19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Hãy thừa tự pháp

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Khi sắp nhập Niết-bàn tại Vesàli, Đức Phật đã di giáo chúng đệ tử hãy tôn trọng Pháp, lấy Pháp làm Thầy:

“Sau khi Ta diệt độ, các ông hãy tôn trọng kính quý Ba-la-đề-mộc-xoa, như đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết pháp này là Thầy của các ông. Dù Ta có trụ ở đời cũng không khác pháp này vậy (1).”

Sau lời di giáo ấy, tôn giả Anan bạch Phật: “Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi, chúng con biết nương tựa vào đâu?” Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy nương tựa chính mình, không nương tựa cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa pháp nào khác (2).” Cùng ý nghĩa này, trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy: “Hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật (3).” Vậy thừa tự pháp là gì? Là kế thừa gia tài Pháp bảo của Phật để lại. Bằng cách thấm nhuần lời Phật dạy, rồi áp dụng vào đời sống bằng sự tinh tấn hành trì để được an lạc giải thoát. Sau đó lan tỏa từ trường an lạc ấy đến với tha nhân.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tại sao Phật dạy nên “thừa tự pháp”, đừng “thừa tự tài vật”? Người xuất gia chúng ta, từ bỏ của cải vật chất, cắt ái ly gia với mục đích tìm an lạc giải thoát cho đời này, đời sau. Muốn đạt được mục đích ấy, phải kế thừa di sản Pháp bảo của Phật. Hơn nữa, “người thừa tự pháp sẽ được kính nể, tán thán (4).” Do không thừa tự tài vật, vị ấy có đời sống thiểu dục tri túc, tinh cần từ bỏ đời sống hưởng thọ dục lạc, sống đời sống viễn ly. Còn người “thừa tự tài vật, thì bị quở trách (5).” Do hưởng thụ vật chất quá đầy đủ, vị ấy sanh tâm đắm nhiễm, bỏ bê việc tu tập. Do đó, chướng ngại con đường giải thoát.

Người thừa tự pháp là người chọn đời sống viễn ly, từ bỏ những pháp nên từ bỏ mà Đức Phật đã dạy. Đó là, tham, sân, tà kiến… và để đoạn trừ những tham sân tà kiến… hướng đến tịch tịnh, thắng trí, Niết-bàn, cần tu tập Giới, Định, Tuệ qua Bát chánh đạo. Nương tựa trong Pháp và Luật của Phật (6), tinh tấn, hộ trì các căn, thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ, chánh niệm tỉnh giác, không chạy theo ngoại cảnh.

Cuộc sống ngày nay, đầy đủ tiện nghi về vật chất, nếu chúng ta biết thừa tự pháp thì không hưởng thụ quá mức, mà phải biết vừa đủ. Nếu chúng ta giữ gìn giới pháp đã thọ, tinh tấn hành trì lời Phật dạy, lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, thì vật chất thế gian không thể nào lay chuyển được. Bằng không thì sẽ buông lung sa ngã, rồi đánh mất chính mình, đánh mất đời sống cao thượng mà chúng ta đã chọn.

Như vậy, sau khi học Kinh Trung Bộ, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và công dụng của “thừa tự pháp”, cũng như con đường tu tập để đạt được thắng trí. Vậy chúng ta hãy tinh tấn học Pháp, hành trì Pháp, chọn cho mình một nơi an tịnh độc cư đúng với lời Phật dạy trong Kinh Khu Rừng (7) mà tu tập học hạnh viễn ly.

5/5 - (1 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo