back to top
32.2 C
Chư Sê
Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024

Phương pháp viết thư

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Quý vị đừng đợi đến khi có vấn đề mới viết thư. Ta có những niềm vui nào, những hạnh phúc nào, ta thấy người kia có những cái gì hay, cái gì đẹp, cái ân tình gì thì ta viết vào trong lá thư và gửi cho người ấy để người ấy được nuôi dưỡng.

Có một phương pháp rất mầu nhiệm gọi là phương pháp viết thư. Nhiều khi ta nói chưa được khéo nhưng ta có thể viết thư khéo léo hơn. Tại vì sau khi viết xong lá thư thì ta có cơ hội đọc lại. Nếu ta thấy lá thư còn có sự chua chát, buộc tội, cay đắng, trách móc thì ta biết rằng lá thư này chưa dùng được.

Ta sửa chữa hoặc viết lại lá thư khác. Khi đọc lại và thấy lá thư này lời lẽ đủ từ ái, ngọt ngào thì ta mới xếp thư lại, bỏ vào phong bì và trao cho người đó. Viết thư cũng là một hình thức nói nhưng lợi điểm ở chỗ lời lẽ trong thư thường được trình bày khéo léo, suôn sẻ và đầy đủ; còn người kia có cơ hội ngồi đọc lá thư một mình và chiêm nghiệm lá thư trọn vẹn hơn.

“Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ”

346324054_784975443020476_5688895648715841796_n

Đôi khi ta ở chung trong một căn nhà nhưng ta cũng có thể viết thư cho nhau như thường. Và tôi xin đề nghị quý vị đừng đợi đến khi có vấn đề mới viết thư. Ta có những niềm vui nào, những hạnh phúc nào, ta thấy người kia có những cái gì hay, cái gì đẹp, cái ân tình gì thì ta viết vào trong lá thư và gửi cho người ấy để người ấy được nuôi dưỡng. Đó là cách tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi người đó. Sáng hôm nay chồng mình nói được với con một câu rất dễ thương, ta ghi nhận lại những lời đó rồi tối về viết vào trong thư: “Sáng hôm nay anh nói với con một câu rất là dễ thương, em rất cảm phục anh.” Đối với con cái cũng vậy.

Thưa quý vị, nếu ngày nào quý vị cũng nuôi dưỡng con cái của quý vị bằng những lời nói dễ thương như vậy thì sự truyền thông giữa quý vị và con cái sẽ rất tốt đẹp và các cháu sẽ không cảm thấy cô đơn để phải đi tìm niềm vui ở nơi khác. Đó là sự thực tập. Chứ không phải tới chùa lạy cho nhiều hay cúng cho thật nhiều chuối, nhiều xôi, thắp cho thật nhiều nhang mà gọi là tu.

Ta phải thực tập cho thật thông minh mới thành công và mới đem lại kết quả tốt. Điều tối kỵ là không nên để cho sự thực tập rơi vào cái bẫy của hình thức. Là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, ta có bổn phận phải nói ra tất cả những gì ở trong lòng mình cho người mình thương rồi khi nói ta phải sử dụng lời nói dịu dàng, hòa ái. Và người ta thương có những đau khổ, những khó khăn, những ước vọng nào ta cũng phải làm sao để giúp người đó nói ra được. Người đó chưa nói ra được thì phận sự của ta chưa xong. Phải khuyến khích, nâng đỡ và khẩn cầu để người đó có thể nói ra cho ta nghe. Người đó sẽ nói nếu thấy ta có khả năng để nghe và có sự tha thiết muốn nghe. Nếu người đó thấy rằng ta chưa có khả năng nghe thì người đó sẽ không nói. Cho nên ta phải tu tập.

Ta không nên nói: “Anh đâu có chịu nói cho mình nghe.” Điều đó ta không thể trách người kia được, vì ta chưa chứng tỏ được với người đó rằng ta có khả năng nghe nên người đó chưa nói mà thôi. Ta không nên trách móc người đó. Ta phải thực tập thêm để tạo được niềm tin nơi người đó. Và sự thực tập được thể hiện qua hành động và cử chỉ của ta. Không cần nói gì người kia cũng có thể cảm được và người kia phát khởi lòng tin nơi ta.

Thưa quý vị, thương được làm bằng chất liệu của hiểu. Nếu không hiểu thì ta không thể thương được. Hiểu và thương được thực tập trên căn bản ái ngữ và lắng nghe. Hai phép thực tập lắng nghe và ái ngữ thuộc về phạm vi của giới thứ tư trong Năm Giới mà người con Bụt cần phải học hỏi và thực tập cho thật sâu sắc trong đời sống hàng ngày.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn