Đức Chúa Ông hay còn được gọi tắt là Đức Ông. Là một đệ tử tại gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thời Phật còn tại thế Ông là một thương nhân cực kỳ giàu có.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã từ rất sớm bằng nhiều con đường khác nhau. Tư tưởng của Phật giáo về Nhân quả, Từ bi, Bác ái..v..v đã nhanh chóng hòa nhập với nền văn hóa Việt nam, tạo nên một đạo Phật Việt nam mang tính riêng biệt. Lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hơn 2000 năm, do đó đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với mái chùa, giếng nước, sân đình.
Mỗi một cư dân đồng bằng Bắc Bộ, khi mở làng lập ấp việc đầu tiên tổ tiên chúng ta quan tâm và đề cập tới là; việc xây dựng Đình và Chùa. Cho thấy tầm quan trọng của hai nơi thờ tự này, được người xưa ví Đình và Chùa là “Mộ tổ của nhân dân”. Nhà thơ Nguyễn Bính đã thể hiện điều này trong bài thơ Quê Tôi như sau:
“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm:
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”.
Trong mỗi ngôi chùa cổ của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ rất đỗi thân thương quen thuộc ấy, khi bước vào Chính điện (Tam Bảo) nguy nga với những tượng Phật, Bồ Tát từ bi tự tại chúng ta còn thấy hai bên tả hữu có ban thờ của Đức Chúa Ông (Đức Chúa Quan) và Đức Thánh Hiền.
Đức Chúa Ông hay còn được gọi tắt là Đức Ông. Là một đệ tử tại gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thời Phật còn tại thế Ông là một thương nhân cực kỳ giàu có. Tên thật của ngài là Tu Đạt, vì có điều kiện giàu có về tài chính nên thường xuyên chu cấp, giúp đỡ cho người nghèo khó, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, nên mọi người kính ngưỡng tặng cho biệt hiệu là Cấp Cô Độc (người chu cấp cho những người cô đơn, nghèo khổ…). Ngài còn là một đại thí chủ đã đứng ra mua đất để xây tịnh xá, với rất nhiều số vàng và thỉnh Phật ở tại đó giảng kinh thuyết Pháp độ chúng sinh. Kinh điển thường gọi là tịnh xá Kỳ Viên. Ngài được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước đến nay. Ngài không bao giờ từ chối đề nghị bố thí nào, không từ chối công việc phụng sự nào. Theo kinh điển Phật giáo, sau khi qua đời, Ngài được sinh vào cõi trời.
Đức Chúa Ông có công rất lớn trong sứ mệnh hộ trì Phật pháp, và cải tiến xã hội thời đức Phật tại thế, với những cống hiến cả về đạo và đời. Về mặt đời, Ngài đóng góp tích cực và hữu hiệu công tác cải tiến xã hội như: việc lập các trung tâm dạy nghề, cứu đói, viện dưỡng lão, trại mồ côi, hàng ngày luôn chuẩn bị sẵn 500 khẩu phần ăn tại nhà cho những người xin ăn nghèo đói. Về mặt đạo, Ngài được coi là vị hộ Pháp, là bậc thánh đã đắc Sơ quả Tu Ðà Hoàn. Vì có công lớn hộ trì chính pháp, lại trọn vẹn các hạnh từ, bi, hỉ, xả nên Ngài được thờ trong các ngôi chùa với tên gọi là Đức Ông hay Đức Chúa Ông – Đức Chúa Quan.
Ban Đức Ông luôn được đặt bên tay trái của ban Tam Bảo (tay phải là ban Thánh Hiền), với ý nghĩa rằng người thay Phật hoằng pháp, giáo hóa quần sinh là các tu sĩ, còn người hộ pháp là các cư sĩ nhân dân Phật tử tại gia. Khi vào lễ chính điện, mọi người thường vào từ cửa tay trái, tới ban Đức Ông lễ trước để bẩm báo, vì theo tâm linh ngài có công xây chùa và là vị thần canh giữ ngôi chùa.
Trong đời sống tín ngưỡng của Phật tử nhân dân, Ngài không chỉ là vị Thần canh giữ chùa, Đức Ông còn là vị thần bảo hộ cho trẻ nhỏ. Trong nhân dân, những đứa trẻ khó nuôi, phạm giờ hay quấy khóc, sức khỏe yếu thì cha mẹ sẽ bán khoán con lên chùa vào cửa Đức Ông, để được đức ông bảo hộ chở che. Khi mãn hạn bán khoán, gia đình có thể làm lễ chuộc năm 13 hoặc 18 tuổi, hoặc tiếp tục bán vào chùa thêm thời gian bao lâu tùy chọn. Xuất phát từ mong muốn được phúc đức của Đức Ông che chở, bảo vệ và chăm lo cho đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, bậc làm cha mẹ sẽ quyết định bán con vào cửa chùa. Đồng thời việc làm này còn giúp con trẻ ngoan hơn, lành tính, không nghịch ngợm, ngỗ ngược. Những trẻ nhỏ được bán vào cửa Đức chúa gọi là con khoán. Làm đệ tử của Ngài thường sẽ đến chùa tụng kinh, lễ Phật, nghe giảng. Để học và làm theo những điều mà Đức Ông dạy, trở thành người hoàn thiện đạo đức và có ích hơn cho xã hội. Ngoài ra Đức Chúa Ông còn là một thương gia trước khi quy y làm đệ tử Phật, và Ngài còn có khả năng biết rõ các kho tàng của cải trong thế gian, nên vì vậy, người ta đến chùa còn để cầu nguyện với Ngài về kinh doanh, buôn bán, sự nghiệp, gia đạo..v..v..
Hàng năm cứ vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch là ngày khánh đản của Ngài, các con trẻ được bán khoán cửa Ngài, đều tụ hội ngày đầu năm để lễ trình.
Mỗi người đi lễ chùa đều không thể không biết về hạnh nguyện và kính lễ Đức chúa, để học hỏi về đức tính từ bi, bố thí, và hộ trì của Ngài. Ngõ hầu hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng đạo đức, kiến tạo đời sống xã hội được bình an tốt đẹp. Nguyện cầu: Phật quang phổ chiếu -Thánh giá du xuân, thánh ân lưu bố, Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà an lạc.