Nói năng và hành xử sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi. Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm.Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích.(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bà la môn, phần Lời nói, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.701).
LỜI BÀN:
Nói năng và hành xử sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi. Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình. Thực ra, hành vi và cách nói năng này không phải là thiện thuyết, khéo nói mà là ỷ ngữ, nói lời thêu dệt, phù phiếm, nịnh hót làm mê hoặc người.
Theo tuệ giác Thế Tôn, để trở thành người khéo nói, trước hết phải nói đúng lúc. Xác định đúng thời điểm để mở lời về một vấn đề nào đó rất quan trọng. Nếu cảm thấy chưa đúng thời thì không nên nói vì dù có nói ra cũng không mang đến kết quả.Kế đến, khéo nói chính là nói thật vì không có gì mầu nhiệm, cao siêu hơn nói về sự thật. Đành rằng, không phải nói ra bất cứ sự thật nào cũng có lợi cho mình và người, cho nên phải chờ đúng lúc mới nói. Và một khi đã hợp thời thì quyết không bưng bít hay nói sai sự thật.
Mặt khác, lời nói phải nhẹ nhàng, hòa ái nhằm mang đến sự tin cậy và hòa hợp. Phải trưởng dưỡng nội tâm thanh thản thì mới có thể nói được lời thanh tao, nhẹ nhàng. Lời nói sẽ trở nên hay tuyệt khi mình và người đều được lợi ích. Quan trọng hơn lời nói phát ra vì lòng từ, vì tình thương, luôn mong muốn cho người được an lành, lợi lạc. Cho nên những ai biết “nói như hoa” đúng lúc, đúng với sự thật, nhu hòa, lợi ích và từ ái thì chắc chắn người này gặt hái được nhiều an vui, hạnh phúc.
Không phải không có nguyên nhân khi người xưa nói “tai họa từ miệng mà ra”. Do vậy, tu tập để chuyển hóa những lời nói thô ác trở nên thiện lành nhằm tránh xa những xung đột, bất hòa, khổ não là điều cần thiết trong đời sống hàng ngày của mỗi người con Phật.