Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:Này các Tỷ kheo, đầy đủ được ba pháp ấy, một Tỷ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc. Thế nào là ba? Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác.
Thế nào là Tỷ kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng…, mũi ngửi hương…, lưỡi nếm vị…, thân cảm xúc…., ý nhận thức các pháp… đều hộ trì.
Thế nào là Tỷ kheo tiết độ trong ăn uống? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh; vị ấy nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc”.
Thế nào là Tỷ kheo chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy. Ban đêm trong canh cuối cùng, vị ấy thức dậy và trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
Này các Tỷ kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỷ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 1, phẩm Rắn độc, phần Hỷ lạc [lược], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.288)
LỜI BÀN:
Sống an lạc, hoan hỷ và tịnh hóa thân tâm là phận sự, là phương châm sống của những người con Phật. Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, chỉ cần thực hành đầy đủ ba pháp: Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác thì các hành giả đã có những tiến bộ đáng kể trong sự nghiệp tu học.
Bởi nghiệp được tạo ra từ các giác quan, vì không khéo hộ trì nên chúng ta thường bị ngoại cảnh chi phối. Sự ăn uống nếu thiếu chừng mực, không tiết độ cũng khiến thân thể bất an, khó điều hòa và làm trở ngại việc tu tập. Không chú tâm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi thì năm triền cái (dục tham, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi) sẽ chướng ngại thiền định, không thể an tịnh thân tâm.
Do vậy, có thể nói ba pháp này là căn bản, nền tảng của sự tu tập. Hoa trái tịnh lạc, giải thoát, Niết bàn cũng lưu xuất từ đây.