Một lời nói nhẹ nhàng, một chia sẻ chân thành, có thể gắn kết những người xa lạ trở nên thân tình với nhau. Nhưng chỉ cần một tiếng bấc, tiếng chì cũng đủ để gây nên sự bất hòa, mất tình giao hảo, thậm chí tạo nên oán thù nếu người tiếp nhận lời nói đó không buông bỏ được.
Tình cờ lướt báo, tôi đọc được tâm sự của một người chồng khi Tết này vợ cương quyết không chịu về quê chồng ăn Tết nữa. Bởi năm đầu tiên khi về làm dâu và đón Tết ở nhà chồng, do chưa quen tập tục, lại thêm đang mang thai không được khỏe, nên người vợ có phần không xông xáo, tháo vát việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa, lo cỗ bàn cho ngày Tết. Điều này đã khiến mẹ chồng không vui và có những lời trách mắng, xỉa xói rất nặng đối với con dâu.
Theo chia sẻ của người chồng, những ngày sau đó, vợ anh đều cố gắng dậy sớm, chủ động quét dọn, nấu bữa sáng, mâm cỗ cúng gia tiên ba ngày Tết theo ý mẹ chồng khiến bà thay đổi thái độ, không khí cũng dễ chịu hơn.
Nhưng năm nay, khi nghe chồng đề cập đến việc sắp xếp thời gian, xe cộ để về quê, thì cô vợ đã thẳng thắn bảo rằng, sẽ ở lại thành phố đón Tết một mình, rồi sau đó ẵm con về ngoại. “Anh còn nhớ, mẹ anh đã bảo có con dâu cũng như không, năm sau không cần về nữa. Cái gì em quên được chứ câu nói ấy em muôn đời nhớ”, cô vợ chua chát. Đến lúc này, người chồng mới giật mình, chút chuyện cũ đó anh đã quên và hẳn mẹ anh cũng không còn nhớ nhưng vợ anh thì vẫn ghim chặt trong lòng mà ấm ức.
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy, người ta thường bảo “Lời nói gió bay”, nhưng thực tế, có khi trái lại:
Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà mắt lại cay cay
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi.
Thật vậy, tuy không phải là đao kiếm, nhưng lời nói có tính sát thương rất lớn. Một lời nói nhẹ nhàng, một chia sẻ chân thành, có thể gắn kết những người xa lạ trở nên thân tình với nhau. Nhưng chỉ cần một tiếng bấc, tiếng chì cũng đủ để gây nên sự bất hòa, mất tình giao hảo, thậm chí tạo nên oán thù nếu người tiếp nhận lời nói đó không buông bỏ được.
Dân gian có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” (Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra). Trong kinh Đức Phật cũng thường dạy, phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ có đốt cháy một đời này, còn như lời nói ác sẽ đốt cháy trong vô lượng kiếp. Như có vị Sa-di nọ chê một Tỳ-kheo tụng kinh giống tiếng chó sủa. Tỳ-kheo đó nghe được, dạy vị này sám hối. Dù sám hối nhưng vẫn không hết tội, nên vị Sa-di đó phải đọa làm 500 kiếp chó.
Một lời nói đẹp, thiện lành được thốt ra, thể hiện tâm Phật nơi mình. Một lời ác, mắng chửi, chê bai, nguyền rủa người khác, ấy là khi tâm ma đang dấy khởi. Nhà Thiền có câu chuyện đối đáp giữa ngài Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Khi đang ngồi tham thiền, Tô Đông Pha hỏi thiền sư:
– Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế nào?
– Trông ngài giống Đức Phật.
Tô Đông Pha nghe thế vui lắm. Thiền sư hỏi lại:
– Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?
Vốn là xưa nay, khi đối đáp với Thiền sư Phật Ấn, ngài Tô Đông Pha luôn thua, hôm nay được dịp thiền sư hỏi, nên ngài đáp:
– Trông ngài ngồi thiền giống một đống phân bò.
Thiền sư nghe thế im lặng mỉm cười.
Tô Đông Pha nghĩ rằng Thiền sư Phật Ấn thua nên không nói nữa. Về đến nhà, ngài thuật lại câu chuyện cho em gái Tô tiểu muội nghe.
Nghe xong câu chuyện, cô trầm ngâm hồi lâu rồi nói: – Anh thua ngài Phật Ấn rồi!
Tô Đông Pha hỏi:
– Thua chỗ nào?
Cô nói:
– Tâm của thiền sư giống Phật nên nhìn anh như Phật, còn tâm anh như đống phân bò nên nhìn thiền sư như đống phân bò!
Thế đấy! Ý luôn làm chủ, ý tạo tác là vậy.
“… Đừng nói lời cay độc
Rồi bảo ‘thẳng tính thôi’
Biết đâu khi quay lại
Đã mất đi một người”.