back to top
28.9 C
Chư Sê
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử. 

1. Đại sư

Theo Từ điển Nho, Phật, Đạo (1) thì Đại sư là danh từ Phật giáo. Du già sư địa luận: “Có khả năng giáo hóa được vô lượng chúng sinh, diệt trừ được khổ não, lại vì diệt trừ ngoại đạo tà uế mà xuất hiện ở thế gian, cho nên gọi là đại sư”. Đại sư có 5 loại công đức:

1. Không có sai lầm thiếu sót gì về đức hạnh;

2. Giỏi lập pháp;

3. Khéo vận dụng các điều sở học;

4. Có khả năng khéo léo đoạn trừ nghi hoặc;

5. Dạy bảo cho chúng sinh xa lìa được phiền não.

Phật được gọi là Tam thế đại sư. Tới thời Đường, phàm là Tỷ kheo được sắc phong đều gọi là “Đại sư”, như Tam Tuệ đại sư, Thanh Liên đại sư…

Đại sư Tinh Vân

Đại sư Tinh Vân

2. Pháp sư

Từ điển Nho, Phật, Đạo định nghĩa Pháp sư như sau:

1. Xưng hô Phật giáo. Tạp A Hàm kinh: “Chỉ những người đối với sắc sinh lòng yếm li, dục diệt, tận tịch tĩnh pháp thì được gọi là Pháp sư; những người đối với thụ, tưởng, hành, thức, sinh lòng yếm li, dục diệt, tận tịch tĩnh pháp thì được gọi là Pháp sư”. Biện trung biên luận cho rằng: Người có đầy đủ 10 công đức như: Thư tả, Cúng dường, Thí tha, Thính, Phi độc, Thụ trì, Chính thăng, diễn thuyết, Tu, Tư mới được gọi là Pháp sư, tức với trên thì hoằng dương Phật pháp, với dưới thì làm thầy mọi người. Tóm lại, chỉ người tinh thông Phật pháp, xứng đáng làm thầy cho người khác thì gọi là pháp sư. Cũng chỉ nhà sư chuyên giảng giáo pháp.

2. Xưng hô Đạo giáo. Chỉ Đạo sĩ giỏi về pháp thuật làm bùa và kêu cầu.

Từ điển Phật học Hán – Việt (2), trang 971 viết: Pháp sư (Dharma-bhanaka) (thuật ngữ): Người tu hành tinh thông Phật pháp xứng đáng làm thầy cho người khác. Lại có nghĩa là nhà sư chuyên giảng giáo pháp.

Ngũ chủng Pháp sư (số). 5 hạng pháp sư gồm: 1. Thụ trì; 2. Độc kinh; 3. Tụng kinh; 4. Giải thuyết; 5. Thư tả, gọi chung 5 hạng Hoằng thông Pháp hoa sư, kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư: “Nếu lại có người Thụ trì, Độc Tụng, Giải thuyết, Thư tả kinh Diệu Pháp Liên Hoa”.

Thập chúng Pháp sư (số). 10 bậc Pháp sư. Theo Biện trung biên luận gồm:

1. Thư tả; 2. Cúng dàng; 3. Thí tha; 4. Thính; 5. Phi độc; 6. Thụ trì; 7. Chính khai diễn; 8. Giảng thuyết; 9. Tụng; 10. Tư tu.

3. Thái sư

Theo Từ điển tiếng Việt 2011 (3): Thái sư (cũ): Chức quan đầu triều thời phong kiến (đứng đầu trong hàng tam công).

Đại Việt sử ký toàn thư (4) viết: Mậu Thìn, năm thứ 19 (1028), tháng 11 (Lý Thái Tông) cho Lương Nhậm Văn làm Thái sư, Ngô Thượng Đinh làm Thái phó.

Những nhầm lẫn hiện nay về Đại sư, Pháp sư, Thái sư

Pháp sư là danh từ Phật giáo, định nghĩa rõ ràng và chặt chẽ, nên ít sai nhầm. Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX có các Pháp sư nổi tiếng như Pháp sư Võ Khánh Anh ở Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Pháp sư Thích Trí Độ. Trên thế giới tên tuổi các Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp Thuận, Chử Vân, Tinh Vân… khá nổi tiếng.

Hay nhầm là hai danh từ Đại sư và Thái sư, rơi vào trường hợp Thiền sư Khuông Việt thế hệ thứ 2 dòng thiền Vô Ngôn Thông. 

1. Khảo sát một số sách Lịch sử và sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (5), chúng tôi thấy:

a) 2 bộ quốc sử: 1 bộ chép là Khuông Việt Thái sư, 1 bộ ghi là Khuông Việt Đại sư.

b) Trong 8 cuốn sách về Lịch sử Phật giáo thì:

4 cuốn ghi Khuông Việt là Thái sư.

4 cuốn ghi Khuông Việt là Đại sư. 

2. Khảo sát các tham luận tại 2 Hội thảo

a. Hội thảo Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước do Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình tổ chức tháng 4 năm 2010, tại Ninh Bình (6): Trong tổng số 50 bài tham luận có 30 bài nói đến Thiền sư Ngô Chân Lưu: có 8 bài nói Khuông Việt là Thái sư; 22 bài nói Ngài được ban hiệu Khuông Việt Đại sư.

b. Hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập do Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức tháng 3 năm 2011, có 80 bài tham luận trong đó có 48 bài viết về Thiền sư Khuông Việt: Có 6 bài nói Ngài là Khuông Việt Thái sư, 42 bài nói Ngài được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư (7).

