Đức Phật đã vì chúng sinh, vì chúng ta trải qua không biết bao nhiêu thử thách chông gai, vượt không biết bao nhiêu chướng nạn hiểm nguy, chịu không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ.
Ân đức ấy trời cao khó sánh, biển rộng khôn lường, chúng ta dù trải qua trăm kiếp ngàn đời cũng không bao giờ đền đáp được trong muôn một.
Sự ra đời của Đức Phật là một minh chứng vô cùng sinh động và hùng hồn cho một chân lý lớn: con người hoàn toàn có khả năng đoạn trừ hết mọi khổ đau, đạt được an vui hạnh phúc mãi mãi. Đức Phật vốn là một người bình thường, sinh ra trong bào thai nhờ tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Ngài cũng có cha có mẹ, có vợ có con và cũng từng bị những khổ đau bức bách. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện và tu tập thiền định đạt đến đỉnh điểm của giá trị đạo đức, phát huy công năng trí tuệ tới mức tối đa, tức là nhờ khai mở và phát huy hết tiềm năng to lớn của bản thân, thấu rõ thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi thứ, Đức Phật đã đạt đến an vui và tự tại một cách trọn vẹn.
Ý nghĩa nhân văn cao nhất về giá trị chân thật của con người phải đợi đến khi Đức Phật ra đời thì nhân loại mới có cái nhìn thật sự đúng đắn. Với trí tuệ sáng suốt, thấu rõ mọi sự thật, Đức Phật chỉ ra, tất cả mọi người đều có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của Như Lai, có khả năng phát huy trí tuệ và đạo đức của bản thân đến mức cao nhất, có thể phát huy tiềm năng to lớn của mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp nhất. Tức là Đức Phật đã cho chúng ta một niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tốt đẹp. Niềm tin này không phải mơ hồ, mà đặt trên nền tảng vững chắc của trí tuệ. Niềm tin và hy vọng là những thứ quan trọng cần có của con người khi đối diện với nghịch cảnh, để tiếp tục sống và vươn lên. Lời xác quyết của Đức Phật như tiếp thêm niềm tin và năng lượng giúp chúng ta thiết lập một cuộc sống tốt đẹp.
Thật sự Đức Phật đã thổi một luồng sinh khí vào trong đời sống con người, đem ánh sáng trí tuệ vào nơi vô minh tăm tối, mở ra con đường tươi sáng đến cõi nhân thiên, chỉ hướng vào Niết Bàn tịch tĩnh. Khi Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo, nhiều chủ thuyết khác nhau, nhưng chỉ có Đức Phật mới lấy toàn thể nhân loại làm đối tượng truyền giáo. Niết Bàn, giải thoát mà Đức Phật đề cập, không phải đợi sau khi chết mới đạt được, mà có thể chứng nghiệm và cảm nhận ngay trong giây phút hiện tại.
Lời dạy của Đức Phật, nếu được thực hành đúng đắn, sẽ giúp cho con người cắt đứt những sự trói buộc của tham lam, dục vọng, đạt được thanh thản, thoải mái và tự tại. Ngay đó chính là cảnh giới giải thoát chân thật. Cho nên, nếu nói đến giải thoát theo lời Phật dạy mà không có lợi ích gì cho cuộc sống nhân loại thực tế, không có giá trị gì đối với thế giới hiện thực thì sẽ trái ngược với Chánh pháp của Thế tôn.
Nhờ Đức Phật chúng ta mới thấy rõ, giá trị lớn nhất của đời người là trí tuệ và phước đức, không có gì giá trị chân thật, bền vững và miên viễn hơn phước đức và trí tuệ. Hiểu thấu được chân lý này, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa làm người của chúng ta. Từ đó, ta mới ngộ ra, sự nghiệp lớn nhất, cũng là chân thật nhất của đời người cũng chính là sự nghiệp tô bồi, vun đắp phước đức và trí tuệ của bản thân chúng ta. Chúng ta hiểu được điều này một cách sâu sắc và chắc chắn, chúng ta sẽ xác định được mục tiêu, lý tưởng sống của cả cuộc đời chúng ta.