng chưa từng ở đó. Chỉ có duy nhất một hy vọng là ở trên mái nhà này, bởi vì tôi đang ở đây và một sợi dây, một cái thang hay một cái gì đó có thể sử dụng được. Chúng ta quy y Tăng vì Tăng già mang đến cho chúng ta sự nương tựa và những giải pháp trên con đường tiến tới giác ngộ!

Kế đến khi nhắc đến bậc chứng ngộ, ta đề cập đến sự chứng ngộ của ngài. Chúng ta không nên đề cập đến hình tướng hay những đặc điểm cá nhân của ngài, cho dù đó có là quốc tịch như người Nhật, người Ấn độ, người Tây Tạng, Trung Quốc hay Châu Âu, hoặc giới tính như là nam hay là nữ mà chỉ đề cập đến sự chứng ngộ của ngài. Khi nói một “người”, là luôn nói đến sự chứng ngộ hay tâm giác ngộ bên trong người đó. Điều đó cũng tương tự như khi bạn nói rằng ai đó là một người xấu thì đương nhiên bạn đang đề cập đến trạng thái tâm của anh ta. Khi nói đến một người ta luôn nói đến tâm của họ. Với một người tốt cũng như vậy.

“Tăng” là những bậc đã Giác ngộ, bất kể nam nữ, quốc tịch, cao thấp, dáng hình, màu da. Điều quan trọng phải là bậc đã có những sở chứng, không nhất thiết phải là chứng ngộ toàn mãn – vì có tới 10 địa[1] hay 10 cấp độ chứng ngộ khác nhau, tuy nhiên vị đó phải đạt được một cấp độ nhất định. Thực chất, Tăng luôn được liên hệ với sự giác ngộ chứ không phải ở mặt ngoại hình, hay thân thể. Đây chính là lý do các vị Bồ tát, hay những vị theo con đường Bồ tát đạo nên suy xét cẩn trọng về quy y vì đây là bước đi đầu tiên trên con đường đạo, nên quy y cần phải được chính xác, đúng đắn và viên mãn chứ không nên theo những cách thế sai lầm.

Như tôi đã nói, quy y luôn luôn tương ứng với sự giác ngộ, chúng ta chỉ cần quy y sự Giác ngộ! Giác ngộ đã gồm cả Phật, Pháp, Tăng; bởi vì chúng ta cần sự trợ giúp của Pháp để có được giác ngộ bên trong, thông qua một số phương pháp, kỹ thuật hay con đường, nếu không chúng ta sẽ không có cách nào giác ngộ, sự giác ngộ mà từ vô thủy đã luôn hiện diện, và bây giờ, về cơ bản vẫn đang hiện diện nơi đây. Chúng ta đã, và đang giác ngộ. Tôi đã, và đang là Phật. Bạn đã và đang là Phật. Có rất nhiều chư Phật trong hội trường này, thật là tuyệt. Nhưng có nhiều vị Phật chưa giác ngộ. Chúng ta chưa giác ngộ, nhưng chúng ta là Phật. Bởi Phật tính vẫn đang luôn ở đó nhưng chúng ta không nhận ra cho nên chúng ta cần một con đường, hay kỹ thuật, tức là Pháp.

Quy y Pháp vô cùng quan trọng vì đó là cốt yếu của sự Giác ngộ, Pháp là trung tâm điểm, quan trọng hơn cả Phật hay Tăng.

Khi bắt đầu thực hành pháp cũng có nghĩa là bạn đang thực hành quy y. Dù có thụ nhận lễ quy y hay bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về quy y nhưng bạn vẫn chưa thực sự quy y cho đến khi bạn bắt đầu thực hành pháp. Trong thực hành Phật pháp có rất nhiều khía cạnh, nhưng điều quan trọng đầu tiên là phải tin chắc và thực hành một cách nghiêm túc quy luật về Nghiệp. Đây là thực hành quan trọng, cốt yếu và thú vị. Đức Phật dạy rằng: “Những khổ đau đó vượt quá sức chịu đựng của chúng sinh, những người mà cuộc đời họ chẳng có gì cả ngoài sự khổ đau.” Những khổ đau trong luân hồi là kết quả của những ác nghiệp mà chúng ta đã tích lũy trong vô số đời trước.

Chú thích

[1]. Mười cấp độ, các quả vị tôn quí của Bồ tát trên con đường đạo để đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Càng đạt tới cấp độ cao, các lỗi lầm vi tế sâu kín sẽ được tịnh hóa và sự chứng đạt sẽ thể hiện qua những phẩm hạnh càng cao quý hơn.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo