19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Gieo hạt vườn tâm

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Ở tuổi trung niên, tôi đang lặng thầm nhặt rác vườn tâm. Ở tuổi thanh niên, con tôi đang lặng lẽ tưới tẩm những hạt giống mẹ cháu đã gieo trồng.

Audio

Ngày 26 tháng Ba năm 2024, tôi dường như không tin nổi vào mắt mình khi màn hình điện thoại hiện lên hình ảnh cây cầu Francis Scott Key của nước Mỹ bị một chiếc tàu chở hàng mất kiểm soát đâm vào trụ cầu, khiến phần giữa cầu gãy ngang rồi biến mất dưới mặt nước mênh mông của con sông Patapsco chỉ trong mấy giây đồng hồ. Lẫn lộn trong tôi là rất nhiều cảm xúc về một di sản mà tôi trân trọng trong một hành trình học thuật ngang qua nước Mỹ. 

Cầu Francis Scott Key mang tên một luật sư có tâm hồn thi sĩ với bài thơ được phổ nhạc thành quốc ca Mỹ ‘Star-Spangled Banner’ (Lá cờ lấp lánh ánh sao). Cây cầu như một chứng tích lịch sử về một trận chiến nước Mỹ chống lại quân Anh vào năm 1814, được xây dựng tại nơi Francis Scott Key đứng ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong một buổi bình minh và cảm tác thành bài thơ rất đỗi hào hùng và trữ tình.

Chỉ một ngày trước đó, tôi dạy cho sinh viên một di sản có giá trị biểu tượng về lòng yêu nước mà Francis Scott Key để lại cho người dân Mỹ ở muôn đời sau qua bài quốc ca. Suốt mấy ngày qua, tôi bần thần theo sát truyền thông, mong biết thêm thông tin về số phận của những công nhân nhập cư đang phải nằm lại dưới lòng sông lạnh giá cùng với một phần di sản hữu hình của nước Mỹ chưa biết đến ngày nào khôi phục được. Tuy vậy, di sản vô hình tướng là tinh thần Francis Scott Key thì theo tôi sẽ vẫn mãi trường tồn. 

Trong nhiều giờ phút đó, tôi miên man suy niệm về tính “chấp ngã” trong Phật giáo.

Khi mắt nhìn một tấm ảnh chụp chung, ta sẽ săm soi và vui buồn theo ảnh của người nào trước nhất? Khi tay cầm chiếc điện thoại, có lần nào ta phân vân trước mục quảng cáo mời gọi ta sở hữu những tài sản hào nhoáng đổi bằng món nợ ngân hàng? Khi đọc bản tin về những tang thương ở các đất nước hết gây chiến đến trả thù trong một vòng lặp nhân-quả đầy thảm khốc, lòng ta có xót xa trước những mất mát đau khổ của người dân vô tội?   

Ta chấp vào “ngã mạn” để tự tôn bản thân, khiến những người xung quanh có những cảm xúc tiêu cực hay tự ti vì cảm thấy mình thấp kém. Ta chấp vào “ngã sở” để tích cóp tài sản cho bản thân, rồi có khi phải vẫy vùng trong những cái bẫy tài chính chẳng có lối ra. Nghiêm trọng hơn là khi những cá nhân ở vị trí cầm quyền chấp vào “ngã kiến” cho rằng mình và dân tộc của mình luôn đúng, để không ngại ngần tận diệt đối phương và gây khổ đau nối tiếp khổ đau.

Vậy làm sao để ta giảm bớt khổ đau vì “chấp ngã”?

Ở tuổi trung niên, tôi đang lặng thầm nhặt rác vườn tâm. Ở tuổi thanh niên, con tôi đang lặng lẽ tưới tẩm những hạt giống mẹ cháu đã gieo trồng.

Ở tuổi trung niên, tôi đang lặng thầm nhặt rác vườn tâm. Ở tuổi thanh niên, con tôi đang lặng lẽ tưới tẩm những hạt giống mẹ cháu đã gieo trồng.

Tôi có một em đồng môn làm nghề kế toán. Giữa dằng dặc những con số em tính toán mỗi ngày để cân đối các khoản thu chi, em ngóng về các tài khoản lợi nhuận có dư và luôn dư. Một ngày tôi lắng nghe em trò chuyện về những bước đi mới có lẽ em chuẩn bị cho một hành trình khác. Trong khi vẫn làm việc toàn thời gian, em tranh thủ học thêm một chương trình về tâm lý và tìm hiểu sâu về khoa học thiền định. Có lẽ sẽ đến một ngày các tài khoản lợi nhuận có dư và luôn dư không còn là “ngã sở” của em nữa, đó là khi những hạt giống em gieo sẽ đơm hoa ở giữa vườn thiền vắng bặt “ngã mạn” và “ngã kiến”.

Tôi nói với con tôi rằng di sản của tôi để lại cho con sẽ chẳng có nhà cao hay xe đẹp để “ngã sở” thừa cơ trỗi dậy. Đến lúc tôi tan biến giữa dòng đời như một cây cầu đã tan biến giữa dòng sông, di sản vô hình tướng mà một người theo nghề giáo như tôi để lại cho con chỉ là một trái tim nhân hậu, một tấm lòng tử tế và tinh thần trách nhiệm với những người xung quanh, để “ngã mạn” và “ngã kiến” cũng trong tầm kiểm soát. Giữa điệp trùng biến động đỏ xanh của thị trường chứng khoán, những trồi sụt của tỉ lệ lãi ngân hàng và những lấp lánh mời gọi của ánh sáng đô thị, mẹ con tôi ráng hướng đến tinh thần vô ngã: biết mình nhỏ bé, biết cần vừa đủ, và biết nên yên lặng giữa thế giới nhiễu loạn đủ thanh âm.

Từ những hạt giống đơn sơ tôi gieo vào vườn tâm của một thiếu nhi rồi một thiếu niên nhiều năm về trước, tôi mong rằng con tôi sẽ bớt “chấp ngã”, để tự tìm an vui cho mình và lan tỏa an vui giữa muôn nẻo nhân duyên gặp gỡ. Ở tuổi trung niên, tôi đang lặng thầm nhặt rác vườn tâm. Ở tuổi thanh niên, con tôi đang lặng lẽ tưới tẩm những hạt giống mẹ cháu đã gieo trồng.

Và cứ thế mẹ con tôi đi qua từng ngày thanh thản, thong dong.

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo