Đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử, và sự giác ngộ của Ngài cũng là một sự thật lịch sử. Quá trình tu tập của Đức Phật đã được chính Ngài thuật lại, nội dung giác ngộ cũng được Ngài nói rõ trong kinh điển.
Thế mà sau mấy nghìn năm, vì mục đích nào đó mà không ít người đã võ đoán hoặc suy diễn về sự giác ngộ của Ngài. Cho rằng, trí tuệ của Đức Phật là tri thức có được từ sự loại suy, quy nạp, diễn dịch, tổng hợp tư tưởng Bà-la-môn giáo, Du-già và các trường phái triết học đương thời. Những quan niệm như thế này là hoàn toàn không đúng với nội dung tu tập và giác ngộ đã được Đức Phật chỉ dạy rõ, được ghi lại trong Kinh tạng Nguyên thủy.
Sự giác ngộ của Đức Phật gắn liền với ý nghĩa giải thoát, là kết quả của quá trình tu tập, không đơn thuần là thay đổi về nhận thức, là những chuyển biến về tư tưởng. Giác ngộ của Đức Phật khác với ý nghĩa ‘ngộ’, ‘giác ngộ’ thông thường của thế gian và các hệ tư tưởng, tôn giáo khác.
Giác ngộ của Đức Phật là sự thấy biết tường tận bằng trí tuệ có được nhờ tu tập thiền định và tư duy quán chiếu. Ngài thấy biết điều gì? Thấy biết nguyên lý của vũ trụ vạn hữu là Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã; thấy biết sự thật về khổ (Khổ), về nguyên nhân của khổ (Tập), về Niết-bàn hay hạnh phúc chân thật (sự vắng mặt hoàn toàn mọi khổ đau-Diệt) và con đường đưa đến nguồn chân hạnh phúc đó (phương pháp tu tập diệt khổ-Đạo). Sự thấy biết này không phải là nhận thức có được từ học tập, kinh nghiệm, mà đây là kết quả của quá trình tu tập thiền Chỉ và thiền Quán thâm sâu. Chính sự giác ngộ này đã dẫn đến sự đoạn diệt hoàn toàn vô minh, phiền não lậu hoặc, khiến Ngài chuyển từ phàm phu thành bậc Thánh giải thoát, chấm dứt con đường luân hồi sinh tử.
Muốn có được sự giác ngộ này, Ngài đã trải qua đời sống đạo đức phạm hạnh và quá trình nỗ lực tu tập thiền định, chứng đạt bốn cấp độ thiền (Tứ thiền). Sau đó, an trú ở cấp độ thiền thứ tư, Ngài hướng tâm trí tư duy, quán chiếu và trực nhận chân lý. Một người không chứng đạt Tứ thiền hoặc chứng Tứ thiền nhưng không phát huy thiền quán hướng tâm trí đến và liễu tri các chân lý Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã và Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) thì không thể trở thành bậc Thánh giác ngộ. Xin nhắc lại, sự giác ngộ của Đức Phật là thành tựu tu tập chứ không phải là sự nâng cao nhận thức và thay đổi tâm lý thông thường.
Nội dung giác ngộ của Đức Phật là sự thấy rõ về Nghiệp, Duyên khởi và Tứ đế. Trong Đại kinh Saccaka (kinh Trung bộ I, số 36), Đức Phật nói rõ:
“Sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời…, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này,… Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ…”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Qua đó chúng ta biết, sau khi chứng cấp độ thiền định thứ tư (Tứ thiền), Đức Phật đã hướng tâm đến Túc mạng minh hay Túc mạng trí, tuệ giác thấy rõ vô lượng kiếp sống quá khứ của chính mình với tất cả nghiệp nhân và nghiệp quả. Sau đó Ngài hướng tâm đến Thiên nhãn minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của các chúng sinh với tất cả nghiệp nhân và nghiệp quả. Cuối cùng Ngài hướng tâm đến Lậu tận minh, tuệ giác chấm dứt các phiền não lậu hoặc, thấy rõ Tứ đế.
Kinh Phật tự thuyết (Udàna, thuộc Tiểu bộ kinh) cho biết: Suốt thời gian bảy ngày đầu sau khi thành đạo Vô thượng Bồ-đề, Đức Phật ngồi kiết-già dưới cội bồ-đề chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Trong đêm thứ bảy, canh đầu, Ngài xuất định và tác ý quán chiếu về lý Duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do duyên vô minh, có các hành; …; do duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Đây là nhân duyên có mặt trên cuộc đời và là sự tập khởi của khổ uẩn”. Khoảng canh giữa, Đức Phật tác ý quán chiếu nghịch chiều lý Duyên khởi. Đến canh cuối, Đức Phật lại tác ý thuận chiều và nghịch chiều lý Duyên khởi.
Bằng tuệ giác, Đức Phật thấy rõ nguyên nhân sinh khởi đời sống con người và nguồn gốc của mọi khổ đau. Ngài cũng thấy rõ con đường cũng như phương pháp đoạn diệt (chấm dứt) khổ đau. Mười hai nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc…) đã tạo nên sự sinh khởi, hiện hữu và luân chuyển của đời sống con người theo nguyên lý Duyên sinh: Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này sanh nên cái kia sanh. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này diệt nên cái kia diệt.
Tóm lại, sự giác ngộ của Đức Phật là kết quả của quá trình tu tập Giới (đạo đức, phạm hạnh), Định (thiền định) và Tuệ (trí tuệ), đó không phải là sự chuyển biến tâm lý, thay đổi tư tưởng nhận thức như chúng ta thường thấy rất nhiều trong đời sống, trong những hoàn cảnh biến cố cuộc đời. Và sự giác ngộ đó là thấy như thật, thấy tường tận bằng trí tuệ thâm sâu các nguyên lý đời sống và con đường hay phương pháp chấm dứt nguyên nhân sinh khởi đời sống, nguồn gốc mọi nỗi khổ niềm đau của con người. Nội dung giác ngộ là Tứ đế, Duyên khởi, Vô thường và Vô ngã.