Qua khảo sát, chúng tôi thấy: Nguyên nhân thứ nhất, những sách và bài tham luận viết Khuông Việt là Thái sư là do nhầm lẫn giữa chức vụ và danh hiệu của Thiền sư Khuông Việt.

Thái sư là chức quan đầu triều, thuộc hàng Tam công (Thái sư, Thái úy, Thái phó). Theo Lịch triều hiến chương loại chí thì vào thời Đinh, chưa đặt chức quan này. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tân Mùi, năm thứ 2 (971) (Tống Khai Bảo năm thứ 4. (Đinh Tiên Hoàng). Mới định ra giai phẩm các quan văn võ và tăng đạo. Cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân; cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt Đại sư, cho Trương Ma Ny làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi”. (8)

Thập đạo tướng quân là chức quan đứng đầu quân đội; Sĩ sư là chức quan đứng đầu việc tư pháp trong nước.

Tăng thống là chức quan đứng đầu các tăng đạo, Tăng lục là chức quan thứ hai, ở dưới Tăng thống.

Rõ ràng, chức quan của Ngô Chân Lưu thiền sư là Tăng thống, vua ban hiệu là Khuông Việt Đại sư.

Nguyên nhân thứ hai có thể do dịch nhầm chữ Đại sư và Thái sư mà xuất phát từ bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sách sau dựa vào bộ quốc sử triều Nguyễn này, nên sai lũy tiến.

Nguyên nhân thứ ba là do sự phân tích, nhìn nhận về Khuông Việt như học giả Lê Mạnh Thát đã viết:  “Khuông Việt chắc chắn đã tham gia vào các công việc của triều đình. Có lẽ tước Khuông Việt Đại sư thực tế là Khuông Việt Thái sư, tức là vị tể tướng khuông phò nước Việt. Chỉ với chức vụ ấy thì mới khuông phò được nước Việt. Chứ chỉ là một vị đại sư bình thường như bao đại sư khác, thì làm gì có thể khuông phò”.

Sang thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành, năm đầu (981), đặt quan có các chức Thái sư, Thái úy, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ (như phong Hồng Kính người Trung Quốc làm Thái sư, Phạm Cự Lượng làm Thái úy, Từ Mục làm Đại Tổng quản tri quân dân, Đinh Thừa Chính làm Nha nội Đô chỉ huy sứ). Sau, vua bãi bỏ, chỉ có chức Tổng quản coi việc quân dân [năm Hưng Thống thứ 7 (995)] cho Từ Mục làm chức ấy, tóm giữ việc nước tức là công việc của tể tướng. 

Như vậy, dưới thời Đinh và thời Tiền Lê, mặc  dù Ngô Chân Lưu được Đinh Tiên Hoàng hoặc vua Lê Đại Hành trọng dụng coi ông như tể tướng, nhưng chức quan cao nhất của ông là Tăng thống. Viết đúng, gọi đúng là Khuông Việt Đại sư.

Thời Tiền Lê cho tới thời Trần có nhiều người là Thái sư, nhưng cũng trong thời gian này Phật giáo chỉ có  ba vị thiền sư được nhà vua ban danh hiệu là Đại sư. Đó là Đại sư Khuông Việt (thời Đinh), Đại sư Thông Biện và Đại sư Mãn Giác đều ở thời Lý.

Ngoài ra, còn có Đại sư Nguyễn Minh Không như sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, trang 371 ghi: Tân Hợi, năm thứ 4 (1131): dựng nhà cho Đại sư Minh Không. Không rõ danh hiệu Đại sư của Nguyễn Minh Không do vua ban hay do người đời sau xưng tụng.

Sách Thiền uyển tập anh cho biết có một bậc cao tăng được người đời gọi là Na Ngạn Đại sư, đó là Ẩn Không ở huyện Na Ngạn (tức huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), Lạng Châu. Đại sư là đệ tử của Thiền sư Thần Nghi (?-1216), được Thần Nghi trao truyền tập phả đồ (tức tập Nam tông tự pháp đồ của Thiền sư Thường Chiếu) trước khi ngài viên tịch.

Chú thích: 

1. Lao Tử, Thịnh Lê (chủ biên), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb Văn học, 2001.

2 Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Kim Cương Tử (chủ biên), Từ điển Phật học Hán – Việt, Nxb Khoa học xã hội, 2004.

3 Từ điển tiếng Việt 2012, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển ấn hành năm 2011, tr 1171.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004.

5. Các  cuốn sách khảo sát gồm:

   1. Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Thiền uyển tập anh, soạn vào thế kỷ XIV, NXB Văn học, 1990. Chép Khuông Việt là Đại sư.

   2. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính Đại Việt sử ký toàn thư, soạn năm 1697,  NXB Văn hóa Thông tin, 2004, ghi Khuông Việt là Đại sư.

  3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong năm 1884,  NXB Giáo dục, 2007. Viết Khuông Việt là Thái sư.

    4. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB Tân Việt, Hà Nội, xuất bản lần đầu tiên năm 1943, gọi Khuông Việt là Thái sư.

   5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, 1994, gọi Khuông Việt là Thái sư.

   6. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Các Phật học viện Sài Gòn, xuất bản năm 1974, ghi là Thái sư.

   7. Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1988, viết Khuông Việt là Đại sư.

   8. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, lúc thì ghi Khuông Việt là Đại sư, lúc thì ghi là Thái sư.

   9. Nguyễn Duy Hinh, Lịch sử đạo Phật Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, 2009, ghi Khuông Việt là Đại sư.

  10. Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, NXB Phương Đông, 2009, ghi Khuông Việt là Thái sư.

6. Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình,  Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học Xã hội, 2010.

7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập do Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức tháng 3 năm 2011.

8. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, tái bản 2004.

 

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo