Không phải nhiều người, mà rất nhiều người, hiểu lầm rằng từ bi là tình thương, hành động giúp người khác, phóng sinh các loài vật mà không hề suy xét, không cần sự hiểu biết.
Trong Phật giáo Bắc truyền, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm là một trong những biểu tượng cho lòng từ bi. Hình tướng của Ngài thường được biểu hiện qua hình dáng người nữ – người mẹ; và hầu hết ít ai nghĩ rằng ngài Tiêu Diện đại sĩ – vị thần trong dáng diệu dữ dằn, đầu có sừng, lưỡi dài khạc ra lửa, dân gian gọi là “Ông Ác”… cũng là một trong những hóa thân của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
Nguyên tắc của lòng từ bi là sự cầu mong cho chúng sinh vạn loại bớt và thoát khổ, đồng thời gia tăng sự an ổn, an lạc, hạnh phúc. Đó không phải là giá trị mang tính lý tưởng cũng như dành cho người thực hành tôn giáo, mà là nền tảng cho các giá trị tích cực khác trong đời sống, trong mọi lĩnh vực.
Phóng sinh: Yêu mến tự do và đức hiếu sinh
Từ bi cũng thường bị hiểu lầm là tình thương bất chấp công lý, điều phải trái, như người mẹ bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh kể cả khi con cái phạm pháp, làm điều sai quấy.
Và chắc chắn một điều rằng, từ bi đúng nghĩa cần phải có ánh sáng trí tuệ soi chiếu, không đầu hàng trước những hành động sai trái trong xã hội, không dung túng cho sự tùy tiện, thiếu hiểu biết, làm càn, bị dẫn dắt theo kiểu bầy đàn, và dĩ nhiên không phải là sự cam chịu, càng không khuyến khích sự đành phận, yếu đuối, thụ động, lệ thuộc một cách mù quáng, mà ngược lại, đòi hỏi lòng dũng cảm, nghị lực mạnh mẽ và trí tuệ sáng suốt.
Phóng sinh chẳng hạn, một việc làm thiện lành được phát triển trên nguyên tắc không sát sinh, tôn trọng sự sống của mọi loài, nhưng không vì vậy mà phóng thích bất cứ loài nào, không kể ở đâu, không tìm hiểu nguyên nhân cũng như các điều kiện và môi trường sống chung, xem nơi sẽ phóng sinh có phù hợp hay không. Đôi khi vì phóng sinh với lòng trắc ẩn bột phát, hoặc có lúc với mục đích ích kỷ là mong trao đổi lấy sự may mắn, mưu cầu phước đức, thích gì thả đó để rồi công đức thì chưa thấy mà tác hại tới môi trường sống, vô tình tạo nghiệp xấu, chịu sự lên án của dư luận.
Trong tinh thần hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử và người dân về bảo vệ nguồn thủy sản thông qua hoạt động phóng sinh góp phần đa dạng hóa sinh học, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán tự phát những loài thủy sản ngoại lai xâm hại môi trường, đầu tháng 1-2017, Trung ương Giáo hội đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điều đáng tiếc là chỉ sau thời gian ký kết không lâu đã xảy ra sự việc hiện đang dậy sóng trong dư luận liên quan tới việc phóng sinh các loài thủy sản, trong đó có cá chim trắng. Mong rằng những nội dung đã được ký kết trong Biên bản trên sớm đi vào đời sống thực tế, có tác dụng và phát huy ý nghĩa của nó, để hoạt động phóng sinh được hướng dẫn một cách đúng đắn, đem lại ý nghĩa trong tinh thần từ bi, là một sinh hoạt tu tập thực hành tâm từ bi thực sự của tín đồ, một nghi thức đã trở thành quen thuộc trong thực hành tín ngưỡng của đông đảo Tăng Ni và Phật tử.